Friday, December 24, 2010

ÔM TIẾNG HÁT KHÔNG HƠI RUNG. . . (Về tiếng hát Hoàng Ngọc Tuấn)

23.12.2010

Bài “Có gì dùng gì, có nấy dùng nấy...” của Chu Hà có những ý tưởng rất hay, ứng dụng câu nói “có gì dùng gì, có nấy dùng nấy...” khá chí lý. Nhưng có một điểm tôi chưa đồng ý với Chu Hà khi ông nói hình như Hoàng Ngọc-Tuấn hát không có ngân: “Từ đầu đến cuối hầu như tôi chẳng thấy anh ngân chỗ nào cả, hoặc là anh ngân chưa tới mức, đến độ nghe không ra ngân (hay hôm đó do người anh không khoẻ hay sao đó...). Như thế vô hình trung anh làm cho giọng hát của mình, vốn phong phú và đầy sắc màu về mặt ý nghĩa và tình tiết như đã nói trên trở thành bớt lôi cuốn và quyến rũ do thiếu đường cong về mặt thể lý.”
Tôi nghe kỹ lại cuộc phỏng vấn Câu chuyện âm nhạc với sáng tác gia Hoàng Ngọc Tuấn đến từ Úc châu” do Trần Chí Phúc thực hiện thì thấy Hoàng Ngọc-Tuấn hát cũng có lúc ngân chứ không phải hoàn toàn không có. Ở những nốt nhạc kéo dài, anh có ngân nhưng có lẽ vì âm thanh trong video clip bị giảm chất lượng nên nghe không rõ lắm. Trong video clip của chương trình âm nhạc “Tặng Vật Cho Người” ở Viện Việt Học ngày 5/12/2010, Hoàng Ngọc-Tuấn hát rất nhiều bài với những câu có tiếng ngân nghe rõ tuy chất lượng thu âm cũng bị giảm rất nhiều vì người phụ trách âm thanh để equalizer ở phần tiếng trầm (bass) quá nhiều. Video clip này rất dài (hơn 108 phút) trong đó có 5 phút đầu tiên là đoạn phóng sự lê thê về buổi ra mắt đài truyền hình Người Việt Quốc Gia Television ở Nam Cali (có lẽ để tự quảng cáo vì đoạn này không liên quan gì đến buổi sinh hoạt ở Viện Việt Học!), rồi mới đến phần trình diễn của Hoàng Ngọc-Tuấn gồm nhiều bài độc tấu guitar và rất nhiều ca khúc của anh. Trong video clip “Đêm Thơ Nhạc ở San Jose” (phần 1/2phần 2/2), Hoàng Ngọc-Tuấn cũng có hát ngân giọng ở nhiều bài.

May mắn thời ở trung học tôi là bạn cùng trường Võ Tánh (Nha Trang) với Hoàng Ngọc-Tuấn, tuy không chơi cùng nhóm bạn văn nghệ của anh vì tôi không có khiếu văn nghệ, nhưng đã có nhiều dịp làm khán thính giả nghe anh vừa đánh guitar vừa hát đơn ca hay cùng song ca với Nguyễn Hải qua những bài hát nghệ thuật trên sân khấu hay trên đài phát thanh Nha Trang. Trước 75, tôi đã nghe Hoàng Ngọc-Tuấn hát “Tristesse” của Chopin (“Sầu”, lời Việt của Phạm Duy) với giọng ngân rất mạnh và vang, đặc biệt ở đoạn “Ta muốn níu em về với dòng châu... Ta hướng hết u sầu đến đời sau... Ta muốn tìm mau tới cõi nào nương náu...”. Nguyễn Hải thì có giọng ca mượt mà, nổi danh trong giới học sinh thời đó với bài “Sérénade” của Schubert (“Dạ khúc”, lời Việt của Phạm Duy). Thường thì hai anh Tuấn-Hải là cặp bài trùng, luôn trình diễn chung với nhau trong những đêm văn nghệ. Hồi đó tôi đã để ý thấy Hoàng Ngọc-Tuấn hát ca khúc của người khác thì thường dùng giọng ngân nhưng hát ca khúc của mình thì lại ít dùng giọng ngân. Tôi chưa có dịp hỏi anh vì sao như vậy? Từ đó đến nay đã hơn 35 năm chưa gặp lại anh vì cuộc sống lưu lạc mỗi người mỗi ngả, chỉ mới tình cờ “tái ngộ” trên Talawas hồi đầu năm nay. Tôi lọt sang Mỹ, anh lọt sang Úc, còn Nguyễn Hải thì nghe nói đang sống ở Canada. Kỳ này khi Hoàng Ngọc-Tuấn cùng nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc sang Cali để diễn thuyết và trình diễn thì tôi đang đi công tác ở Washington DC nên đã lỡ mất dịp làm khán giả trong những buổi sinh hoạt hấp dẫn đó. Rất đáng tiếc.

Trở lại với những đoạn video clips của Hoàng Ngọc-Tuấn, nghe kỹ tôi cảm thấy có những lúc anh không ngân giọng vì có lẽ anh muốn tiếng hát được tự nhiên như tiếng nói chăng? Ca sĩ favorite của tôi là Leonard Cohen, nhà thơ kiêm nhạc sĩ, khi hát ông cũng thường phát âm tự nhiên như nói, không ngân rung, nhưng chính nhờ đó mà ông truyền được những lời ca đẹp đẽ của ông vào con tim của người nghe, không một chút màu mè. Nữ ca sĩ favorite của tôi là Astrud Gilberto cũng hát không ngân rung, nhưng là một giọng ca vô cùng độc đáo, truyền cảm.

Nhớ ngày xưa trong bài “Tình Khúc Cho Em” của Lê Uyên Phương có đoạn:
... Vì đâu mê say phồn hoa
Như áo gấm sáng lóng lánh
Ôm rách nát không tâm linh
Ôm tiếng hát không hơi rung, nghèo nàn...

“Tiếng hát không hơi rung” có phải là tiếng hát nghèo nàn không? Chắc là không. Tôi nghĩ ngân rung hay không là do nhu cầu diễn tả và quan niệm thẩm mỹ của người hát.

 ----------------

Bài liên quan:
22.12.2010
[ÂM NHẠC] ... Xem chương trình truyền hình phỏng vấn Hoàng Ngọc-Tuấn của Trần Chí Phúc, bài “Câu chuyện âm nhạc với sáng tác gia Hoàng Ngọc Tuấn đến từ Úc châu”, thấy Hoàng Ngọc-Tuấn có lúc thì độc tấu tây ban cầm, có lúc thì vừa đàn vừa hát, điểm mà tôi khoái nhất nơi Hoàng Ngọc-Tuấn là cái tinh thần, nhại theo cách nói của nhà văn/thơ Lý Đợi, có gì dùng gì có nấy dùng nấy của anh... (...)

21.12.2010
[VĂN HỌC & NGHỆ THUẬT] ... Nhiều người cho rằng viết lách là một cái nghiệp, mà không phải là một cái nghề, nhất là đối với người viết gốc Việt Nam ở hải ngoại; có lẽ vì viết khó và mất nhiều thì giờ, mà chưa chắc đã đem đến chút lợi nhuận nào cho người viết. Vậy mà người ta vẫn viết, nhiều người còn viết miệt mài... (...)

17.12.2010
[THƠ & NHẠC] ... Quán Paloma nằm trong khu thương mại của người Việt ở San Jose nhộn nhịp hơn vào một chiều tối thứ Sáu trời sắp vào đông. Hơi lạnh. Ấm lên nhờ chút rượu vang và tình người trong số chừng trăm khách có mặt... (...)

11.12.2010
[ÂM NHẠC] ... Chiều ngày 8/12/2010, đài truyền hình Việt Nam tại San Jose đã thực hiện các cuộc phỏng vấn / trò chuyện cùng nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc và nhạc sĩ Hoàng Ngọc-Tuấn. Mời độc giả theo dõi cuộc trò chuyện về âm nhạc cùng nhạc sĩ Hoàng Ngọc-Tuấn... (...)

[VĂN HOÁ & VĂN HỌC] ... Chiều ngày 8/12/2010, đài truyền hình Việt Nam tại San Jose đã thực hiện các cuộc phỏng vấn / trò chuyện cùng Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc-Tuấn. Mời độc giả theo dõi cuộc trò chuyện về văn hoá và văn học Việt Nam cùng nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc... (...)
.
.
.

No comments: