The dangers of a rising China
04:33:am 11/12/10
Lời người dịch: Tạp chí “The Economist” tuần lễ Dec. 6 -10, 2010 đăng bài nhan đề: “The dangers of a rising China ” nói lên đe dọa chiến tranh giữa Trung quốc và Hoa Kỳ trong thế kỷ 21. Bài viết bàn về những giải pháp hai nước cần làm để tránh chiến tranh, như tự chế, trong sáng và tin cậy lẫn nhau. Tuy nhiên đó là những điều kiện không thể thực hiện, ngay cả giữa hai thể chế dân chủ có tự do ngôn luận nếu tranh chấp quyền lực với nhau, chưa nói đến giữa hai thể chế chính trị và văn hóa khác nhau như Trung quốc và Hoa Kỳ.
Cho nên bài viết của tạp chí The Economist không làm cho người đọc yên tâm mà còn có lý do để tin rằng thế giới của thế kỷ 21 cũng sẽ xáo động bởi chiến tranh như thế kỷ 20 vừa qua và sẽ đưa nhân loại vào một vòng chuyển biến gấp bội lần so với thế kỷ trước.
Sau đây là nội dung của bài viết “The dangers of a rising China ” .
——————————————————–
Điều gì xảy ra khi TQ thống trị thế giới?
Khoảng cuối năm 2003 qua đầu năm 2004, các nhà lãnh đạo Trung quốc dẹp hết các công việc khác ra một bên, họp nhau tại một nơi thật yên tĩnh để nghiên cứu về một vấn đề: những xáo động trên thế giới khi một nước vươn lên thế siêu cường.
Với những sử liệu từ thế kỷ thứ 15 trở đi họ nghiên cứu các cuộc đấu tranh sinh tử giữa các thế lực tranh quyền bá chủ thế giới. Và một câu hỏi thực tế được đặt ra: “Làm thế nào để trở thành một bá chủ thế giới mà không dùng đến vũ lực?”
Trung quốc đã cố gắng trấn an thế giới rằng họ chỉ muốn hòa bình. Họ đầu tư dồi dào vào và rộng tay viện trợ cho các nước nhỏ, giải quyết các tranh chấp biên giới với các nước chung quanh một cách tương đối ôn hòa và tích cực tham gia vào các lực lượng giữ gìn hòa bình và các tổ chức quốc tế. Tháng trước khi Bắc Hàn bắn trọng pháo vào một hòn đảo của Nam Hàn, Trung quốc đã đề nghị một khuôn khổ tự chế cho cả hai bên.
Nhưng bên cạnh thái độ hòa hoãn đó, trong năm 2010 Trung quốc đã có những thái độ lấn lướt quốc tế. Tháng Ba khi Bắc Hàn bắn chìm một chiến hạm Nam Hàn giết 46 thủy thủ Trung quốc không một lời lên án. Đầu tháng Chín Trung quốc gây sự với Nhật Bản khi Nhật Bản bắt giữ thủy thủ đoàn của một chiếc tàu Trung quốc đã cố tình đâm vào một chiếc tàu biên phòng của Nhật cạnh hải đảo Senkaku (Trung quốc gọi là đảo Diaoyu) trong biển Đông Trung quốc (East China Sea). Để trả đũa Trung quốc bắt giữ các doanh thương Nhật và ngưng không bán một loại quặng dùng chế đồ điện tử (gọi là “đất hiếm” – rare earth) cho Nhật. Trước đó Trung quốc đã đơn phương tuyên bố rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và Biển đông ở phía Nam Trung quốc nằm giữa Việt Nam và Phi Luật Tân chạy dài đến bờ biển Nam Dương là của họ.
Nghiên cứu bài học lịch sử, các nhà lãnh đạo Trung quốc biết rằng thế giới có chiến tranh hay hòa bình là do quan hệ giữa hai thế lực muốn trở thành siêu cường. Tranh chấp giữa Đức và Anh (thế kỷ thứ 19) đưa đến chiến tranh. Trong khi tranh chấp giữa Anh và Hoa Kỳ (thế kỷ thứ 20) tránh được chiến tranh.
Cho đến lúc này quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung quốc còn bình lặng. Trung quốc lo phát triển kinh tế, và Hoa Kỳ đang lo chống khủng bố và giải quyết chiến tranh tại Iraq và Afghanistan . Nhưng hai nước không tin cậy lẫn nhau. Trung quốc xem Hoa Kỳ là một đại cường đang thoái trào và đang tìm cách chận bước tiến lên siêu cường của Trung quốc. Trái lại Hoa Kỳ lo lắng không biết những kẻ chủ trương quốc gia cực đoan sẽ dùng sức mạnh kinh tế và quân sự của mình như thế nào.
Những người bi quan tin rằng định mệnh thế giới đã vạch ra con đường đụng độ nhau giữa Hoa Kỳ và Trung quốc vì quan niệm của Trung quốc và Hoa Kỳ về một thế giới tốt đẹp khác nhau. Trong khi Trung quốc muốn vươn lên tạo một trật tự thế giới theo ý mình thì Hoa Kỳ cũng không muốn nhường vị thế ưu tiên mình có gần một thế kỷ nay.
Những người lạc quan cho rằng, không có gì sai trái nếu Trung quốc có tham vọng, nhưng không nhất thiết Trung quốc phải là kẻ thù của Hoa Kỳ. Trung quốc không có tham vọng bành trướng chủ nghĩa như Liên bang Xô viết (nay là Liên bang Nga) trước đây. Trung quốc cũng không có tham vọng chinh phục thuộc địa như các nước Âu châu vào thế kỷ thứ 19.
Trái lại Hoa Kỳ và Trung quốc có nhiều điểm tương đồng. Trung quốc và Hoa Kỳ đều cần thị trường và sự toàn cầu hóa để mua nguyên liệu và bán sản phẩm của mình. Cả hai nước đều muốn một thế giới ổn định, vũ khí nguyên tử được hạn chế và các quốc gia “bất trị” như Iran và Bắc Hàn không có đất dụng võ. Cả hai nước đều biết cái giá phải trả nếu có chiến tranh.
Trong tình hình đó Trung quốc chỉ trở thành một kẻ đối địch nếu Hoa Kỳ đối đãi với Trung quốc như một cừu địch. Cho nên sẽ rất nguy hiểm nếu hai nước ăn miếng trả miếng đưa đến nghi kỵ lẫn nhau như quan hệ giữa hai nước Anh và Đức mấy chục năm trước Thế chiến I.
Hiện nay quan hệ quốc phòng giữa Trung quốc và Hoa Kỳ đang căng thẳng. Trung quốc cảm thấy bị đe dọa bởi hải quân Hoa Kỳ nên ra sức cải tiến hỏa tiễn, tàu ngầm, radar, vũ khí chống vệ tinh và chiến tranh điện tử. Trước sự kiện đó Hoa Kỳ cảm thấy lo. Bản nghiên cứu mới đây của bộ quốc phòng Hoa Kỳ về sức mạnh quân sự của Trung quốc cảnh giác rằng Đài Loan và các căn cứ Hoa Kỳ cũng như các mẫu hạm Hoa Kỳ gần bờ biển Trung quốc có thể bị đe dọa. Do đó hải quân Hoa Kỳ bắt đầu chuyển thêm tàu chiến vào Thái Bình Dương. Trung quốc sẽ không ngồi yên và cứ thế hai bên leo thang.
Ngay cả trong trường hợp Hoa Kỳ và Trung quốc không có ý hại nhau, chỉ một việc lo tăng cường quân lực để bảo đảm an ninh cho mình cũng đủ cho mỗi bên nghĩ rằng bên kia là một đe dọa.
Nhiều người cho rằng để vượt ra khỏi cái vòng leo thang luẫn quẫn cách tốt nhất là Hoa Kỳ ngừng tăng cường hải lực. Nhưng như vậy lấy gì bảo vệ quyền lợi thương mãi của Hoa Kỳ trong vùng Đông Á (mà Hoa Kỳ đã lơ là sau khi thất bại tại Việt Nam ) và bảo vệ Đài Loan?
Lịch sử đã chứng tỏ rằng hai siêu cường có thể chung sống hòa binh nếu cường quốc đang lên cảm thấy không ai cản trở sự lớn mạnh của mình và cường quốc đang làm bá chủ cảm thấy trật tự xã hội dưới ảnh hưởng của mình không bị ai cướp mất. Vì vậy hai siêu cường phải vừa xây dựng quân lực vừa xây dựng tin tưởng lẫn nhau.
Có nhiều cách tạo niềm tin lẫn nhau tại Á châu. Trước tiên cần làm thế nào cho các cuộc xung đột không vượt ra khỏi sự kiểm soát của đôi bên. Trung quốc cần cho thế giới biết nhiều hơn, rõ hơn chủ thuyết quân sự của mình, cách xử dụng vũ khí nguyên tử và các lọai vũ khí khác như mẫu hạm và hỏa tiễn. Mặt khác Hoa Kỳ và Trung quốc cần đồng ý về một quy tắc giải quyết các bất đồng đối với Bắc Hàn, Đài Loan, về cách xử dụng không gian và chiến tranh điện tử. Và các nước tại Á châu cần ký các thỏa thuận giúp cho các cuộc tranh chấp trên biển không trở thành cơ hội đọ sức.
Trung quốc và Hoa Kỳ cần làm việc với nhiều nước khác và không nên tiếp tục con đường tranh cãi tay đôi hiện nay. Á châu chỉ cần một diễn đàn an ninh như Thượng Đỉnh Đông Á (East Asia Summit) để giải quyết các bất đồng về an ninh. Các nước Á châu cũng có thể hợp tác nhau trong các lĩnh vực liên quốc khác như chống bệnh truyền nhiễm, bảo vệ môi trường, chống khủng bố và nạn cướp biển.
Nếu Hoa Kỳ muốn Trung quốc tôn trọng các nguyên tắc ứng xử Trung quốc từng nói sẽ tôn trọng thì Hoa Kỳ cũng phải tôn trọng những gì mình đã hứa. Mỗi lần Hoa Kỳ không giữ một điều đã hứa – như ban hành luật lệ bảo vệ công nghiệp cho riêng mình– thì Trung quốc đâm ra nghi ngờ và mất lòng tin.
Trung quốc và Hoa Kỳ có một bài học lịch sử là đã chứng kiến những biến động của thế kỷ 20 do tranh chấp siêu cường. Cho nên thế kỷ 21 có hòa bình hay không là do cung cách Trung quốc và Hoa Kỳ áp dụng bài học của thế kỷ trước ./.
Trần Bình Nam lược dịch
Dec . 11, 2010
.
.
.
No comments:
Post a Comment