Wednesday, December 8, 2010

DỰ TRỮ NGOẠI TỆ QUỐC GIA ĐANG Ở ĐÂU?

BS Hồ Hải
Thứ ba, ngày 07 tháng mười hai năm 2010

Đọc báo đảng cũng phải có kỹ thuật đọc thì mới thấy rõ vấn đề. Hơn 700 tờ báo đảng chuyên định hướng theo các anh tư tưởng trung ương. Nhặt nhạnh thông tin đáng giá như tìm lá trên cành cây trụi lá mùa thu. Càng khó khăn khi tìm thông tin về kinh tế Việt đang nằm ở đâu, khi mà thông tin còn chưa minh bạch.

Đồng đô la Mỹ được mặc định là nguồn ngoại tệ chính giao dịch cho toàn cầu. Ngặt nỗi là đồng Việt Nam không có trị giá trao đổi trên trường thế giới ngoài bán đảo Đông Dương: Việt - Miên - Lào. Dù có in hàng tàu tiền Việt thì cũng không thể đổi được đồng đô la để có mà lo chuyện nhập siêu hằng năm cứ bào mòn dần nguồn dự trữ quốc gia về ngoại tệ. Mặc dù in tiền ra thì đâu phải cứ muốn in là in ào ạt một cách ngu xuẩn như thời nhà thơ làm kinh tế, dù đó là quyền của nhà nước.

Nhưng hễ cứ có một dự án đình đám nào vừa mới hoàn thành là vàng, ngoại tệ, giá đất đai cứ tăng vù vù chóng mặt, trong khi người dân có thu nhập chân chính không thể lấy đâu ra tiền để làm chúng tăng lên được. Thế thì tại sao lại tăng, lại lạm phát thì trong bài Một câu hỏi lớn chưa có ai trả lời, tôi đã đưa ra các khái niệm làm tăng giá đất, lạm phát và ngân hàng phải siết chặt tín dụng bằng tăng lãi suất kịch trần, hòng kiềm chế lạm phát, mà gần đây người ta tránh dùng từ "thô bạo" này bằng một uyển ngữ khác là "Bình ổn giá".

Một đất nước đang phát triển như nước Việt cần lắm chuyện để làm vì xây dựng cơ sở hạ tầng, đường xá, cầu cống, nhà ở, tái đầu tư các trang thiết bị lỗi thời, nhập từ cây tăm xe đạp đến từng viên thuốc cho bệnh tật và ngay cả muối ăn một cách nghịch lý ở một đất nước nhỏ hẹp nhưng có mặt tiền tiếp xúc với biển theo tỷ suất cao nhất thế giới, thì làm sao không cạn nguồn ngoại tệ? Thử tìm hiểu một chút nguồn ngoại tệ vào và ra khỏi đất nước xem sao?

Nguồn ngoại tệ Việt Nam có được nhờ vào chính yếu từ 4 nguồn: (1) đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI: foreign direct investment) và vay ODA (Official Development Assistance). (2) Thứ đến là tiền ngoại hối của Việt kiều gửi về cho thân nhân ở quê nhà. (3) Kế đến là câu chuyện bán tài nguyên, môi trường để kiếm ngoại tệ và (4) cuối cùng là một số mặt hàng nông. lâm, ngư, hải sản và gia công xuất khẩu lấy công làm lời.

Trong khi tình trạng nhập siêu năm nào cũng tăng lên chóng mặt, mà nguyên nhân đã nói ở trên. Nhưng tất cả những thông tin và con số trên thực hư như thế nào đố ai biết được, dù có là tổng cục thống kê cũng chưa chắc đúng! Thế thì phải quanh lại vấn đề tìm thông tin gián tiếp để suy luận cho tình hình dự trữ ngoại tệ quốc gia đang ở đâu?

Có lẽ, từ bao đời thống đốc ngân hàng nhà nước đến nay chưa có đời thống đốc nào biết sực tỉnh cơn mê mà thốt lên rằng: 1.000 tấn vàng còn nằm trong dân như thống đốc đương nhiệm. Trong khi đầu mùa đông năm ngoái 2009 thì tổng dự trữ nguồn ngoại tệ quốc gia chỉ còn đúng 12 tuần nhập khẩu. 

Có 2 vấn đề nhập khẩu làm đau lòng nhức óc cho các nhà quản trị quốc gia là nhập khẩu xăng dầu và vàng. Chúng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng rổ hàng nhập khẩu hằng năm.

Trong tháng này có 1 thông tin đáng chú ý, mà không phải ai cũng quan tâm là: Tăng thuế xuất khẩu vàng lên đến 10% bắt đầu từ ngày 01/01/2010. Giải thích vấn đề này như thế nào? Theo tôi thì: 

Chính phủ đánh thuế 10% vào vàng là đánh thuế xuất khẩu vàng lên 10% chứ không có nghĩa là đánh thuế người mua vàng hay giữ vàng 10%.

Việc đánh thuế này hòng mục tiêu là chống lại số vàng đã nhập vào Việt Nam
rồi xuất khẩu sang nước khác để giữ vàng lại trong nước.

Việc giữ vàng lại trong nước hòng để có vàng lúc cần chống lạm phát giá vàng mà không phải nhập vàng liên tục như lâu nay.

Không phải nhập vàng thì USD sẽ không bị chảy ra nước ngòai như lâu nay do nhập khẩu vàng.

Không chảy USD ra nước ngòai như lâu nay do nhập vàng thì nguồn USD trong nước sẽ dồi dào hơn để nhà nước dễ dàng chống sự mất giá đồng Việt so với USD, chứ không thể làm vàng trong nước hạ xuống. Vì vàng trong nước mà rẻ hơn thế giời thì vàng sẽ vượt biên lúc đó nhà nước sẽ sụp à?


Lâu nay ai cũng biết rằng có 2 vấn đề trong việc nhập khẩu xăng dầu: (1) nhà nước hỗ trợ giá ngoại tệ thấp để cho doanh nghiệp nhà nước được độc quyền này có ưu thế cạnh tranh nhập xăng dầu từ nước ngoài về để bán lấy lãi suất như câu chuyện độc quyền kinh doanh là một sự tự nhiên lâu nay các tổng công ty nhà nước như đứa con cưng được bảo hộ đủ điều. (2) Nhà máy lọc dầu Dung Quất làm ra sản phẩm bị ứ đọng phải kêu gọi doanh nghiệp tiêu dùng dùm, không phải vì chất lượng không đạt, mà vì "cái gì đó" trong lợi nhuận. Cho nên cách đây 3 hôm, một thông tin đáng giá đồng tiền bác gạo nữa là chính sách khuyến khích các doanh nghiệp phải tranh nhau mua xăng dầu của nhà máy lọc dầu Dung Quốc.  

Thông tin này cho thấy thêm một yếu tố nhà nước bằng mọi biện pháp cố gắng giữ đồng đô la giảm thiểu chảy ra nước ngoài vì nhập khẩu xăng dầu. 

Nhập xăng dầu và vàng bằng đồng đô la, nhưng về bán và thu lại bằng đồng Việt Nam. Trong khi người dân thì mất lòng tin vào tiền đồng Việt Nam, phải cố thủ bằng vàng và đô la. Viễn cảnh kinh tế Việt như một vũng lầy bao nhiêu vàng và đô la cứ chui vào túi đầy tớ và nhân dân và nằm yên ở đó.

Cả hai thông tin ngắn và quan trọng trên cho thấy đủ mọi điều. Thấy gì thì mọi người tự suy nghĩ nhé. Tôi chỉ làm công việc phân tích tình hình để có cái nhìn thực tế tại sao đồng đô la mất giá trên thị trường thế giới mà ở nước ta nó cứ mãi tăng giá. Tại sao thế giới thoát ra khỏi khủng hoảng mà nước ta lại quay vào khủng hoảng? Đó là nghịch lý của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tạo ra.

.
.
.

No comments: