Saturday, December 25, 2010

CÂU LẠC BỘ VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VÙNG HOA THỊNH ĐỐN (VOA)

Hà Vũ
Thứ Sáu, 24 tháng 12 2010

Những ngày cuối năm 2010, vùng Washington D.C, MarylandVirginia nhộn nhịp các sinh hoạt của các hội đoàn để kỷ niệm ngày thành lập, tổng kết hoạt động trong năm hay cám ơn sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt trong năm qua. Cũng trong truyền thống đó, vào ngày Chủ Nhật 26 tháng 12, Câu lạc bộ Văn học Nghệ thuật vùng Hoa Thịnh Đốn sẽ tổ chức một buổi dạ tiệc dạ vũ với sự bảo trợ của các tổ chức truyền thông trong vùng. Trong chuyên mục sinh hoạt Cộng đồng Việt Nam vùng Washington D.C, Maryland và Virginia tuần này, Hà Vũ xin giới thiệu cùng quý vị Câu lạc bộ Văn học Nghệ thuật vùng Hoa Thịnh Đốn.

Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật vùng Hoa Thịnh Đốn được thành lập vào năm 2000 qui tụ một số văn nghệ sĩ và những người yêu chuộng nghệ thuật. Nhà thơ Hà Bỉnh Trung hiện là chủ tịch câu lạc bộ, tuy tuổi đã cao nhưng vẫn năng nổ hoạt động để câu lạc bộ được hình thành và các văn nghệ sĩ có nơi sinh hoạt.

Anh Hoàng Vi Kha, Thơ ký của Câu lạc bộ cho biết về quá trình thành lập câu lạc bộ:
“Khởi ý từ một số quí cụ sinh hoạt trong văn bút. Rồi có một số cuộc họp mặt, sinh hoạt kiểu bỏ túi rồi sau đó mới đi đến quyết định thành lập một câu lạc bộ để qui tụ lại. Cuối cùng là có một phiên họp vào mùa hè năm 2000 gồm các cụ lớn tuổi và những người trẻ thảo luận và thành lập Câu lạc bộ đồng thời thành lập website của câu lạc bộ cũng vào thời gian đó.”

Từ khi thành lập cho đến nay, Câu lạc bộ Văn học Nghệ thuật vùng Hoa Thịnh Đốn đã tổ chức nhiều buổi triển lãm tranh, ảnh, trình diễn Ca, Vũ, Nhạc, ra mắt sách. Anh Hoàng Vi Kha giải thích thêm:
“Sinh hoạt chủ yếu của Câu lạc bộ Văn học Nghệ thuật đi liền với văn học nghệ thuật chẳng hạn như giới thiệu ra mắt sách, triển lãm tranh, ảnh, giới thiệu tác giả, nhiều khi không phải trong nhóm Câu lạc bộ Văn học Nghệ thuật vùng Hoa Thịnh Đốn mà có thể từ nhiều nơi tới. Và có tổ chức những buổi sinh hoạt văn nghệ bỏ túi về những chủ đề mùa Thu, mùa Đông, v.v để cho những cô chú, anh chị em trong giới văn nghệ sĩ có dịp gặp mặt trao đổi, hoặc là sinh hoạt ấm cúng như đàn, ca hát với nhau.”

Ngoài ra câu lạc bộ còn tổ chức nhiều cuộc thi về văn, thơ, nhiếp ảnh… có giải thưởng để khuyến khích sinh hoạt văn học nghệ thuật từ giới trẻ:
“Sau này phát triển ra, hướng về giới trẻ và những thế hệ sau nên câu lạc bộ có những sinh hoạt như tổ chức những buổi thi viết về chủ đề tiếng Việt cho những em học tiếng Việt tại đây, tổ chức những lớp dạy tiếng Việt hay những lớp dạy về thủ công gia chánh. Nói chung là những sinh hoạt để thu hút rộng hơn mọi tầng giới chứ không riêng gì trong nhóm văn học nghệ thuật không.”

Trong chiều hướng đó Câu lạc bộ Văn học Nghệ thuật vùng Hoa Thịnh Đốn tổ chức những lớp tiếng Việt dành cho các Chuyên gia trẻ sinh trưởng tại Mỹ không thông thạo tiếng Việt do giáo sư Tiến sĩ Phạm Văn Hải hướng dẫn.

Anh Hoàng Đức Long hiện là thủ quỹ của câu lạc bộ cho biết:
“Một số những kỹ sư hay luật sư ra trường chỉ biết bập bẹ tiếng Việt, họ muốn mình dạy những lớp căn bản. Hàng tuần vào ngày thứ Hai thứ Sáu có những lớp dạy kèm Toán cho các em học sinh sau giờ học ở trường.”

Một trong những khó khăn Câu lạc bộ Văn học Nghệ thuật cũng như các hội đoàn và tổ chức khác của cộng đồng Việt Nam vùng Washington D.C, Maryland và Virginia gặp phải hiện nay vẫn chưa giải quyết được là chưa có một nơi cố định để hội họp hay tổ chức các sinh hoạt văn học nghệ thuật và vẫn phải mượn hay thuê mướn các cơ sở của chính quyền địa phương, các trường học hay của các cộng đồng bạn.

Nhà thơ Hoàng Song Liêm, một trong những thành viên hoạt động của câu lạc bộ cho biết:
“Câu lạc bộ lúc đầu không có trụ sở gì cả, thường thường họp ở nhà người này người kia nhưng phần lớn hồi đó họp ở nhà cụ Hà Bỉnh Trung, cũng có lần ở nhà anh Nguyễn Đức Nam nữa.”

Vào năm 2005, các hội viên của câu lạc bộ đã có một quyết định táo bạo là thành lập một cơ sở sinh hoạt không những cho riêng câu lạc bộ mà còn cho cộng đồng Việt Nam nữa. Cơ sở này được đặt tên là Trung tâm Văn hóa Việt Nam vùng Hoa Thịnh Đốn hay còn được gọi là Nhà Việt Nam. Do đó vào ngày 8 tháng 7 năm 2005, câu lạc bộ đã tổ chức một buổi dạ tiệc, dạ vũ nhân kỷ niệm 5 năm ngày thành lập câu lạc bộ đồng thời gây quỹ để xây dựng Nhà Việt Nam.

Sau 4 năm vận động, gây quỹ và vượt qua nhiều khó khăn, Nhà Việt Nam đã được khánh thành vào ngày 3 tháng 10 năm 2009 tại thành phố Annandale, quận Fairfax, miền bắc bang Virginia.

Bà Lê Thị Nhị, phó chủ tịch câu lạc bộ kể lại quá trình mua đất, mua nhà để thành lập Nhà Việt Nam:
“Hỏi nhà băng mượn tiền để mua cũng không được suôn sẻ vì nhà băng nói hội mình không có lợi tức thường xuyên nên không cho mượn tiền, phải nhờ người đứng tên để mua được một căn nhà khá đẹp và khá rộng rãi có thể sinh hoạt được.”

Tuy nhiên vì Nhà Việt Nam nằm trong một khu vực dân cư nên sau nhiều lần sinh hoạt, những nhà lân cận đã khiếu nại lên chính quyền địa phương nên Nhà Việt Nam đã phải dời đến địa điểm mới tại thành phố Falls Church, cách trung tâm Eden, khu chợ của người Việt Nam, chưa đến một kilômét.

Địa điểm mới này của nhà Việt Nam hiện là nơi sinh hoạt thường xuyên của Câu lạc bộ Văn học Nghệ thuật vùng Hoa Thịnh Đốn, Trường Việt Ngữ Thăng Long và Truyền hình Việt Mỹ VATV. Đây chỉ là nơi sinh hoạt tạm của câu lạc bộ vì phải thuê mướn cơ sở này.

Anh Hoàng Vi Kha, thư ký của câu lạc bộ hy vọng câu lạc bộ sẽ có đủ tiền để mua một trụ sở ổn định bằng nhiều hoạt động gây quỹ:
“Trong suốt thời gian 10 năm qua, Câu lạc bộ Văn học Nghệ thuật đã tổ chức một số buổi gây quỹ qua hình thức văn nghệ hay những bữa cơm. Đồng bào trong vùng cũng ủng hộ rất nhiệt tình nhưng tiền đóng góp chưa đủ để mua được một căn nhà tại địa điểm thuận lợi không quá xa. Nhưng không quá xa thì giá nhà lại quá mắc. Thành ra hội vẫn tiếp tục kêu gọi và tháng 12 này sẽ có một buổi sinh hoạt văn nghệ và có thể trong buổi đó, chúng tôi sẽ trình bày rõ ràng hơn để đồng bào có thể hiểu và tiếp tay thực hiện ước mơ đó.”

Tuy là một câu lạc bộ được thành lập với mục đích bảo tồn và phát triển văn học nghệ thuật dân tộc những câu lạc bộ còn có những hoạt động xã hội, từ thiện, trong đó có việc giúp đỡ các văn nghệ sĩ tại Việt Nam.

Nhà thơ Hoàng Song Liêm cho biết:
“Gửi tiền cho các ông bạn nghệ sĩ già như ông Hoàng Giác, ông Nguyễn Văn Tí chẳng hạn.”

Anh Hoàng Đức Long, thủ quỹ của Câu lạc bộ Văn học Nghệ thuật nói đến những hoạt động xã hội của câu lạc bộ:
“Hiện tại anh em làm những việc như nuôi người già, người vô gia cư, cứ hàng tháng đi một lần, tự gom tiền, tự mua thức ăn để giúp những người này. Tháng 10, 11, 12, anh em cũng khởi động chương trình quyên gạo cho những trẻ em thiếu dinh dưỡng toàn thế giới. Hàng tuần anh em đi xin tiền đồng bào. Tạo công việc cho anh em làm, từ đó kêu gọi phụ huynh học sinh cho con em tham gia với thanh thiếu niên.”

Nguyệt san Kỷ Nguyên Mới do nhà văn nhạc sĩ Nguyễn Đức Nam làm chủ nhiệm và trang mạng của nguyệt san là phương tiện truyền thông của câu lạc bộ nhằm phổ biến tin tức về văn học nghệ thuật và đời sống của Cộng đồng Việt Nam trong vùng.

Ngoài ra câu lạc bộ cũng có Tủ sách Tiếng Quê Hương do nhà văn Uyên Thao phụ trách để ấn hành những tác phẩm của các hội viên và những tác phẩm có giá trị của những tác giả không phải là hội viên của Câu Lạc Bộ.

Anh Hoàng Vi Kha giải thích thêm:
“Tủ sách Tiếng Quê Hương là một phương tiện để giúp những nhà văn, nhà thơ, những tác giả có ý định muốn in ấn sách và giới thiệu tác phẩm của mình. Tủ sách Tiếng Quê Hương sẽ đứng ra giúp đỡ trong việc trình bày những cuốn sách đó và tổ chức những buổi ra mắt sách cho tác giả ấy.”

Đối với chiều hướng sinh hoạt trong tương lai của Câu lạc bộ Văn học Nghệ thuật, nhà thơ Hoàng Song Liêm cho biết:
“Chúng tôi cũng có ý hướng bắt đầu chuyển sang thế hệ sắp tới trong đó có những người trẻ hơn như anh Hoàng Đức Long và anh trẻ nữa là anh Hoàng Vi Kha. Ngay cả Nhà Việt Nam cũng đã hướng đến chuyện như là tổ chức dạy tiếng Việt, dạy computer chứ không riêng chuyện văn học nghệ thuật mà thôi.”

Anh Hoàng Vi Kha đề cập đến chương trình hoạt động tương lai của Câu lạc bộ Văn học Nghệ thuật:
“Tương lai trước mắt hội sẽ có một buổi sinh hoạt mang tính dân tộc định làm vào dịp Tết năm nay nhưng không kịp do đó có thể làm vào mùa hè tức là tổ chức một hội chợ văn hóa Việt Nam phối hợp với những hội đoàn ở đây để quảng bá văn hóa Việt Nam cho người bản xứ và thu hút thế hệ trẻ tiếp nối vì bây giờ các cụ lớn tuổi hết rồi như cụ Hà Bỉnh Trung chẳng hạn đến một lúc sẽ không còn có thể quán xuyến được những công việc của hội. Đó là mục đích gần, mục đích hơi xa hơn tí là hội vẫn tiếp tục mong được sự thông cảm và đóng góp của quý đồng hương để cùng nhau thực hiện được một trung tâm sinh hoạt của người Việt có được một thư viện, một phòng triển lãm tranh mà còn có đủ phòng ốc cho những sinh hoạt khác của các hội đoàn để khỏi phải thuê mướn trung tâm của những cộng đồng bạn.”

Chuyên mục Sinh hoạt Cộng đồng Việt Nam vùng Washington xin được kết thúc ở đây. Chúng tôi ước mong được đón nhận những tin tức về sinh hoạt cộng đồng từ những hội đoàn, những tổ chức kinh tế, xã hội, văn hóa và từ thiện cũng như của các cá nhân thuộc Washington D.C và vùng phụ cận. Xin gởi e-mail đến địa chỉ vietnamese@voanews.com với tiêu đề gởi sinh hoạt cộng đồng vùng Washington. Hà Vũ sẽ liên hệ với quý vị.

.
.
.

No comments: