Saturday, December 25, 2010

QUỐC GIA NGHĨA TỬ - TẤM LÒNG CỦA NHỮNG ĐỨA CON (Người Việt)

Bài: Anh Anh & Nguyễn Khoa Thái Anh (từ Sài Gòn)
Hình: Trần Quý Hoan
Friday, December 24, 2010

Ðốm lửa nhỏ giữa lòng Sài Gòn

LTS: Bài viết dưới đây được tác giả Nguyễn Khoa Thái Anh gởi đến tòa soạn từ Sài Gòn. Ðồng tác giả của bài ghi chép là cô Anh Anh, một cựu học sinh Quốc Gia Nghĩa Tử khóa 1974, có thân phụ là cựu sĩ quan Võ Bị Ðà Lạt khóa 11. Xin trân trọng gởi đến độc giả.

--------------------

Ðiện thoại của Kim Tiếng reo mấy tiếng đục và khô khốc. Bỏ đũa, chị tìm lấy cái phone trong ví và áp lên tai. Ngồi kề bên, tôi chỉ nghe loáng thoáng, tiếng được, tiếng mất:

Từ phải sang: Hồ Thị Ngọc Lang, Phạm Thanh Nga, Thái Hà, mẹ Nguyễn Thị Vợi, Anh Anh, và Kim Tiếng.

- “Cái gì...? ba của Minh... Hả...? mất hồi nào?”
Khi Kim Tuyến bỏ điện thoại xuống, chúng tôi vỡ lẽ: Ông Cửu, người đàn ông duy nhất trong số bảy phụ huynh thuộc nhóm Quốc Gia Nghĩa Tử mà chúng tôi đi thăm và ủy lạo một tuần trước đây, đã từ trần.
Ông Nguyễn Văn Cửu, 83 tuổi, thuộc binh chủng Nhảy Dù, là thương phế binh từ năm 1957, vĩnh viễn ra đi lúc 12 giờ trưa Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2010. Ông là thân phụ của cô Minh trong nhóm Quốc Gia Nghĩa Tử. Minh đang học lớp 10 vào thời điểm 1975, khi miền Nam thất thủ.

Bạn Thái Hà (trái) và bác Nguyễn Văn Cửu.

Còn nhớ, lần đi thăm bác Cửu tuần trước, một thành viên trong nhóm, là chị Thanh Nga, còn thưa: “Thưa bác, chúng cháu còn đi thăm những quả phụ khác, xin phép được tạm biệt bác, hẹn gặp lại bác năm sau...”
Bác Cửu trả lời: “Cám ơn các anh chị đến thăm và giúp đỡ gia đình chúng tôi. Năm sau, khi về đây, tôi sẽ không còn đây để gặp lại anh chị đâu...”
Không ngờ, câu nói bình thản của ông đã trở thành lời tiên tri, báo trước sự ra đi - lời giã từ cõi đời, mà đối với ông, có lẽ quá khắc nghiệt.

***

Tôi nhận lời theo một nhóm các anh chị, vốn là cựu học sinh Quốc Gia Nghĩa Tử, đi thăm các bà mẹ Quốc Gia Nghĩa Tử, hiện còn sống tại Việt Nam, vào đầu tháng 10 vừa rồi.
Một trong những người tổ chức là chị Phạm Thanh Nga, xuất thân từ một cô bé nhà nghèo, đi bán vé số ở Sài Gòn, cha là lính Biệt Ðộng Quân VNCH, thuộc Sư Ðoàn 37, bị thương trong trận đánh Quảng Trị năm 1966. Thanh Nga vượt biên sang Mỹ năm 1982, làm ăn thành công phát đạt ở San José, và hay về Việt Nam làm thiện nguyện.

Ông Nguyễn Văn Cửu, 83 tuổi.

Ba năm trước, Phạm Thanh Nga khởi xướng chương trình đi thăm viếng và ủy lạo các bà quả phụ tử sĩ Quốc Gia Nghĩa Tử, đang sống trong hoàn cảnh bệnh tật và nghèo khó. Và các chuyến viếng thăm như vậy trở thành thông lệ.
Chuyến đi sáng ngày 4 tháng 10 là chuyến thăm viếng thứ tư. Chúng tôi khởi hành khoảng 9 giờ sáng từ khách sạn Thanh Nga trú ngụ ở quận 1. Nhóm gồm 6 người; ba người từ hải ngoại về thăm quê nhà, gồm chị Thái Hà, Phạm Thanh Nga (Quốc Gia Nghĩa Tử khóa '75) và tôi; 3 người kia là dân ở Sài Gòn.
Tuy Thanh Nga là trưởng nhóm, người chủ xướng và đóng góp chính về mặt tài chánh, là cô Anh Anh (QGNT khóa '74, thân phụ là cựu sĩ quan Võ Bị Ðà Lạt khóa 11, từ trần 1957). Những người trong nhóm còn có Trần Quý Hoan, QGNT '75, cô Kim Tiếng, QGNT '75, đều là học sinh kỳ cựu của QGNT.

Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2010, chúng tôi khởi hành thăm viếng các gia đình Quốc Gia Nghĩa Tử ở Sài Gòn và vùng ven đô, gồm:
1. Bà Phạm Thị Phấn, 81 tuổi, (thân mẫu của anh Ðàm Quang Chung, QGNT '74, mất tháng 9, 2009), hiện ngụ tại phường 1, quận 10. Thân phụ của anh Chung là ông Ðàm Quang Phục, Sư Ðoàn 22 Bộ Binh, tử trận năm 1970 tại chiến trường Darkto.
2. Bà Nguyễn Thị Vợi, 78 tuổi; mẹ của Hồ Thị Ngọc Lang, QGNT '75, ngụ tại khu tạm cư thuộc Quận Sáu, Sài Gòn. Thân phụ chị Ngọc Lang là ông Hồ Văn Bê, Ðịa Phương Quân, tử trận, mất xác tại chiến trường U Minh Hạ 1962, năm 31 tuổi.
3. Bà Hoàng Thị Hoa, 78 tuổi; mẹ của Nguyễn Thị Kim Hương QGNT '75, cư ngụ tại bờ kè Nhiêu Lộc, quận 3, Sài Gòn. Thân phụ của Kim Hương là ông Trần Văn Dung, thuộc Biệt đội cảnh vệ liên đoàn phòng vệ phủ Tổng Thống Ngô Ðình Diệm tại Blao (Bảo Lộc), tử trận khi đang thi hành công vụ năm 1960.
4. Bà Lê Thị Hai, 87 tuổi, thân mẫu của Tống Kim Sơn, QGNT '71, cư ngụ tại quận 10, Sài Gòn. Thân phụ của Tống Kim Sơn là ông Tống Từ Vân, binh chủng Bộ Binh, tử trận năm 31 tuổi tại chiến trường chiến khu D, trận Phước Thành, năm 1961.
5. Bà Trương Thị Bảy, 84 tuổi; thân mẫu của Nguyễn Thị Bích Thủy, QGNT '75, cư ngụ tại quận Gò Vấp, Sài Gòn. Thân phụ của Bích Thủy là ông Nguyễn Văn Ðức, Trung Sĩ Biệt Ðộng Quân, tử trận chiến trường Pleiku “Mùa Hè Ðỏ Lửa” 1972.
6. Ông Nguyễn Văn Cửu, 83 tuổi; vừa qua đời ngày 11 tháng 12, 2010, vợ là bà Nguyễn Thị Hợp, 82 tuổi; thân phụ mẫu của bạn Nguyễn Thị Minh, QGNT '75, cư ngụ tại quận Tân Bình, Sài Gòn.
7. Bà Phạm Thị Tươi, 83 tuổi, thân mẫu chị Nguyễn Thị Cúc, QGNT '71 (chị Cúc bị bệnh nhân tâm thần suốt 35 năm nay), cư ngụ tại quận Bình Thạnh, Sài Gòn.
8. Bà Ðoàn Thị Ðăng, 79 tuổi, thân mẫu của Nguyễn Thị Tin, QGNT '71. Thân phụ của chị Tin là ông Nguyễn Quý, biệt đội cận vệ phủ Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, tử trận khi bảo vệ phủ tống thống trong cuộc đảo chánh 1960. Gia đình bà Ðăng cư ngụ tại huyện Hóc Môn, Sài Gòn.
9. Bà Trần Thị Ra, 80 tuổi, thân mẫu của Cao Bảo Trị, QGNT '74, hiện cư ngụ tại huyện Thống Nhất, Ðồng Nai. Thân phụ Cao Bảo Trị là ông Cao Văn Nuôi, 80 tuổi, thương binh chiến trường Ðông Dương, 1959.
10. Bà Nguyễn Thị Sàn, 78 tuổi, thân mẫu của Nguyễn Thị Hai, hiện cư ngụ tại quận Thanh Khê, Ðà Nẵng.

***

Chiếc xe chở những người con của Quốc Gia Nghĩa Tử, và các bạn hữu, tiến vào đường Trần Bình Trọng “nối dài,” vốn là con hẻm trong khu tạm cư của người Việt chạy loạn từ Cambodia về năm 1972. Ðây là khu “nhà ổ chuột,” dân cư đa phần là dân lao động phổ thông, thu gom ve chai, bán than, chạy xe ôm, làm nhân công, hoặc “mua gánh bán bưng...”
Xe đỗ ngoài đầu hẻm, chúng tôi rảo bước vào con hẻm nhỏ hơn nữa để đến dịa chỉ đầu tiên: Thăm bà Phạm Thị Phấn.
Mẹ Phấn có 12 người con, 2 người chết khi còn nhỏ, con cả là Ðàm Quang Huỳnh tử trận trong chiến trường Bình Long 1972. Mẹ có 3 người học trường Quốc Gia Nghĩa Tử, gồm Ðàm Quang Chung (khóa 74), Ðàm Quang Mai (khóa 75 kỹ thuật), Ðàm Quang Dũng (khóa 75). Ngoài ra còn có Ðàm Quang Hưng là Thiếu Sinh Quân.
Con gái thứ tám của mẹ Phấn là Ðàm Thị Tuyết Nhung, bị sốt bại liệt từ năm 8 tuổi, nay đã 49 tuổi, chỉ có thể lê lết trong nhà. Mẹ Phấn, với gánh ve chai trên vai, ròng rã khắp hang cùng, góc hẻm suốt hơn 30 năm để nuôi 9 đứa con ăn học và trưởng thành. Mẹ ngã quị năm 2007, tai biến làm mẹ bị liệt nửa thân dưới, nằm một chỗ, không thể xê dịch, không còn đi lại được. Anh Ðàm Quang Chung là giáo viên, nghỉ hưu sớm vì không đủ sức lao động. Anh ở nhà chăm sóc cho mẹ và em gái.

Mẹ Phạm Thị Phấn (đang nằm trên giường) và, từ phải sang trái: Thái Hà, Thanh Nga.

Ðời sống chật vật, túng bấn, Ðàm Quang Chung từ trần sau một cơn tai biến mạch máu não tháng 9, 2009. Ðàm Thị Tuyết Ðông là con gái út của mẹ Phấn, đã phải nghỉ việc tại nhà máy may công nghiệp, ở nhà chăm sóc cho mẹ. Căn nhà nhỏ lụp xụp lại là nơi tá túc của gia đình 9 người: Mẹ Phấn, vợ chồng anh Ðàm Quang Mai và 2 con cùng vợ chồng Ðàm Tuyết Ðông và 2 con.
Chúng tôi bước vào một khung cửa hẹp chừng 0.7 mét. Diện tích căn nhà chừng 15 m vuông, chật hẹp và thấp vì phải cơi nới thêm gác gỗ mới đủ chỗ cho 9 con người chung sống. Mẹ Phấn nằm trên ghế bố, xanh xao, mệt mỏi. Tuyết Nhung ngồi bệt ở một góc nhà, lúng túng nhìn đám người chúng tôi đang lao xao tiến vào. Tuyết Ðông nhanh nhảu mời khách vào nhà.
Không đủ chỗ ngồi, tất cả xúm quanh nơi mẹ nằm. Tôi chào mẹ, trình bày lý do đến nhà, tôi lại giới thiệu với các bạn tôi về hoàn cảnh của mẹ và gia đình người bạn quá cố khóa '74 của chúng tôi. Thanh Nga và Thái Hà xúc động, ghé sát bên mẹ hỏi thăm sức khỏe. Thái Hà trìu mến trao đến mẹ món quà nhỏ, là lòng tri ơn của những đứa con Quốc Gia Nghĩa Tử, một chút an ủi, chia sẻ những lo âu, khó khăn mà mẹ đã nặng mang suốt một đời quả phụ.
Mẹ Phấn run giọng nói lời cảm ơn, cố kìm nén xúc động. Thanh Nga, Thái Anh và Thái Hà, có lẽ vì là lần đầu tiên đối diện với hoàn cảnh thực tế của một bà mẹ Quốc Gia Nghĩa Tử, nên đã không giấu được sự xúc động. Tất cả rảo bước ra xe, không nói lời nào.

Mẹ Ðoàn Thị Ðăng và con gái, Nguyễn Thị Tin, và Thái Hà.

Rời nhà Mẹ Phấn, chúng tôi đến địa chỉ thứ nhì, ở quận Tám - nhà của mẹ Nguyễn Thị Vợi, 78 tuổi, thân mẫu của Hồ Thị Ngọc Lang.
Thân phụ của Ngọc Lan là ông Hồ Văn Bê, Ðịa Phương Quân, tử trận và mất xác tại chiến trường U Minh Hạ, năm 1962, lúc 31 tuổi.
Mẹ Vợi là quả phụ lúc 25 tuổi, một nách 5 con. Mẹ tảo tần buôn gánh, bán bưng, rau trái, hàng rong để nuôi các con khôn lớn. Bốn người con gái là nông dân tại Tiền Giang. Hồ Thị Ngọc Lang độc thân, làm thuê, lao động phổ thông, để sinh nhai và nuôi mẹ.
Xe tiến vào một khu dân cư nằm bên lề đường Nguyễn Văn Luông, thuộc xa lộ Ðông Tây, khu vực quận 6. Ðường mới mở nên loang loáng xe hơi vút qua, cảnh quang khang trang và hiện đại, không như trước đây là bến Hàm Tử lụp xụp, lúc nhúc, chen chúc dân tứ xứ trôi giạt với kiếp sống thương hồ.
Nhưng, chỉ có con đường là sáng sủa với những hàng cột điện mới tinh, thẳng tắp, mặt đường nhựa mới, rộng thênh thang và phẳng lì là đã được “nâng cấp,” khu dân cư bên trong lề đường thì vẫn còn thấp lè tè. Sao mà giống như một nơi xa xôi hẻo lánh nào chứ không phải đang nằm trong nội thành Sài Gòn.
Xe đỗ ngoài đường lớn, chúng tôi lội bộ vào trong xóm. Xung quanh chúng tôi là những ngôi nhà cất sơ sài bằng ván, bằng tôn, bằng vật liệu dễ tìm, dễ nhặt, dường như “dễ xin hơn là phải mua.”
Chắc là cư dân sống tại khu vực này giờ không còn “trôi” nữa, mà đã giạt hẳn lên bờ cả rồi. Bằng mọi cách, họ tạo nên nơi trú ngụ cho đoạn tháng, qua ngày... Nói lội bộ cũng thật chính xác. Ðường đi có nhiều đoạn lầy lội, ngập nước, 4 phụ nữ lúng túng không thể bước qua. Quý Hoan phải chạy đi tìm những mảnh bê tông vất lung tung đâu đó để lót tạm cho chúng tôi loạng choạng bước qua. Ấy vậy mà Thanh Nga và Kim Tiếng cũng không tránh được giẫm chân vào bùn sình trơn trợt.

Từ trái: Kim Tiếng, Thanh Nga, Thái Hà và mẹ Lê Thị Hải

Vào nhà, Ngọc Lang phải bê ra một thau nước cho các bạn rửa chân, lau chùi khô ráo, sạch sẽ rồi mới dám bước vào trong nhà. Nhà thoang thoảng mùi hành tỏi. Ngọc Lang cho biết, cả khu này làm nghề lột vỏ hành, tỏi. Ngọc Lang làm hai ngày được trả công 30 ngàn đồng Việt Nam (bằng giá một tô phở hạng trung bình). Công lao cho hai ngày rưng rưng nước mắt là vậy đấy!
Mẹ Vợi gầy gò, ngồi nghiêng mình trên chiếc ghế nhỏ nơi góc nhà. Mẹ đang bị suy tim, bị sưng tấy lên ở cột sống do biến chứng của bệnh tiểu đường lâu năm, ảnh hưởng cả đến 2 chi dưới nên rất khó xoay trở. Mẹ mời mọi người vào nhà.
Trước mắt tôi, đây không hẳn là một căn nhà, mà phải gọi là “lều.” Căn lều diện tích chỉ hơn 6m vuông. Lắp ghép bằng phên tre, giấy báo, ván ép... bằng những vật liệu cũ, nhặt lấy từ những ngôi nhà xây mới ở đâu đó đã thải ra.
Mọi người cố thu vén chỗ ngồi sao cho thật gọn trong cái không gian quá khiêm tốn. Ðối diện thêm một cảnh đời ảm đạm của thân phận một quả phụ, Thanh Nga ngậm ngùi không nói nên lời, Thái Hà run giọng khi nói lời tri ân mẹ, quên mình, hy sinh cả đời lam lũ, tần tảo nuôi 5 đứa con tới lớn khôn. Giờ đây già yếu, mẹ lại phải sống trong cảnh túng thiếu và bệnh tật triền miên.
Mẹ Vợi bối rối nhận món quà mọn từ chúng tôi, nói lời cảm ơn mọi người có lòng đến thăm.
Chúng tôi từ giã mẹ ra về. Trên đường đến chỗ đậu xe, mọi người đi hàng một chậm rãi, có lẽ đang mang chung một suy nghĩ: “Ta đang làm gì đây? Và sẽ làm được gì hơn nữa không?”

Nắng chói chan. Ðã 10 giờ 30 rồi, chúng tôi còn tới 6 địa chỉ nữa, bước nhanh lên xe thôi!
Chúng tôi đi về phía quận 10, đường Tô Hiến Thành. Xe đỗ trước một con hẻm nhỏ mang số 79. Ðiểm đến thứ 3 là nhà mẹ Lê Thị Hai, 87 tuổi, mẹ của Tống Kim Sơn, Quốc Gia Nghĩa Tử khóa 71.
Thân phụ Tống Kim Sơn là ông Tống Từ Vân - thuộc binh chủng Bộ Binh, tử trận năm 31 tuổi tại chiến khu D, trận Phước Thành năm 1961.
Mẹ Hai là quả phụ khi vừa 27 tuổi. Mẹ làm việc tại Cục Quân Nhu, nuôi 5 con gái trưởng thành. Các con, gồm Kim Sơn, Kim Soàn và Thu Thủy, Quốc Gia Nghĩa Tử khóa 75.
Thời gian còn làm việc, mẹ Hai là hội viên hội “Quả Phụ Phạm Phú Quốc.”
Nhà mẹ Hai nhỏ thôi, nhưng được bài trí nhẹ nhàng, xinh xắn. Bước vào cửa là căn phòng nhỏ, ngổn ngang... trẻ con nằm ngủ ngon lành! Thì ra, Kim Soàn nhận giữ trẻ trong nhà, một công việc để sinh sống và thuận tiện chăm sóc mẹ già tại nhà.
Bước chân vào phía trong là căn phòng bài trí ngăn nắp, không gian ấm cúng, tươm tất, thanh bạch. Không gian của một gia đình tiểu công chức ngày xưa! Mẹ Hai cười vui vẻ mời chúng tôi ngồi.
Mẹ Hai là bà mẹ Quốc Gia Nghĩa Tử cao tuổi nhất, 87 tuổi, nhưng vẫn rất minh mẫn. Nói chuyện với mẹ, chúng tôi cảm thấy bình an và ấm lòng vì sự hiền lành, chân thật. Từ giã mẹ Hai ra về, tâm trạng mọi người đã nhẹ nhàng hơn.

Sau 20 phút nữa, chúng tôi lại đứng trước một căn nhà trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình. Ðó là nhà của ông bà Nguyễn Văn Cửu, 83 tuổi, và Nguyễn Thị Hợp, 82 tuổi. Hai ông bà là thân phụ mẫu của bạn Nguyễn Thị Minh, Quốc Gia Nghĩa Tử khóa 1975.
Căn nhà cũng là cửa hàng bán quần áo thời trang. Bạn Nguyễn Thị Minh mời chúng tôi vào nhà, kèm theo lời giải thích: Nhà trước cho thuê bán hàng, còn gia đình, bố, mẹ, và bảy anh chị em ở phần sau.
Căn nhà sâu hun hút, dễ có đến hơn 30m, được ngăn thành nhiều phòng nhỏ. Minh giới thiệu bố với mọi người. Trước mắt tôi là bác thương phế binh Nguyễn Văn Cửu, nhỏ người, mất một chân phải, trên mũi bác còn đang mang ống thở dưỡng khí. Bình Oxy đặt bên cạnh, bác ngồi trên võng, chung quanh ngổn ngang vật dụng cần thiết cho sinh hoạt trong ngày cho một người tàn tật.
Một chi tiết thú vị: Thân phụ của Quý Hoan (Quốc Gia Nghĩa Tử khóa 75) là Trung Úy Trương Quý Mại, là cấp chỉ huy của bác Cửu. Thế là hai bác cháu sôi nổi nhắc tên những đồng đội cùng đơn vị Nhảy Dù ngày nào.
Bác Cửu hào hứng nhắc lại những ký ức anh dũng của thân phụ anh Hoan trong trận đánh cuối trước khi ông tử trận cũng như những giai thoại khi còn tại ngũ. Tôi ngạc nhiên, vì lần đầu chứng kiến một người đang phải thở dưỡng khí mà có thể nói chuyện dõng dạc, sôi nổi như thế.
Bạn Minh cho biết, bác Cửu bị viêm phế quản mãn tính, ra vô nhà thương thường xuyên, “không biết bao nhiêu lần trong năm.” Bác đang trong tình trạng “chờ đợi!” Một chiếc lá vàng đang lắc lay trước gió!

Thăm hỏi, tặng quà và chúc bác Cửu chóng khỏe, chúng tôi từ giã ra về. Quý Hoan mặt đỏ hồng lên, phấn khích chia sẻ: “Hoan sẽ báo cho mẹ biết mới tìm ra được đồng đội của cha. Mẹ chắc sẽ vui lắm.”
Tôi cười, rất thông cảm với Hoan. Chúng tôi - những đứa con Quốc Gia Nghĩa Tử - đều hãnh diện khi ai đó biết đến quá khứ hào hùng, oanh liệt của cha mình.
Mọi người ra xe với tâm trạng vui vẻ hẳn lên, thẳng tiến đến địa chỉ thứ sáu ở Quang Trung, Gò Vấp.

Ngõ vào nhà Bích Thủy có bảng cấm xe trên 1 tấn rưỡi nên chúng tôi phải đi bộ gần... 1 cây số. Hẻm rộng, xe tải có thể chạy, mà chúng tôi phải đi bộ nên rất ấm ức, nghi ngờ chú lái xe đói bụng nên trở tính khó chịu. Ðồng hồ chỉ 12 giờ trưa!
Ðịa chỉ thứ 7 mà chúng tôi đến thăm là... bệnh viện Nhân Dân Gia Ðịnh, khoa cấp cứu. Mẹ Ðoàn Thị Ðăng, 79 tuổi, thân mẫu của Quốc Gia Nghĩa Tử khóa 71, Nguyễn Thị Tin, đang nằm tại đây.
Thân phụ của chị Tin là ông Nguyễn Quý, thuộc Biệt Ðội cận vệ phủ Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. Ông Quý tử trận khi bảo vệ phủ tống thống trong cuộc đảo chánh 1960.
Chị Tin ra tận cổng hướng dẫn chúng tôi lên phòng bệnh ở lầu 2, khoa Phục Hồi Tim Mạch. Phòng bệnh chật ních người nuôi và thăm bệnh. Không khí nhiều loại mùi kỳ lạ. Là người khỏe mạnh mà tôi vẫn cảm thấy ngột ngạt, khó thở.
Mẹ Ðăng nằm trên giường bệnh, thở dồn dập, chằng chịt ống thở, ống truyền dịch trong mũi, trên ngực, trên tay chân. Tình trạng nguy cấp! Chúng tôi không dám ở lâu nơi quá “nhạy cảm” này nên chào hỏi mẹ xong, Thái Hà và Thanh Nga gửi quà cho chi Tin, an ủi chị cố gắng chăm sóc mẹ và vượt qua lúc chật vật khó khăn này. Chúng tôi ra về. Sinh, lão bệnh, tử, biết là định mệnh nhưng phải chứng kiến cái giây phút cheo leo giữa “thừa chết thiếu sống,” sao cứ thấy hoang mang!

***

Chuyến thăm viếng các bà mẹ Quốc Gia Nghĩa Tử để lại trong chúng tôi ít nhiều khắc khoải.
Cuộc chiến thảm khốc đã chấm dứt hơn 35 năm qua, nhưng hệ lụy vẫn còn rõ ràng, mồn một, và trực tiếp lên người còn sống. Họ còn sống để trả nợ đời, trả nợ tiền nhân vì những oan khiên chồng chất của đất nước. Họ là những người thương phế binh già nua, họ là con cháu của những người đã hy sinh cho đất nước trong vòng nửa thế kỷ nay, được chế độ cũ ghi ơn bằng những học đường mang tên Quốc Gia Nghĩa Tử mà nay không còn.
Dòng đời và cuộc sống ồ ạt đã chôn họ dưới những chiếc võ hào nhoáng của xã hội mới rồi chăng?
Nói thế cũng không sai, nhưng vẫn chưa đủ. Những đốm lửa lòng của người ở lại trong bao năm u tối, nay được thắp sáng lên với củi lửa của những đứa con lưu lạc ở những phương trời xa nay đã trở về. Từ đó, cái chói ngời của tình thương, của nghĩa cử, của máu mủ lòng người trong nhóm Quốc Gia Nghĩa Tử bắt đầu rực sáng.
Ở một góc độ rộng lớn hơn, “máu chảy ruột mềm,” hơn 5 triệu người Việt Nam của khắp 3 miền đất nước đã nằm xuống trong cuộc huynh đệ tương tàn, gia đình họ, những người sống có được ghi nhớ xứng đáng không?
Hy vọng, chuyến đi nhỏ nhoi này sẽ thắp sáng lên tình thương, huy động được sự góp lửa, sưởi ấm lòng những người con mọi miền còn lại của đất nước.
.
.
.

No comments: