danlambao
Lão Đảng Viên (danlambao) – Người dân làm chủ xã hội của mình, đó là cái mục tiêu lớn và quan trọng của tất cả các xã hội dân sự tiên tiến và văn minh của xã hội loài người. Vậy làm chủ xã hội cụ thể được người dân đen chúng tôi hiểu ra sao? Xin được chia sẻ cùng quí vị đôi điều theo cách hết sức dân giã, bình dị như bao người dân Việt Nam vẫn mong muốn và cùng nhau suy ngẫm:
Làm chủ xã hội trước hết là làm chủ ý nghĩ của mình:
Ý nghĩ, đó là một phạm trù rộng bởi tính phổ quát của nó. Bất kỳ một người nào cho dù là quan chức hay dân đen đều phải có ý nghĩ, kể cả người mất khả năng kiểm soát thần kinh thì họ vẫn có ý nghĩ cho dù đó là ý nghĩ điên rồ. Vậy ý nghĩ bản thân nó là một khả năng, một quyền thiêng liêng mà bất cứ một động vật nào cũng được tự do phát triển mà không bị bất cứ một thể chế nào kiểm soát, áp đặt.
Làm chủ xã hội là được hành động theo ý của mình:
Trên cơ sở các ý nghĩ đó, người dân có dân chủ được quyền phát triển ý nghĩ đó thành hành động cụ thể, Hành động đó là sự biểu lộ cụ thể những ý nghĩ cho người khác biết ý nghĩ của mình. Khi ý nghĩ còn nằm trong đầu mà không có hành động thì không ai hiểu ý nghĩ đó có giá trị như thế nào. Vậy hành động là sự cụ thể hóa, sự biểu hiện của ý nghĩ ra bên ngoài. Khi ý nghĩ được tự do thì đòi hỏi hành động cũng phải được tự do miễn là những hành động gọi là “điên rồ” của những người tâm thần cần được xã hội ngăn chặn hoặc hạn chế phát triển (đó là một ngoại lệ).
Làm chủ xã hội là được tự do tư duy sáng tạo theo ý của mình:
Khi những ý nghĩ mang tính chất phát kiến (ý nghĩ mới mẻ), thì những ý nghĩ đó được cho là những sáng tạo hay phát minh. Để có nhiều phát minh thì càng đòi hỏi môi trường tự do phát triển, tự do tư duy không kìm hãm, không định hướng. Khi ý nghĩ phát triển ở mức độ cao con người đòi hỏi một môi trường để phát triển khả năng tư duy của mình và hầu hết những nhà khoa học, những nhà phát minh đều được tự do như vậy.
Làm chủ xã hội là được thể hiện chính kiến của mình: Khi chính kiến được tự do thể hiện, thì khi đó xã hội dân sự mới có cơ hội phát triển. Trong thế giới tự do, người dân có quyền thiêng liêng là được nói
lên, được tự thể hiện, được biểu lộ cảm xúc về chính kiến của mình một cách công khai.
Làm chủ xã hội là được tự do tiếp cận thông tin xã hội:
Trong xã hội tiến bộ của loài người, tất cả các thông tin kể cả thiên tả hay thiên hữu đều phải cho người dân tự do tiếp cận, chỉ khi người dân được tự do tiếp cận thông tin, họ mới có đầy đủ cơ sở khách quan để xây dựng niềm tin, phát huy chính kiến của mình và có đóng góp xây dựng xã hội một cách chính nghĩa. Người dân có quyền tin hay không tin một thông tin nào đó và việc tự do tiếp cận mọi thông tin khiến họ kiểm chứng thông tin một cách dễ dàng hơn.
Làm chủ xã hội là được tự do bày tỏ quan điểm của mình:
Quan điểm của người dân trước mọi vấn đề của xã hội là thể hiện trách nhiệm của công dân với xã hội mà họ đang sinh sống. Việc ngăn cấm họ thể hiện trách nhiệm của họ với xã hội có thể coi là một tội ác chống lại sự tiến bộ của xã hội trước thế giới văn minh.
Làm chủ xã hội là được tự do đi lại, làm ăn sinh sống trong xã hội của mình:
Nhu cầu của cuộc sống hiện đại đó là được làm việc để nuôi sống bản thân và đóng góp cho xã hội. Trong quá trình lao động sản xuất, họ có quyền đi bất cứ đâu, làm bất cứ công việc gì mà họ cảm thấy phù hợp với sức khỏe và đem lại thu nhập chính đáng cho họ. Việc cản trở quyền tự do này là hành động phi đạo đức. Đó đích thị không phải hành động của một xã hội văn minh thời hiện đại, nó tạo lên cái sự ngăn sông cấm trợ ngày xưa.
Làm chủ xã hội là quyền tối thượng bất khả xâm phạm thân thể và tinh thần:
Bất khả xâm phạm về thân thể và tinh thần là quyền tối thượng của mọi công dân, mọi hành vi xâm hại, sỉ nhục hay cố tình lăng mạ, xâm phạm thân thể người dân đều vi phạm nghiêm trọng quyền lợi tối thượng này. Người dân phải được pháp luật bảo vệ về thân thể, có quyền có chỗ ở và quyền tự do theo hoặc không theo bất kỳ tôn giáo nào trong xã hội.
Làm chủ xã hội là được làm mọi thứ không vi phạm thuần phong mỹ tục:
Người dân khi đã có tự do, họ có quyền làm bất cứ việc gì họ thích trên cơ sở sự cho phép của luật pháp và không phương hại đến quyền của người khác, không vi phạm thuần phong mĩ tục của nhân dân.. Tuy nhiên, không vì thế mà những người làm luật có quyền đưa ra những hạn chế của công dân một cách bất hợp pháp có tính áp đặt bắt người dân làm theo. Việc áp đặt chỉ có giá trị từ xã hội phong kiến trở về trước mà thôi.
Và cuối cùng, làm chủ xã hội là được quyền lựa chọn người lãnh đạo mình:
Người dân thể hiện quyền và trách nhiệm công dân của mình thông qua việc bỏ phiếu lựa chọn người lãnh đạo của mình, lãnh đạo xã hội mình đang sinh sống phát triển và ngược lai họ có quyền yêu cầu người đại diện cho họ làm những gì họ mong muốn. Vì vậy quyền bỏ phiếu lựa chọn người lãnh đạo có ý nghĩa rất quan trọng đối với một xã hội dân chủ thực sự, niềm tin của người dân đối với kỳ vọng người mà họ lựa chọn thông qua bầu cử dân chủ, có cạnh tranh một cách công khai, dân chủ. Khi họ đã lựa chọn rồi thì mọi chương trình hoạt động của chính phủ sẽ được người dân ủng hộ và chính quyền mới hy vọng sự thành công mĩ mãn.
Câu hỏi đặt ra là:
Ở Việt Nam, người dân đã được hưởng bao nhiêu quyền dân chủ đó?
Ở Việt Nam, nhìn chung tất cả các quyền cơ bản của con người đều bị chính quyền cộng sản hạn chế, mức độ hạn chế tuy có khác nhau, nhưng tựu chung lại, người dân sống dưới chế độ xã hội này bị đối xử không khác mấy những người nô lệ xưa. Ngay từ bé, họ đã bị chính quyền nhồi sọ những tư tưởng lạc hậu, cũ rích của chủ nghĩa Mác – Lê Nin, bộ máy nhồi sọ này có mặt ở tất cả các cấp học từ mầm non trở lên, vì vậy hệ tư tưởng của người dân hầu như không được phát triển bình thường, họ cam chịu và sức chiến đấu trong con người bị giảm sút, họ không muốn hoặc mất đi khả năng tư duy độc lập, mất khả năng sáng tạo và con người sống và làm việc như một cái máy và họ cũng không có cơ hội thể hiện chính kiến của mình, tất cả đều phải nói và làm theo ý Đảng, câu nói ý Đảng – Lòng dân đã đi vào tiềm thức người dân. Cũng ở đây, mọi người dân bị hạn chế tiếp cận thông tin, hệ thống tuyên giáo của Đảng cộng sản ngăn chặn cơ quan báo chí và truyền thông cung cấp thông tin đến với nhân dân nếu thông tin đó không có lợi cho sự bảo thủ độc quyền của Đảng, không ai được tự do bày tỏ quan điểm của mình nếu quan điểm đó không đúng bài tuyên giáo, nếu ai đó cố tình bày tỏ thì ngay lập tức bộ máy công an trị của Đảng sẽ ra tay bắt bớ, trấn áp không thương tiếc. Công an sẵn sàng bất chấp luật pháp, trà đạp lên quyền tự do của người dân, đánh đập, bắt bớ, bỏ tù họ không trên cơ sở pháp luật. Gần đây nhiều vụ bắt bớ đàn áp dân lành liên tục xảy ra khắp cả nước làm người dân hết sức bất bình là minh chứng cho sự trà đạp công lý của chính quyền cộng sản.
Sống trong xã hội này, người dân cũng không có quyền tự do lao động và học tập, cả một guồng máy công an trị của Đảng luôn luôn và sẵn sàng cướp đi cả công ăn việc làm và thu nhập chính đáng của những người có bất đồng chính kiến, chiêu bài áp dụng còn có cả khủng bố tinh thần họ và gia đình họ nhằm đạt mục đích thần phục chế độ. Đây là hành động hết sức dã man, phi pháp và vi phạp trắng trợn nhân quyền ở Việt Nam. Trong hệ thống chính trị độc quyền Đảng trị này, người dân không có quyền giới thiệu ứng cử và lựa chọn người đại diện mình tham gia quản lý xã hội. Những cuộc bầu cử tốn kém, ầm ĩ trên hệ thống tuyên truyền của Đảng chỉ là bài lừa phỉnh rẻ tiền mà thôi vì tất cả những ứng cử viên đó đều do Đảng chọn và tất nhiên ai trúng cử là quyền của Đảng, người dân được lùa đi bỏ phiếu cho chiêu bài dân chủ giả tạo này như lùa vịt. Chẳng thế mà nhiều điểm bầu cử mới 8h sáng đã có 100% cử tri đi bỏ phiếu, quân bài giả dối đó cứ mặc nhiên tồn tại bao nhiêu năm mà người dân vẫn cam chịu. Quyền tự do về dân sự và chính trị của công dân mà Việt Nam cam kết với quốc tế chỉ là hình thức, thực tế thì người dân đã bị tước đoạt hầu hết các quyền cơ bản đó.
Giải pháp nào cho người dân
Giải pháp trước mắt và lâu dài đó là người dân Việt Nam phải tự lên tiếng đòi hỏi quyền của mình một cách công khai, kêu gọi chính quyền cộng sản tuân thủ nghiêm ngặt các cam kết quốc tế về nhân quyền mà chính phủ Việt Nam đã ký kết tham gia, trước tiên, lực lượng tiến bộ xã hội hãy đấu tranh cho tự do ngôn luận, tự do báo chí một cách thực sự để người dân hiểu rõ hơn những quyền cơ bản của mình mà cùng nhau đấu tranh đòi hỏi chính quyền tôn trọng. Mặt khác cần lên tiếng kêu gọi các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, các cơ quan ngoại giao, chính phủ các nước có nền dân chủ tiên tiến lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh đòi quyền dân sự và chính trị của công dân Việt Nam một cách chính thức. Sự lên tiếng của xã hội tiến bộ sẽ góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh không tiếng súng nhưng sẽ hết sức gian nan vất vả này.
Chỉ có xã hội dân sự, chỉ khi người dân được làm chủ xã hội đó mới là đích đến của một xã hội văn minh. Nhân loại tiến bộ đòi hỏi vai trò làm chủ xã hội của người dân chứ không phải một đảng phái nào, một thế lực nào ban phát cho người dân những quyền cơ bản nhất.
Hà nội: 14/12/2010
Lão Đảng Viên
Danlambao.com
Danlambao.com
.
.
.
No comments:
Post a Comment