Saturday, December 18, 2010

KHÓ CÓ SỰ THAY ĐỔI SAU ĐẠI HỘI XI nếu ĐCSVN VẪN LÀ "1 ĐẢNG-2 ĐẦU" (Phong Uyên)

Phong Uyên
Đăng ngày 18/12/2010 lúc 03:34:45 EST

Cách đây 2 tháng, trước khi chào cáo biệt, Talawas phỏng vấn một số người trong đó có tôi. Trong những câu phỏng vấn có 2 câu mà tôi cho là quan trọng nhất: một câu về những vấn đề hệ trọng của Việt Nam; một câu về viễn ảnh Việt Nam những năm 2020-2030. Tôi trả lời như sau:

1° "Theo tôi chỉ có một vấn đề hệ trọng là vấn đề “1 đảng-2 đầu”. Tất cả mọi tệ hại như ngăn cấm tự do ngôn luận, tham nhũng, đạo lý tha hoá, các bè phái trong Đảng dựa vào ngoại bang để chia nhau mọi quyền thế, mọi đặc quyền kinh tế... đều ở đó mà ra".

2° "... Tôi chỉ có thể hình dung được Việt Nam dưới 2 dạng tùy theo ĐCSVN diễn biến theo đường lối nào: Đường lối Trung Quốc: Tổng Bí thư cũng là Chủ tịch nước (hay Thủ tướng) nắm mọi quyền hành. Đó là ý định của phe lãnh đạo. Đường lối dẫn tới chính thể Đại nghị nếu trong ĐCSVN có 1 phe “Cấp Tiến” đủ mạnh để sau Đại Hội XI có một Quốc Hội đa nguyên tuy vẫn độc đảng: Quyền hành của ĐCSVN sẽ chỉ giới hạn vào quyền hành pháp với Thủ tướng do Quốc Hội đề cử. Thủ tướng sẽ kiêm chức vị Tổng bí thư Đảng hay sẽ chỉ định ai giữ chức vị này, chỉ là chuyện nội bộ của Đảng. Thủ tướng chỉ biết có Quốc Hội, dưới sự giám sát của Quốc Hội và chịu trách nhiệm trước Quốc Hội chứ không phải trước Bộ Chính Trị của đảng mình".

Đó là viễn ảnh của Việt Nam 10 năm, 20 năm nữa. Nhưng ngay từ Đại Hội XI này, ta có thể đoán biết ĐCSVN sẽ đi về hướng nào tùy theo trong nội bộ Đảng có sự thay đổi hay không. Theo tôi, khó mà có sự thay đổi nếu ĐCSVN vẫn không cắt bỏ được cái đầu "lãnh đạo", nghĩa là tự giải phẫu được cái dị tật của Đảng là sinh ra đã là 1 đảng 2 phe, như một đứa hài nhi 2 đầu. Trong bài viết này tôi xin bắt đầu nói về "dị tật" này để đưa ra những suy luận sẽ có hay không những diễn tiến sau Đại Hội XI. Đồng thời tôi cũng tự đặt câu hỏi, có mối liên quan gì giữa những sự cố đã và đang xảy ra và Đại Hội XI không?
1. Dị tật "1 đảng-2 đầu"
Tôi đã nhiều lần phân tích nguyên nhân hiện tượng 2 đầu (2 phe) của ĐCSVN. Tôi xin nhắc lại:

Stalin là người đã cấy tinh trùng ngoại bang vào trong trứng ĐCSVN, tạo ra một quái thai 2 đầu: 1 đầu là phe phái "bản địa" (dân tộc), 1 đầu là phe phái "ngoại lai" (Đệ Tam Quốc tế). Staline còn cấm không được đặt cho đảng tên Việt là An Nam Cộng Sản Đảng mà phải lấy tên ngoại lai là Đông Dương Cộng Sản Đảng và cho Trần Phú tay sai của mình đứng đầu. Từ năm 1950 khi Tàu Cộng tới sát biên giới, cái đầu "bản địa" bị bịt băng kín, chỉ còn cái đầu "ngoại bang", với những "lãnh đạo" như Trường Chinh, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, mặc sức gật lia lịa theo lệnh của những ông chủ Trung Quốc, rồi Liên Xô, rồi lại Trung Quốc.

Tứ trụ triều đình ĐCSVN khoá X trong tình trạng "1 đảng-2 đầu"

Cái đầu "bản địa" chỉ được "tháo băng" từ khi Đổi Mới và được phân công nắm bộ máy quản lý trong chức vị Thủ tướng. Cho tới nay những người cầm đầu phe "đổi mới", thường được coi là có ý tưởng cấp tiến, là những người miền Nam. Phe "ngoại lai" được coi là bảo thủ, giáo điều, nắm bộ máy "Đảng lãnh đạo" trong một hệ thống đi từ trên xuống dưới, từ Tổng Bí thư người miền Bắc cho tới những bí thư phường xã. “Đổi Mới” và “Bảo Thủ” mỗi bên nắm một guồng máy trong hệ thống toàn trị. Lực lượng 2 phe này có vẻ cân bằng nhau, "bên tám lạng, bên nửa cân".
Sau Đại hội X, mọi người đều hi vọng là phe “Đổi Mới” gồm những phần tử trẻ hơn, có tư duy mới hơn, sẽ có ý chí đổi mới cơ chế để không còn tình trạng "1 đảng-2 đầu". Nhưng hi vọng tan dần vì hai yếu tố:
a, Kinh tế tiến triển, sinh ra nhiều lợi lộc khiến cả 2 phe phái tuy đấu đá ngầm nhau nhưng đều thấy cần phải giữ nguyên tình trạng "1 đảng-2 phe" để độc quyền chia chác nhau những đặc quyền đặc lợi và độc quyền tham nhũng. Rút cục những người đòi hỏi thay đổi cơ chế để đi đến dân chủ, đòi hỏi tự do ngôn luận để phanh phui những chuyện tham ô, đều bị cả 2 phe “Bảo Thủ” và “Cấp Tiến” đồng lòng thẳng tay đàn áp và bị kết tội là "diễn biến hoà bình", là "tiết lộ bí mật quốc gia"!

b, Hai phe trở thành những quân cờ của Tàu và Mỹ: Mỹ vẫn muốn dùng bàn cờ Việt Nam để tiếp tục tỉ thí với Tàu ở Đông Nam Á nên kiếm cách dụ khị những nhân vật trong phe Đổi Mới theo mình bằng những phong bao đầy ắp đô-la của các nhà kinh doanh Âu Mỹ, Nhật Bản, Đại Hàn, Đài Loan... , bằng cách cấp học bổng cho con cháu các vị này theo học những trường danh tiếng nhất. Học xong về nước lại tiếp tục giữ những chức vụ chóp bu hoặc liên kết với tư bản nước ngoài, với Việt kiều con cháu "ngụy" mở xí nghiệp, giữ độc quyền xuất nhập khẩu với các nước Tây phương. Phe "Cấp Tiến" lần lần trở thành đồng minh của Mỹ. Tàu phản công lại bằng cách dùng sức mạnh kinh tế tăng áp lực lên phe “Bảo Thủ” để phe này từ trước tới nay vẫn phụ thuộc mình về tư duy và chính trị, nay lại phải phụ thuộc mình hơn nữa về kinh tế, tài chính, đồng thời cũng cung cấp cho công an theo phe này những phương tiện đàn áp tối tân, tinh vi, để chặt tay chân phe “Cấp Tiến”. Rút cục cả Tàu lẫn Mỹ đều muốn duy trì tình trạng "1 đảng-2 phe" trong ĐCSVN.

Nhưng càng gần đến ngày Đại Hội XI, Tàu càng thấy là phe “Cấp Tiến” được Mỹ ngấm ngầm hỗ trợ có thể nắm được ưu thế: Vì vậy mà từ một năm nay, dưới sự thúc đẩy của Tàu, lực lượng nòng cốt của phe “Bảo Thủ” là Công an và Tổng cục 2 kết hợp với Hacker (hắc khách) Tàu ra sức đàn áp những thành phần có thể làm hậu thuẫn cho phe “Cấp Tiến”: bỏ tù những trí thức trẻ do chính chế độ đào tạo; đóng cửa IDS nơi ra vào của các nhà trí thức cựu công thần của chế độ; bịt miệng các nhà báo, dùng thủ đoạn tin tặc phá hoại những website ngoài luồng và sau hết, trấn áp các tướng lãnh trong quân đội, kiếm cớ bắt giam một "thái tử đỏ" của phe “Cấp Tiến” là Cù Huy Hà Vũ... Để đối lại, phe “Cấp Tiến” có vẻ tin vào sự ủng hộ ngầm của Mỹ, của Tây phương, tin có hậu thuẫn của các tầng lớp trí thức, tin khi hữu sự có thể dựa vào một phần lớn quân đội còn giữ truyền thống yêu nước, thâm thù Tàu vẫn tiếp tục lấn đất chiếm biển, chiếm Hoàng Sa Trường Sa. Tin là một chuyện, nhưng phe “Cấp Tiến” trong Đảng có đủ lực lượng và nhất là có đủ ý chí để phá bỏ được cái gọi là "Đảng lãnh đạo" không?

2. ĐCSVN sẽ diễn biến theo đường lối nào sau Đại hội XI?

Trong tình trạng hiện nay, vì sự cân bằng lực lượng của 2 phe và vì Mỹ và Tàu đều muốn giữ nguyên trạng (statu quo) để dễ mặc cả với nhau hơn, tôi thú thực rất lúng túng và trả lời kiểu "ba phải" nếu ai hỏi tôi có thể có diễn tiến chính trị sau Đại Hội XI không.

Tôi sẽ lập luận kiểu người chơi cá ngựa như thế này:

50%: Không phe nào thắng được phe nào, khiến đâu cũng vẫn hoàn đó. Chỉ khác là có thể cũng vẫn ngần ấy bộ mặt đổi chỗ cho nhau: Lãnh đạo sẽ trở thành quản lí với một ông Thủ tướng người Bắc. Quản lí sẽ trở thành lãnh đạo với một ông Tổng bí thư người Nam. Hai quan thày "G2" bá quyền Tàu-tư bản Mỹ cũng sẽ vẫn chưa ai chiếu tướng được ai.

25%: Phe “Bảo Thủ” chiếm được ưu thế vì được Tàu ủng hộ triệt để và hoàn toàn nắm được Công an và Tổng cục 2 trong tay mình, nên tìm cách triệt hạ vây cánh của phe “Cấp Tiến” và vô hiệu hoá những tướng lãnh muốn ngả theo phe này. Đường lối Trung Quốc được thực hiện ngay từ sau Đại Hội XI. Tổng bí thư sẽ là đương kim Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng.
Lãnh đạo sẽ bao hết: Tổng bí thư kiêm chức vị Chủ tịch nước như ở bên Tàu. Chỉ khác là bản lãnh của ông Tổng bí thư này chưa cao tới gót chân Hồ Cẩm Đào nên Tàu quyết định gì thì theo nấy và cả nước chỉ còn một hệ lãnh đạo đi từ Tổng bí thư Đảng tới các bí thư phường xã, tha hồ chia nhau hết mọi quyền hành lợi lộc. Theo đà này thì đến năm 2030 Việt Nam chắc chắn sẽ trở thành một Tây Tạng của Tàu và cờ Tàu sẽ thêm 1 ngôi sao nhỏ trong số 5 sao xoay vần quanh ngôi sao lớn Đại Hán: Mãn, Mông, Hồi, Tạng, Việt.
20%: Phe “Cấp Tiến” vận động được đa số đại biểu Quốc Hội theo mình nên nắm được Quốc Hội, cô lập được phe “Bảo Thủ”. Việc làm đầu tiên của Liên minh Cấp Tiến - Quốc hội là thực thi lời dặn của Bác Hồ "đảng ta là đảng cầm quyền", bỏ điều 4 Hiến pháp khiến theo pháp lý không còn "đảng lãnh đạo". Guồng máy "lãnh đạo" bị tháo gỡ, ĐCSVN sẽ chỉ còn là đảng cầm quyền hành pháp dưới sự giám sát của Quốc Hội.

5%: Một số đại biểu Quốc Hội can trường lôi kéo được đại đa số các đại biểu khác, bất chấp mọi quyết định của Đảng, mọi thoả hiệp ngầm giữa 2 phe phái trong Đại Hội XI, đòi thực thi cho thật đúng những điều đã được quy định rõ ràng trong Hiến Pháp: Nhân dân làm chủ đất nưóc bằng các quyền lực nhà nước thông qua Quốc Hội (điều 6). Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước (điều 83). Căn cứ vào Hiến Pháp, Quốc Hội sẽ tự bầu Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng chính phủ trong số các đại biểu từ trước tới nay đã có tiếng là dám ăn nói như Dương Trung Quốc, Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Lân Dũng, Phạm Thị Lan… Thủ tướng được đa số đại biểu Quốc Hội là đảng viên ĐCS bầu tất nhiên cũng là Chủ tịch Đảng. Thủ tướng sẽ chỉ định một người giữ chức Tổng thư ký Đảng và người này chỉ lo về nội bộ đảng và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về chuyện Đảng như trong mọi đảng cầm quyền ở những nước dân chủ. Thủ tướng chọn bộ trưởng, thành lập chính phủ và tự đặt dưới quyền giám sát của Quốc Hội, chịu trách nhiệm trước Quốc Hội. Quốc Hội trở thành cơ quan tối cao nhất của đất nước theo đúng định nghĩa trong mọi Hiến pháp của Đảng từ trước tới nay.

Đó là phương cách khả thi nhất để có được một Quốc Hội có thực quyền mặc dù lúc đầu vẫn chỉ độc đảng và cũng có thể vẫn là 2 phe phái, nhưng là 2 phe đối chọi nhau trong khuôn khổ Quốc Hội. Đó cũng là bước đầu trên đường đi đến một chính thể đại nghị ở những nhiệm kỳ sau, khi thể thức bầu cử ứng cử cho phép có một Quốc Hội đa nguyên trước khi đi đến đa đảng. Chỉ tiếc là dù lạc quan đến mấy kịch bản này cũng không quá được 5% xác suất.
Tất nhiên có người phản biện lại là:
1) Quá lí thuyết khi cho là ĐCSVN sinh ra đã có 2 phe. Trước nay trong Đảng bao giờ cũng có nhiều bè cánh đấu đá nhau, triệt hạ nhau trong bóng tối hay mượn tay người ngoài: Trần Phú, Lê Hồng Phong sở dĩ bị mật thám Tây bắt cũng là vì có bàn tay của ông Hồ nhúng vào.

Tôi xin trả lời: sở dĩ ĐCSVN không thuần nhất như các đảng cộng sản khác là vì không có một lãnh tụ độc tài đủ bản lãnh, đủ tàn ác, diệt cả 2 phe dù phải làm đổ máu để tóm thâu toàn đảng trong tay mình như Stalin như Mao Trạch Đông. Ông Hồ chỉ là một người khôn ngoan giảo quyệt còn thấm nhuần tư tưởng làng xã Việt Nam, coi Đảng như một đại hội đồng kỳ hào với 2 phe Lý trưởng – Tiên chỉ, chỉ lo tranh nhau chiếu trên chiếu dưới để ông Hồ có thể ngồi chễm chệ như ông thành hoàng hưởng lộc. Nhưng cũng nhờ chỉ có 2 phe chia nhau quyền hành như trong các làng xã nên ĐCSVN không bị phân hoá và bền vững mà không cần phải có một lãnh tụ. Tất nhiên là khi có 2 phe thì dễ bị ngoại bang thao túng và có xu hướng đứng ỳ một chỗ.

2) Quá đề cao phe “Cấp Tiến” và cho là những người miền Nam có ý tưởng thông thoáng hơn những người miền Bắc. Những người miền Nam là những ai ngoài Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng? Giữa hai người này không biết ai "cấp tiến" hơn ai? Chỉ cần đọc bài "Nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh chống diễn biến hoà bình" để tên Trương Tấn Sang thì thấy là bất cứ ai muốn ngồi trên cái ghế Tổng bí thư: Tô Huy Rứa, Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, X,Y,Z, ... đều phải nói cùng một giọng điệu như nhau cả.

Tôi xin trả lời: Cần phải thực tế "Ở xứ người mù kẻ chột làm vua". Hiện nay chỉ có 2 người tượng trưng 2 phe là Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng. Ai cũng biết là nếu ông "lãnh đạo là bao hết" – Nguyễn Phú Trọng nắm chức vụ "Tổng bí thư" thì có nghĩa là Tàu thắng và dân chủ mất tiêu. Quốc Hội cũng sẽ vẫn "Đảng quyết thì Quốc hội quyết". Còn nếu Nguyễn Tấn Dũng hay một người nào cùng phe, với cương vị Thủ tướng, tháo bỏ được bộ máy "Đảng lãnh đạo" mà đầu nậu là Tổng Bí thư, thì dù có dựa vào tư bản Mỹ cũng vẫn còn hơn.

3) Chờ Quốc Hội làm một cuộc cách mạng cung đình có mà đợi trời sập: 90% đại biểu Quốc Hội là đảng viên lại kiêm nhiệm một đống những chức tước khác, dễ gì mà tự mình chặt gẫy ghế mình ngồi.

Tôi xin trả lời: Mấy tháng gần đây từ ngày bỏ phiếu chống làm đường xe lửa cao tốc, Quốc Hội được sự ủng hộ của dư luận đột nhiên trở nên rất năng động. Dám bỏ phiếu chống lại những dự định làm ăn của phe phái nào trong Đảng; Dám chất vấn những tay đầu sỏ trong chính phủ; Dám tố cáo những âm mưu chia chác nhau lợi quyền giữa các phe phái trong Đảng. Quốc Hội dưới sự thúc đẩy của một số đại biểu can trường, có vẻ không còn thủ phận làm bù nhìn nữa và tự thấy có nhiều khả năng nhân cơ hội cả 2 phe đang ngụp lặn trong đống bùn lầy Đại hội XI, lấy lại chỗ của mình mà "Đảng lãnh đạo" đã chiếm để trở thành cơ quan quyền lực tối cao nhất của đất nước, của nhân dân. Một khi đã trở thành cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước thì cũng có thể đề cử bất cứ ai trong Quốc Hội, kể cả những ai đã từng giữ trọng trách cao nhất trong Quốc Hội như ông cựu Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An chẳng hạn, nắm chức vụ quyền thủ tướng tạm thời trong khi chờ bầu lại Quốc Hội.

Kết luận:

Khi đổi tên đảng Lao Động thành đảng Cộng Sản Việt Nam, Lê Duẩn đã tự tố cáo mình là người thuộc phái ngoại lai: Đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ là Đông Dương Cộng Sản đảng của Staline. Đảng này đã bị ông Hồ giải tán từ 1946 và thay bằng Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mácxít. Những đảng do ông Hồ sáng lập ngay từ thuở đầu như Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội và sau này Mặt Trận Việt Minh, đảng Lao Động, không có đảng nào mang tên là cộng sản cả. Nếu muốn theo đúng tư tưởng ông Hồ và có được sự đồng thuận của mọi người kể cả những người vẫn còn giữ những tư tưởng chính thống giáo điều, thì phải giải tán cái đảng ngoại lai là ĐCSVN, tái lập lại đảng Lao Động, cho phép những đảng liên minh với nó từ thời kỳ kháng chiến như đảng Xã Hội, đảng Dân Chủ hoạt động trở lại đồng thời lấy lại Hiến Pháp 1946. Nếu thật sự muốn đi đến đổi mới chính trị thì phải trở lại cái cũ của ông Hồ đã được quy định trong Hiến Pháp 1946, cũng như đổi mới kinh tế là trở lại kinh tế thời VNCH. "Trở lại cái cũ" phải là mục tiêu của những người "cấp tiến" trong Đảng và của những đại biểu Quốc Hội dám mở miệng.

Phong Uyên
© Thông Luận 2010
.
.
.

No comments: