Wednesday, December 8, 2010

HỒI KẾT CỦA SỰ TRỖI DẬY HÒA BÌNH (Foreign Policy)


neofob, X-Cafe chuyển ngữ

Cho dù có những tiêu đề hồi hộp, sẽ chẳng có thực tế sáng sủa nào đối với sức mạnh toàn cầu của Trung Quốc sẽ tan biến vào thập niên then chốt kế tiếp. Thế nhưng nếu cộng đồng quốc tế còn mơ hồ về quỹ đạo của Trung Quốc trong thế kỷ 21 thì đó chẳng qua là chẳng có sự đồng thuận thực tế nào giữa những người Trung Hoa với nhau.

Trong suốt những thập niên đầu của thời kỳ cải cách, Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình nỗ lực tham gia các tổ chức quốc tế và chính thể khác nhau một cách thầm lặng và từ tốn. Những nhà cố vấn hàng đầu như Ngô Kính Liễn -- người còn có ngoại hiệu "Ông Thị Trường" -- công khai ủng hộ cải cách thị trường và hội nhập với kinh tế thế giới. Đồng thời Đặng giữ lại những nguyên tố của chiến lược Trung Hoa như "Bốn Hiện Đại" (nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng, khoa học và công nghệ) nhắm đến chuyển hóa Trung Quốc thành tự cường trước thế kỷ 21. Những chiến lược gia quân sự như Đô Đốc Lưu Hoa Thanh (chỉ huy hải quân Trung Quốc vào thập niên 80) đã đưa ra viễn kiến về một lực lượng tuần dương tương đương của Hoa Kỳ trước giữa thế kỷ 21.

Kết quả của sự kết hợp giữa cũ và mới của Đặng là sự trỗi dậy của một cường quốc thế giới mà vẫn giữ được ít bị chú ý về mặt quân sự và chính trị. Chính sách đối ngoại của Trung Quốc bám sát theo một trong những nguyên tắc của Đặng: "ẩn minh giả ngu".

Tuy vậy ý kiến nhất trí về thời kỳ Đặng Tiểu Bình đã bắt đầu không còn nhất quán trong thập niên vừa rồi. Trong khi kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng và sự hiện diện của quốc gia ở hải ngoại bành trướng sâu đậm ở Đông Nam Á, Châu Mỹ Latinh, và Châu Phi, châm ngôn của Đặng trở nên ăn khớp với thực tế.
Trong khi những người ngoài cuộc bắt đầu hình dung một tân Trung Hoa là một mối đe dọa đối với phương Tây, quan chức lão thành Đảng Cộng Sản Trịnh Tất Kiên (*) nỗ lực giải thích sự lớn mạnh quyền lực của Trung Quốc và ảnh hưởng của nó cho thế giới biết.
Đề cập đến khái niệm "trỗi dậy hòa bình" (ông ta bắt đầu dùng từ năm 2003 và được phổ thông hóa trong một bài báo trên Foreign Affairs 2005), Trịnh biện luận rằng không như những cường quốc trước đây, sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ không dựa vào bóc lột các nước khác. Thay vì vậy, lý thuyết -- một số cho là khẩu hiệu thương mại -- nhấn mạnh rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ đem đến phúc lợi cho nhân dân Trung Quốc và phần còn lại của thế giới.

Hầu hết các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhanh chóng tỏ ra ủng hộ khẩu hiệu đó. Thế nhưng việc tranh luận về nó đáng học hỏi: một số học giả Trung Hoa e rằng từ "trỗi dậy" là quá khiêu khích đối với người ngoại quốc, trong khi đó một số khác lại không thích từ "hòa bình", biện luận rằng nó sẽ không cho phép Trung Quốc trở nên hung hăng khi cần thiết. Đài Loan tuyên bố độc lập là một ví dụ. Giáo sư Diêm Học Thông tại Đại học Thanh Hoa, lý luận vào lúc bấy giờ, "Tất cả những chiến lược hòa bình mà ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc phải bị loại bỏ." Trong giới quan chức, thuật ngữ được biến hóa ngay thành một từ dễ ru ngủ "phát triển hòa bình".

Ngày nay, do không có sự chỉ đạo rõ rệt từ Bắc Kinh, một cuộc tranh cãi lớn đã nổi lên giữa giới trí thức Trung Hoa về vai trò của quốc gia trên thế giới. Một số tỏ ra sẵn sàng chấp nhận Trung Quốc tự xác nhận là một liệt cường thế giới. Ví dụ, vào lúc cao điểm của khủng hoảng kinh tế, thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc Châu Tiểu Xuyên gợi ý rằng thời cơ đã chín muồi để thế giới từ bỏ dùng đô la như ngoại tệ để dự trữ. Các học giả về quan hệ quốc tế như Trầm Đinh Lập của Đại Học Phục Đán ra mặt mách nước về quyền của Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự để bảo vệ những lợi ích hải ngoại. Thế nhưng những quan chức và học giả khác của Trung Quốc cảm nhận rõ rệt nguy hiểm về những sự táo bạo đó. "Tôi không nghĩ Trung Quốc nên trở thành một Hoa Kỳ thứ hai về chính trị thế giới và nó không thể ngay cả nếu nó muốn," học giả Vương Tập Tứ nhận định.

Cuộc tranh luận này về làm thế nào Trung Quốc có thể thúc đẩy những lợi ích của họ trên thế giới không đơn giản là một lựa chọn giữa nắm bắt thời cơ và giữ nguyên đường lối. Một số quan chức của Trung Quốc đã kêu gọi chính quyền của họ gánh vác thêm trách nhiệm quốc tế. Ví dụ, thủ tướng Ôn Gia Bảo phát biểu trong một diễn văn vào tháng Tư rằng Trung Quốc sẽ gia tăng đóng góp cho những nỗ lực quốc tế về những lãnh vực như giáo dục, chăm sóc y tế, và giảm nợ bởi vì đó là "khát vọng của cộng đồng quốc tế và vì quyền lợi của Trung Quốc nữa". Những người khác như phóng viên Wang Di đã viết về nhu cầu đối với những công ty lớn của Trung Quốc hoạt động hải ngoại cân nhắc đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nếu không họ sẽ bị cho là những lực lượng của "sự bành trướng tư bản kiêu ngạo".

Có lẽ sự thách đố sâu sắc hơn cả, như nhiều nhà học giả của Trung Quốc đặt vấn đề, là không phải nguy cơ từ bên ngoài mà là sự chuyển biến văn hóa chính trị từ bên trong Trung Quốc. "Ba thập niên của cải tổ đã dẫn đến sự giàu có nhanh chóng ở Trung Quốc và điều này cũng làm cho người Trung Quốc kiêu ngạo," Ye Hailin, nghiên cứu viên của Học viện Khoa Học Xã Hội Trung Hoa, viết trong một bài bình luận chua cay về những đa cảm hiện thời của người Trung Quốc. Người Trung Quốc không còn khoan dung với những lời chỉ trích.

Cuộc tranh luận này sẽ định hình tương lai của Trung Quốc ra sao sẽ là một câu hỏi không giải đáp. Thế nhưng điều quan trọng nhất là nó đang diễn ra -- không phải đơn giản là sau những cánh cửa khép kín ở Trung Nam Hải -- mà ngay trong nhân dân Trung Quốc và phần còn lại của thế giới.

-----------------------------------
(*): người được cho là đã tạo thành ngữ "trỗi dậy hòa bình" và "phát triển hòa bình" -- ND.
.
.
.

No comments: