Thursday, December 23, 2010

BẮC HÀN SẼ TẤN CÔNG LẦN NỮA ?


Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ

Seoul hiện đang trong trạng thái tự ca ngợi (và hơi hiếu chiến). Hôm thứ Hai, quân đội Nam Hàn đã tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật trong vùng biển tranh chấp chung quanh hòn đảo Yeonpyeong, mục tiêu trước đây của cuộc tấn công dữ dội của Bắc Hàn hôm tháng Mười một. Họ từng tổ chức những cuộc tập trận như thế này trước đây, nhưng lần này Bắc Hàn cho rằng cuộc tập trận là một vi phạm vào chủ quyền lãnh thổ của họ, vì thế họ sẽ trả đũa với tầm mức lớn. Họ đã không làm việc này.
Dường như quan điểm của đa số ở Seoul là Bắc Hàn đã chùn tay khi phải đối diện với sự kiên quyết và sẵn sàng sử dụng vũ lực - và vài người đã không tin rằng lời hứa "trả đũa" của Bắc Hàn, nếu thật sự được thực hiện, sẽ dẫn đến một phản ứng quân sự khổng lồ từ Nam Hàn. Vì thế những nhà lãnh đạo Nam Hàn hiện nay tin rằng thái độ cứng rắn đã cho kết quả, và dân chúng Seoul, vốn gần đây mang tâm lý hiếu chiến, hầu hết đều chia sẻ quan điểm này.
Nhưng điều này có vẻ như là một ảo tưởng. Các nhà lãnh đạo Bắc Hàn né tránh cuộc chạn trán lần này không phải vì họ sợ hãi. Trái lại, họ đã làm những gì một nhà chiến thuật tỉnh táo cần làm: họ tránh một cuộc chạm trán với những điều kiện gây lợi thế cho đối phương, để có thể tấn công đối phương vào thời điểm và địa điểm mà họ chọn lựa, bất ngờ và vũ bão.
Năm nay, Bắc Hàn đã tổ chức hai cuộc tấn công bất ngờ vào Nam Hàn, cả hai đều nằm trong khu vực biển dọc theo bờ biển phía tây đang bị tranh chấp. Vào tháng Tư họ đã phóng ngư lôi vào một chiến hạm, và vào tháng Mười một nã pháo vào một hòn đảo0.
Những cuộc tấn công này phù hợp với chiến thuật đã qua nhiều thử thách của Bắc Hàn: một khi Bình Nhưỡng cần điều gì, trước tiên họ đẩy mạnh căng thẳng và rút tỉa những nhượng bộ cần thiết như là phần thưởng cho việc họ sẵn sàng giảm bớt mối căng thẳng ấy.
Và lần này họ cần điều gì? Họ đang muốn tái lập việc viện trợ từ Nam Hàn. Từ cuối thập niên 90, miền Nam đã chu cấp cho Bắc Hàn những viện trợ rộng lượng và không điều kiện, nhưng sau năm 2008 nguồn viện trợ đã bị cắt giảm nhiều bởi chính quyền bảo thủ mới tại Seoul. Vì thế các nhà soạn thảo chính sách Bắc Hàn đã quyết định chứng tỏ họ có thể trừng phạt bất cứ chính thể Nam Hàn nào dám cứng đầu khi đối phó với Bình Nhưỡng.
Mục tiêu của những tấn công vừa qua là nền kinh tế của Nam Hàn và tâm trạng của cử tri miền Nam chứ không phải là súng đạn và tàu chiến. Nam Hàn nương tựa rất nhiều vào thị trường quốc tế, và những đối tác ngoại quốc tiềm năng không thích đọc những đầu đề báo chí về một "chiến tranh sắp đến ở Triều Tiên". Cử tri Nam Hàn cũng không muốn một bầu không khí căng thẳng. Những người lập chính sách của Bắc Hàn lập luận rằng một cảm giác liên tục về sự khủng hoảng và sự đình trệ kinh tế sẽ gây ảnh hưởng đến cử tri Nam Hàn, những người này sẽ xoay sang ủng hộ đảng nào sẵn sàng hơn trong việc thoả mãn những đòi hỏi của Bình Nhưỡng.
Bình Nhưỡng cần nguồn viện trợ này không phải vì họ tuyệt vọng, nhưng bởi vì họ muốn đa dạng hoá nguồn thu nhập của mình. Họ đã trở nên quá phụ thuộc vào viện trợ từ Trung Quốc, và đây không phải là điều các lãnh đạo ở Bình Nhưỡng muốn. Họ muốn Mỹ và Nam Hàn quay lại để có thể tái lập trò chơi nặn hầu bao thường thấy bằng cách khích tướng các nhà bảo trợ đối lập.
Vì chính quyền Nam Hàn hiện tại đã không có dấu hiệu nhượng bộ, và đường hướng cứng rắn của họ dường như đang được khuyến khích khi Bắc Hàn không đe doạ trả đũa vào hôm thứ Hai, chúng ta có thể hầu như chắc chắn rằng trong vài tháng tới Bắc Hàn sẽ tấn công lần nữa. Họ sẽ làm điều này không phải như là một phản ứng đối với vài cuộc tập trận của Nam Hàn, mà vì họ có thể lựa chọn thời gian và địa điểm cho mình, khi nào vào nơi nào họ hy vọng gây ảnh hưởng chính trị nhiều nhất bằng cuộc tấn công quân sự của mình.
Dường như lần này chính phủ Nam Hàn đã cương quyết đánh trả một cách mạnh mẽ, và điều này rất nguy hiểm.
Việc tấn công trả đũa sẽ vô ích. Sinh mạng của binh lính và thuỷ thủ Bắc Hàn chẳng có tí giá trị nào đối với thành phần lãnh đạo nhỏ bé ở Bình Nhưỡng: con cái của họ không phục vụ trong quân đội mà đang mua sắm ở Paris. Trong quá khứ họ đã thí vô số sinh mạng vì sự tồn tại của chế độ (đến cả một triệu người bị chết đói trong nạn đói vào cuối những năm 90), và một lần nữa nếu cần thiết họ sẽ hi sinh ngần ấy mạng người mà không phải trăn trở tí nào. Bên cạnh đó, mất mát một vài quân cụ cổ lỗ cũng sẽ không là một vấn đề quan trọng đối với họ. Họ sẽ không nao núng trước bất kỳ cuộc tấn công nào ngoài việc bắn thẳng dinh thự của họ, và những tấn công như thế sẽ gần như chắc chắn tạo ra một cuộc chiến tranh lớn.
Thật vậy, trong tình huống xấu nhất, chuỗi tấn công và phản công dây chuyền có thể leo thang thành một cuộc chiến tổng thể với những hệ quả tàn khốc. Miền Nam chắc hẳn sẽ thắng - ngoại trừ Trung Quốc quyết định rằng điều hợp lý về mặt địa chính trị là ủng hộ miền Bắc một cách ngấm ngầm - nhưng cái giá của chiến thắng sẽ rất lớn: Về căn bản, toàn bộ Triều Tiên sẽ bị đẩy lùi về thời kỳ 1960. Tình huống đầy ác mộng này có thể xảy ra vào năm tới.
Tuy nhiên, điều chắc chắn hơn là việc tấn công qua lại này sẽ được giữ trong tầm kiểm soát. Trong trường hợp này, việc trả đũa chỉ đơn giản giúp cho Bắc Hàn hoàn thành mục tiêu "dạy cho Seoul một bài học". Tin tức tường thuật về sự giao chiến chắc chắn sẽ làm việc chỉ trích tăng cao. Đây thực sự chính là điều mà các nhà chiến lược cu/a Bình Nhưỡng mong muốn.
Vì thế, trong hoàn cảnh hiện tại, kềm chế là lựa chọn tốt nhất. Chúng ta chỉ có thể hi vọng khả năng say máu nhằm "vượt qua khó khăn" sẽ không đẩy Seoul đến việc phản ứng thái quá với sự khiêu khích kế tiếp - vì chắc chắn nó sẽ xảy ra trong một tương lai gần.
.
.
.
BBC
Cập nhật: 11:11 GMT - thứ năm, 23 tháng 12, 2010

Bắc Hàn tuyên bố "sẵn sàng thánh chiến" hạt nhân với Nam Hàn sau khi miền nam thực hiện một trong những cuộc tập trận lớn nhất từ trước tới nay.
Xe tăng, trực thăng, máy bay chiến đấu và hàng trăm binh sĩ Nam Hàn đã tham gia cuộc tập trận, cách biên giới trên bộ được canh phòng cẩn mật giữa hai nước khoảng 20km.
Trước đó Bình Nhưỡng cảnh báo họ sẽ trả đũa nếu miền Nam tập trận.
Bộ trưởng Quốc phòng Bắc Hàn Kim Yong-chun nói cuộc tập trận bắn đạn thật của Nam Hàn là để chuẩn bị cho một cuộc xâm lược miền bắc.
Căng thẳng giữa hai miền dâng cao sau khi Bắc Hàn bắn đạn pháo vào đảo Yeonpyeong của Nam Hàn trong tháng trước làm bốn người Nam Hàn thiệt mạng.
Tổng thống Nam Hàn Lee Myung-bak hứa sẽ giáng trả lập tức bất kỳ cuộc tấn công nào khác của miền Bắc.
Ông nói trong một tuyên bố:
"Tôi nghĩ kiên nhẫn sẽ mang lại hòa bình cho mảnh đất này, nhưng thực tế không phải vậy.
"Chúng ta có thể ngăn ngừa miền Bắc có hành động khiêu khích bằng sự đoàn kết chặt chẽ và phản ứng mạnh mẽ."

'Tập trận tấn công'
Sau trận tập trận mới nhất, Bắc Hàn đã coi đây là hành động "hiếu chiến" và đe dọa dùng cả vũ khí hạt nhân nếu cần thiết.
Quận đội Nam Hàn thừa nhận cuộc tập trận diễn ra tại Pocheon, cách trung tâm Seoul 50km, là nhằm để phô diễn sức mạnh toàn diện của quân đội.
Nam Hàn đã tiến hành 47 cuộc tập trận trong năm nay nhưng đây là cuộc tập trận bắn đạn thật lớn nhất trên bộ từ trước tới nay.
Khoảng 800 binh sĩ và hơn 100 loại vũ khí, khí tài đã được huy động.
Những khách mời của cuộc tập trận chứng kiến các loạt đạn pháo và tên lửa, bom nổ, khói bùng lên trên các sườn đồi.
Một tuyên bố của hãng thông tấn chính thức của Bắc Hàn nói Nam Hàn đã có "cuộc tập trận tấn công điên cuồng".
Cả Nga và Trung Quốc đã kêu gọi Nam Hàn tháo ngòi nổ căng thẳng trong khi các quan chức Hoa Kỳ, mặc dù không công khai, cũng bày tỏ lo ngại.
Trong khi đó các cố gắng để đưa vấn đề Triều Tiên trở lại bàn đàm phán đã không thành công.
Trung Quốc và Bắc Hàn nói đã đến lúc trở lại đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của Bắc Hàn.
Nhưng Hoa Kỳ, Nam Hàn và Nhật Bản nói họ chưa sẵn sàng cho các cuộc đàm phán như vậy.
Hồi tháng Tư năm 2009, Bắc Hàn đã rút khỏi đàm phán sáu bên và trục xuất các thanh tra Liên Hiệp Quốc khỏi nước này.
.
.
.

No comments: