Saturday, December 11, 2010

TT OBAMA : "LƯU HIỂU BA LÃNH GIẢI NOBEL XỨNG ĐÁNG HƠN TÔI"

Người Việt
Friday, December 10, 2010

OSLO, Na Uy - Hôm Thứ Sáu 10 tháng 12 kỷ niệm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Tòa Bạch Ốc đã đưa ra một bản tuyên cáo của Tổng Thống Barack Obama nói rằng nhà tranh đấu nhân quyền Lưu Hiểu Ba xứng đáng hơn ông rất nhiều để nhận giải Hòa Bình Nobel 2010 mà ông ta đã không được đến lãnh tại buổi lễ vào ngày này ở Na Uy.

Khoảng 1,000 quan khách tham dự lễ trao giải Nobel Hòa Bình 2010 tại tòa đô sảnh Oslo, Na Uy, đã đứng dậy vỗ tay khi văn bằng và huy chương được Chủ Tịch Hội Ðồng Nobel Na Uy Thorbjorn đặt vào chiếc ghế trống của người lãnh giải, ông Lưu Hiểu Ba 54 tuổi, đang ở tù tại Trung Quốc. Phần thưởng bao gồm số tiền $1.4 triệu đã thỏa thuận sẽ trao lại ở nhà tù, với điều kiện truyền thông quốc tế không được làm phóng sự tường thuật.
Trong lời phát biểu, ông Jagland nói: “Lưu Hiểu Ba không làm điều gì sai trái. Ông ta phải được trả tự do”. Theo lời ông, không một thân nhân nào của ông Lưu được phép đến tham dự buổi lễ và “điều ấy chứng tỏ phần thưởng này là cần thiết và thích đáng”.
Nữ tài tử điện ảnh Na Uy Liv Ullman đọc lời tuyên bố cuối cùng của Lưu Hiểu Ba trước tòa án năm 2009 khi bị tuyên án 11 năm tù: “Tôi không có kẻ thù”.
Cả hai kênh truyền hình CNN và BBC đã không có sóng tại Trung Quốc trong vòng một tiếng đồng hồ lúc 8 giờ địa phương tối Thứ Sáu 10 tháng 12, đúng vào thời điểm lễ trao giải Nobel diễn ra ở Oslo.

Bản tuyên bố của Tổng Thống Obama nhắc lại: “Một năm trước đây tôi cảm thấy mình phải khiêm nhượng khi được nhận phần thưởng Hòa Bình Nobel, một giải thưởng nói lên những nguyện vọng cao quý nhất của chúng ta đã được dành cho những vĩ nhân trong lịch sử cùng những con người dũng cảm tranh đấu cho tự do và công lý. Ông Lưu Hiểu Ba xứng đáng với giải thưởng này hơn tôi rất xa”. Tổng thống nhận định là sự theo đuổi một nền hòa bình công chính hãy còn chưa toàn vẹn dù rằng nhân loại đã phấn đấu để tiến bộ.

Ðề cập đến ý nghĩa ngày Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, Tổng Thống Obama viết: “Nhân quyền là quyền chung của mọi con người - không tùy thuộc vào một quốc gia, lãnh thổ hay tín ngưỡng nào. Hoa Kỳ tôn trọng văn hóa và phong tục tập quán của tất cả các quốc gia. Chúng tôi ngưỡng mộ những thành tựu kiệt xuất của Trung Quốc đưa hàng triệu người thoát khỏi nghèo khó và tin rằng nhân quyền bao gồm chân giá trị của tự do đem đến cho những cá nhân ấy. Nhưng trường hợp ông Lưu Hiểu Ba nhắc nhở chúng tôi rằng phẩm giá con người cũng còn tùy thuộc vào tiến bộ của nền dân chủ, xã hội khai phóng và luật pháp. Những giá trị mà ông ta ôm ấp là chung cho mọi người, cuộc tranh đấu của ông ta hòa bình và ông ta nên được sớm phóng thích. Tôi tiếc rằng ông Lưu và vợ ông đã bị khước từ cơ hội đến buổi lễ mà tôi và Michelle Obama đã tham dự năm ngoái. Hôm nay ngày Quốc Tế Nhân Quyền, chúng ta nên gia tăng nỗ lực để tiến tới những giá trị chung cho toàn thể nhân loại”.

Bà Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi và Ðại Sứ Hoa Kỳ Barry White có mặt trong buổi lễ cùng với đại diện 45 quốc gia khác. Bà nói với phóng viên AP rằng cảm thấy vinh dự được hiện diện trong dịp này. Trung Quốc từ hàng tháng qua đã tung ra một chiến dịch vận động và tạo áp lực với các quốc gia, kêu gọi tẩy chay giải Nobel Hòa Bình năm nay. Kết quả có 17 nước đã không cử đại diện chính thức đến Na Uy tham dự buổi lễ trao giải.

Trong số 140 nhà tranh đấu do bà vợ của ông Lưu Hiểu Ba, đang bị quản thúc tại gia, chuyển thư mời dự lễ chỉ có một người là Wan Yanhai đến được Oslo. Wan đã đào thoát qua Hoa Kỳ hồi tháng 5 sau khi nhà cầm quyền Trung Quốc làm khó dễ tổ chức tranh đấu cho những nạn nhân bệnh AIDS của ông.

Lần cuối cùng giải Nobel không được phát là năm 1936 khi Adolf Hitler cấm không cho nhà vận động hòa bình người Ðức Ossietzky nhận giải thưởng. Ngay trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, những nhân vật đối kháng chế độ như Andrei Sakharov ở Liên Xô và Lech Walesa ở Ba Lan cũng có bà vợ thay mặt đến Na Uy lãnh giải. Năm 1991 người con trai 18 tuổi của bà Aung San Suu Kyi ở Myanmar nhận giải thưởng cho mẹ.
Trong lịch sử, giải Nobel cũng còn gặp một số trường hợp khó khăn phức tạp khác. Năm 1968 văn hào Boris Pasternak bị chính quyền Liên Xô ép buộc phải từ chối giải Nobel Văn Học. Năm 1964 văn sĩ Pháp Jean Paul Sartre cũng từ chối với lý do không bao giờ ông nhận một giải thưởng nào.
Năm 1973 giải Nobel Hòa Bình được phát cho Henry Kissinger và Lê Ðức Thọ vì thành tích trong cuộc hòa đàm Paris, nhưng Lê Ðức Thọ sau đó từ chối với lý do chiến tranh chưa chấm dứt.
Cùng ngày Thứ Sáu 10 tháng 12 các giải Nobel khác được phát trong một buổi lễ tại Stockholm, Thụy Ðiển. Theo truyền thống giải Hòa Bình là giải Nobel duy nhất được tuyển chọn và cấp phát tại Na Uy. (H.C.)

-------------------------------

.
.
.

No comments: