Thursday, December 2, 2010

NHỮNG NGUY HIỂM CỦA MỘT TRUNG QUỐC ĐANG LÊN (The Economist)

Nguồn: The Economist

Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
02.12.2010

Trung Quốc và Mỹ nên cạnh tranh với nhau, nhưng không nên là kình địch.

Vào khoảng cuối năm 2003 đầu 2004, những người lãnh đạo tối cao của Trung Quốc đã bỏ ra vài buổi trưa tạm dừng việc cai quản 1,3 tỉ dân để nghiên cứu sự thăng tiến của những cường quốc. Bạn có thể mường tượng được kho tàng chiến tranh và huỷ diệt đầy khắc nghiệt của lịch sử đang được bày ra trước mặt khi họ tìm hiểu rằng từ thế kỷ thứ 15, những đế chế cũng như những quốc gia mới phất lên đã thường xuyên tranh giành vị trí thống lĩnh ra sao. Và bạn cũng có thể mường tượng việc họ đi đến chủ đề đích thực của việc tìm hiểu: liệu Trung Quốc sẽ có thể chiếm lĩnh vị trí hàng đầu mà không dẫn đến chiến tranh với các nước khác.

Trong nhiều trường hợp Trung Quốc đã cố gắng trấn an thế giới. Họ đã liên tục hứa hẹn rằng họ chỉ có chủ ý hoà bình. Họ đã mạnh tay viện trợ và đầu tư, giải quyết những tranh chấp về biên giới với các láng giềng và xắn tay áo tham gia vào lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên Hiệp Quốc cũng như vào các tổ chức quốc tế. Khi Bắc Hàn pháo kích vào hòn đảo của Nam Hàn vào tháng trước, ít nhất Trung Quốc đã tìm cách tạo ra được một cơ cấu để kềm chế người láng giềng của mình.

Nhưng Trung Quốc biết điều đôi khi lại phải nhường bước cho Trung Quốc hung hãn. Vào tháng Ba, khi Bắc Hàn đánh chìm một chiến hạm của Nam Hàn, làm chết 46 thuỷ thủ, Trung Quốc đã không chịu lên tiếng phê phán. Vài tháng sau họ lại có tranh chấp với Nhật Bản qua việc một số ngư dân Trung Quốc bị bắt giữ vì đã đụng vào tàu tuần duyên Nhật gần quần đảo đang tranh chấp - và rồi bắt giam một số thương gia Nhật và đình chỉ việc xuất khẩu những nguyên liệu đất hiếm rất quan trọng đối với nghành công nghiệp của Nhật. Và họ đã mạnh bạo tái khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cũng như chủ quyền pháp lý trên hầu hết khu vực biển Nam Hải.

Như những nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ rút ra được từ những bài học lịch sử, mối quan hệ giữa những cặp siêu cường sẽ quyết định việc thế giới sẽ có hoà bình hay chiến tranh. Đôi khi nó xảy ra một cách êm đẹp, như trong trường hợp giữa Anh và Mỹ. Đôi khi thì không, như trong trường hợp giữa Anh và Đức.
Cho đến nay, mọi việc đều tiến triển vô cùng tốt đẹp giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc quan tâm vào tăng trưởng kinh tế, an ninh Hoa Kỳ đã chú tâm vào khủng bố Hồi giáo và chiến tranh tại IraqAfghanistan. Nhưng cả hai đều ngờ vực nhau. Trung Quốc xem Mỹ như là một cường quốc yếu thế đang tìm cách ngăn chặn sự vươn lên của mình. Và Mỹ thì lo âu về chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc, được tiếp liệu bởi sức mạnh kinh tế và quân sự vừa có được, sẽ bộc lộ bản chất của mình.

Những kẻ bi quan
Những người bi quan cho rằng Trung Quốc và Mỹ mang lời nguyền để trở thành đối thủ. Quan điểm về một xã hội tốt đẹp giữa hai quốc gia thì rất khác nhau. Và với quyền lực của Trung Quốc ngày càng tăng, thì quyết tâm làm theo ý mình trên thế giới cũng sẽ tăng theo. Ngược lại Hoa Kỳ cuối cùng sẽ cưỡng lại việc buông rơi vị trí hàng đầu của mình.
Họ có thể đúng về tham vọng của Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc không cần phải là một kẻ thù. Không như những cường quốc châu Âu thời thế kỷ 19, họ không tìm cách thâu tóm thuộc địa mới. Trung Quốc và Mỹ cũng có nhiều điểm chung. Cả hai đều hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hoá và từ những thị trường tự do, nơi họ mua nguyên liệu thô và bán những mặt hàng xuất khẩu. Cả hai đều muốn một thế giới ổn định rộng khắp trong đó vũ khí hạt nhân không được truyền bá và những quốc gia du côn như Iran và Bắc Hàn không có lý do để gây hấn. Tính ra, cả hai đều thiệt hại nếu chiến tranh xảy ra.

Phương cách tốt nhất để biến Trung Quốc thành một địch thủ là đối xử với họ như địch thủ. Mối nguy hiểm là tranh chấp và mâu thuẫn sẽ làm xấu đi quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, cũng như tình hữu nghị giữa Đức và Anh đã sụp đổ cả vài thập niên trước chiến tranh thế giới lần thứ I. Điều này đã xảy ra trong lĩnh vực quốc phòng. Cảm thấy bị đe doạ trước sức mạnh hải quân của Hoa Kỳ, Trung Quốc đã đang hiện đại hoá hệ thống tên lửa, tàu ngầm, ra-đa, chiến tranh mạng và vũ khi chống vệ tinh. Giờ thì Hoa Kỳ lại cảm thấy đe dọa trước sự hùng mạnh của họ. Những nhận định gần đây của Lầu Năm góc về sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã cảnh báo về mối đe doạ đối với Đài Loan và các căn cứ quân sự và các tàu sân bay của Mỹ nằm gần bờ biển Trung Quốc. Hải quân Hoa Kỳ đã bắt đầu triển khai thêm lực lượng trong khu vực Thái Bình Dương. Lại cảm thấy bị đe doạ, Trung Quốc có thể sẽ phản ứng. Ngay cả nếu Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc không có ý gây sự - nếu cả hai chỉ muốn bảo đảm an ninh cho bản thân - hai bên vẫn xem nhau như là một mối đe doạ đang tăng dần.

Một số cho rằng cách giải quyết là Hoa Kỳ nên quay lưng lại với việc đối đầu quân sự. Nhưng một nước Mỹ yếu thế sẽ dẫn đến sự bất an trường kỳ tại Đông Á và do đó đe doạ quá trình giao thương một cách hoà bình mà sự thịnh vượng của Mỹ đang nương tựa vào. Vì thế Hoa Kỳ cần phải đủ mạnh để giữ được những vùng biển và bảo vệ Đài Loan trước sự tấn công của Trung Quốc.

Làm thế nào để đánh đổ Vạn Lý Trường Thành
Lịch sử cho thấy rằng các siêu cường có thể cùng chung sống hoà bình khi cường quốc đang lên cảm thấy họ có thể phát triển mà không bị cản trở và cường quốc đang tại vị thấy rằng cách thức họ đang vận hành thế giới về cơ bản không bị đe doạ. Vì thế việc leo thang quân sự cần đi đôi với việc tăng cường lòng tin.
Có rất nhiều phương cách xây dựng lòng tin tại châu Á. Một phương cách là giúp bảo đảm những tranh chấp và hiểu lầm không bị đi quá đà. Vì thế Trung Quốc cần phải cởi mở hơn về chủ thuyết quân sự của mình - về tình hình hạt nhân, về hàng không mẫu hạm và chương trình tên lửa. Tương tự, Mỹ và Trung Quốc cần những điều khoản về tranh chấp bao gồm cả Bắc Hàn, Đài Loan, không gian và chiến tranh mạng. Và châu Á nói chung cần những thoả thuận để giúp ngăn ngừa mọi đụng độ ở biển trở thành sự thử thách về sức mạnh.

Mỹ và Trung Quốc nên tìm cách làm việc chung với nhau. Thay vì những rắc rối vì những đường hướng đối lập hiện nay, châu Á cần một diễn đàn an ninh khu vực, ví dụ như Hội nghị Đông Á, nơi có thể làm việc được. Các quốc gia châu Á cũng cần hợp tác hơn trong những hoạt động an ninh không truyền thống nhằm tăng cường niềm tin, ví dụ như việc bảo vệ y tế, môi trường, việc chống hải tặc và khủng bố, là những đe doạ mang tính xuyên quốc gia.

Nếu Mỹ muốn buộc Trung Quốc vào mối trật tự cấp tiến dựa trên nền tảng luật pháp, bản thân họ cũng cần phải chấp hành luật pháp. Mỗi lần Mỹ vi phạm - ví dụ qua hình thức bảo hộ - sẽ khiến Trung Quốc thêm ngờ vực và làm suy yếu chính cái trật tự mà Mỹ đang tìm kiếm.
Trung Quốc và Mỹ có một lợi thế so với những cặp cường quốc khác trong lịch sử: họ đã chứng kiến thế kỷ 20 diễn ra như một thảm hoạ. Chính họ sẽ là người bảo đảm rằng thế kỷ 21 sẽ khác hơn.
.
.
.

No comments: