Saturday, December 18, 2010

NHẬN XÉT VỀ "LÃNH ĐẠO TƯƠNG LAI" CỦA VN (Carl Thayer/BBC)

BBC
Cập nhật: 17:32 GMT - thứ sáu, 17 tháng 12, 2010

Những tin tức rò rỉ ra từ trước Đại hội XI của Đảng Cộng sản đã hé lộ tên tuổi của các nhân vật được cho là sẽ lãnh đạo Việt Nam trong những năm tới đây.
Ông Nguyễn Phú Trọng, 66 tuổi, dự kiến sẽ trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông Trương Tấn Sang, 61 tuổi, sẽ là Chủ tịch nước, và ông Phạm Quang Nghị, 61 tuổi, sẽ giữ chức Chủ tịch Quốc hội trong khi ông Nguyễn Tấn Dũng, 61 tuổi, sẽ tiếp tục là Thủ tướng.
Độ tuổi trung bình của các nhà lãnh đạo này sẽ ở mức trên 62 so với tuổi trung bình của gần 90 triệu dân Việt Nam là khoảng 28.
Nhà Việt Nam học có tiếng người Australia, Giáo sư Carl Thayer, vừa trở về sau chuyến đi chín ngày tới Việt Nam và nói với BBC về các đồn đoán nhân sự mới nhất.
Trước hết ông nói về lý do các lãnh đạo Việt Nam thường lớn tuổi.

Giáo sư Carl Thayer:
Cách chuyển giao theo thế hệ cứng nhắc và nút cổ chai hiện có đòi hỏi một người không thể là tổng bí thư hay giữ vị trí quan trọng nếu không có thâm niên năm năm trong Bộ Chính trị và người ta không thể vào Bộ Chính trị nếu chưa đủ năm năm là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Như vậy là đã mất 10 năm rồi.
Có thể là các bộ trưởng sẽ trẻ hơn nhưng các vị trí cao cấp của đảng thì chắc chắc không như thế. Hiện Việt Nam cũng có giới hạn tuổi về hưu cho các ủy viên Bộ Chính trị là 65 và có sáu thành viên đến tuổi phải về hưu. Nhưng người ta có thể có ngoại lệ và dường như một thành viên đã được coi là ngoại lệ [ông Nguyễn Phú Trọng].
Tóm lại họ chỉ còn một "nhóm gene" rất nhỏ để từ đó chọn ra những người lãnh đạo cao cấp. Việt Nam cần phải suy nghĩ về cách để khuyến khích các nhà lãnh đạo trẻ.

BBC : Vậy là vấn đề ở Đảng Cộng sản chứ không phải hệ thống chính trị nói chung?
Giáo sư Carl Thayer:  Dĩ nhiên là Đảng Cộng Sản có vai trò thống lĩnh trong hệ thống chính trị đó.
Tuy nhiên vấn đề ở đây là vị trí tổng bí thư tương đối yếu so với vị trí thủ tướng vì giờ đây quyền lực tập trung vào người đứng đầu chính phủ.
Theo tôi, trong tương lai gần, những người nắm giữ năm vị trí quan trọng, tổng bí thư, thủ tướng, chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội và thường trực ban bí thư sẽ luôn ở ngoài tuổi 60. Trong quá khứ, những người trở thành thủ tướng đều xuất phát từ ghế phó thủ tướng thứ nhất.
Hiện ông Nguyễn Sinh Hùng đang giữ vị trí này nhưng sẽ không trở thành thủ tướng trong dịp này. Khi tôi ở Việt Nam người ta hỏi đùa nhau 'Khi nào sẽ có Đại hội Đảng" và câu trả lời là "trước ngày sinh nhật ông Hùng" để ông đáp ứng tiêu chí tuổi 65. Có vẻ như sự nghiệp của ông Hùng đã chấm dứt.
Từ giờ tới kỳ đại hội XII, những người như ông Hùng sẽ phải rời khỏi vị trí phó thủ tướng để những người trẻ hơn có cơ hội tập sự.
Hiện người ta có xu hướng không nhìn tới những người ở độ tuổi 40, hay thậm chí 50 để chọn nhân sự cao cấp.

Bất lợi tuổi trẻ

BBC : Như vậy tuổi trẻ thực ra lại là điều bất lợi chứ không phải lợi thế trong hệ thống như vậy?
Giáo sư Carl Thayer:  Đúng vậy, vì hệ thống coi trọng và thưởng công cho những người trung thành. Các đảng viên phải tạo mối quan hệ, xây dựng ra các nhóm và họ tin cậy lẫn nhau.
Điều đáng ngạc nhiên là họ đã đặt ra hạn mức về tuổi tác. Đó là từ Đại hội V hồi năm 1992 khi họ thảo luận nhiều về thay đổi thế hệ và thông thường tại mỗi kỳ đại hội có khoảng 40% ủy viên trung ương sẽ nhường chỗ cho những người mới.
Họ cũng nói về ba thế hệ trong ban chấp hành trung ương, những người ở độ tuổi 40, 50, 60. Nếu một người ở tuổi gần 50 thì khi có thể được xem xét vào các vị trí cao cấp, họ cũng đã gần 60 rồi.

BBC : Một số người có vẻ không ấn tượng lắm với ông Nguyễn Phú Trọng. Theo ông, ông Trọng có để lại dấu ấn đáng kể trong thời gian làm chủ tịch Quốc hội không?
Giáo sư Carl Thayer: Người tiền nhiệm của ông Trọng, ông Nông Đức Mạnh cũng đã từng dùng chức chủ tịch Quốc hội làm bậc nối để lên chức tổng bí thư.
Tôi coi ông Nông Đức Mạnh là người dàn xếp quyền lực và ông Trọng cũng vậy.
Tại Quốc hội Việt Nam có nhiều phe phái và trong năm năm qua ông ấy đã làm tốt nhiệm vụ điều phố các tranh luận và đảm bảo Quốc hội thực hiện các chức năng cần thiết.
Ông ấy là người đã quá tuổi một năm, 66 tuổi, mà vẫn trụ lại được [trong Bộ Chính trị].
Nhưng điều quan trọng không phải là chuyện ông ấy có để lại dấu ấn gì khi làm chủ tịch Quốc hội hay không.
Theo tôi ngày nay Việt Nam không thể có được một tổng bí thư mạnh. Kể từ thời ông Võ Văn Kiệt, văn phòng thủ tướng đang ngày càng mạnh hơn và có nhiều nhóm bảo trợ hơn Đảng Cộng sản rất nhiều.
Trong những năm gần đây, chẳng hạn năm 2007 khi lạm phát tăng cao và cuộc khủng hoảng toàn cầu xảy ra khiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải chèo lái trong khó khăn. Khi đó các đảng viên cao cấp muốn tổng bí thư phải có hành động nhưng ông ấy không có hành động gì cả.
Có hai điều chúng ta có thể nói về ông Trọng là - thứ nhất ông ấy là ứng viên chấp nhận được ở bên trong Đảng nhưng ông ấy không đủ mạnh để đương đầu với ông Nguyễn Tấn Dũng. Họ sẽ không có xung đột mà trong đó tổng bí thư sẽ lấn át thủ tướng.
Điều thứ hai liên quan tới cả Trung Quốc và chính trị địa phương. Ông Trọng đã từng đứng đầu Hội đồng Lý luận Trung ương và Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản do vậy ông nắm chắc về vấn đề ý thức hệ. Nếu chúng ta đọc văn kiện của Đảng Cộng sản chúng ta thấy ít nhất có 17 lần nhắc tới 'diễn biến hòa bình', 'thế lực thù địch'...
Có những người trong Đảng Cộng sản không phải lúc nào cũng cố gắng để hòa nhập với thế giới. Đối với họ, ông Trọng là lựa chọn an toàn hơn cả. Ông đại diện cho ý thức hệ được phản ánh trong văn kiện của Đảng rằng Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn quá độ lên Chủ nghĩa Xã hội.
Ông là ứng viên không gây tranh cãi. Tôi cho rằng nếu ông Trương Tấn Sang trở thành tổng bí thư, chúng ta sẽ có những tính cách mạnh ở ông Dũng và ông Sang và sẽ tạo ra những va chạm.

Đấu tranh phe nhóm

BBC : Thưa ông, liệu có thể tưởng tượng được chuyện một người miền Nam có thể trở thành tổng bí thư không hay như ông nói vị trí này giờ đã yếu tới mức họ cũng chẳng quan tâm nữa và sẽ chọn người từ bất kỳ miền nào?
Giáo sư Carl Thayer: Một số nghiên cứu gần đây của tôi cho thấy ông Trọng là ứng viên sáng giá vì các nguồn của tôi nói theo truyền thống thì tổng bí thư phải là người Bắc.
Khi tôi tới Hà Nội mấy hôm vừa rồi, tôi gặp hơn 25 nhà ngoại giao trong đó có các đại sứ, tùy viên chính trị,... và có một nhóm cho rằng ông Trương Tấn Sang sẽ là tổng bí thư.
Tôi có thể hiểu được điều này vì ông Sang là Thường trực Ban Bí thư và là người ở vòng trong của Đảng so với chủ tịch Quốc hội là người ở vòng ngoài. Nhưng nếu những tin tức chúng ta được biết là đúng thì đó cũng mới chỉ là khuyến cáo của Ban Chấp hành Trung ương thôi.
Các đại biểu tại Đại hội Đảng vẫn có thể đòi hỏi có hơn một ứng viên để họ chọn giống như lần trước.
Khi đó ông Nông Đức Mạnh là người được Ban Chấp hành Trung ương ủng hộ và đã trở thành Tổng Bí thư. Hồi quý một năm nay tôi qua Việt Nam và các nguồn tin nói Đảng Cộng sản đã tổ chức thăm dò ý kiến về các ứng cử viên cho chức tổng bí thư.
Sau đó tôi trở lại vào quý ba và người ta nói cuộc thăm dò mang lại quá nhiều ứng viên và họ tỏ ra lo ngại vì người ta muốn chỉ có hai, ba tên thôi và sẽ có người thắng ngay trong vòng bỏ phiếu đầu để chứng tỏ sự đoàn kết.

Mời quý vị đón đọc phần hai của phỏng vấn trong đó Giáo sư Carl Thayer nói về chuyện liệu có đấu tranh phe nhóm và Việt Nam sẽ xử lý quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ ra sao trong tuần tới.
.
.
.

No comments: