Wednesday, December 8, 2010

HÀN QUỐC : SỰ MẦU NHIỆM TRÔI QUA. GIỜ PHẢI LÀM SAO ? (The Wall Streert Journal)

Evan Ramstad,  The Wall Street Journal

Mai Việt Tú chuyển ngữ
Thứ Tư, 08/12/2010

Nam Hàn phát triển bùng nổ bằng cách chuyển đổi một nền kinh tế nông nghiệp thành một cường quốc công nghiệp. Để duy trì tăng trưởng, họ sẽ phải thực hiện một số thay đổi cơ bản và khó khăn.
Khi họ đón chào những lãnh đạo của 20 quốc gia giàu nhất tuần này, Nam Hàn đang đối mặt với một sự thật không vui vẻ: Chiến lược kinh tế thành công một cách ngạc nhiên đã đưa họ vào vị trí chủ tọa một cuộc họp như vậy đang đi đến giai đoạn cuối cùng của khoảng đời hữu dụng của nó. Và thay thế nó sẽ không dễ dàng.
Năm mươi năm trước, chìm trong nghèo khổ và đói khát, Nam Hàn bắt đầu phát triển nhanh chóng đến giàu có trong khi Bắc Hàn, người anh em xâm lăng Nam Hàn 10 năm về trước và ngày nay vẫn đang đe dọa an ninh, ngày càng đi xuống. Nam Hàn ngày nay là quốc gia có nền kinh tế lớn đứng thứ 15 trên thế giới, nơi mà có những công ty được nhìn nhận toàn cầu như Samsung và Hyundai và là một mô hình cho những quốc gia đang phát triển.
Nhưng chiến lược kinh tế vốn hoạt động tốt đẹp cả một giai đoạn lâu dài đã đi đến đoạn cuối đường. Về cơ bản, Nam Hàn đã vươn tới sự thịnh vượng cao nhất mà họ có thể đạt được bằng chính sách phát triển dựa vào xuất khẩu, để biến đổi một nền kinh tế nông nghiệp trở thành một nền kinh tế công nghiệp. 43% sản lượng kinh tế của Nam Hàn tới từ xuất cảng, đó là một con số cao hơn bất kỳ một quốc gia tiên tiến nào khác.
“Quốc gia đang đứng ở điểm thay đổi” Bộ trưởng Tài chánh Nam Hàn Yoon Jeung-hyun tuyên bố trong một diễn văn vào tháng Bảy; “Rõ ràng, ngành công nghiệp xuất khẩu đang gặp hạn chế trong việc tạo công ăn việc làm và giá trị gia tăng.”.
Vấn đề mà Nam Hàn bây giờ phải đối diện vừa đơn giản, vừa khó khăn: Liệu họ có thể thực hiện được những thay đổi cần thiết - về kinh tế, chính trị và văn hóa – để tạo động lực cho đất nước tiếp tục vươn lên mạnh mẽ?
Để duy trì tăng trưởng, các kinh tế gia trong và ngoài nước tin rằng, quốc gia này phải thực hiện những thay đổi căn bản đối với xã hội trọng nam và phân biệt đẳng cấp hiện tại – không chỉ là thêm phụ nữ vào lực lượng lao động, mà còn phải khuyến khích sáng tạo và tinh thần doanh nhân, thăng chức bằng quá trình đóng góp hơn là thâm niên và mở cửa đến với người dân nhập cư.
Họ phải giảm thiểu sự tham gia tràn lan của chính phủ trong nền kinh tế, một di sản của quá khứ thời những tổng thống và bộ trưởng đầy quyền lực đưa ra những quyết định khó khăn về những thứ phải làm với một số vốn khiêm tốn. Và họ phải nới lỏng sự tuân phục theo cấp bậc của Khổng Giáo, đi theo con đường mà các láng giềng như Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Công và Singapore đã đi.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Sáu, tổng thống Nam Hàn Lee Myung-bak mô tả tình trạng một cách khái quát: “Có rất nhiều việc phải làm để cải cách các định chế xã hội, hay đạo đức, nghi lễ và truyền thống mà chúng ta đã có ở quốc gia này rất nhiều năm nay.” Ông Lee nói. “Một số trong đó là rào cản ngăn trở chúng ta trở thành một quốc gia tân tiến hơn. Bây giờ chúng ta cần phải cố gắng để thay đổi.”
Nam Hàn đối mặt với những thách thức như thế nào sẽ được quan sát bởi hàng chục quốc gia nghèo hơn đang cố bắt chước mô hình phát triển bằng xuất khẩu của nó, và bởi các quốc gia có mức thu nhập trung bình như Đài Loan, Saudi Arabia, Isarael và Bồ Đào Nha, nơi cũng đang bế tắc trong việc tìm kiếm tăng trưởng và tiềm năng tương lai.

Trỗi dậy và dậm chân tại chỗ

Tăng trưởng nhanh chóng của Nam Hàn bắt đầu những năm thập niên 1960 dưới sự cai trị của nhà độc tài quân phiệt Park Chung-hee, người đã lái nguồn vốn và tài nguyên khiêm tốn của Nam Hàn vào nhiều ngành công nghiệp tạo nên Nhật Bản - công nghệ dệt may, thép, xe cộ và điện tử. Dân chúng Nam Hàn đứng lên chống lại thể chế độc tài vào thập niên 1980 và xây dựng một nền dân chủ lập hiến vào năm 1987, nhưng nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng.
Lợi tức bình quân đầu người của Nam Hàn đạt được 20.000 (đô Mỹ) năm 2007, và trong khi khủng hoảng tài chánh Á Châu trong năm 1997 và 1998 đánh mạnh vào truyền thống tuyển dụng suốt đời và bắt buộc các công ty phải tập trung vào lợi nhuận hơn là tăng trưởng để mà tăng trưởng, thì quốc gia này cũng chỉ bị gián đoạn tăng trưởng một thời gian rất ngắn.
Tuy nhiên, dưới bề mặt của sự thịnh vượng ngày một tăng ấy, những mầm mống của sự rắc rối bắt đầu nẩy nở.
Kinh tế Nam Hàn tăng trưởng trung bình 4,3% một năm trong thập niên vừa qua, giảm từ 6.2% trong thập niên 1990. Quốc gia trong năm nay sẽ tăng trưởng khoảng 6%, khá hơn hầu hết các quốc gia phát triển, nhưng đấy là kết quả sau hai năm phát triển tầm tầm. Kinh tế gia dự đoán sang năm tăng trưởng vào khoảng từ 3% đến 4,5%.
Hơn thế nữa, tiềm năng tăng trưởng của quốc gia đã đi xuống trong vòng 15 năm qua hơn bất kỳ những quốc gia đã phát triển khác, chiếu theo Phòng Thương Mại và Kỹ Nghệ Nam Hàn. Nghiên cứu gần đây cho thấy tiềm năng tăng trưởng của Nam Hàn – sản lượng tối đa có thể đạt được khi tất cả những yếu tố sản xuất như nhân công và vốn liếng được đưa vào xử dụng – ngay bây giờ là 4% một năm và chắc chắn sẽ giảm xuống đến khoảng giữa 2% đến 3% trong vòng 10 năm sắp đến.
Nhật Bản cũng đã gặp tình trạng này, nhưng Nam Hàn có mức thu nhập thấp hơn so với Nhật Bản khi tình trạng này diễn ra, mặc dù nó theo rất sát mô hình phát triển, luật pháp và văn hóa Nhật Bản. Trong những năm cuối thập niên 1980, khi khả năng tăng trưởng của Nhật Bản giảm xuống tới 3% đến 4%, lợi tức đầu người vượt hẳn trên 30.000 (đô Mỹ). Nam Hàn đang xoay quanh 20.000 (đô Mỹ).
Ít người hơn, tay nghề cao hơn
Một phần lý do cho sự dậm chân tại chỗ về kinh tế là dân số. Quốc gia này đơn giản là không có đủ người để đáp ứng số lượng việc làm để thỏa mãn tăng trưởng. Phụ nữ Nam Hàn trung bình chỉ sinh 1,15 con, đây là tỷ lệ sinh nở thấp nhất trong số tất cả các quốc gia phát triển. Số lượng người trong nhóm tuổi 25-49 đã đạt đỉnh, và khoảng năm 2017 đến 2019 tổng dân số trong tuổi làm việc sẽ bắt đầu thuyên giảm.
Bên cạnh đó, Nam Hàn đã đạt đến điểm quá nhiều người đã được giáo dục đàng hoàng nên không muốn xin vào những công việc lương thấp, tay nghề không cao. Điều ấy làm nông nghiệp và ngành sản xuất chế tạo phải vật lộn để kiếm lực lượng lao động, trong khi rất nhiều sinh viên ra trường ở lứa tuổi 20 đốt thời gian của họ bằng cách nằm chờ cơ hội tuyển dụng tại các công ty lớn hoặc cơ quan chính phủ.
Park Ju-eun, một sinh viên của Viện Đại Học Hongik tại Hán Thành, quyết định trì hoãn ra trường một năm sau khi nếm mùi khó khăn của thị trường lao động. “Ngày nay, không ai ra trường theo đúng lịch trình” cô ta nói. “Sinh viên trì hoãn ra trường để có cơ hội tuyển dụng tốt hơn.”
Cô Park, 24 tuổi và có bằng cấp về quản trị, xin việc với 15 công ty, nhưng cô chả được mời phỏng vấn lần nào cả. Cô ta sẽ lấy bằng sang năm và, nếu cô ta không kiếm được việc, sẽ học ngoại ngữ và thi lấy bằng để xây dựng một hồ sơ cá nhân đẹp hơn.
Mô hình ngày nay cho Nam Hàn [học hỏi], các kinh tế gia nói, nên là những quốc gia Âu Châu và Bắc Mỹ, nơi đã xây dựng ngành công nghiệp dịch vụ linh động, thu hút những người làm việc tay nghề cao và bù đắp cho năng lực sản xuất chế tạo hiện tại, và khuyến khích môi trường làm việc đa dạng hơn nhằm kích thích phát minh và sáng tạo.
Để đạt đến đó, Nam Hàn sẽ cần uốn nắn nền kinh tế của họ để [nó] được lèo lái từ dưới lên trên, hơn là từ trên xuống dưới, và đối mặt với những truyền thống văn hóa đang tạo ta rào cản cho phụ nữ và người dân nhập cư.
“Hàn Quốc phải quyết định hoặc là họ phải tự thay đổi và tiếp tục ở vị trí dẫn đầu, hoặc sửa soạn cho buổi hoàng hôn kiểu Nhật Bản” Jasper Kim nói, một giáo sư luật tại Viện Đại Học Ewha ở Hán Thành.

Sự kiểm soát nặng nề

Nằm số 1 trên danh sách cần phải làm của chính phủ: Ngưng ngay việc quản lý nền kinh tế một cách vi mô. Sự quản lý như thế có lý vào thời điểm quốc gia này đang vươn lên từ con số không với số vốn hữu hạn và trình độ dân trí thấp. Nhưng Nam Hàn bây giờ không còn như thế nữa, và bàn tay của chính phủ đang được nhìn nhận bởi nhiều người là bóp nghẹt cạnh tranh và tăng trưởng.
Những luật lệ ở Nam Hàn, chẳng hạn, yêu cầu một công ty sản xuất bia phải có sản lượng tối tiểu 3,8 triệu chai một năm, bằng cách đó đã ngăn cản những công ty bia mới được thành lập để cạnh tranh với hai công ty bia có sẵn. Trong một khu vực khác, sau khi có điều ra tiếng vào phản đối việc trả lương cao cho những người làm việc tại một công ty tư nhân buôn bán chứng khoán, chính phủ đã mua luôn công ty ấy và giảm lương.
Quan chức chính phủ thừa nhận có vấn đề. Nhưng họ không thể giải quyết được nó.
Năm 2007, tổng thống Nam Hàn, ông Lee, vận động tranh cử đã hứa hẹn tăng trưởng kinh tế, ông rêu rao kế hoạch “747” – 7% tăng trưởng hàng năm, 40,000 (đô Mỹ) lợi tức đầu người mỗi năm và một nền kinh tế đứng thứ bảy trên thế giới cho đến năm 2018. Một yếu tố chính [để đạt được kế hoạch đó]: thu nhỏ bộ máy chính phủ.
Ông Lee ban đầu dự định tư hữu hóa 40 trong số 400 công ty quốc doanh với hy vọng kích thích sản xuất tạo lợi nhuận. Đến đầu năm nay, quan chức chính phủ mới chỉ xắn tay vào làm một vụ - đó là bán một lượng cổ phần nhỏ của công ty chịu trách nhiệm điều hành phi trường quốc tế ở ngoại ô Hán Thành. Sau đó, tháng Chín, họ cho ngừng luôn phi vụ đó để đáp lại những phê bình chính trị.
Một sự chống đối tương tự nổi lên khi nói đến sự độc quyền của chính phủ về giá cả và các thương vụ quảng cáo truyền hình. Hai năm trước, tòa án hiến pháp quốc gia ra lệnh chấm dứt việc kiểm soát như thế, cho rằng đấy là một sự độc quyền bất hợp pháp.
Kết quả là nhiều cơ quan chính phủ nhảy vào hơn, để dành chỗ bán quảng cáo hoặc quyền quyết định ai sẽ được (quảng cáo). Trong khi ấy, với giá TV được chính phủ định đoạt, đóng vai trò như giới hạn trần cho hầu hết các loại quảng cáo khác, công nghiệp truyền thông của Nam Hàn chỉ đạt được dưới 1% của tổng sản lượng quốc nối, so sánh với hơn 2% tại Nhật Bản và 3% tại Hoa Kỳ.
Dễ thấy nhất, những dự án xây dựng thâm dụng vốn vẫn là công cụ chính tạo ảnh hưởng chính của lãnh đạo chính trị Nam Hàn, một lực đẩy làm tăng cả chi phí phát triển tư nhân lẫn đất đai dành cho các dự án. Một dự án khổng lồ của riêng ông Lee là đi nạo vét bốn dòng sông trị giá 14 tỷ (đô Mỹ).
Mùa hè này, ông Lee và những người cộng sự của ông cố gắng thay đổi những kế hoạch về một thành phố trị giá 20 tỷ (đô Mỹ) mà quốc hội nước này dự định sẽ chuyển một nửa bộ máy chính quyền về đó (MVT – giống như ở Việt Nam dự tính về thủ đô hành chánh Ba Vì), lập luận rằng dự án nên được lèo lái bởi những nhu cầu của công ty tư nhân. Nhưng ông thất bại cuộc chiến trong quốc hội. Người thủ lãnh thứ hai sau ông Lee, thủ tướng Chung Un-chan, một kinh tế gia đã đặt câu hỏi về tính hữu dụng của một thành phố tập trung [dành cho] chính phủ, đã từ chức vì vấn đề này vào tháng Bảy. “Tôi cảm thấy tội lỗi khi thất bại trong việc ngăn cản sự lãng phí thấy trước”, ông nói.
Một phần của lý do tại sao bàn tay can thiệp thô bạo của chính phủ vào nền kinh tế lại được chấp nhận là bởi nó gần gũi với niềm tin Khổng Giáo của xã hội Nam Hàn, đó là thứ bậc của quyền lực (từ trên xuống dưới). Niềm tin này có mặt trong mọi công việc hàng ngày. Người Nam Hàn chiều theo những người lớn tuổi hơn họ, một thói quen kính lão nhưng làm nguội lạnh sự tương tác và đè nén những ý kiến mới.
Và truyền thống thứ bậc quyền lực lại càng phức tạp hơn với sự trao quyền cho đàn ông hơn là cho phụ nữ. Cho đến những năm 1990, sách giáo khoa Hàn Quốc rao giảng rằng đàn bà nên ở nhà (hơn là đi làm). Ngay cả bây giờ, đàn bà thường xuyên được khuyên nên bỏ việc khi họ mang thai. Và chỉ đến tháng Tư vừa rồi, tòa án lần đầu tiên tuyên bố một công ty Nam Hàn phải chịu trách nhiệm trong một vụ xâm phạm tình dục giữa một sếp nam giới và một nhân viên nữ.
Ngày nay, chỉ có 53% phụ nữ Hàn Quốc làm việc, dưới con số trung bình 57% của tất cả quốc gia đã phát triển, một vấn đề sẽ còn trở nên tồi tệ hơn khi lực lượng lao động bắt đầu thu hẹp vào cuối thập niên. Tiền lương trung bình của một phụ nữ Nam Hàn khoảng 16.931 (đô Mỹ), chỉ bằng hơn một nửa lương trung bình của đàn ông, một khoảng cách lớn nhất giữa các quốc gia đã phát triển.
Và đối với những người phụ nữ đi làm, cơ hội thăng quan tiến chức bị cản trở bởi thứ văn hóa nhậu nhẹt tối muộn chỉ thích hợp với đàn ông trong đời sống kinh doanh. Trong trường hợp tồi tệ nhất, hoạt động "xã giao" sau giờ làm việc diễn ra trong những hộp đêm với tiếp viên nữ trẻ rót rượu và lả lơi với những nhóm đàn ông, tạo ra một bầu không khí loại bỏ hoàn toàn các cơ hội kinh doanh và tạo quan hệ đối với nữ giới.

Thiếu thân thiện với người nhập cư

Cách thúc đẩy phát triển nhanh nhất là chào đón những công nhân nước ngoài và người nhập cư đến tới quốc gia này. Nam Hàn có 557.000 công nhân nước ngoài, chiếm khoảng 2% lực lượng lao động 23 triệu của họ. Con số ấy cao hơn của Nhật Bản, có khoảng dưới 1%, nhưng qua thấp so với Hoa Kỳ là 10%.
Nhưng người nước ngoài chỉ có thể làm việc năm năm tại những công ty Nam Hàn, chiếu theo điều luật lao động. Người định cư vĩnh viễn thì rất hiếm, mặc dù gia tăng trong những năm gần đây cho một loại di dân đặc biệt: đó là phụ nữ từ những quốc gia khác, chủ yếu đến từ Đông nam Á Châu, lấy chồng là những nông dân độc thân bị bỏ rơi lại ở đồng quê khi đàn bà trẻ Hàn Quốc đã rời đi đến những thành phố.
Min San-gi, chủ một công ty về đồ phụ tùng xe hơi ở thành phố Suwon, bị giới hạn chỉ 10 người lao động nước ngoài trong số khoảng 50 công nhân của nhà máy. Những công nhân nước ngoài sẽ làm việc cho ông ta năm năm, nhưng công nhân Hàn Quốc có xu hướng nhanh chóng bỏ đi, đôi khi chỉ vài tháng hoặc một năm. Mặc dù lương lậu thấp kém, ông Min cư xử rất tốt đối với công nhân nước ngoài, và thậm chí ông đã đoạt giải thưởng từ một nhóm từ thiện Công Giáo về việc làm của ông đối với di dân.
Trong khi ấy, cũng giống như nhiều công ty nhỏ khác, công ty của ông Min có tỷ lệ doanh thu cao so với những công ty mà các công nhân Nam Hàn của ông, một phần của lực lượng lao động đang ngày càng thu hẹp sẵn sàng làm công việc chân tay, tin rằng có thể tạo cho họ nhiều cơ hội hơn.
Kết quả là, ông Min đã buộc phải đặt trọng tâm tăng trưởng của công ty mình vào nơi khác. Ba năm trước đây, ông khai trương một nhà máy lớn tại Việt Nam, nơi mà ông không có vấn đề để tìm kiếm một lực lượng lao động bền vững. “Tôi cảm thấy hơi xấu hổ khi phải rời bỏ Hàn Quốc” ông nói.
Cái gì xẩy đến cho tương lai
Đối diện với vấn đề của hôm nay khó khăn hơn là tập trung ý chí để vươn lên khỏi cảnh đói nghèo những năm 1960, Huh Chan-guk một giáo sư kinh tế tại Viện Đại Học Chungnam ở Daejeon, nói. “Chúng ta không có những buổi họp thường xuyên của những bộ óc đang nắm quyền lực để đương đầu với độ lớn của các vấn đề” tiến sĩ Huh nói.
Với những kinh tế gia chuyên nghiên cứu về Nam Hàn, song đề phát triển của quốc gia này đã trở thành hạt mầm cho nghiên cứu lý thuyết; nhiều ngân hàng đầu tư gần đây ấn định những công thức tính toán cho phát triển tầm trung và tầm dài hạn.
Một nghiên cứu của Danny Leibziger, một giáo sư tại Viện Đại Học George Washington và là cựu phó thống đốc Ngân Hàng Thế Giới, cho rằng, với việc cải thiện năng xuất lao động vừa đủ và với con số phụ nữ và người già tham gia thị trường lao động lớn hơn, Nam Hàn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 7% mà ông Lee tuyên bố trong cuộc vận động tranh cử tổng thống của ông.
“Tương lai không được viết trên bia đá” tiến sĩ Leibziger nói.
-------------------------------------
Bài viết bởi Evan Ramstad, một phóng viên của tờ Wall Street Journal làm việc tại Hán Thành.

Một số thống kê của Nam Hàn:
• Tỷ lệ sanh sản giảm
1990: 1,6 trẻ
2008: 1,2 trẻ
• Tổng sản lượng tăng trưởng chậm đi
2000-04: 5,3%
2005-09: 3,4%
• Phụ nữ trong lực lượng lao động
Nam Hàn: 53%
Tất cả quốc gia đã phát triển: 57%
• Gia tăng nợ nần quốc gia (tính bằng phần trăm của tổng sản lượng quốc gia)
2000: 16,7%
2010: 32,1%

Nguồn: Tổ Chức Y Tế Thế Giới; Ngân Hàng Hàn Quốc; Tổ Chức Phát Triển Và Hợp Tác Kinh Tế; Cơ Quan Tiền Tệ Quốc Tế.
.
.
.

No comments: