18/12/2010
1.
An Sơn - Dân Việt
17/12/2010 | 14:04
(Dân Việt) - Bí thư Kim Ngọc được cả nước biết đến là cha đẻ của khoán hộ. Thế nhưng có một người từng sát cánh cùng Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc, ủng hộ chủ trương khoán hộ của ông bằng một luận án dày 72 trang, lại ít ai biết đến.
Luận án khoán hộ đầu tiên
Đến chợ Thông (phường Hương Long, TP. Huế), hỏi ông Lê Xuân Thiết, các tiểu thương sốt sắng chỉ tay về phía quầy vé số khiêm tốn nằm bên con đường dẫn vào chợ, nơi có một ông già nhỏ thó đang bán vé số cho khách. “Chỉ cần hỏi “ông Thiết vé số” là người dân cả phường ni ai cũng biết”- ông cười vui vẻ khi gặp chúng tôi.
Ông Thiết sinh năm 1937, ở làng An Ninh Hạ, xã Hương Long, huyện Hương Trà, nay là phường Hương Long, TP. Huế. Từ nhỏ ông làm du kích, thường xuyên đột nhập các đồn giặc để vẽ bản đồ giúp bộ đội đánh đồn.
Năm 1953, ông là một trong số ít người trong tỉnh được phong tặng danh hiệu Chiến sĩ du kích thi đua. Sau đó ông cùng Tiểu đoàn du kích Bình Trị Thiên tập kết ra Bắc và được giao nhiệm vụ làm liên lạc cho tiểu đoàn. Khi tiểu đoàn du kích này giải tán, ông được cử đi học ở Hà Nội và đến năm 1960 thì học ở Trường Đại học Ki- ép (Liên Xô).
3 năm sau, ông về nước học tiếp Đại học Kinh tế kế hoạch Hà Nội cho đến năm 1967. Sau khi tốt nghiệp đại học loại giỏi, ông được phân về công tác ở Ủy ban Kế hoạch tỉnh Vĩnh Phú.
Là người được đào tạo bài bản, ông sớm nhìn ra nhiều hạn chế của phong trào hợp tác hóa đang phát triển rầm rộ nhiều nơi. Từ đó, ông bắt tay vào thực hiện luận án về chính sách giao ruộng đất lâu dài cho nông dân, nhà nước chỉ thu thuế.
Đúng vào thời điểm này, ở huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú bắt đầu rộ lên phong trào nông dân tự chia nhau ruộng đất để sản xuất. Phong trào này đưa năng suất lên cao, đời sống người dân đổi thay nhanh chóng. Hay tin, ông tức tốc về Lập Thạch nắm thêm tình hình, tìm hiểu nguyện vọng người dân để có đủ cứ liệu xây dựng luận án của mình.
Từ hiệu quả của phong trào chia nhau ruộng đất của nông dân huyện Lập Thạch, ông Kim Ngọc - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú thời bấy giờ đã quyết định nhân rộng mô hình này ra nhiều huyện khác trên địa bàn. Chủ trương đúng đắn của người đứng đầu tỉnh khiến ông Thiết hết sức phấn khởi, càng tích cực hơn trong vai trò thúc đẩy phong trào khoán hộ phát triển.
Tuy nhiên, khi thông tin về phong trào khoán hộ ở Vĩnh Phú lan tới Trung ương, ông Kim Ngọc đã bị kiểm điểm với lý do “quay lại con đường tư bản chủ nghĩa” và “đi ngược đường lối của Đảng”. “Điều đó càng thôi thúc tôi hoàn thành luận án của mình để ủng hộ chủ trương của ông Kim Ngọc”- ông Thiết kể.
Rồi một luận án dày 72 trang có tên “Khoán hộ” của ông Thiết ra đời. Tại đây, ông Thiết cho rằng, người nông dân của một nước nông nghiệp lạc hậu chưa thể làm ăn tập thể do trình độ thấp nên phải kích thích họ làm việc bằng hình thức giao khoán.
Nếu để tập thể làm, một sào ruộng chỉ thu được 1,5 tạ lúa, nhưng nếu khoán cho hộ nông dân thì mỗi sào sẽ thu được ít nhất 3 tạ. Theo ông Thiết, luận án đã góp phần làm thay đổi nhận thức của không ít trí thức ở Ủy ban Kế hoạch tỉnh Vĩnh Phú cũng như nhiều cơ quan khác trong tỉnh thời bấy giờ. Tuy nhiên, không nhiều người dám công khai ủng hộ bởi sợ bị quy kết là “lệch lạc tư tưởng”.
Một đời chìm nổi
Công trình của ông Thiết không được chấp nhận và cá nhân ông bị quy cho “tội” xét lại, chống chủ trương của Đảng và Nhà nước lúc bấy giờ. Ông đứng ra bảo vệ luận án của mình bằng những luận cứ khoa học nhưng cuối cùng cơ quan vẫn quyết định khai trừ ông ra khỏi Đảng và chuyển ông xuống làm tạp vụ.
Năm 1975, nhiều cơ quan trung ương mời ông làm việc nhưng không được Ủy ban Kế hoạch tỉnh Vĩnh Phú đồng ý. Một thời gian sau, khi Ủy ban Kế hoạch tỉnh Thừa Thiên- Huế có chủ trương xin trí thức tập kết ra Bắc về xây dựng quê hương, ông xin về tỉnh. Tuy nhiên, khi thấy lý lịch của ông “có vấn đề”, ông Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế lập tức chuyển ông xuống làm nhân viên của Phòng kế hoạch huyện Hương Trà.
Tại Phòng kế hoạch huyện Hương Trà, khi ông về công tác là thời điểm rộ lên chương trình cải tạo công thương nghiệp. Từ thực tế sai lầm khi cải tạo công thương nghiệp ở miền Bắc, ông viết một bản thuyết trình gần 20 trang gửi lên tỉnh Thừa Thiên- Huế nói rõ không nên tiến hành cải tạo công thương nghiệp vì sẽ gây ra nhiều hậu quả nặng nề. Tuy nhiên, ý kiến của ông không được lãnh đạo tỉnh đồng ý.
Không làm ngơ trước những chủ trương sai lầm của lãnh đạo, ông phản đối kịch liệt nên năm 1977 ông bị điều chuyển đến Nhà máy vôi Long Thọ. Tại nơi làm việc mới, vì tiếp tục có ý kiến trước những chủ trương sai lầm của lãnh đạo nên ông bị đưa vào “danh sách đen”, bị coi là “người thiếu thiện chí”. Năm 1980, quá chán nản, ông xin nghỉ mất sức.
Nước mắt tuổi già
Trở về quê ở tuổi 44, ông lập gia đình trong cảnh hoàn toàn trắng tay. Không ruộng vườn, nghề nghiệp để mưu sinh, cuộc sống của gia đình ông ngày càng bi đát. Đã vậy, năm 1989, tiền lương hưu mất sức ít ỏi của ông cũng bị cắt. Để tồn tại, ông phải đi nhặt ve chai đem bán lấy tiền nuôi gia đình.
Với chiếc xe đạp cà tàng, hàng ngày ông Thiết bán vé số dạo khắp phường Hương Long.
Ông Thiết ghi số trúng thưởng thông báo cho khách mua vé số
Tuổi tác ngày càng lớn, sức khỏe suy yếu, ông phải chuyển sang nghề bán vé số. Ngày nắng, với chiếc xe đạp cà tàng, ông đạp xe đi khắp phường Hương Long bán vé số, ngày mưa sức khỏe không cho phép, ông phải ngồi lại chợ Thông để bán.
“Thu nhập từ bán vé số mỗi ngày chỉ được vài chục nghìn, không đủ để lo cho vợ con. Nhưng hoàn cảnh thế này thì biết làm gì khác hơn”- ông buồn nói. Hiện vợ chồng ông có một người con trai đang học đại học nên cuộc sống gia đình ông càng ngày càng túng quẫn.
Khi nhắc đến bộ phim “Bí thư Tỉnh ủy” đang được chiếu trên VTV1, giọng ông buồn buồn: “Xem phim tui bắt gặp hình ảnh của mình trong đó. Số phận của ông Kim Ngọc thật gian truân nhưng cuối cùng người ta cũng minh oan và vinh danh cho ông ấy. Tui thì chẳng muốn ai vinh danh mình, mà chỉ cần có sức khỏe để kiếm đủ tiền lo cho con ăn học”.
An Sơn
.
.
2.
Nguyên Ngọc
Nghĩ dọc đường- Nhà xuất bản Văn nghệ
Nghĩ dọc đường- Nhà xuất bản Văn nghệ
08:39' AM - Thứ ba, 08/12/2009
Vừa rồi tôi có được đọc một bài báo rất đứng đắn nói về sự lãng phí trong nghiên cứu khoa học đang phổ biến ở nước ta hiện nay. Phải nói đây không phải là bài đầu tiên nhắc đến chuyện này, và cũng như rất nhiều lần trước đây, tất cả những điều nêu ra ở bài báo này về tình trạng đáng buồn trong việc thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học hiện nay ở ta đều đúng: nhiều đơn vị nghiên cứu khoa học chẳng hề coi việc nghiên cứu khoa học là công việc thường xuyên, khi có kinh phí thì rộ lên, khi không có hoặc ít kinh phí thì xẹp xuống; có kinh phí thì tiêu tốn một cách hình thức, hội họp tiếp khách, hội thảo liên miên, thưa gửi chào mừng đủ lệ bộ mà chẳng có mấy nội dung thiết thực; phân bổ đề tài nghiên cứu thì bình quân chủ nghĩa, anh được nhận đề tài thì tôi cũng phải được nhận đề tài, xem kinh phí nghiên cứu khoa học là để góp phần cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo cho cán bộ khoa học vốn đồng lương quá ít ỏi đề tài nghiên cứu thì trùng lặp, làm theo lối phong trào, ngoài xã hội đang có vấn đề thời sự gì, trên đang có chủ trương cụ thể gì thì đổ xô nhau vào đất một kiểu “cơ hội chủ nghĩa” chẳng mấy khi chịu khi đi vào những vấn đề cơ bản, có tính phát hiện và có ý nghĩa lâu dài; nghiệm thu thì hình thức, phản biện thì nể nang, để gọi là cho có, công trình nào cũng đưa đánh giá xuất sắc, nhưng rồi chẳng để làm gì cả. Đấy là chưa kể cơ quan, đoàn thể nào cũng đua nhau đã làm công trình nghiên cứu khoa học, rất nhiều khi có cần nghe qua tên đề tài đã thấy thật vớ vẩn... Rốt cuộc, lãng phí tiền của Nhà nước và nhân dân, mà khoa học chẳng được gì, xã hội cũng chẳng được gì.
Tình hình đáng buồn, phổ biến và kéo dài đó chắc ai ít nhiều có quan tâm đến lĩnh vực này đã biết, biết đã lâu rồi, đến mức... ngán ngẩm, gần như bất lực, “biết rồi, khổ lắm...”, chẳng buồn nói nữa.
Tuy nhiên, cũng còn một tình hình khác, ngược lại có lẽ cũng không ít người biết, nhưng hình như lại ít người nói đến: vẫn còn nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học rất nghiêm túc, còn nhiều nhà khoa học có tài năng, có lương tâm, và có dũng khí, họ đã làm được những công trình nghiên cứu khoa học sâu sắc hết sức thiết thực, thật sự có ích, mang tính phát hiện cao, không ít khi có thể có tác dụng vừa cơ bản vừa bức thiết... nhưng rồi chẳng ai nghe họ cả. Thậm chí có khi họ như người gào lên giữa sa mạc, mà chẳng ai, chẳng người nào có trách nhiệm trong chính cái lĩnh vực liên quan đó thèm đoái hoài đến. Riêng tôi, tôi có được biết ít nhất một công trình như vậy: đó là công trình Sở hữu và sử dụng đất đai ở các tỉnh Tây Nguyên (1) của các nhà khoa học Vũ Đình Lợi, Bùi Minh Đạo, Vũ Thị Hồng, thuộc Viện Dân tộc học, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia. Một trong ba tác giả của công trình này, anh Vũ Đình Lợi, nay đã mất.
Đây là một công trình nghiên cứu vừa khá cơ bản vừa thật cụ thể, có tính thời sự cao, về một vấn đề quan trọng hàng đầu trong bất cứ một xã hội nông nghiệp nào - vấn đề đất đai - và ở một vùng vừa rất quan trọng về nhiều mặt vừa rất đặc thù của đất nước ta: Tây Nguyên. Trên cơ sở phân tích khá sâu sắc, toàn diện những đặc điểm cơ bản về tự nhiên, lịch sử, xã hội của vùng đất này, các tác giả đã lần theo lịch sử vấn đề đất đai (đất và rừng) ở đây; khảo sát và phân tích cụ thể, tỉ mỉ, chính xác sự chuyển động về sở hữu và sử dụng đất đai ở Tây Nguyên trong suốt một thế kỷ qua, đặc biệt trong mấy giai đoạn lớn từ sau năm 1975 (trước Đổi mới và sau Đổi mới); thực trạng hiện nay, những tác động khác nhau của thực trạng đó đối với xã hội và con người, đối với mọi mặt đời sống ở đây: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng…; những nguyên nhân của các chuyển động đó: những yếu tố lịch sử khách quan, sự thiếu hiểu biết và thiếu quan tâm nghiêm trọng đối với những đặc điểm của một vùng dân tộc rất đặc thù, những tính toán thiếu khoa học trong việc bố trí lại cơ cấu dân cư trên vùng đất này, vấn đề di dân tự do, những cách thức quản lý, khai thác đất và rừng của ta và việc thực thi các chủ trương và chính sách về đất đai của ta trong các giai đoạn vừa qua... Tất cả những phân tích đó đều được minh chứng bằng những sự việc, số liệu phong phú, cập nhật thuyết phục.
Với những căn cứ thực tế được khảo sát và nghiên cứu, phân tích một cách khách quan và nghiêm túc như vậy, các tác giả đã viết những lời dự báo: “Sẽ lại không quá sớm khi đưa ra lời cảnh báo rằng nếu không kịp thời có giải pháp khắc phục những khiếm khuyết của quá trình khai thác và sử dụng đất đai thì “vấn đề dân tộc” sẽ rất có thể phát sinh trong thực tế nay mai ở Tây Nguyên, chí ít là mất ổn định nghiêm trọng là lại đổ máu, với sự can thiệp vừa kín đáo vừa trắng trợn của kẻ thù dưới chiêu bài bảo vệ người dân tộc, bảo vệ quyền tự do tôn giáo. Một khi vấn đề dân tộc và tôn giáo quyện vào nhau thì nguy cơ thật khó lường”.
Công trình này được hoàn thành, nghiệm thu chính thức vào năm 1997, và đã được xuất bản công khai vào giữa năm 2000.
Cho phép tôi được nói một ý nghĩ: tôi muốn bày tỏ sự cảm phục của tôi đối với công trình này và các tác giả của nó. Đây thật sự là một công trình khoa học hết sức nghiêm túc, công phu, đúng đắn, sâu sắc, cơ bản, kịp thời, cấp bách, của những nhà khoa học có lương tâm, có tinh thần trách nhiệm cao, đầy tâm huyết và dũng cảm. Những dự báo của họ là khá sớm, kịp thời, hoàn toàn chính xác, và đã được chứng minh.
Là người có ít nhiều hiểu biết và có theo dõi vấn đề này, tôi cũng được biết công trình vừa nói trên không phải là đề xuất duy nhất của các nhà khoa học đối với các vấn đề nảy sinh suốt thời gian mấy chục năm qua ở Tây Nguyên. Nhiều, rất nhiều người, bằng cách này, cách khác, đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề này. Duy có điều tất cả những tiếng nói, tiếng kêu nhiều khi đến thống thiết đó đều rơi vào thinh không, vào "im lặng đáng sợ". Không ai nghe, không ai bận tâm để ý, không ai thèm đoái hoài. Năm 1997 không nghe. Năm 2000 không nghe. Và đến bây giờ, khi tình hình đã diễn ra đúng như đã được dự báo cũng vẫn không nghe.
Tôi cũng được biết rất gần đây có một bản Đề án về vùng đất này của một cơ quan có thẩm quyền rất cao, và Đề án đó được dùng làm cơ sở cho một Văn kiện cao hơn nữa về chính vùng này. Trong Đề án và Văn kiện hết sức quan trọng đó không hề thấy chút dấu vết nào các nghiên cứu và đề xuất nghiêm trang, công phu, tâm huyết của các nhà khoa học gần như đã bỏ gần hết cuộc đời mình vì sự nghiệp tồn tại bền vững và phát triển của vùng đất đối với họ xiết bao gắn bó này. Các tác giả Đề án và Văn kiện nói trên không hề biết đến các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học về chính vấn đề họ đang làm, hoặc có biết thì không thèm đếm xỉa gì đến chúng, thậm chí có thể không thèm liếc mắt đọc qua. Họ chỉ làm việc theo báo cáo của các cấp dưới.
Vậy các nhà khoa học và công trình nghiên cứu khoa học của họ... là để làm gì?
Có những nhà khoa học dám làm, dám nói, không quá ít đâu nhưng có ai dám nghe không?
Tháng 3-2002
(1) Vũ Đình Lợi - Bùi Minh Đạo - Vũ Thị Hồng - Sở hữu và sử dụng đất đai ở các tỉnh Tây Nguyên - NXB. Khoa học xã hội - Hà Nội 2000
Nguồn: Nghĩ dọc đường- Nhà xuất bản Văn nghệ
.
.
.
No comments:
Post a Comment