John Sakata/ Nguoi Viet 2
Chuyển ngữ: Triệu Phong/Người Việt
Chuyển ngữ: Triệu Phong/Người Việt
Saturday, December 11, 2010
Ðôi mắt dọa nạt nhìn xuống Anthony Phạm, 21 tuổi, một sinh viên trường UC San Diego .
Trong tư thế vô vọng nằm ngửa mặt trên sàn, với một bàn chân ấn mạnh lên ngực mình, Anthony đang tiếp nhận một bài học quan trọng. Im lặng bao trùm cả rạp hát, hơn 100 cặp mắt đổ dồn về phía người sinh viên ngành sinh hóa. Sau nhiều tháng tập dượt cho vở kịch, màn cuối đang diễn ra.
Hội Sinh Viên Việt Nam Golden West College, UC San Diego, UC Santa Barbara, không phải chỉ là nơi tụ tập sinh viên cùng nguồn gốc, mà còn là chỗ sinh viên Việt Nam tham gia những dự án giúp ích cộng đồng.
Anthony thốt lên lời cuối: “Bây giờ anh có thể lấy mạng tôi nhưng ngoài kia vẫn còn nhiều người sẵn sàng thế chỗ tôi!” Anthony, hay Andrew, nhân vật mà anh đang thủ vai, có thể bị người bộ đội cộng sản đang đạp chân lên thân thể anh bắn chết.
Anthony kể lại qua điện thoại: “Tôi nghe nhiều người tỏ ra sửng sốt vì sự chết không phải là điều thường thấy trong Ðêm Văn Hóa Việt Nam .”
Nhiều tháng sau lần trình diễn, Anthony cười thích thú khi nhớ lại vai Andrew mà anh thủ diễn, một người Mỹ gốc Việt đi về Việt Nam để dạy tiếng Anh, rồi bí mật tham gia phong trào dân chủ và lật đổ chính quyền cộng sản. Kịch bản do Hội Sinh Viên Việt Nam (VSA) trường UCSD thực hiện, nêu bật những mặt u tối của văn hóa Việt Nam , đó là một chế độ hà khắc lẫn tệ nạn buôn người.
Ðối với Anthony, sự dàn dựng vở kịch và việc nằm dán lưng xuống sàn đã không làm vơi bớt sự kiến hiệu của bài học mà câu chuyện dự trù mang đến cho khán giả. Mặc dù cách diễn hơi khác thường, kịch bản không những gây tiếng vang cho Anthony mà bài học rút tỉa từ quê nhà.
Anthony nói: “Tôi có cảm tưởng nó vượt lên lằn ranh nhưng cần thiết để giáo dục.”
Trên khắp các đại học và trung học ở Nam California, những sinh viên học sinh khác như Anthony đang đắm mình vào trong nền văn hóa phong phú qua sự chia sẻ kinh nghiệm với bạn bè đồng hương ở VSA. Tách rời khỏi phụ huynh, những sinh viên học sinh này không những dấn mình vào với nền văn hóa nước mình ở nhà trường, mà còn trợ giúp các cộng đồng di dân gốc Việt khác trên khắp tiểu bang, và phổ biến sự hiểu biết về văn hóa.
Ở UC Santa Barbara, Danielle Phan, đồng chủ tịch hội VSA ở trong trường nói rằng, tổ chức này phục vụ với tính cách tạo cơ hội không những giúp mang các sinh viên gốc Việt lại gần với nhau, mà còn giúp đỡ lẫn nhau trong một cộng đồng vốn thiếu vắng sự hiện diện của cộng đồng người Việt.
Tại trường USC, chủ tịch VSA Michelle Huỳnh cho biết, tổ chức cô mang lại cho sinh viên “một mái ấm lúc xa gia đình” cho những ai cảm thấy lẻ loi ở trường.
Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam đại diện cho cả hai trường nói trên, đóng vai trò như vừa là một tiếng nói, vừa là một nguồn yểm trợ cho 13 hội sinh viên VSA ở trường đại học và Liên Hiệp Học Sinh Mỹ Gốc Việt. Ðồng thời họ lại giúp đỡ lẫn nhau.
Mãi đến 10 tháng 12, hội sinh viên sẽ kết hợp với Operation Warmth để đi gom góp đồ ấm, áo choàng, áo vét, mền, đồ cấp cứu cùng các món tiếp liệu cần thiết khác cho những người đang sống thiếu thốn tại các khu vực như Los Angeles, Quận Cam và San Diego.
Angela Chang, người sáng lập Operation Warmth, nói rằng trong quá khứ cô phải lái xe đến tận nhà của người hiến đồ để nhận tặng phẩm. Với sự giúp đỡ của hội sinh viên, Operation Warmth nay có được 15 địa điểm để nhận quà trên khắp Quận Cam. Những người tình nguyện trong tổ chức còn cống hiến thì giờ của họ để đi thu gom, phân loại và phân phối tặng vật.
Chang viết trên email: “Sự yểm trợ và giúp đỡ của hội sinh viên là cả một giấc mơ. Tôi không thể tưởng tượng nổi mình có được một sự huy động qui mô như thế.”
Từ cộng đồng này đến cộng đồng khác, hội sinh viên đã tìm được một cách thích hợp duy nhất để phục vụ cho các hội viên phần lớn là người gốc Việt, ở các trường sở cùng cộng đồng người Việt ở khắp miền Nam California.
Ở trường UC San Diego, Anthony cho biết, tổ chức thực hiện một tụ điểm đặc biệt để vươn đến các điểm hội tụ như ở Linda Vista, El Cajon và Mira Mesa. Tháng qua, Anthony và một toán đại diện cho hội sinh viên UCSD ghé đến một thư viện, nơi các sinh viên giúp cho các vị cao niên ở địa phương chuẩn bị cho kỳ thi vào quốc tịch, đồng thời giúp đỡ họ các nhu cầu về kỹ thuật.
*****
Một ni cô được hướng dẫn cách mở máy điện toán.
Một người khác trong cộng đồng người Việt yêu cầu giúp tìm lời mấy bản nhạc, thế là Anthony vào Google kiếm và in ra.
Cách đánh bài bằng máy điện toán, tên của vị thống đốc và nghị sĩ tiểu bang hiện thời, làm thế nào để vào Internet và cách sử dụng Microsoft Word, là một vài trong số những bài học mà họ cung cấp. Anthony cho biết có khoảng 20 người đến tham dự, trong khi hồi đầu năm cũng có chừng 30 người trong một buổi sinh hoạt tương tự.
Anthony nói: “Họ muốn biết thêm về nước Mỹ, một đất nước mới, và về những tiến bộ của kỹ thuật. Họ học hỏi thêm về các khuynh hướng đương thời cùng các tiến triển. Họ học hỏi để hiểu và cảm phục giới trẻ ở cấp đại học hơn vì họ muốn tiếp cận với các em nhiều hơn.”
Một cựu thí sinh từng tham dự cuộc thi hoa hậu Việt Nam vùng Nam California, do hội sinh viên VSA tổ chức, Michelle Huynh 21 tuổi, trở nên ưu ái tổ chức qua một loạt những cuộc sinh hoạt khiến cô yêu thích nền văn hóa Việt Nam hơn.
Một diễn giả lưu loát tiếng Việt, vừa là nhà văn, đến Mỹ từ năm mới lên 8, Michelle nói rằng tổ chức sinh viên chú trọng vào sự lớn mạnh của hội viên và duy trì chỗ đứng hiện tại. Hội sinh viên USC hiện nay có được 40 hội viên.
Michelle thêm: “Chúng tôi cố sao cho được mọi người biết đến nhiều hơn để tạo chỗ đứng ở trong trường. Làm sao đánh tan cái ấn tượng lệch lạc về chúng tôi để hiểu rằng, ‘không, chúng tôi không phải chỉ có phở mà thôi.’ Một khi chúng tôi có tiền, có hội viên, chúng tôi có thể thực hiện được điều lớn lao hơn.”
Theo Michelle, hội sinh viên trường USC cũng hoạt động như là một nhóm yểm trợ thật hữu hiệu đối với sinh viên đại học gốc Việt thuộc thế hệ đầu tiên, vốn chưa quen với sinh hoạt đại học, cũng như sự đa dạng của các sinh viên về mặt xã hội và kinh tế.
Ở trường UC Santa Barbara, Danielle Phan 21 tuổi, nói rằng sự mở rộng thu nhận hội viên khiến giúp phổ biến được sự hiểu biết về văn hóa ở trong trường, nơi có cộng đồng người gốc Việt rất hạn chế. Danielle, người theo học hai ngành, phim ảnh truyền thông và văn hóa Ðông Á, cho biết, chỉ có 3 trong số 80 hội viên là ở vùng Santa Barbara.
Cô thêm rằng, hội sinh viên UCSB được sự tham dự của những người “vốn say mê và tham gia trong hội.”
Gần đây, hội mở một chương trình lấy tên “Anh Chị Em,” nhằm tạo sinh viên đi cặp trong hội với nhau, trong tinh thần Anh Lớn Chị Lớn.
Năm nay, hội sinh viên UCSB đang xét đến việc thu phí cho sự tham dự cuộc thi Thí Sinh Nam Ðẹp, vốn rất được ưa chuộng của họ, nhằm kiếm tiền giúp cho Blue Dragon Children's Foundation, một tổ chức từ thiện, được sự yểm trợ của Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Vùng Bắc Mỹ. Blue Dragon cứu giúp trẻ em nghèo ở Việt Nam thoát khỏi cảnh nghèo đói.
Tại UC San Diego, Santa Barbara, và nhiều trường thuộc hệ thống CSU và UC khác, các tổ chức đại học cũng đón học sinh Việt Nam đến trường họ bằng xe buýt và dẫn đi thăm trường. Ðể cổ động cho trường mình, Danielle nói với các học sinh trung học rằng, trường UC Santa Barbara tạo cơ hội cho sinh viên cách sống tự lập.
Ðối với Anthony, chủ tịch hội sinh viên gốc Việt UC San Diego, chuyến thăm trường cho phép anh nói với các học sinh Việt Nam, “không những trường UCSD như thế nào mà còn cho họ biết họ kỳ vọng gì nơi trường này.”
Các trường ở tiểu bang California không phải là nơi duy nhất có hội sinh viên. Nhờ sự liên kết với Tổng Hội Sinh Viên Gốc Việt Vùng Bắc Mỹ, hội sinh viên trên toàn Hoa Kỳ được sự tiếp tay giúp đỡ của các trường như Harvard University, Wichita State University ở Kansas, University of Minnesota, và nhiều đại học cộng đồng khác.
*****
Một trong những biến cố trọng đại và nổi tiếng nhất của các tổ chức hội sinh viên là Ðêm Văn Hóa Việt Nam, một buổi diễn kịch do sinh viên thực hiện, có phần ẩm thực, khiêu vũ, và hát, tất cả gom lại để phô diễn giá trị lẫn các vấn đề của Việt Nam.
Hội viên hội sinh viên trên khắp tiểu bang sẽ đến tham dự chương trình của nhau.
Michelle nói rằng, đêm văn hóa thường nhấn mạnh đến các vấn đề liên quan đến thế hệ đi sau, bao gồm những đề mục như là một người gốc Việt đa sắc tộc, trưởng thành trong gia đình lao động, là một sinh viên thuộc thế hệ thứ nhất, cùng những vấn đề khác quan hệ đến bản sắc cùng di sản.
Sau màn trình diễn hát và vũ của mình, bạn cùng phòng trước đây của Danielle tìm đến với cô. Danielle tâm sự: “Bạn cùng phòng trước đây của tôi không phải người Việt, lúc ấy nói với tôi rằng màn trình diễn của tôi gây ấn tượng cho cô không ít. Họ thích thú thực sự và cho rằng ngôn ngữ và âm nhạc Việt quá tuyệt vời. Tôi lấy làm hãnh diện được đón nhận những lời ngợi khen như thế.”
*****
Vào đầu Mùa Xuân năm nay, trường đại học cộng đồng Golden West College ở thành phố Huntington Beach trở thành trường mới nhất gia nhập vào hội sinh viên gốc Việt.
Christy Nguyễn 19 tuổi nói: “Chúng tôi không có người điều hành, không cố vấn, không tiền bạc. Tất cả chỉ mới bắt đầu từ số không.”
Vào thời điểm tổ chức cuộc đi bộ gây quĩ giúp giúp hội ung thư vú, Susan G. Komen Breast Cancer Walk, diễn ra hồi tháng 9, hội sinh viên trường Golden West đã khởi sự hiến tặng cho cộng đồng lần đầu tiên với một cái chi phiếu $100.
Số tiền này gồm $50 từ hội, các hội viên bỏ tiền túi góp thêm được $50 nữa. Ngoài ra hội còn cử ra 25 hội viên đến giúp đỡ lẫn tham dự cuộc đi bộ.
Christy, người sinh viên đang theo chương trình dự bị ngành y tá nói: “Không những để yểm trợ cho mục tiêu đề ra mà còn tung ra được nhiều thành viên của hội, quả là một thành tựu lớn lao. Chúng tôi không bắt buộc hội viên phải tham dự nhưng nhiều người đã kéo theo cả bạn bè đến nữa.”
Hội Sinh Viên trường Golden West đã tham dự cuộc đi bộ gây quỹ giúp người bị tâm thần, National Alliance on Mental Illness Walk, giúp về trả lời điện thoại để nhận tiền hiến tặng cho một buổi văn nghệ từ thiện, và làm vệ sinh một bãi biển, đó là những thành tích trong năm đầu tiên của hội.
Năm nay, một cố vấn của hội thông báo cho Christy biết rằng hội sinh viên trường Golden West được đề cử tranh giải hội xuất sắc nhất trong năm của đại học cộng đồng. Khi toàn thể 50 hội viên hiện diện trong buổi dạ tiệc của hội, cô nói cô biết cô đã tạo được một cái gì đó lâu bền.
Christy nói: “Tôi muốn tạo thử thách cho chính mình, qua sự tái tạo một cái gì đó từ số không và thực hiện một việc lớn lao trong trường.”
Thế là sứ mệnh hoàn tất mỹ mãn.
.
.
.
No comments:
Post a Comment