Tuesday, December 14, 2010

NGHĨ VỀ TÍNH CÁCH CỦA NGƯỜI VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI (Nguyễn Hửu Quý)

Nguyễn Hữu Quý
Thứ tư, ngày 15 tháng mười hai năm 2010

Kể từ hôm nay (15/12/2010), chỉ còn khoảng một tháng rưỡi nữa là đến tết Nguyên Đán Tân Mão, từ nay đến ngày đó, nước ta còn một sự kiện chính trị đáng quan tâm, đó là Đại hội Đảng (ĐHĐ) lần thứ XI.
Khác với các kỳ ĐHĐ trước đây, tôi tin rằng, có thể ĐHĐ kỳ này sẽ không có chuyện băng rôn và tuyên truyền cổ động rầm rộ; bởi vì như ai cũng biết, Đảng CSVN đang đứng trước thử thách của chưa từng có, trước yêu cầu của Đất nước; đặc biệt trước sự lấn lướt của TQ đến tình hình nước ta mà ai cũng dễ dàng nhìn thấy.

Nếu như trước đây, ta chỉ nghe đến các cụm từ “Diễn biến hòa bình”; “âm mưu của các thế lực thù địch”… đây là những cụm từ dành cho kẻ thù ở ngoài biên giới quốc gia; thì hiện nay, trên các báo chí của Đảng, ta hay nghe các cụm từ mới “tự diễn biến”, “chống tự diễn biến” v.v.. là nói đến lực lượng bên trong; ta có thể hiểu, đây là lực lượng ngay trong nội bộ Đảng, hoặc trước yêu cầu phát triển của đất nước, thì tiếng nói của tầng lớp trí thức, đặc biệt có các vị là CCB, hoặc những vị một thời đã từng giữ chức vụ cao trong bộ máy Đảng, Nhà nước… thì nay đã lên tiếng; và như Đảng ta đang cho đây là một lực lượng đối lập cần phải… chống(?!).

Đặc biệt, cách đây mấy tháng, khi mà các vị một thời là Bộ trưởng, thậm chí là UVBCT tham gia trên các diễn đàn, báo chí… lại rộ lên, để ta lại có một chữ nghe rất cũ nhưng lại rất mới, đó là chữ… “nguyên”.
Nhà văn Đình Kính có một bài rất hay, nhan đề “Luận về chữ nguyên”, rất đáng để chúng ta suy ngẫm. Theo tôi, đó chính là tính cách nổi bật nhất của người Việt trong thời đại chúng ta, gồm rất nhiều lứa tuổi, nhiều thế hệ; theo như tôi suy luận, thì người Việt Nam chỉ là chính mình, chỉ khi có thêm chữ “nguyên” thì phải(?!).

Và có vẻ như, chữ “nguyên” mà ta đang LUẬN ở đây, phản ánh khí tiết của người Việt đương đại(?!).
Sở dĩ, khi viết về tính cách của người VN đương đại, mà tôi lại nói đến ĐHĐ, là bởi vì: nhiều thế hệ người VN hôm nay đang kỳ vọng vào ĐHĐ tới đây, và theo thói quen lại là… kỳ vọng(?!);

Do đặc điểm của nước ta, chỉ có một Đảng lãnh đạo duy nhất; cho nên, kể từ ngày thành lập Đảng đến nay (03/02/1930), chiều dài đã bằng một đời người; mỗi khi mong muốn về sự đổi thay của đất nước, ta thường nghĩ về Đảng, vì Đảng là nhân tố quyết định; đồng thời khi nói ra, đặc biệt là khi viết ra [tất nhiên là đối tượng cầm bút, mà ta hay nghĩ đến đó là tầng lớp trí thức], ta thường có các chữ đi kèm, như: “kỳ vọng”, “mong lắm thay!”…  mà nói thẳng ra, đây là một ý thức… đi xin(?!); Một vài các dẫn chứng có thể kể ra đây (phần tô đậm là tôi muốn nói về vấn đề này):

- Cách đây chỉ 2 hôm, ngày 13/12, báo VNN có bài “Kỳ vọng Hội nghị 14 xứng đáng trách nhiệm dân tộc giao phó[lại kỳ vọng]; chỉ riêng tiêu đề bài báo thôi, đã cho thấy đặc tính ấy; còn ở phần nhấn mạnh, báo viết:  Hôm nay, Hội nghị lần thứ 14 của BCH TƯ Đảng sẽ khai mạc và kéo dài trong một tuần. Với tầm vóc hội nghị trung ương cuối cùng trước khi Đại hội Đảng diễn ra nửa đầu tháng 1 năm sau, một số tâm nguyện gửi gắm niềm tin Hội nghị 14 sẽ đáp ứng mong đợi của người dân cả nước”;  và ở dòng tiếp theo là: “Mong đột phá trong cách chọn nhân sự” v.v

- Hôm qua (14/12) cũng trên VNN, có bài “Thông điệp lắng nghe từ người đứng đầu Đảng”; ở phần nhấn mạnh, bài báo viết:  Phát biểu khai mạc Hội nghị TƯ cuối cùng trước Đại hội, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cho rằng, nhìn chung các góp ý của nhân dân đối với các dự thảo văn kiện Đảng đều rất thẳng thắn, tâm huyết, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với Đảng, với dân tộc. Ông cũng hứa Đảng sẽ tiếp thu, bổ sung, sửa đổi để các văn kiện Đại hội thật sự là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân”. [ở đây, sự kỳ vọng, sự mong muốn… được tác giả viết dưới một dạng khác].

- Trở lại cách đây mấy tháng, cũng trên VNN, có bài “Cần lắm một Quốc hội chuyên nghiệp”; ta lại nghe một câu như là than vãn vậy(?!).

Như vậy là, lớp lớp thế hệ người Việt cho dù năm nay đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”; thì trong suốt cuộc đời của mình, luôn luôn nhìn Đảng CSVN như là một ông thánh; muốn điều gì đó cho đất nước, thì lại nhìn vào Đảng để rồi chỉ có biết kêu lên… “mong lắm thay!”; “hy vọng”…

Vừa rồi, nhân đọc bài báo: “Con tàu giáo dục bên bờ vực thẳm”, của tác giả Nguyễn Thượng Long trên trang mạng Tin tức hàng ngày; tôi suy nghĩ rất nhiều khi tác giả viết: “Chúng ta chứ không phải ai khác đã trực tiếp tạo ra bao thế hệ người Việt Nam quen sống dối trá và bạc nhược trước cuộc đời”.
Phải chăng, chính điều này, cho nên mới có LUẬN VỀ CHỮ “NGUYÊN”, mà nhà văn Đình Kinh làm tiêu đề cho bài viết của mình?

Như vậy, ta có thể nói, tính cách của người Việt Nam đương đại, mặc dù rất đau lòng, nhưng cũng nên nói thẳng ra rằng, đó là sự… BẠC NHƯỢC(?!).

Sở dĩ tôi viết ra bài này là bởi, cách đây hai hôm, ngày 13/12, trên báo điện tử chungta.com; đăng bài của tác giả Vương Trí Nhàn, có tự đề “Thói hư tật xấu của người Việt: Dân khí bạc nhược, ra vẻ ái quốc, ...”; theo đó, báo trích lại Thư gửi Chính phủ Pháp của nhà yêu nước Phan Chu Trinh, ở đầu thế kỷ trước, nguyên văn như sau:

Dân khí bạc nhược (Phan Chu Trinh – Thư gửi Chính phủ Pháp, 1906)
Nước Nam độ bốn mươi năm nay, vận nước ngày một suy, suốt từ trên đến dưới chỉ biết chuyện lười biếng vui chơi. Pháp chế luật không còn có cái gì ra trò, nhân tài cũng tiêu diệt đi mất cả. Người trên thì lâu lâu được thăng trật(*), chẳng qua như sống lâu lên lão làng; người dưới thì đem của mua quan , thật là tiền bạc phá lề luật. (...). Suốt cả thành thị cho đến hương thôn, đứa gian giảo thì như ma như quỷ, lừa gạt bóc lột, cái gì mà chẳng dám làm; đứa hèn yếu thì như lợn như bò, giẫm cổ đè đầu, cũng không dám ho he một tiếng.
(*) trật: cấp bậc phẩm hàm.
[hết trích]

Vậy là, hôm nay, sau 35 năm nước nhà thống nhất, đất nước đã hội nhập đầy đủ với thế giới…; ấy thế mà Dân khí của người Việt Nam ta có khi còn thua xa cha ông cách đây hơn một thế kỷ, thời mà đất nước đang chìm đắm trong đêm dài nô lệ dưới chế độ thực dân Pháp.

Có đáng để chúng ta hôm nay suy ngẫm không nhỉ?
Hay là phải đợi đến khi có thêm chữ… “nguyên”?
15.12.2010
.
.
.

No comments: