Tài liệu tham khảo:
(02h40′) Trần Phương:
Bây giờ còn 15 phút nữa. Tôi xin phép nói một đôi ý thôi chứ tôi …(không nghe rõ) nói hết ý của tôi đâu. Tôi rất đồng ý với nhiều ý kiến nhưng mà tôi muốn nói thêm là hiện nay người Việt Nam chúng ta thích nói một cách, làm một cách. Thế tôi hỏi ông là bây giờ ông nói là nền tảng của ông là chủ nghĩa Mác – Lênin thì chủ nghĩa Mác – Lênin là cái gì đây nhỉ? Thế ông không nói chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử đâu? Cái chuyện đó xa xôi, với các nhà ảo thuật thôi. Có phải không? Thế bây giờ chủ nghĩa Mác – Lênin là cái gì mà ông nói là nền tảng của ông?
Chúng ta đã trải qua 70 năm, người Việt Nam thì 20 năm, ông xây dựng CNXH theo nguyên tắc mà ông Mác đưa ra. Là gì? Chuyên chính vô sản về mặt chính quyền. Thứ hai về mặt kinh tế thì lấy chế độ công hữu làm nền tảng đấy. Thu hẹp và xóa dần cái kinh tế tư nhân và thị trường tự do, rồi phân phối theo lao động v.v… Nhưng mà bây giờ ông xem lại tất cả những nguyên tắc đó ông có làm không? Tôi nghĩ ông từ chối rồi còn gì nữa. Có phải không? Khi các ông đổi mới … à … người Việt Nam thì giỏi cái chỗ rằng là ông dùng danh từ để ông lẩn trốn. Ông nói là ông “đổi mới” nhưng thực ra ông “thụt lùi”.
Tôi có lần viết cho lời nói đầu một bài viết của anh Đặng Phong về tư duy kinh tế. Tôi nói đổi mới thực chất là ông lùi lại. Ông tiến lên chế độ công hữu như bây giờ đó thì ông phải lùi lại rồi. Ông từ chối cái kinh tế tư nhân nhưng ông phải thừa nhận cái kinh tế tư nhân, thừa nhận kinh tế năm thành phần, nhiều thành phần, thậm chí thừa nhận cả chủ nghĩa tư bản. Thế là ông thụt lùi chứ. Tôi không gọi là thụt lùi mà là bởi vì cái thời kỳ mà ông xây dựng CNXH từ năm 60 cho đến năm 80 là ông theo cái tư tưởng tả khuynh. Ông theo một cái tư tưởng giáo điều, mà cái điều này tôi nói là ông Mác sai. Ông Mác sai dự kiến là CNXH, với những đặc trưng đó, là dự kiến của ông Mác là sai. Ông Mác có nhiều cái dự kiến phải nói là thiên tài, nhưng riêng dự kiến là những đặc trưng của CNXH là ông Mác sai. Nhưng mà chúng ta không thừa nhận rằng ông ý sai. Chúng ta cứ làm giả vờ như là ta vẫn theo ông Mác. Thì xin lỗi, ông giả vờ ông Mác thì ông đã thay đổi hành động của ông rồi.
Cho nên cái đổi mới của ông nó thực chất là ông lùi lại chứ không phải là ông tiến lên. Lùi lại chế độ sở hữu tư nhân. Ngay cả chế động công hữu ông cũng phải cổ phần hóa bớt đi. Vì công hữu đó, ông có hiệu quả đâu. Trừ mấy thằng to tổ bố thì không ai làm nổi. Dầu khí này, điện lực này v.v… thế còn nói chung một loạt các cái công hữu của ông đó là nó làm bố láo, nó tiêu tốn đất đai và vốn của nhà nước rất nhiều. Nhưng mà ông cứ ôm lấy nó để tưởng là CNXH. Cho nên tôi nói rằng là chúng ta đổi mới mà thực ra là lùi lại chứ không phải đổi mới. “Đổi mới” là so với những cái chúng ta đã làm sai 20 năm thì gọi là đổi mới. Ông đổi mới theo kiểu đó, theo ông là sai 20 năm rồi. Bây giờ ông đổi mới thì ông phải sửa cái sai ấy đi. Nhưng thực chất ông lùi lại (có tiếng nói xen vào rất nhỏ).Vâng, vâng, ông trở lại. Bởi vì thế này, thực ra tôi nói là Mác nói là triệt tiêu cái chế độ tư hữu, tôi nói là luận điểm của cụ là sai. Bởi vì, 70 năm Liên Xô và Đông Âu, Đông Âu thì 40 năm thôi, ông triệt tiêu cái chế độ tư hữu. Thế là nền kinh tế mất động lực, mất động lực, ông phải lùi lại, thực chất ra ông lùi lại đấy chứ. Việt Nam ta cũng phải lùi lại đấy chứ.
Cho nên tôi nói là chúng ta … đây thì không biết góp ý kiến rồi để rồi người ta như thế nào?) nhưng ý tôi thì thế này này, ông đừng tiếp tục nói như bịp người ta. Tôi nói ví dụ như bây giờ, là vì ông nói là nền tảng của Đảng ta là chủ nghĩa Mác – Lênin cho nên rằng tất cả các trường ông đều bắt nó dạy chủ nghĩa Mác – Lênin. Lắm lúc tôi bảo: trời đất ơi, ba cái thằng trẻ con này đó, nó học một mẩu của chủ nghĩa Mác – Lênin thì nó biết cái gì. Nhưng mà cứ vẫn phải bắt buộc làm như thế. Còn bây giờ trong cái cương lĩnh này, trong cái gì này … thì ông đều nói chủ nghĩa Mác – Lênin và ông đều nói XHCN. Nhưng tôi hỏi các anh đây, các anh đây là người đọc sách nhiều nhất rồi đây. Tôi hỏi ông CNXH bây giờ là cái gì? Tôi đố ông trả lời được đấy. Cái điều mà ông Mác nói về CNXH là chế độ công hữu chiếm địa vị thống trị. Còn ông, thu hẹp cái sở hãu tư nhân đi đến xóa bỏ sở hữu tư nhân, rồi thị trường tự do. Ông làm lộn ngược rồi. Thế bây giờ cái CNXH của ông là cái gì đây? Thật ra mà nói, chúng ta nói và chúng ta biết là chúng ta bịp người khác. Đến tôi bây giờ, tôi cũng không biết cái CNXH mà chúng ta sẽ đi là cái CNXH gì đây? Có nhiều người bảo rằng thôi thì ta cứ đành lấy khẩu hiệu là gì … “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng, văn minh”, đó là CNXH. Tôi xin lỗi ông. Đấy không phải CNXH! Xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, tôi hỏi anh, anh đã bằng thằng Thụy Điển và thằng Na uy chưa? Nó không xã hội dân chủ, cũng công bằng mà công bằng hơn ông, mà văn mình thì tất nhiên là hơn ông rồi. Thế thì cái CNXH mà anh bảo rằng là lấy cái khẩu hiệu “dân giàu, nước mạnh” mấy cái câu đó mà thay thế cho CNXH, đấy là CNXH của tớ đấy. Tôi nghĩ không đúng! Ông bịp thiên hạ với cái chữ CNXH của ông.
Đại hội X, tôi đã nói trước cái Bộ chính trị trước khi các anh đưa … bởi vì thế này này: tôi được cái ưu điểm là người ta mời mình vì mình là một thằng lão thành, lâu năm quá rồi mà chưa chết cho nên người ta cũng mời mình phát biểu. Nhưng tôi nói là các anh định nghĩa cho tôi nghe là cái CNXH mà chúng ta chủ trương đây là nó là cái gì? Cũng không ai trả lời. Rồi tôi hỏi là ông nói định hướng cái XHCN thì cái định hướng đó là cái gì? Tôi xin lỗi các nhà lý luận ngồi đây đó, là ông cũng không trả lời được. Có phải không ạ? Ông nói về định hướng XHCN thì định hướng của ông là cái gì đây? Ông nói tôi nghe. Ông bảo là xóa đói giảm nghèo. Xin lỗi ông, cả thế giới nó làm. Mà Liên hợp quốc nó đang giúp ông hẳn cái việc ấy đó. Thế chả nhẽ nó giúp ông xây dựng XHCN nhà ông đấy à? Xóa đói giảm nghèo, giỏi lắm thì ông nói được cái định hướng XHCN là xóa đói giảm nghèo, nhưng mà ông còn thua xa ba cái thằng tư bản.
Cho nên tôi cảm thấy là … viết thế nào thì tôi chưa nói, nhưng đại để là ông đừng đao to búa lớn quá. Lúc nào cũng là “nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin”, lúc nào cũng là “định hướng XHCN” rồi “xây dựng CNXH” và thậm chí bây giờ có chỗ ông còn viết là “chúng ta đang quá độ lên CNXH”.
Năm 1991, khi bước vào Đại hội VII, ông Phạm Văn Đồng, và ông Đỗ Mười lúc đó làm Tổng bí thư ông mời tôi lên ông hỏi ý anh bây giờ chúng ta sắp vào Đại hội VII, chiến lược bây giờ ý anh thế nào? Tôi nói thẳng với các anh ý một câu, chỉ có ba người thôi, ông Phạm Văn Đồng, tôi và ông Đỗ Mười. Tôi nói là: “Theo tôi thì hết thế kỷ này con cháu chúng ta mới nghĩ đến được CNXH, còn bây giờ thì chưa”. Tôi nói hết thế kỷ 21 đấy. Và tôi chứng minh bằng cách là tất cả các dự đoán mà các nhà toán học giúp tôi làm trong đó có cả anh Quang Thái đây. Tôi nói là hết thế kỷ 21, chúng ta mới đạt đến cái mức thu nhập quốc dân đầu người là mười ngàn đô la hoặc mười lăm ngàn đô la. Mà các anh biết rồi đó, Liên Xô khi bị sụp đổ là suýt soát mười ngàn đô la, tính theo thu nhập quốc dân Việt Nam mới có bảy nghìn thôi. Nhưng thực ra nếu tính theo GDP thì cao hơn. Thế thì cuối thế kỷ 21, chúng ta mới đạt được cái mức mà người ta đã đạt rồi, người ta từ chối CNXH. Tôi nói thật là năm 90, Liên Xô từ chối CNXH đấy chứ. Thực ra CNXH mà mình theo đuổi 70 năm là thất bại rồi, bởi vì … con đường khác. Chúng ta và người Việt Nam chúng ta có thừa nhận không? Tôi nói chúng ta phải thừa nhận, đặc biệt là những nhà lý luận. Ông phải trung thực với chính ông. Tôi nói là khi chúng ta đổi mới là chúng ta gì, là chúng ta lùi lại. Lùi lại chế độ tư hữu, lùi lại nền kinh tế thị trường, từ bỏ cái mô hình CNXH mà do Mác phác thảo ra. Tôi không xét ông Mác đâu, bởi vì ông Mác đấy là phác thảo thôi, ông ấy dự báo thôi. Ông dự báo ở chế độ tương lai chứ không thể trách ông ý được. Ai bảo chúng ta những người cộng sản sau này, chúng ta lại coi cái dự báo của ông Mác là nguyên lý. A!? Nguyên lý thì là bất di bất dịch và hình như trở thành cái kinh thánh. Đó là tại những người cộng sản sau này chứ không phải là tại ông Mác. Ông Mác nói là dự báo của tôi cơ mà. Mà dự báo thì đương nhiên cái người dự báo có thể đúng, có thể sai. Cho nên tôi nói rằng cái cách viết của chúng ta đó, lúc nào là nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin, lúc nào CNXH. Rồi hôm phát biểu với bộ chính trị, tôi nói là đề nghị các anh không nên nói là kinh tế nhà nước là chủ đạo, không thể nói là chủ đạo được. Nhiều nhất thì nói là nòng cốt thôi. Chủ đạo là thế nào? Chủ đạo thì tức là ông phải chi phối chứ. Ông làm sao mà chi phối được. Tôi nói tôi đố ông bây giờ chi phối đó. Cho nên ông nói một đằng, ông làm một nẻo. Tôi thì tôi chỉ chê như thế thôi.
Đặc biệt là cái thời kỳ mà đang viết cái này đó thì ông Đỗ Mười và ông Lê Khả Phiêu viết hai bài, tôi phải mất cả ngày để đọc vì ông viết dài quá. Nhưng mà cũng là tư tưởng quốc doanh là chủ đạo. Tôi bảo là mấy cái ông tướng này cũ kỹ quá đi. Nhắm mắt trước thực tế. Tôi nói hẳn ở chỗ với Bộ chính trị là không nên nói là chủ đạo. Anh nói thế là sai với thực tế chứ không phải quan điểm gì cả. Thực tế không phải là kinh tế nhà nước là chủ đạo. Tôi nói ngay như là ví dụ Vietcombank này, một lô cái nhà băng của ông đó, ông đã nắm cái chi phối rồi. Thế bây giờ ông đem cổ phần hóa, rồi bây giờ ông đem hô hào là bây giờ hạ lãi suất nữa. chứ không người ta không thích nổi. Cho nên là cái cậu có mấy “quả đấm thép” á, tại sao cậu không hạ nó xuống trước? Cái nhà nước của ông là có mấy cái ngân hàng to tổ bố, gần như toàn bộ vốn của cái đất nước này ông nhét vào đấy rồi. Thế ông không hạ nó xuống thì ông hạ đi. Ai bảo ông thương mại hóa nó rồi không hạ nổi. Thế thì tôi hỏi ông, vậy ông sử dụng cái quả đấm thép của ông để làm gì đây? Có phải quả đấm đây đâu, ông nói một đằng ông làm một nẻo. Tôi nói là nếu mà tôi có quả đấm thép đó thì tôi duyệt (?) công văn, các cậu chỉ bắt các doanh nghiệp nhận lãi 12% thôi chứ không phải 14% với 16%, có được không? Sao lại không được. Nhưng mà không phải. Ông đâu … đấy không phải quả đấm thép của ông đâu. Cho nên tôi nói là chúng ta nên từ bỏ cái lối mà nói một đằng, làm một nẻo. Nếu nói rộng ra một tí là ông bịp những người không hiểu biết. Chứ tôi nói xin lỗi ông, các nhà lý luận ngồi đây, ông đọc sách hàng vạn trang, ông biết thừa đi, ông nói như thế là ông nói bậy. Ông bịp người ta. Có đúng không? Đó là một điểm.
Cho nên tôi đề nghị là nếu ông có trung thực với ông thì cái cương lĩnh của ông đó thì ông phải xác định cho tôi xem cái định hướng XHCN là cái gì? Mà cái CNXH ông theo đuổi nó sẽ là cái gì. Chứ bây giờ chính ông cũng bí cơ mà, chính ông cũng bí. Tôi nói là những người viết cái chiến lược đó, ông định nghĩa được đâu. Cái xã hội XHCN mà ông nói là cái gì đây? Anh Đào Công Tiến thì bảo là mô thức, mô thức cái gì? Đại để ông nói tôi nghe rõ thế nào là CNXH, theo ông quan niệm. Còn nếu mà ông nói là “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng, văn minh” thì xin lỗi ông, bọn tư bản nó đầy. Nó làm như thế cả. Ông làm chả khác gì nó (có tiếng bàn tán xôn xao nhỏ), thậm chí kém hơn nó. Đó là vấn đề, tôi chỉ nói điểm thứ nhất thôi về lý thuyết. Nhưng mà mười một rưỡi rồi thì ta đề nghị ta nghỉ thôi rồi chiều ta nói tiếp nhé.
Ban tổ chức xin kính mời các đại biểu dùng cơm ở phía bên ngoài sảnh.
(02h55’39″)
(03h 11’50”) Trần Phương:
Bây giờ chúng ta làm chưa? Kém 20 rồi. Nếu vị nào chưa đến thì có khi là không đến nữa. Ta cứ làm dần đi.
Tôi xin phát biểu tiếp tục điều lúc nãy nói. Tôi thì nói thật là tất cả những điều tôi nói thì để muốn nói rằng ông đưa ra một cái cương lĩnh, cương lĩnh tức là cái Đảng này nó phải tiến lên đến đâu, nó đi theo con đường nào? Thế nhưng mà cái cương lĩnh của ông đó, ông nói chủ nghĩa Mác – Lênin thì chủ nghĩa Mác – Lênin, thì tôi đồng ý với anh Tiến, có điều đúng và có điều sai rồi. Nhất là những dự đoán của Mác và Lênin đó, về cái gọi là CNXH sai rồi, mà rõ ràng là thực thi 70 năm đã thất bại rồi. Thất bại thì rõ ràng rồi, ông nói là chế độ công hữu thì chế độ công hữu làm mất động lực của xã hội, ông phải trở lại chế độ tư hữu đấy. Ông nói là chuyên chính vô sản thì ông phải trở lại chế độ dân chủ đấy. Ông nói là phải kế hoạch hóa tập trung cuối cùng ông phải trở lại kinh tế thị trường đấy. Rõ ràng là một sự thất bại rõ ràng rồi, thế giờ ông nói cái gì đây?
Cho nên là ông nói chủ nghĩa Mác – Lênin là nền tảng tư tưởng của Đảng ta thì tôi không hiểu các vị xác định là nền tảng tư tưởng, cái gì là nền tảng? Còn cái gì không là nền tảng chứ?
Tôi nói ngay như là cái dự đoán của ông Mác về chủ nghĩa cộng sản thôi, tôi nghĩ là có thể 100 năm trước đây thì ông nghĩ thế có thể được, có thể được. Nhưng bây giờ thì ông không thể nghĩ thế được rồi. Bây giờ cả cái trái đất nó có sáu tỷ rưỡi người mà đến nước sạch cũng thiếu đây này. Chứ ông đừng nói đến năng lượng nữa, nước sạch cũng thiếu rồi đây này. Thế làm sao mà ông sống chủ nghĩa cộng sản theo kiểu như mô tả là “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu được”. Bất lực hoàn toàn! Cho nên ngay cái “chủ nghĩa cộng sản” cũng trở thành ảo tưởng. Bây giờ không thể nghĩ đến thế được.
Tôi nói là mới đến thế kỷ 21 này thôi, mới có sáu tỷ rưỡi người thôi, mà người ta nói là hết thế kỷ này nó lên mười tỷ người. Mười tỷ người thì đến nước sạch đây đang thiếu đây này, đánh nhau vì nước sạch đây này, Trung Đông đánh nhau về nước sạch đây này. Cho nên cái gọi là “chủ nghĩa cộng sản” cũng là ảo tưởng, cái gọi là CNXH thực chất cũng thất bại rồi. Cho nên tôi nói là đương nhiên là chúng ta không thể chấp nhận là chúng ta tiến lên CNTB được. À … nó mới khổ thế. Nhưng mà không tiến lên CNTB, thì ông tiến lên cái xã hội gì đây là ông chưa nghĩ ra.
Thực tình mà nói, tất cả những nhà lý luận ngồi đây các đồng chí đều đã đọc sách rất nhiều rồi. Ông nào vẽ ra được một cái CNXH cho cái dân tộc này thì ông đấy là ông thánh rồi đấy. Ông thánh Mác rồi đấy. Chưa! Chưa có vị nào làm được đâu.
Tôi khi phát biểu với anh Phạm Văn Đồng, với anh Đỗ Mười tôi bảo là cuối thế kỷ này con cháu chúng ta mới nghĩ đến CNXH được, mới nghĩ đến thôi, chứ còn đã biết CNXH là cái khỉ gió gì mà nghĩ. Nhưng phải đến gần đấy thì mới nghĩ, chứ còn bây giờ thì chúng ta nghĩ cái gì? Cuối cùng ông đã thực thi CNXH thất bại rồi, không có động lực rồi, ông đã trở lại kinh tế nhiều thành phần, ông trở lại kinh tế thị trường, ông trở lại nền dân chủ. Thế bây giờ đó, ông mà cứ nói chuyên chính vô sản người ta chán ông lắm đấy. Có phải không?
Cho nên tôi nghĩ rằng cái cương lĩnh của ta viết đây không có sức thuyết phục. Còn viết lại như thế nào thì thực ra mà nói mình cũng không viết lại được. Mình có thì giờ đâu mà viết lại và những người mà người ta viết ra rồi cũng chả viết lại. Thế thì cuối cùng để làm gì đây? Tôi lắm lúc tôi nghĩ rằng thôi được cứ tung ra cho vui vậy thôi chứ chả ai tranh luận lắm. Giỏi lắm thì mấy thằng lý luận ngồi đây mà tranh luận nhưng cuối cùng thì ông cũng không làm gì cả đâu vì cái người viết lại họ cũng không chịu viết lại và họ cũng không biết viết lại theo cách nào? Nhưng chả lẽ một Đảng lại không có cương lĩnh à? À … mới chết ở chỗ đó đấy.
Ngay Đại hội X, tôi đã phát biểu thẳng với các anh lãnh đạo rồi. Tôi nói là “định hướng XHCN” là cái gì? Các ông phải ghi ra. CNXH mà chúng ta tiến tới là cái gì? Ông phải ghi ra.
Nhưng mà một câu thách đố đơn giản vậy mà họ không làm nổi đâu. Hồi đó, Lưu Bích Hồ còn ngồi trong cái “Ban dự thảo văn kiện” đấy. Tôi nói thật là ngay cả anh Lưu Bích Hồ cũng không viết nổi. Tôi đánh đố thế thôi chứ tôi biết rằng là ông không làm nổi.
Đấy là nói về cương lĩnh. Lúc nãy tôi nói như thế. Mục đích tôi chỉ muốn nói rằng là ông viết cương lĩnh mà không rõ ràng. Thế thôi. Còn chê cái gì thì bảo rằng là mình xây dựng được hay không thì mình có thì giờ đâu, có ăn cơm suốt ngày để mà nghĩ về việc này đâu.
Việc thứ hai là về chiến lược. Tôi thì không nói nhiều nhưng tôi xin đề nghị một số điểm thế này. Tôi cảm thấy chiến lược có nhiều điều không rõ ràng. Đối với nước ta thì nông dân bây giờ chiếm 70% dân số mà nếu ông có bớt đi nữa thì cũng còn 50% dân số. Cho nên tôi cho rằng cái việc đầu tư cho nông nghiệp 30 năm nay quá thấp. Đảng ta, Đại hội V mà tôi đã dự đó là cũng là người trong số viết văn kiện đó, thì chúng tôi khẳng định rằng phải đầu tư tốt hơn cho nông nghiệp.
Nhưng mà 30 năm nay, chúng ta đầu tư được gì cho nông nghiệp? Không được bao nhiêu đâu. Không được bao nhiêu bởi vì tôi nói ví dụ như là đê đập không tốt. Đê có tốt đâu, mà nay mai nước nó dâng lên thì đê của ông có là cái gì đâu. Đập nước, một cái nước mà núi cao, đồng bằng thì hẹp, mưa một cái là nó trôi tuột ra biển. Thế ông không có những cái đập, không có những cái hồ làm sao ông giữ được nước. Cho nên một cái nước như thế này phải biết giữ nước ngọt lại mà dùng, phải có hệ thống thủy nông, phải đầu tư vào khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất. Sắp tới đây chúng ta sẽ có 100 triệu dân, ông nuôi sống cái 100 triệu dân đấy thế nào? Hiện nay, (…) nuôi sống 100 triệu dân có vẻ thoải mái bởi vì ông nghĩ rằng là ông xuất khẩu được, sáu triệu tấn gạo cơ mà. Nhưng xin lỗi, trong khi đó ông lại nhập trên 1 triệu tấn thức ăn gia súc để ông có thịt ông ăn. A! … Cho nên không phải là ông dồi dào đâu. Tôi nghĩ rằng phải nghĩ nhiều về nông nghiệp nữa. Đặc biệt là cái nền nông nghiệp của anh manh mún như thế này. Anh phải tác động thế nào chứ? Ông phải tạo thành như thế nào chứ?
Tôi nói thằng Thái Lan, nó cũng sản xuất tiểu nông như ông. Nhưng nó có hệ thống kho rất tốt để mà xuất khẩu còn ông thì không có. Cho nên tôi nói là rất nhiều chuyện bên nông nghiệp ông chưa làm tốt. Mà đấy là cái nguồn sống của 100 triệu dân. Tôi cho rằng cái Đảng này và cái nhà nước này muốn ổn định xã hội phải lo đến nông nghiệp và nông dân. Ba mươi năm qua tôi chê là chúng ta quá tồi. Cái thời mà tôi làm tài chính thì cóc có tiền. Tôi xin lỗi, lúc đó thì Liên Xô viện trợ với đi vay được hơn 1 tỷ đô la một năm thôi. Thế bây giờ ông có mấy tỷ cơ mà. Bây giờ cái ngân sách của ông mỗi năm là ông có mấy tỷ đô la đấy. Cho nên tôi cho là cái nhận xét của tôi là đầu tư bất cập vào nông nghiệp, cần phải sửa trong cái chiến lược mới này, trong cái mười năm tới đây.
Điều thứ hai là tôi chê là cái phân cấp quản lý 10 năm vừa qua là sai. Anh phân cấp quản lý để biến cái nước này thành rất nhiều vương quốc, là sai! Thà rằng ông làm chế độ liên bang đi, nếu là chế độ liên bang thì mỗi một bang cậu có quyền đến đâu thôi. Chứ làm sao cậu có quyền là … sân gôn, 150 cái sân gôn. Thế nào? Thép. Bây giờ người ta bảo công suất thép là gấp đôi nhu cầu của anh. Cái nước của anh có phải là nước để mà sản xuất thép để đi bán không? Đâu có! Chừng nào mà ông khai thác được mỏ Thạch Khê thì lúc đó ông nghĩ đến cái chuyện đó. Chứ bây giờ ông đã nghĩ đến được đâu. Điện của ông thiếu thì mọi thằng nó mang đến cái nhà máy thép của nó, nó dùng điện của ông rồi nó xuất đi.Xi măng, chưa làm bao nhiêu đã thừa. Sân bay thì tỉnh nào cũng sân bay. Cả nước ông, tỉnh nào cũng muốn làm. Thế cuối cùng đầu tư be bét. Không có cái cảng nào ra cái cảng nào. Cảng nào cũng kêu làm, ông có cảng đấy nhưng đường để đi vào cảng lại không có. Cho nên, đầu tư có thể nói là nham nhở! Chính là bởi vì chúng ta phân cấp quá lộn xộn.
Rồi 15 khu kinh tế. 15 khu kinh tế, làm gì có tiền mà tới 15 khu kinh tế được v.v… Tôi nói là phải bàn lại cái phân cấp quản lý này, chứ nếu mà phân cấp quản lý này đó, (sẽ) đưa chúng ta đi đến cái chỗ lộn xộn.
Điều thứ hai tôi đề nghị là: tổ chức quản lý các doanh nghiệp nhà nước SAI! Chúng ta đã bắt chước … (tôi đã nói điều này với Bộ chính trị rồi, họ mời tôi cách đây độ vài tháng), tôi đã nói rằng các anh bắt chước các nước ngoài không đúng đâu. Nước Nhật chỉ có bộ công thương thôi, “Miti”(?) đó, nhưng anh biết rằng dưới nó là gì? Dưới nó là những tập đoàn Toyota, Sony, Mitsubishi, … là nó cả một vương quốc hoàn chỉnh rồi. Cho nên bộ nó chỉ cần làm chính sách thôi. Còn ta dưới đó là bao (…)? Biết bao nhiêu tổng công ty, biết bao nhiêu công ty nhà nước, bây giờ ai quản? Rồi anh lập ra (các tổng công ty) 90, 91. Anh nói đấy là trực thuộc chính phủ, chính phủ thì ai điều khiển nổi. Đây này, cái khối Vinashin bây giờ nó mới lòi ra. Chính phủ là ai? Việc thằng Vinashin như thế, vay 8.000 tỷ. Vâng, tôi nói 80.000 tỷ phải nói là… Vậy trên thằng Vinashin là ai? Là Chính phủ. Chính phủ làm sao điều khiển nổi. Chính phủ bây giờ là ông thủ tướng à? Đến mười thủ tướng cũng không điều khiển nổi. Cho nên phải tổ chức lại cái việc quản lý tài sản nhà nước. Một cái tài sản khổng lồ mà cái nước này mấy chục năm mới tích lũy được. Bây giờ ai quản nó? Cho nên tôi cho rằng là đây là một đại vấn đề. Không đơn giản một tí nào hết. Rồi tôi nói … mà nhét tất cả các thượng vàng hạ cám, những cái công ty vớ vẩn ba lăng nhăng đút vào các Tổng công ty. Tôi nói ví dụ như là Tổng công ty Lâm nghiệp gì đó đến 100 cái công ty. Trời đất ơi! … Đấy là những cái bọn ăn bám nhà nước. Mỗi một công ty nó đều bám một vài héc ta của nhà nước thì riêng cái việc cho thuê đất thôi cũng không cần làm gì cả, ngồi đấy đánh chén và làm giàu nữa.
Tôi nói là … gọi là tài sản nhà nước này đó, gọi là tài sản toàn dân nhưng ai quản, ai kiểm soát? Đó là đại vấn đề mà Đại hội này phải xử lý đi. Không thể để cho Chính phủ hay Bộ chính trị được. Bộ chính trị tôi nói là Vinashin Bộ chính trị quyết định. Bộ chính trị biết gì mà quyết định nhỉ? Phải có một cơ quan chuyên môn, bao nhiêu chuyên gia thì mới quản được chứ. Cho nên đổ cái trách nhiệm đó vào Bộ chính trị vào ông Thủ tướng là không đúng. Đó tôi cho là cái cơ chế quản lý chưa rõ ràng và không hiệu quả, phải sửa!
Một điều thứ ba nữa mà tôi muốn nói về … các anh nói về thể chế. Nói về thể chế tức là nói về chính trị, và cả kinh tế và cả quản lý nữa. Nhưng mà thể chế thế nào đây? Tôi nói là loài người mới đi đến một cái kết luận cái thể chế phải dân chủ. Nhưng thế nào là dân chủ? Tôi thực tình mà nói với anh rằng chúng ta chưa có cái mẫu nào về dân chủ cho tử tế. Nước Mỹ bầu Tổng thống, toàn dân bầu Tổng thống. Nhưng mà một thằng tổng thống Bush lên muốn gây chuyện với ai thì gây chuyện. Thằng tổng thống Johnson gây chuyện với Việt Nam bầy ra cái chuyện đột kích vào tàu Ma-đốc. Thế thì đấy là dân chủ đấy à? Chưa phải dân chủ! Cho nên thế nào là dân chủ còn phải bàn. Dân chủ pháp quyền, cái thể chế nhất định phải như thế. Nhưng mà cái thể chế pháp quyền thì nó lại liên quan đến Đảng. Đảng ông làm gì? Cuối cùng thì Đảng làm hết, mà Đảng không chịu trách nhiệm, thế nó mới bỏ mẹ ở chỗ đó. Tôi cũng 2 khóa ngồi trong cái Trung ương mà lắm lúc nghĩ bụng bỏ mẹ … nhỉ. Ông quyết đủ mọi thứ nhưng ông có chịu trách nhiệm trước dân đâu, mà dân có bầu ra ông đâu nhỉ? Cho nên Đảng làm gì, đó là một đại vấn đề. Nhà nước làm gì, cũng là một đại vấn đề.
Các anh nói là còn nhiều chuyện nữa. Xã hội dân sự, có người nói với tôi thế này chứ … có một ông ủy viên Bộ chính trị nói với tôi, cái hồi làm cái (dự luật về) “hội” đó, thì ông nói rằng lập ra cái Hội để làm gì nhỉ? Thế là mình lại phải theo cái luật hội mất quyền à? Nghĩa là mất quyền của Bộ chính trị. A! … Họ không thích có những cái luật đó đâu. Mồm thì ông nói là chế độ pháp quyền nhưng mà cái pháp quyền rất to là quyền của dân làm việc gì thì ông lại không muốn. Không muốn có cái quyền đó. Thế cho nên nó phức tạp lắm. Không phải chỉ là vấn đề kỹ thuật đâu. Còn cả vấn đề tư tưởng đấy.
Một điều cuối cùng về chiến lược thì tôi đồng ý với các anh. Hôm nọ tôi đã phát biểu với các anh Bộ chính trị rồi. Tôi nói là các anh nói rằng đến năm 2020 chúng ta thành một nước “công nghiệp hóa … cơ bản”. Thế nào là “công nghiệp hóa”? Người ta “công nghiệp hóa”, người ta mấy trăm năm mới thành “công nghiệp hóa”. Ông một hai chục năm ông thành công nghiệp hóa à? Thế nào là công nghiệp hóa? Thật ra ông đạt được 3.000 đô la một đầu người, đấy mới là mức thấp của loại thu nhập trung bình. Cái bọn Liên hiệp quốc đó, thì nó cũng chả biết cách chia thế nào cả. Nó bảo là 1.000 đô la cho đến 10.000 đô la thì mày thuộc loại trung bình, 1.000 mà 10.000 nó cũng gọi là trung bình. Thế ông 300 ông lấy làm khoái chí lắm rồi. Tôi xin lỗi, ông bịp, ông lừa bịp! Ông có đạt được 3.000 đô la ông cũng vẫn là một thằng còn rất nghèo.
Thằng Thái Lan bây giờ 4.000 đô la đầu người đó, chứ có phải bé đâu, nhưng nó đã là cái gì. Cho nên tôi cho là viết cái mục tiêu đến năm 2020 mà trở thành nước “cơ bản công nghiệp hóa”, hay là cơ bản hiện đại gì đó (có tiếng nói xen). Vâng! Mà có thu nhập có 3.000 đô la thôi thì … xin lỗi, ông bịp dân! Tôi nói thẳng là các nhà viết văn (bản) đó, là ông bịp dân. Dân mình chả … bởi vì … sống có vài trăm đô la, chứ đến 3.000 thì to quá rồi… Nhưng 3.000 đó là cái gì? Cho nên tôi cho là cái mục tiêu không rõ ràng, không đúng, không những không rõ ràng mà không đúng.
Còn một ý kiến cuối cùng thì ông nào cũng nói rằng “tái cấu trúc nền kinh tế”. Ai nói thì cũng (…) cả. Ông nói là phải “phát triển theo chiều sâu”, ông nói là phải “thoát khỏi chế độ gia công”. Tất cả đều đúng nhưng cụ thể thì ông làm cái gì? Chiến lược thì ông phải chỉ cho tôi biết là ông làm cái gì chứ. Ông đề ra ba cái gọi là “đột phá của chiến lược”. Tôi cảm thấy ba cái đó không phải là đột phá. Nói thể chế thì nó là nền tảng của một chế độ, ông nói thể chế, ông chẳng đột phá thì ông cũng phải làm thể chế. Nói muốn phát triển kinh tế thì ông phải có cơ sở hạ tầng, ông phải có đường giao thông, ông phải có điện, đấy là nền tảng, bước khởi đầu của công nghiệp hóa. Chứ sao ông lại gọi ba cái đó là đột phá? Tôi xin lỗi! Ông có thực hiện ba cái đột phá này thì cái chiến lược cũng không tiến lên được. Thế nào là đột phá?
Lắm lúc tôi nghĩ rằng là: ừ thì mười năm nữa chúng ta làm gì đây để cái đất nước ta vươn lên được. Theo tôi nghĩ thì thế này, tôi cảm thấy cái chiến lược này với ba cái đột phá này còn tù mù. Mà không hiểu rằng những cái người viết cái văn bản này đấy tranh luận đến đâu, xác định đến đâu để gọi đó là đột phá. Tôi chưa tin ở cái chiến lược này. Thế còn cái lối văn chương của Đảng ta đó, từ Đại hội IV cho đến bây giờ đều thích nói đầy đủ cho nên cái bản báo cáo chính trị tôi nói là nó la liệt, nó đủ thứ. Cho nên chả góp ý kiến được gì đâu. Tôi cũng đã ngồi hai lần để viết như thế nhưng đại để là nếu thiếu một cái câu “tránh thai” chẳng hạn, thì cái vị phụ trách về dân số đã phản ứng rồi. “Ông phải viết cho tôi một câu như thế”. Viết như thế thì hết bố nó trên đời rồi! Không còn gì mà nói nữa. Cuối cùng là bản báo cáo rất dài, chiến lược cũng rất dài, báo cáo chính trị cũng rất dài. Nhưng mà mọi người đều không biết là ông làm gì để tiến lên. Cuối cùng, ông viết như thế mà vẫn tù mù, không sáng rõ.
Cái lần đại hội trước tôi có nói với mấy anh em là tôi có phát biểu với mấy ông Bộ chính trị, tôi nói là các anh chiến lược thì các anh phải chỉ ra là mấy cái đường hướng là chúng ta sẽ tiến lên 5 năm tới thì chúng ta giải quyết thế này thế kia. Chứ anh viết tất cả thế này thì cuối cùng chẳng ai biết làm cái gì, bởi vì chúng ta làm mọi thứ. Cái bản báo cáo chính trị hay cái chiến lược đều là chúng ta làm tất cả. Thế thì không còn là chiến lược nữa rồi. Đã là làm tất cả thì không còn là chiến lược nữa. Bởi vì chiến lược người ta định nghĩa chữ chiến lược là gì? Là tập trung vào những mũi nhọn nào quan trọng nhất để từ đó gỡ ra. Thế mới gọi là chiến lược chứ. Nhưng thôi mình nghĩ là đây là người ta mời mình phát biểu ý kiến thì cũng phát thôi chứ thực ra mình có ngồi đấy mà sửa đâu. Thì tôi cũng phát biểu với ý nghĩa là người ta trưng cầu ý kiến của mình thì mình nói. Tôi xin hết!
Mời các anh, các chị khác phát biểu ý kiến!
A, anh Trung thêm à. Vâng mời anh Trung thêm, ông có bổ sung thêm gì nữa.
(03h33’45″) Nguyễn Trung:
Tôi xin phát biểu thêm thế này. Trước hết là về những vấn đề kinh tế thì tôi đề nghị nên lưu ý những ý kiến của anh Lê Đăng Doanh. Bởi vì trong những ý kiến của anh Lê Đăng Doanh có nêu lên … mặc dầu là chỉ điểm qua rất nhiều những cái nét về thực trạng của tình hình kinh tế nước ta. Cái phát triển như hiện nay á, là phát triển theo con số đó là chủ yếu, rất nhiều cái không bền vững. Nhờ vào đầu tư mới là chủ yếu, nhờ vào đi vay là chủ yếu, nhờ vào nhập siêu là chủ yếu, và như thế rất nguy hiểm. Cho nên tôi đề nghị Đại hội nên hết sức lưu ý chuyện này. Để làm gì? Để thôi đừng say mê về cái chuyện tăng trưởng con số nữa. Nếu mà còn say mê về chuyện tăng trưởng con số như này đó, thì một ngày nào đó đổ vỡ không biết.
Hiện nay tất cả các Đại hội, các Đảng bộ, các tỉnh đều thi nhau tăng trưởng hai con số cả. Mà như thế thì cực kỳ nguy hiểm. Cho nên tôi thiết tha đề nghị phải ghi bằng được cái ý này và lưu ý Đại hội phải cố làm sao để phản ánh thật, tình hình thực trạng của nền kinh tế nước ta. Rất nhiều cái bong bóng. Rất nhiều cái bong bóng. Đấy là cái đề nghị thứ nhất.
Đề nghị thứ hai, là anh nói về kinh tế chủ đạo, tôi rất đồng ý với anh Phương. Vấn đề chủ đạo đang có rất nhiều vấn đề. Chắc bỏ không được đâu. Thì tôi xin kiến nghị thế này: ba Đại hội này định nghĩa thế nào là kinh tế quốc doanh là chủ đạo? Không định nghĩa nổi. Tôi đề nghị bây giờ thôi không định nghĩa nữa, thì giao nhiệm vụ vậy. Thế này không biết có được không? Kiến nghị với Đại hội, kinh tế quốc doanh chủ đạo là thế nào? Tức là trong những các cái điều kiện mà bình đẳng, công bằng như nhau, kinh tế tư nhân không làm được thì kinh tế chủ đạo phải làm. Có dám khẳng định như thế không? Cho nó rõ ra, bởi vì nếu không thì gọi anh là chủ đạo làm cái gì.
Trong đánh trận với nhau, quân chủ lực phải đi làm những cái việc khó nhất thì trong kinh tế tôi nghĩ cũng vậy. Nhưng mà tôi nghĩ thế này: điều kiện như nhau, luật pháp như nhau, không có bao cấp gì cả. Nhưng vì anh là chiếm 60% vốn của nhà nước cho nên anh phải làm cái trò chủ đạo này. Chủ đạo những cái gì mà kinh tế tư nhân làm không nổi, không tốt bằng, không cạnh tranh bằng. Giờ không định nghĩa được thế nào chủ đạo nữa, bây giờ giao nhiệm vụ vậy có dám không (có tiếng nói xen vào: “Làm ngược lại, người ta sẽ làm những chỗ ngon nhất, tốt nhất”). À, không, không….(có tiếng cười). Cái gì tư nhân không làm được, anh nhớ hộ cái chỗ ấy. Trong điều kiện như nhau (có tiếng bàn tán xen vào: anh làm khó cho các vị ấy).
Đấy là một ý. Ý thứ hai là “chủ đạo”. Tôi đề nghị thế này, xin ghi vào nghị quyết Đại hội các tập đoàn kinh tế quốc doanh bỏ hẳn cái kinh doanh trái nghề, bỏ đi, không lôi thôi gì cả. Thậm chí là bỏ luôn cả cái phần là “được phép huy động 1/3 vốn của tập đoàn kinh doanh trái nghề”, cái đó là không được. Bởi vì sao? Nhiệm vụ chủ đạo không làm được, anh đi anh lấy cái 1/3 này anh làm linh tinh để anh nuôi cái chủ đạo của anh. Tôi đề nghị nên ghi thẳng vào nghị quyết, là: “Tập đoàn kinh tế quốc doanh là chủ đạo không được kinh doanh trái nghề”. Tức là bây giờ nhà nước cần cái gì thì anh làm đúng cái nghề nhà nước giao, bỏ hẳn cái 1/3 để mà kinh doanh trái nghề đi. Và đi kèm theo cái đó, nhà nước bỏ hẳn cái việc là bao cấp quyền và bao cấp vốn từ ngân sách nhà nước hoặc là nhà nước đi vay hộ (…) đối với các tập đoàn nhà nước.
Mà nhà nước phải chuyển hẳn sang một cái chế độ khác. Tức là chế độ mua và bán, dịch vụ công. Tôi cần đường, nhà nước mua thì nhà nước mua dưới cái dạng đấu thầu, tôi cần điện thì nhà nước mua dưới dạng đấu thầu, chứ không có cái bao cấp quyền, bao cấp vốn gì nữa. Tức là nói nôm na là thế này: chuyển hẳn sang hình thức mua và bán dịch vụ công để giao nhiệm vụ đó cho các tập đoàn kinh tế quốc doanh. Nếu ta làm được thì tôi nghĩ rằng các anh quyết tâm giữ lấy cái “chủ đạo” thì xin cái “chủ đạo” là như vậy. Đấy là ý thứ hai.
Trần Phương: Nhưng mà anh Trung ơi, ông vẫn thua nó ở chỗ anh phải cấp vốn cho nó.
Ông Trung: Không, không… Nếu cấp vốn thì xin mời anh vay y như điều kiện ngân hàng.
Trần Phương: Cuối cùng ông phải cấp vốn cho nó ..
Ông Trung: Không, không… Anh vay điều kiện. Luật nói rồi: đối xử bình đẳng các thành phần kinh tế mà. Ta cứ luật ta làm. Ta có rồi. Vấn đề là không chịu làm thôi.
Mà trong vấn đề kinh tế xin lưu ý một chuyện nữa. Vấn đề phụ thuộc vào Trung Quốc. Tôi đề nghị vấn đề này cực kỳ nguy hiểm, 90% những công trình kinh tế mới bây giờ là Trung Quốc trúng và đấu thầu, chứ không qua đầu tư. Chất lượng chúng ta biết rồi. Toàn những đề tài, những công trình kinh tế cực kỳ quan trọng ở những cái địa điểm rất quan trọng. Đây tôi không phải kỳ thị gì Trung Quốc cả. Nhưng chẳng may lịch sử có cái quan hệ hai nước như vậy thì chúng ta không thể nào coi cái chuyện phụ thuộc vào Trung Quốc một cách bình thường được. Tôi đề nghị đây là vấn đề Đại hội phải rất quan tâm. Tôi chỉ xin đề nghị thế này, nếu Đại hội chưa làm được cái việc này xin làm ơn vẽ cho một cái bản đồ của nước ta ở những địa điểm nào Trung Quốc có những xí nghiệp gì. Các anh chỉ cần nhìn vào cái bản đồ này thôi các anh sẽ thấy vấn đề nó ra làm sao.
Chưa nói đến chuyện là toàn bộ cái xuất siêu của chúng ta đập vào cái nhập siêu của Trung Quốc không đủ. Các anh xem cái chuyện kinh tế giữa Nhật và Trung Quốc rồi, nó chỉ dọa một câu, nó không bán đất hiếm một cái là Nhật phải rút dù trong cái chuyện … đụng chạm thuyền bè … Cho nên là không thể nào không tính đến cái quan hệ Trung Quốc được. Ta, ta rất muốn hữu nghị nhưng hữu nghị là một việc, cuộc sống đòi hỏi là chuyện khác. Đấy là chưa nói Trung Quốc đang rất đẩy mạnh cái chủ trương chỉ dùng nhân dân tệ trong buôn bán khu vực. Nếu cái chuyện này mà Trung Quốc đẩy mạnh hơn nữa xin các đồng chí, chúng ta không có lối ra đâu. Cho nên vấn đề này tôi đề nghị viết thế nào ra văn kiện thì thôi, tôi không quan tâm, nhưng ít nhất là cảnh báo với Đại hội có cái chuyện như vậy và đại hội có ý kiến về cái chuyện này, không thể bỏ qua được vì đây là vấn đề an ninh, vấn đề sống còn của quốc gia.
Vấn đề cuối cùng, vấn đề nhân sự (có tiếng nói xen vào: phim Lý Công Uẩn … ) À, vâng, vâng, sau đó còn chuyện nữa…cái đó là một vấn đề. Còn vấn đề nhân sự tôi xin đề nghị thế này. Tôi xin lỗi, tôi có theo dõi các cái chuyện bầu cử bây giờ, báo chí nói rất nhiều về cách thức mới, dân chủ v.v.. và v.v… Tôi cứ tạm thời là cứ tin báo chí nói thật đi. Mặc dầu chuyện đó là không thật. Tôi chỉ đề nghị thế này, bây giờ nên ghi vào nghị quyết của Đại hội bây giờ cái nhân sự quan trọng nhất là cái nhân sự Tổng bí thư. Đại hội nên ghi thế này. Thôi được, Đại hội muốn bầu ai đấy là quyền của Đại hội, nhưng Tổng bí thư tôi đề nghị nên có mấy việc. Một, là phải là người gương mẫu thực hiện công khai, minh bạch. Tổng bí thư mà không công khai, minh bạch thì làm sao mà kêu gọi cả nước công khai minh bạch được. Công khai, minh bạch cái gì thì tùy. Nhưng anh cứ công khai minh bạch, khả năng công khai minh bạch của anh đến đâu thì xin anh cứ nói đến đấy. Đấy là việc thứ nhất.
Việc thứ hai, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước càng tốt. Nên có một chương trình hành động, cam kết, nếu mà tôi trúng, nghị quyết Đại hội như thế này vào những vấn đề của 5 năm tới nó có những chuyện này, tôi cam kết sẽ giải quyết hoặc góp phần giải quyết. A, B, C thế này, cam kết đàng hoàng, rõ ràng ra.
Cái thứ ba là đề nghị với Đại hội, có hẳn một cái tổ chức hay cơ chế hay luật gì đó thì tùy, giám sát cái việc thực hiện cái cam kết này và nên làm từ nay trở đi nó thành một cái nếp như vậy. Có thể Đại hội này ta chưa làm được thật tốt nhưng Đại hội sau mới ra. Thì có như thế thì dần dần chúng ta mới chọn được người tài. Thì đấy là những việc tôi không đi vào cái chuyện sửa chữa văn kiện nữa mà xin nêu những đề nghị rất thiết thực như vậy. Xin cảm ơn!
----------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
.
.
.
No comments:
Post a Comment