Tuesday, December 28, 2010

HỘI THẢO GÓP Ý CHO VĂN KIỆN ĐẠI HỘI 11 (4)

Tài liệu tham khảo:

Trần Phương: Đồng chí nào phát biểu ý kiến nữa không? Xin mời. Vâng. Mời anh Danh … thôi ngồi luôn đi.

(02h17’30″) TS Lê Đăng Doanh (cựu thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, Viện Nghiên cứu phát triển IDS):
Thưa anh Trần Phương, thưa các anh các chị! Tôi đồng ý với nhiều ý kiến đã có phát biểu. Tôi xin có mấy ý kiến thế này.
Một là cần có cái sự kiểm điểm nghiêm túc cái việc thực hiện các cái nội dung đã ghi trong nghị quyết Đại hội IX, Đại hội X. Bây giờ kiểm điểm lại thì thấy tất cả các nội dung mà liên quan đến cái việc phát huy quyền dân chủ của người dân thì đều đã không thực hiện. Và cái điều này chắc chắn không phải là sự tình cờ.
Một là Luật về hội, anh Vũ Quốc Tuấn đã có nêu. Hai là Luật về quyền tiếp cận thông tin của công dân, đã có ghi, không thực hiện. Thứ ba tức là Luật về tòa án hiến pháp không ghi, không làm. Thứ tư Luật về trưng cầu dân ý, không làm. Và có qui định là phải phát huy sự giám sát của dân đối với Đảng. Chả thấy phát huy gì cả.
Tất cả những cái chuyện kia thì ai mà có ý kiến thì tức là săm soi rồi thì là dùng các công cụ này khác rồi thì hạn chế thì v.v…
Bây giờ một cái Đảng mà đến nghị quyết Đại hội cũng không thực hiện, thế thì bây giờ sẽ đi đến đâu. Và sắp tới đây sẽ như thế nào? Đấy là một cái điều theo tôi là phải có sự kiểm điểm hết sức là nghiêm túc bởi vì rằng là đã đang Đại hội là cao nhất rồi. Mà bây giờ sau đó rất là lặng lẽ, thản nhiên coi như điều này không phù hợp thế rồi thì v.v… và v.v…
Thí dụ như là Viện khoa học xã hội đã có nhiều lần trình ra một cái bản về qui chế dân chủ trong nghiên cứu khoa học. Có một câu xanh rờn: “Làm gì có cái chuyện này”. Dẹp! Thế là thôi, chả ai có ý kiến gì cả. Như ở đây có mấy anh em cũng đã tham gia vào tiết mục ấy lặng lẽ rút dù về cả, không có ý kiến gì cả. Thế thì tương lai trong đợt sắp tới này có qui chế gì không? Tức là Đảng cũng phải có cái qui chế về cái việc tức là ban chấp hành trung ương có thực hiện một cách nghiêm túc hay không chứ.
Điểm thứ hai là đổi mới thể chế là then chốt. Tất cả những điều mà chúng ta nói về giáo dục, đào tạo về tất cả các thứ. Nếu không đổi mới thể chế thì sẽ không giải quyết được gì cả. Cái điểm đầu tiên cần phải vạch ra là đổi mới thể chế phải ngăn chặn lợi ích nhóm và phải thể chế hóa sự lãnh đạo của Đảng. Và phải có sự kiểm soát cơ quan lãnh đạo của Đảng. Và ở đây đã có cái đề nghị rất rõ ràng tức là bầu ủy ban kiểm tra, do Đại hội bầu ra và giám sát Ban chấp hành Trung ương và không phụ thuộc vào Bộ chính trị. Có như thế mới được, mà cái đó Lê nin đã có làm rồi. Và đã có đề xuất rồi.
Mà hiện nay Trung Quốc đã có thực hiện và đã có thí điểm ở rất nhiều tỉnh rồi. Và sắp tới đây nó sẽ thí điểm nữa. Chứ bây giờ chúng ta tất cả các việc này chúng ta cứ nói nhưng không có làm gì cả. Và có cái luật về cái việc là sự lãnh đạo của Đảng hay không? Tất cả chúng ta đều biết. Và tất cả các quyết định là phân đất cho ông này, phân nhà cho ông kia, giao ông nọ mấy trăm mét vuông đất, ông kia v.v… rồi đến bí thư tỉnh ủy gặp ông này ông kia gật đầu thế này thế khác. Tất cả cái chuyện đó diễn ra như cơm bữa. Và mọi người đều biết cả. Còn tất cả các chuyện đưa ra Hội đồng nhân dân cách thức này khác …. nó chỉ là hình thức. Thế thì tất cả cái chuyện ấy bây giờ nó cứ tiếp diễn thế chúng ta coi như là chúng ta không biết gì cả.
Thế liệu một cái xã hội như thế, một cái thể chế như thế có thể đi đến hiện đại và công nghiệp hóa được không? Làm gì có chuyện! Làm việc nó phải đàng hoàng, phải có căn cứ chứ lỵ. Đấy anh Trần Phương còn biết hồi bấy giờ làm mấy công trình lớn để đưa ra bao nhiêu hội đồng, đúng không? Lại mời cả hội đồng giám sát, có cái phải mời cả chuyên gia Liên Xô, họ xem xét kỹ càng lắm. Bây giờ mấy dự án to hơn, tiền to hơn rất nhiều mà cứ gật đầu lia lịa thế thôi. Quyết định ở cái chỗ nào đấy, thế rồi không biết gì cả.
Cho nên thể chế là một vấn đề sống còn và nếu như không có một tiến bộ về thể chế thì không có một tiến bộ thực chất nào hết cả và thể chế ở đây là thể chế của bản thân Đảng. Đảng phải đổi mới, phải có sự giám sát, mọi người phải tự nguyện đặt mình dưới sự giám sát chứ không thể … ở đây mọi người ở đây đều biết cả: vì ông này ông đồng hương với mình, gọi điện thoại là … đấy nhớ, cậu chú ý cái chú ấy nhớ. Thế ít lâu sau chưa thấy gì cả, sao mình nhắc mà cậu không chú ý thế là hôm sau thấy lên cấp thứ trưởng rồi v.v… Nếu như vậy một chính sách cán bộ không trọng dụng người tài mà đưa lên tất cả những cái người như vậy, thì nó làm nản lòng người ta và dẫn đến người ta chạy đi nơi khác người ta làm.
Cái điểm thứ ba mà tôi muốn báo cáo với các anh là tình hình kinh tế vĩ mô và tình hình kinh tế thế giới sắp tới đây hoàn toàn không giống như cái báo cáo của chúng ta mà đang nói đây. Một là chúng ta đều biết hiện nay khủng hoảng lương thực là một vấn đề nhãn tiền. Hai nữa là vấn đề khan hiếm năng lượng là vấn đề nhãn tiền. Thứ ba là vấn đề biến đổi khí hậu tác động đến Việt Nam là rất là rõ ràng. Tất cả những các cái điều đó có thấy thể hiện vào đây đâu. Không thấy thể hiện gì cả.
Cái thứ tư là kinh tế vĩ mô, ổn định kinh tế vĩ mô, thì tất cả anh em chúng ta ở đây đều biết rằng là nền kinh tế của chúng ta cần phải qua một giai đoạn ổn định, phải giảm sốt, phải giảm các mất cân đối trước khi tiếp tục tăng trưởng. Bây giờ mọi chuyện coi như cứ thế là tiếp tục diễn ra và sẽ “tăng trưởng nhanh và bền vững”. Làm gì có câu chuyện diễn ra như thế được!
Tôi xin báo cáo các anh các chị hiện nay các ngân hàng thương mại của chúng ta nhá … tôi vừa hỏi, trao đổi với chị Dương Thu Hương đây thì theo như chỗ tôi được biết một số ngân hàng thương mại nhỏ của chúng ta hiện nay là đã có mùi khét. Mùi khét lắm rồi, chứ không phải đơn giản. Nếu như ông ngân hàng nhà nước ông không bơm vào và cái thị trường liên ngân hàng vừa rồi không có cứu cho thì có một số chỗ đã có diễn biến phức tạp.
Trong tình hình đó ông cứ tiếp tục diễn ra mãi cho nên tôi nghĩ rằng tất cả các việc này thì cần phải có một sự thảo luận, phải nhìn thẳng vào sự thật, bởi vì rằng là tất cả các cái chuyện mà không nhìn thẳng vào sự thật sẽ không lừa được sự thật. Lừa được con người thôi còn đến lúc nào đấy thì cuộc sống quay lại mới trừng phạt và lúc bấy giờ sẽ rất là lớn. Cũng xin lưu ý là cái nợ công đã tăng lên rất nhanh chóng từ năm 2007 cho đến nay là tăng lên và hàng năm càng tăng lên và Việt Nam trở thành một cái nước tích cực vay nợ nhất trong khu vực này. Trong tất cả các nước chúng ta đều thấy Việt Nam rất là tích cực.
Một cái điểm nữa tôi cũng xin báo cáo là như chúng ta thường nói là chúng ta tăng trưởng cao. Tôi xin báo cáo là Việt Nam tăng trưởng kém Singapore nhiều. Singapore nó tăng trưởng 15,2%, 13, … 15,2% là bởi vì là … Báo cáo với anh Trần Phương không phải chỉ có công nghiệp điện tử, công nghiệp sinh học mà nó mở du lịch, nó mở sòng bạc và nó mở cả một cái công nghiệp dịch vụ khác nữa. Và bây giờ thử đăng ký vé máy bay đi Singapore xem, trời ơi, bảo ông … chậm quá phải đến tháng nữa mới đến lượt ông. Không có ông chịu khó đến Pháp vậy chứ nếu không có thì không có đâu. Thế thì tất cả những cái đó chứng tỏ rằng các nước chung quanh của chúng ta nó đột phá rất lớn. Chứ không phải là không đột phá mà nếu mình không có sự đổi mới thì tôi e rằng mình còn lạc hậu hơn Campuchia. Chứ đừng nói gì… Còn lạc hậu hơn ông Lào nào chứ không phải đơn giản.
Cho nên tôi nghĩ rằng là mình cần phải nhìn thẳng vào sự thật và có ba cái vấn đề cần phải giải quyết và nói rất rõ trong cái tình hình hiện nay ở đây. Tức là vấn đề thể chế, vấn đề lợi ích nhóm, vấn đề chia chác và vấn đề vận hành và sử dụng quyền lực một cách hết sức là tùy tiện. Đấy là một cái điều cần phải nói rất là rõ ràng. Cần phải có cái sự giám sát từ trong Đảng, quan hệ lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội đối với nhà nước phải làm rõ ràng, nếu không không có được cái sự tiến bộ này thì thực chất chúng ta sẽ chẳng đi đến đâu cả. Thế thì tôi xin phép dừng lại ở đây. Xin cám ơn!

Trần Phương: Anh nào nhể? Anh Hương, xin mời anh.
Nguyễn Đình Hương: Kính thưa anh Trần Phương, thưa tất cả các đồng chí.

Trần Phương: Anh ngồi xuống cho nó vào máy của anh.

(02h 27’20”) GS Nguyễn Đình Hương (cựu Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội):
Tôi xin tán thành rất nhiều ý kiến của các đại biểu vừa nêu. Nhưng tôi vẫn có hy vọng là có thể là đóng góp của chúng ta phần nào đấy vẫn có thể sửa chữa được và vẫn có thể nêu được một vài khía cạnh nó thông suốt giữa ba cái văn kiện. Thứ nhất là cương lĩnh. Thứ hai là nhân lực. Thứ ba là văn kiện đại hội Đảng.
Các đồng chí có nói nhiều vấn đề nhưng ở đây tôi chỉ nêu một khía cạnh là trong ba văn kiện này nói về cái cơ cấu là kinh tế thì chưa thật đồng nhất. Thí dụ như là cương lĩnh thì nói là “xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, hiện đại, có hiệu quả và bền vững”, gắn chặt giữa công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Thế còn trong chiến lược thì nêu là “đổi mới tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế” thì tôi cho là dùng từ “cơ cấu lại nền kinh tế” có nên dùng hay không?
Các nước, sau mỗi thời kỳ thì đều có chính sách điều chỉnh cơ cấu bởi vì cơ cấu kinh tế của chúng ta cứ nói là trong quá trình đổi mới chúng ta đang đi đúng hướng với kinh tế thị trường nhưng những cái mặt về mặt xã hội và môi trường thì chúng ta cần phải điều chỉnh. Và khi chúng ta đã có một cái lượng vốn nhất định, có một cái tích lũy nhất định thì chúng ta phải điều chỉnh cơ cấu để phát triển cao hơn, bền vững hơn, với qui mô cao hơn. Thế còn trong văn kiện Đại hội thì nêu “đổi mới mô hình tăng trưởng và đổi mới cơ cấu kinh tế”.
Cho nên ở đây, tôi nghĩ rằng là trong ba văn kiện này thì nên có một sự thống nhất về một cái từ ngữ và một cái phạm trù và một số nội dung về cơ cấu kinh tế. Thì chỗ anh Hồ (ngồi cạnh tôi đây) cũng là người mà đóng góp vào chiến lược thì tôi nghĩ rằng là không nên dùng từ “cơ cấu” khái niệm kinh tế mà đây chỉ có cái điều chỉnh cơ cấu theo một cái hướng phát triển bền vững và hiện đại trong giai đoạn hiện nay.
Thì trong năm 86 chúng ta thấy là đầu tiên ta đổi mới tư duy thì đổi mới tư duy ở đây là chúng ta từ kế hoạch sang thị trường và chúng ta đã thành công trong vấn đề là theo đuổi kinh tế thị trường và phát triển nền kinh tế hiện nay của chúng ta và chúng ta đã có những thành quả nhưng những cái mặt về mặt xã hội, về môi trường thì chúng ta có những cái bất cập. Cho nên là trong cái giai đoạn 2 linh một (2011?) này thì chúng tôi cho là bắt đầu đổi mới tư duy. Mà đổi mới tư duy ở đây là phải lấy cái chất lượng hiệu quả,  phát triển bền vững, hiện đại làm cái hạt nhân.
Đấy là một cái điều mà chúng tôi nghĩ là giai đoạn này là chúng ta phải làm thế nào để mà điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững. Và lấy lao động chất xám làm trọng tâm, lấy công nghệ cao làm bàn đạp và ngay kể cả đồng tiền làm thế nào để chúng ta phấn đấu tiền của chúng ta có thể là đổi được so với các nước trong khu vực và thế giới. Ví dụ EU thì người ta có đồng tiền chung. Liệu Việt Nam có thể có một đồng tiền chung với ASEAN hay như thế nào đấy để chúng ta làm thế nào để đồng tiền của chúng ta phải là bền vững, chứ nếu mà chúng ta mất giá và đồng tiền không ổn định thì chúng tôi cho là sự phát triển lâu dài của Việt Nam phải có những cái khó khăn.
Cho nên ở đây những khâu đột phá thì chúng tôi nghĩ là đột phá ở đây là đổi mới tư duy phát triển, đổi mới tư duy theo hướng hiện đại mà lấy lao động chất xám, công nghệ cao, đồng tiền có giá làm cơ sở nền tảng. Và trên cơ sở đấy chúng ta sẽ cơ cấu, điều chỉnh cái cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững.
Và tôi cho là trong ba bản văn kiện này đã bắt đầu có tư duy đổi mới. Thí dụ, trước đây là, chúng tôi nói thêm, là ta phân vùng theo kiểu ngang, nhưng đây đã bắt vào những cái tư duy là phân vùng theo là … hợp theo là … cung, là coi như bắt đầu theo hàng dọc, mà hàng dọc này của Việt Nam là rất quan trọng. Bờ biển là biển … hải đảo là một cái vùng, đồng bằng là một vùng, miền núi và trung du là một vùng.
Chính vì vậy cái cách phân vùng như thế này thì chúng ta phải hợp lực được rất nhiều vấn đề để chúng ta có thể tạo ra được những sản phẩm có thể cạnh tranh trên thế giới. Hiện nay chúng ta đã có mười một, mười hai mặt hàng coi như chủ lực ra nước ngoài và xuất khẩu thì làm thế nào trong 5 năm tới,10 năm tới chúng ta có được cái sản phẩm chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn và có thể cạnh tranh trên thị trường của quốc tế. Thì cái đấy thì tôi cho lại là vấn đề đột phá. Đấy là tôi xin bổ sung thêm một vài ý kiến rất là nhỏ trong ba cái văn bản để là đóng góp chung của hội thảo chúng ta. Xin cảm ơn!

Trần Phương: Cám ơn anh Hương. Anh Phong. Mời anh!

(02h 32’ 35”) GS Lê Du  Phong (cựu Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân):
Kính thưa anh Phương, tôi thì không định nói vì đã có bài gửi các anh rồi. Và có thể nói là nhiều ý tôi nói thì các anh cũng đã nói cả rồi. Nhưng mà tóm lại tôi có mấy cái nhận xét như thế này.
Qua đọc ba cái … toàn bộ văn kiện này, thì không phải là sáu điểm như anh Trần Phương, nhưng mà tôi có rút ra bốn cái kết luận như thế này.
Thứ nhất thì tôi nghĩ là tất nhiên là cũng có những cái tiến bộ nhưng nhìn chung thì tôi rằng cả ba cái văn bản này tư duy lý luận nó vừa cũ kỹ, vừa mâu thuẫn. Cái thứ hai là xa rời thực tiễn quá, xa rời thực tiễn cuộc sống quá. Thứ ba tôi nghĩ là nó hơi xem thường lịch sử. Và thứ tư là nó không gắn mấy với thời đại. Tôi phải nói là đấy là bốn cái nhận xét mà tôi thấy là đọc văn kiện thì tôi thấy như vậy.
Thì tôi xin minh họa một vài điểm thôi. Thứ nhất là nó cũ kỹ là thế nào, cũ kỹ tức là như anh Lược đã nói đấy, cho đến bây giờ vẫn mô hình kinh tế là “chế độ công hữu về tư liệu sản xuất”, các tư liệu chủ yếu. Mà các anh biết rồi, cái mô hình kinh tế XHCN với chế độ công hữu XHCN thống trị với hai hình thức toàn dân và tập thể, nó đã tồn tại 70 năm và cũng 70 năm thực hiện mà các nước XHCN và Liên Xô chứng tỏ rằng nó không tạo ra được động lực phát triển và nó triệt tiêu luôn phát triển đi. Thế bây giờ vẫn còn trở ngại cái này và cái này nó thụt lùi so với cương lĩnh năm 91. Cương lĩnh năm 91 chỉ nói là… như anh Lược đã nói, là cương lĩnh năm 91 nói phát triển nền kinh tế hiện đại. Vâng. (Tiếng bàn tán xôn xao). Vâng. Và nói như vậy nó phù hợp với quan hệ sản xuất, lực lượng sản xuất thôi. Nay lại quay lại chỗ ấy thì tôi nói như vậy tức là tư duy rất lạc hậu, rồi mâu thuẫn là mâu thuẫn như chỗ hôm xưa ta nói đấy.
Các thành phần kinh tế đều là bộ phận quan trọng trong nền kinh tế thị trường, đều cùng tồn tại lâu dài, bình đằng, hợp tác …(không nghe rõ). Nhưng ngay sau đấy thì  … (không nghe rõ) “trong đó kinh tế nhà nước là chủ đạo”, kinh tế tập thể phát triển mở rộng. Và kinh tế tập thể của nhà nước cộng với kinh tế tập thể là nền tảng. Câu đấy không … , là mâu thuẫn ngay câu trước rồi. Đã là chủ đạo, đã là nền tảng thì làm quái gì có bình đẳng ở đây nữa. Tức là đưa ra cái chủ đạo, đưa ra cái bình đẳng thì có nghĩa là phân biệt đối xử rồi. Thế thì làm câu bình đẳng…(không nghe rõ), đã là bình đẳng lại có phần chủ đạo làm nền tảng, thế thì làm gì có cái chuyện. Tôi nghĩ là đấy là những cái lý thuyết, những cái tư duy rất là cũ và mâu thuẫn với nhau.
Cái thứ hai tôi nói xa rời thực tiễn là sao? … Là cái  nền kinh tế của nước ta nó có phát triển theo như chúng ta … (nghe không rõ) đặc biệt là cái lòng tin của người dân đối với Đảng, đối với chế độ, đối với đất nước. Sự lãnh đạo của Đảng hiện nay nó có như chúng ta viết như thế này không? Xin thưa các anh là đến năm 2009, tám tháng 2010 là ba năm tám mươi ngày … (không nghe rõ) nó là thế nhưng một cái gì đấy rồi. Mà chúng ta đi ra ngoài đường chúng ta hiểu hơn, tiếp xúc với dân chúng ta hiểu hơn, họ bức xúc như thế nào, nhưng chúng ta … (không nghe rõ) tất cả cùng vô tư tốt đẹp, tất cả mọi thứ thì là tôi nói như vậy.
Nói là xem thường lịch sử nghĩa là gì? Chúng ta viết là “CNXH là điều kiện bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc”, thế hóa ra là các triều đại trước của cha ông chúng ta độc lập dân tộc mỗi một triều đại là vài ba năm năm, người ta không có CHXN mà vẫn độc lập dân tộc chứ có mất độc lập dân tộc đâu. Thế thì chỉ có CHXN mới bảo đảm vững chắc, nói như thế quá xem thường lịch sử. Mà thực tế bây giờ chúng ta độc lập đây, nhưng chúng ta cũng đã có CNXH đâu … Định hướng XHCN (…) Thì tôi nghĩ là … (…)  cho nên là, viết như thế là xem thường cha ông. Đấy là một việc.
Hay là chúng ta không gắn bó lắm với thời đại và nó có cái gì đấy thì tôi nghĩ rằng nếu mà khi thực hiện những cái điều đưa ra thế này thì có lẽ đến năm 2020 chúng ta tụt hậu, tụt xa so với các nước. Tôi xin nói là một năm 2003, à 2001, thì GDP bình quân đầu người của Malaysia là 3.700, đúng không? Năm 2006 của Thái Lan là 3.200 thì chúng ta đến năm 2020 thì chúng ta mới được 3.000, 3.200. Như vậy là năm 2020 GDP chúng ta mới bằng 2006 của Thái Lan và mới bằng 2001 của Malaysia. Và như vậy còn 10 năm nữa thì ba thằng cha này nó chạy đi đâu rồi chứ có phải nó ở đấy mãi. Thì tôi nghĩ chắc là còn tụt xa nhiều chứ không phải như thế này. Hay là chúng ta cứ tự hào là tăng nhanh, tăng này khác. Tôi nói là chúng ta có tăng nhanh đâu kính thưa các anh. Hungary (ở đây có anh Thanh học Hungary), năm 2001 xin thưa các anh GDP bình quân đầu người của Hungary là 5.100 đô la và 2008 là 15.400. Như vậy, tức là trong vòng có 7 năm người ta tăng GDP ba lần. Còn thằng Nga đấy, năm 2005 là 5.000 thì năm 2008 là 11.000 tức là trong ba năm nó tăng gấp 2 lần. Chúng ta 10 năm, nào là đột biến nào những là phát triển, đi tắt đón đầu này khác, 10 năm tăng được 2 phẩy mấy. Mà cứ coi như thế là ngon lành, tức là không cần biết thiên hạ nó đi đâu, chỉ cứ thế nói ta. Mà xin thưa tôi nghĩ đến bây giờ Malaysia năm nay nó là 8.000, thằng … năm 2008 là 8.000, thằng Thái Lan là 4.400, hơn 4.000, thì cũng chưa ai nói nó là nước công nghiệp cả. Ta có 3 nghìn mấy mà nói “cơ bản là nước công nghiệp”, …  thì có lẽ là hơi xem thường thiên hạ và không quan tâm gì đến thiên hạ cả (…).
Thì đấy tức là tôi cho chính vì vậy cho nên là phải có … trong cái này, trong tất cả các loại đột phá, tôi thì tôi cũng không tán thành cái đột phá này đâu. Tôi cho là đột phá đầu tiên chính là phải thay đổi thể chế chính trị, tôi đồng ý như các anh đã nói, đổi mới (…) Việt Nam là vì xin thưa với các anh thế này, từ năm 86 chúng ta đã thay đổi thể chế kinh tế, chuyển sang kinh tế thị trường nhưng mà 25 năm nay cái thể chế chính trị cơ bản vẫn như thế thôi. Và bây giờ nó trở thành cái lực cản của sự phát triển nếu không thay đổi. Cho nên tôi cho rằng phải đột phá chính là đột phá thể chế. Đấy. Xin hết!

--------------------------------------------

Tài liệu tham khảo:
.
.
.

No comments: