Ông trùm WikiLeaks: Nhà báo hay khủng bố?
Hà Tường Cát/Người Việt
Hà Tường Cát/Người Việt
Wednesday, December 22, 2010
Phó Tổng Thống Joe Biden nói chuyện trong chương trình “Meet The Press” của truyền hình NBC ngày Chủ Nhật 19 tháng 12, đã gọi Julian Assange, người sáng lập WikiLeaks, là “kẻ khủng bố kỹ thuật cao” (high-tech terrorist).
Những người bênh vực Assange đặt câu hỏi vì sao một nhà lãnh đạo không ngần ngại gọi tên như vậy với một người không mang bom.
Nhưng theo lập luận của Phó Tổng Thống Biden thì việc tiết lộ những hồ sơ mật mà hậu quả có thể làm hại đến sinh mạng và việc làm của nhiều người trên thế giới là hành động của kẻ khủng bố. Những giới chức Hoa Kỳ khác đồng quan điểm như vậy, cho rằng những hồ sơ quân sự mà WikiLeaks tiết lộ lần trước có nêu rõ tên tuổi của những người Afghanistan cộng tác với Hoa Kỳ và như vậy chẳng phải là đưa những đương sự này vào tình trạng có thể bị trả thù hay sao?
Ông Biden còn giải thích là những hồ sơ mà WikiLeaks tiết lộ khiến cho những người trách nhiệm về công tác ngoại giao khó làm việc được với các bạn bè và đồng minh của Hoa Kỳ. Ông cho biết đã có minh chứng về điều ấy khi mà những giới lãnh đạo trên thế giới nếu có thảo luận với ông đều tỏ ra không muốn có sự hiện diện của các phụ tá hay tùy viên khác và “như thế mọi chuyện trở thành rắc rối vướng bận hơn, nghĩa là tai hại”. Tuy nhiên ngay Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Gates cũng đã nhận định rằng dù những tiết lộ có phiền phức ngay lúc này nhưng về lâu về dài sẽ chỉ có tác động rất nhỏ đến công tác đối ngoại của Hoa Kỳ.
Một số quan sát viên cho là ngôn ngữ của Phó Tổng Thống Biden nhằm xác định một chiến lược cho Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ trong việc truy tố WikiLeaks. Ông không phủ nhận việc Hoa Kỳ chuẩn bị truy tố Assange dù từ chối không bình luận chi tiết về chiều hướng hành động, nhưng có nêu lên một gợi ý: “Nếu ông ta âm mưu với một đương sự nào đó để lấy được những tài liệu thì điều ấy khác hẳn với việc một người tự ý mang tài liệu đến và nói 'ông nhà báo tài liệu mật đây', phải vậy không?” Như vậy ông muốn hàm ý rằng Assange sẽ là một tội phạm nếu hành động toa rập với một đồng lõa.
Có lẽ chiến lược này sẽ giúp Bộ Tư Pháp dễ dàng hơn là truy tố Assange theo đạo luật gián điệp (Espionage Act) ban hành năm 1917, ít lâu sau khi Hoa Kỳ tham gia Thế Chiến Thứ Nhất. Áp dụng đạo luật này thì phải coi việc Assange công bố những hồ sơ mật làm tổn hại đến an ninh của Hoa Kỳ là phạm pháp. Và nếu vậy cũng phải truy tố tờ New York Times đã giúp phổ biến bằng một loạt bài dựa trên tài liệu WikiLeaks cung cấp.
Tuy nhiên đó là cách nhìn của phía chính quyền, còn theo ý kiến của một số chuyên gia pháp lý thì vấn đề sẽ còn rất phức tạp nhất là khi đụng tới quyền báo chí nghĩa là quyền tự do phát biểu. Không ít nhà báo Hoa Kỳ đã tìm cách gạ gẫm nguồn tin để lấy những tin tức có thể hay không là bí mật. “Tại sao Bộ Tư Pháp đã không truy tố truyền thông Hoa Kỳ vẫn thường xuyên moi móc những tin tức mật. Truy tố Assange sẽ là một bước đi ngược với truyền thống tự do báo chí ở Hoa Kỳ”, theo nhận định của Jack Goldsmith, giáo sư luật khoa Harvard và cựu thứ trưởng tư pháp.
Julian Assange, người sáng lập WikiLeaks, được coi là một nhà báo, 39 tuổi, dân Australia . Một số chuyên gia pháp lý cho rằng WikiLeaks không phải là một cơ quan truyền thông giống như các cơ quan truyền thông bình thường. Khác nhau có thể là ở chỗ giá trị của tin tức. WikiLeaks phóng ra bừa bãi những gì được tự coi là bí mật và khuyến khích người ta chuyển đến những bí mật. Còn các cơ quan truyền thông bình thường phải duyệt xét những gì được coi như xứng đáng là tin căn cứ trên sự quan tâm của quần chúng.
“Làm sao chỉ rõ ra sự khác biệt của WikiLeaks thì chính quyền sẽ có thể chứng minh sự truy tố này là một ngoại lệ chứ không phải một dấu hiệu của nỗ lực gia tăng biện pháp kềm chế báo chí”, chuyên gia pháp lý về an ninh quốc gia Kenneth Wainstein nói như vậy trong buổi điều trần trước Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện tuần trước.
Julian Assange đến nay mới chỉ bị Thụy Ðiển truy tố về hành động tình dục “không an toàn” với hai phụ nữ, chứ Hoa Kỳ chưa có quyết định truy tố về tội danh liên quan đến sự phổ biến các hồ sơ mật. Tuy nhiên theo lời đương sự và những người bênh vực thì có thể đây là một kế hoạch đã được xếp đặt ngầm để nếu bị dẫn độ về Thụy Ðiển và kết án thì sau đó có thể bị giải giao đến Hoa Kỳ, việc mà chắc chắn Anh Quốc, nơi Assange đang cư trú, sẽ không làm.
Chuyện WikiLeaks và Julian Assange chắc chắn còn rất nhiều phức tạp cũng như những diễn biến bất ngờ trong tương lai khó dự đoán. Tin tức mới nhất do tờ Guardian ở Anh loan báo hôm Thứ Ba 21 tháng 12, ngày thứ 23 của vụ tiết lộ tài liệu ngoại giao Hoa Kỳ, nói rằng Julian Assange đã bán hồi ký của mình cho hai nhà xuất bản Anh và Hoa Kỳ và cuốn sách sẽ ra mắt công chúng vào tháng 3 năm 2011. Nhưng cũng lại có một phiền phức khác khó dự đoán cho hồi ký này là ngay từ cuối tháng 1 năm 2011, một nhà xuất bản Ðức sẽ cho phát hành cuốn sách của Daniel Domscheit-Berg, cựu phụ tá của Assange, mang tựa đề: “Mặt trong của WikiLeaks: Thời gian tôi làm việc ở trang mạng nguy hiểm nhất thế giới”.
.
.
.
No comments:
Post a Comment