Saturday, December 18, 2010

"TÔI LÀ NGƯỜI QUAN TRỌNG" (Huy Phương)


Huy Phương, tạp ghi
Saturday, December 18, 2010

Ở vùng Little Saigon, vào những cuối tuần hay ngày lễ, các tiệm ăn thường đông nghẹt khách, muốn ăn bát phở hay bữa cơm, khách phải chịu khó chờ đợi, ghi danh để được gọi vào khi đến phiên.

Cái cảnh chờ đợi này, ngày xưa các cụ của chúng ta chắc chẳng bao giờ bằng lòng, vì cho miếng ăn là miếng nhục, được mời mọc còn chưa chịu nhấc đũa, nói gì đến cảnh chờ chực, nháo nhác, trông ngóng xem đã đến lượt mình được gọi tên chưa. Người chờ ở ngoài đã sốt ruột mà khách ngồi ăn ở trong cũng nóng lòng, ăn xong chỉ muốn đứng dậy đi ra cho rảnh nợ trước bao nhiêu con mắt từ phía ngoài cửa tiệm nhìn vào.

Mỗi lần cánh cửa nhà hàng ăn được mở ra, cái ông nhân viên phục vụ xuất hiện, cầm ngòi bút rà rà trên bản giấy ghi tên, thì bao nhiêu con mắt lại đổ dồn vào ông ta như là một danh ca vừa xuất hiện trên sân khấu, khiến cho bao nhiêu khán giả đang ngồi trong rạp phải im lặng, ngước mắt nhìn lên. Ông ta như là một vị cứu tinh, còn hơn hai ông Nam Tào, Bắc Ðẩu có quyền sửa chuyện sống chết cho Triệu Nhan như tích xưa bên Tàu. Chuyện này làm tôi lại nhớ đến cảnh ông giám thị trường Trung Học xướng danh mấy cậu học trò mới đậu concours vào Ðệ Thất hay cái thời tối lửa tắt đèn, đói rách, mấy bà còn đi lãnh quà ngoại quốc gởi về ở Tân Sơn Nhất, sáng con mắt lên khi nghe gọi đến tên mình. Nhân vật này bèn dõng dạc lên tiếng gọi:
- Minh, bốn người, vào đi! Hùng hai người, chờ một chút!

Ðám đông chuyển động, người gọi nhau ơi ới, hân hoan bước đến cửa, người tỏ dấu thất vọng, sốt ruột, giãn dần ra, khiến cho người nhân viên nhà hàng này lại cảm thấy mình quan trọng hơn. Tôi nghĩ nếu không có ông này, mình không thể có được một buổi ăn sáng với bạn bè từ xa đến Cali, hoặc khó có thể bước vào nhà, thả cái bàn tọa xuống nghỉ ngơi, cho bõ những giây phút đứng chờ đợi mỏi chân ngoài cửa, dưới trời lạnh lẽo Mùa Ðông. Có lẽ ông nhân viên nhà hàng cũng có ý nghĩ như tôi, trông ông oai vệ, quan trọng hẳn ra, ông gọi tên người ta dõng dạc, chẳng cần thưa gởi hay “ông bà” gì cả, mà thiên hạ cũng răm rắp theo lệnh ông: “Vào đi! Chờ một chút!” Sáng hôm nay, ông có cảm tưởng ông là người quan trọng nhất của nhà hàng này, của cả thành phố này và có thể cả Hiệp Chủng Quốc này cũng nên. Không có ông, thiếu gì đứa chết đói.

Ai cũng cho mình là người quan trọng nhất, một V.I.P. (Very Important Person). Trong đơn vị ông thủ trưởng đương nhiên là lớn nhất rồi, cầm quyền sinh sát nhân viên trong tay, nhưng khổ nỗi, trong cơ quan còn có ông “thủ kho”, “thủ kho to hơn thủ trưởng”, thủ kho nắm yết hầu thiên hạ, thủ kho mà không chịu xuất thì mười chữ ký của thủ trưởng cũng bằng không. Nhưng muốn vào cơ quan gặp thủ trưởng hay thủ kho thì phải qua anh “bảo vệ”, vì bảo vệ là người quan trọng nhất. Không có bảo vệ thì cái cơ quan này cũng có ngày nổ tung, thủ kho hay thủ trưởng cũng không còn. Muốn vào cơ quan để lo lót cho thủ trưởng, thủ kho, muốn được việc thì trước hết phải lo cho bảo vệ. Bảo vệ không cho vào, thì có nước khóc ròng. Vậy, ai dám nói anh chàng bảo vệ là người không quan trọng?

Người đổ rác trong thành phố này cũng quan trọng? Không có ông, thành phố này một hai bữa là đã thối um lên. Người phát thư cũng quan trọng. Không có ông, thư từ chất đống, liên lạc không có, các công ty không có tiền, cả thành phố này tê liệt. Ông tài xế xe bus công cộng rất quan trọng. Không có ông, có người không đến sở làm được. Ông phi công cũng quan trọng. Không có ông, cả phi trường tê liệt.

Ngày mới chân ướt chân ráo đến định cư tại Mỹ, tôi có cảm tưởng những người Việt có cơ hội đến Mỹ sớm, có đôi chút chữ nghĩa, làm trong các cơ quan công quyền của nước Mỹ này đều là những người quan trọng bậc nhất thiên hạ. Thái độ, ngôn ngữ và cách tiếp xúc của họ, làm cho những người mới đến nhập cư cảm thấy mặc cảm tự ty cho cái thân phận thấp hèn của mình, như bầy người rách rưới kéo nhau đến ăn xin nước Mỹ mà họ là người đại diện của nước Mỹ có thẩm quyền sinh sát trong tay. Ðầu tiên là cô thư ký của cơ quan nhập cư ở phi trường San Francisco, cô nói với đám người vừa kéo nhau trên máy bay xuống, xếp hàng trước quầy làm việc của cô như nói với bầy con cháu trong nhà bằng một giọng gắt gỏng, miệt thị. Tôi nghĩ nếu không có cô ban ơn, chắc chúng tôi phải kéo nhau lục tục lên máy bay để trả về lại Việt Nam, nghĩ chừng đó thôi cũng đủ rùng mình rởn tóc. Chúng tôi chưa được hân hạnh gặp Tổng Thống Mỹ thời đó là ông George H.W. Bush (bố), nhưng trước mắt tôi, giờ này không ai quan trọng bằng cô.

Ðược ít tuần, sau thời gian dật dờ lạ nước lạ non, chúng tôi lại phải có dịp tiếp xúc với các cán sự người Việt mà chúng tôi hay gọi họ là “social worker”, tại các cơ quan xã hội địa phương để xin trợ cấp y tế hay tiền trợ giúp hằng tháng. May mắn lắm thì có được một vài người, biết điều, nhân hậu, nhưng hầu hết chúng tôi sợ hãi như phải qua những kỳ thi sát hạch, nếu rớt không có tiền ăn, tiền nhà, chắc là phải ra nằm đường. Những cuộc gặp gỡ này còn tệ hơn là những chuyến làm việc với công an phường khóm trước lúc chúng tôi ra đi. Ðôi khi tôi có cảm tưởng đồng tiền chúng tôi được trợ cấp hằng tháng là tiền túi của những nhân vật quan trọng này, nên họ phải kỹ càng tra vấn, chứ không phải là đồng tiền từ công quỹ nước Mỹ. Cũng với cái thái độ “ban ơn” đó, đồng bào phải nghĩ rằng nếu không có những người này làm sao những người tỵ nạn đến Mỹ có được đồng tiền trợ cấp.

Sau khi nghe một vài gia đình đồng cảnh “đi xin welfare” về cho biết là họ gặp sự dễ dàng, mau chóng hơn khi gặp những cán sự người Mễ, người Mỹ hay người Tàu, tôi mới thấy ra ưu điểm của công chức người Việt cao quý của mình là tận tâm, kỹ càng, nhất là “pháp bất vị... đồng bào” rất đáng ca ngợi.

Trong cuốn “How To Win Friends & Influence People” của Dale Carnegie mà ông Nguyễn Hiến Lê diễn dịch là Ðắc Nhân Tâm, tác giả cho rằng khi tiếp xúc với ai, muốn thành công cứ cho họ là người quan trọng, khen ngợi họ, đề cao họ. Chúng ta cũng biết trên đời này ai cũng cho mình là quan trọng hết, từ ông bác sĩ trong bệnh viện cho đến cô bán hàng ngoài chợ, nhưng “đắc nhân tâm” để cho vừa lòng người thì khiến người ta càng ngày tự cao hơn, mà người đối diện đôi khi càng hạ phẩm giá của mình, đánh mất lòng tự trọng.

Một đôi lần, gặp phải anh chàng ở tiệm ăn “quan trọng hóa” nhiệm vụ của mình, tôi lại muốn bỏ ngang chuyện xếp hàng của mình sang ăn ở một tiệm khác, để xem “có chết thằng Tây nào không”, nhưng lại nghĩ rằng đi đâu trong xã hội này cũng gặp “người quan trọng”, thôi thì cứ nở một nụ cười: “Ðắc nhân tâm” cho vui người mà cũng vui ta, kẻo mất đi một buổi sáng đẹp trời.
.
.
.

No comments: