Monday, December 13, 2010

CUỘC CỜ TRÊN BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN (Trần Vinh Dự)

Trần Vinh Dự
Thứ Hai, 13 tháng 12 2010

Các bên liên quan trong cuộc cờ Nam  - Bắc Hàn đang phải đối mặt với một cuộc chơi nguy mà sai lầm của bất cứ bên nào cũng có thể dẫn tới những thảm họa không thể cứu vãn nổi. Trực tiếp nhất trên bàn cờ là hai kỳ phùng địch thủ Nam Hàn và Bắc Hàn. Sát cánh cùng với Nam Hàn là Mỹ và xa hơn một chút là Nhật. Phía bên kia, Bắc Hàn đứng cô lập nhưng ít nhiều được sự hậu thuẫn ngầm của Trung Quốc.

Kể từ hồi tháng 3 năm 2010 đến nay, căng thẳng gần như liên tục leo thang. Sau sự cố chìm tàu hải quân của Nam Hàn mà theo cáo buộc là do thủy lôi của Bắc Hàn gây ra hồi tháng 3 là sự cố Bắc Hàn pháo kích vào đảo Yeonpyeong của Nam Hàn gây thương vong cho nhiều dân thường và binh sĩ miền Nam vào tháng 11. Kéo theo đó là các cuộc tập trận liên tục với quy mô lớn của liên quân Mỹ - Nam Hàn và Mỹ - Nhật vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12.

Những động thái leo thang này khiến nhiều người lo ngại rằng một cuộc chiến liên Triều lần thứ 2 là điều khó tránh khỏi. Hiện nay theo Vision Critical thì cứ 10 người Mỹ thì có đến 7 người tin là sẽ có chiến tranh xảy ra trong vòng 12 tháng tới.

Cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên nếu xảy ra sẽ là cuộc chiến giữa hai thế mạnh quân sự đứng thứ 12 thế giới (Nam Hàn) và thứ 20 thế giới (Bắc Hàn) với sự tham dự của Mỹ (thứ 1), và có khả năng có sự tham dự của Nhật (thứ 9) cùng với Trung Quốc (thứ 2), theo xếp hạng của tạp chí Global Firepower.

Hậu quả của một cuộc chiến như vậy sẽ như thế nào?
“Một bản giao hưởng của cái chết” là cụm từ lạnh gáy mà Kurt Campbell – trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách về Đông Á và Thái Bình Dương của chính quyền Obama đã sử dụng để mô tả về kết cục có thể xảy ra của chiến tranh liên Triều với sự tham chiến của Mỹ.

Trừ khi có sự can thiệp trực tiếp bằng vũ lực của Trung Quốc giúp Bắc Hàn – mà điều này thì hầu như không có khả năng xảy ra – kết cục cuối cùng sẽ là sự xụp đổ của chính thể tân phong kiến (neo-feudalism) ở Bắc Hàn. Báo Times hồi tháng 5 vừa rồi trích lời một nhà phân tích quốc phòng Nam Hàn cho rằng “một cuộc chiến tổng lực sẽ là điểm kết của chế độ [Bắc Hàn]. Chấm hết, hoàn toàn.”

Cũng cần nói rằng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên về danh nghĩa chưa bao giờ kết thúc và chính thể tân phong kiến ở Bắc Hàn đã vận hành một nền kinh tế quân sự liên tục kể từ 57 năm trước. Điều động nhập ngũ luôn ở mức cao. Chủ nghĩa dân tộc liên tục được bồi đắp. Phía bắc khu vực DMZ luôn có khoảng từ 500 tới 600 tên lửa Scud có khả năng mang vũ khí hóa học hướng xuống phía nam. Khu vực này còn được trang bị 11 ngàn khẩu pháo đặt trong các công sự kiên cố có khả năng bắn tới 500 ngàn viên trong vòng 1 giờ. Hỏa lực này có khả năng san bằng Seoul, gây ra thương vong cho hàng trăm ngàn người (hàng triệu nếu vũ khí nguyên tử được sử dụng), và gây tổn thất nặng cho tuyến phòng thủ đầu tiên (trong tổng số 03 tuyến phòng thủ) của Nam Hàn. Nếu như năm 1994 có khoảng 45% binh sĩ Bắc Hàn đóng tại vùng DMZ thì con số này đã lên tới 65% vào năm 1998 và khoảng hơn 70% vào thời điểm hiện nay. Các hầm ngầm được phía Bắc đào tới sát các công sự phòng thủ của Nam Hàn và Bắc Hàn luôn tự hào là có tới 100 ngàn binh sĩ tinh nhuệ thuộc lực lượng đặc biệt- con số lớn nhất trên thế giới. Với những con số này, Bắc Hàn tự tin về sức mạnh quân sự vượt trội so với kẻ thù ở phía Nam.

Trên thực tế thì mãi đến những năm giữa thập niên 90, cán cân sức mạnh quân sự trên bán đảo này vẫn ngả về phía Bắc. Tuy nhiên từ đó trở lại đây thì miền Nam đã mua được nhiều vũ khí và khí tài mà khối NATO không còn cần sử dụng đến ở bình nguyên Trung Âu. Trong khi miền Nam vươn lên mạnh mẽ trở thành một siêu cường kinh tế thế giới thì miền Bắc trượt dần vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng mà đến bây giờ họ vẫn chưa khắc phục được. Đến khoảng năm 1998 thì cán cân sức mạnh quân sự đã gần như ngang bằng và tới nay thì miền Nam đã vượt khá xa miền Bắc. Lợi thế duy nhất mà miền Bắc hiện đang dựa vào là khả năng hạt nhân.

Điều gì sẽ xảy ra nếu miền Bắc sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công miền Nam? Đây là một khả năng nhưng không cao vì cả hai vụ thử hạt nhân của Bắc Hàn đều bất thành, chứng tỏ thiết bị hạt nhân của họ còn khá thô sơ và chưa được chuyển thành công thành vũ khí. Nhớ rằng việc chế tạo được thiết bị hạt nhân chỉ là bước đầu, bước tiếp sau, khó hơn, là nâng độ tin cậy của vũ khí và đưa nó vào được thiết bị phóng hiện đại (thí dụ như tên lửa). Hiện nay các tên lửa của Bắc Hàn đều dùng dầu lỏng, dễ bị phát hiện, và mất vài ngày để chuẩn bị trước khi phóng (và vì thế làm mồi ngon cho không quân của địch). Điều đó khiến cho ngay cả khi Bắc Hàn đã có tên lửa hạt nhân thì việc sử dụng cũng khó khăn. Đó là chưa kể Mỹ, Nhật, và Nam Hàn có hệ thống lá chắn tên lửa có khả năng bắn hạ các tên lửa của Bắc Hàn.
Vì thế giới phân tích quân sự phần nhiều cho rằng sức mạnh hạt nhân của Bắc Hàn cho tới giờ chỉ thích hợp cho việc khoa trương hơn là có khả năng tấn công đích thực. Khả năng là Bắc Hàn sẽ chỉ dùng vũ khí hạt nhân khi bị dồn tới đường cùng và khi liên quân Nam Hàn – Mỹ tiến hành phản công trên lãnh thổ của Bắc Hàn. Trong trường hợp đó, Bắc Hàn có thể sẽ thực hiện “đào hầm bằng hạt nhân” (nuclear mining) – theo cách diễn đạt của báo Guardian (Anh) – để cản đường tiến của Liên Quân vào Bình Nhưỡng.

Đó là về phía Bắc Hàn. Thiệt hại về phía Mỹ và Nam Hàn cũng không ít. Báo cáo “Stand-off with North Korea - War Scenarios and Consequences” của đô đốc Stephen H. Baker và cộng sự tại Trung tâm Thông tin Quốc Phòng (Center for Defense Information) xuất bản năm 1994 đã ước tính rằng nếu chiến tranh xảy ra trên bán đảo Triều Tiên thì chỉ trong vòng 90 ngày đầu tiên sẽ có khoảng “52 ngàn quân nhân Mỹ hi sinh hoặc bị thương, cùng với 490 ngàn quân nhân Nam Hàn… và vô số kể quân nhân và thường dân Bắc Hàn sẽ bị giết hại”. Hơn thế, sẽ có khoảng từ 80 tới 100 ngàn thường dân Mỹ có thể bị giết, và cuộc chiến sẽ làm tổn phí cho nước Mỹ tới 100 tỉ Mỹ kim, và “sự tàn phá và các cản trở thương mại toàn cầu sẽ gây ra các tổn phí cho các nước liên đới lên tới hàng ngàn tỉ Mỹ kim”. Đó là ước tính dựa trên giả định rằng Bắc Hàn không có vũ khí hạt nhân, và không có sự tham chiến của Trung Quốc.

Mười sáu năm sau báo cáo của đô đốc Baker tình hình đã có nhiều thay đổi. Nam Hàn và Mỹ đã đạt được khả năng tốt hơn để kiểm soát thương vong dựa vào các công nghệ hiện đại hơn, Thí dụ như hệ thống Advanced Concept Technology Demonstration (ACTD) được triển khai ở gần vùng DMZ nhằm vô hiệu hóa các hệ thống phóng rockets và pháo kích dày đặc do Bắc Hàn triển khai ở phía bắc của vùng DMZ. Tuy nhiên, các thiệt hại về người và kinh tế vẫn là những con số khổng lồ mà cả người Mỹ và Nam Hàn đều ý thức được.

Vì cuộc cờ không ai được lợi như vậy, theo phần lớn các chuyên gia phân tích quốc phòng, một cuộc chiến tổng lực giữa hai miền là điều rất khó xảy ra. Thế nên trừ khi Bắc Hàn có những động thái tiếp theo thực sự điên rồ, Nam Hàn sẽ không gây hấn, chiến tranh sẽ không sớm xảy ra như nhiều người nghĩ và chính thể này vẫn sẽ tiếp tục tồn tại giống như nó đã tồn tại hơn một nửa thế kỷ qua. Với biện pháp cai trị hà khắc và kiểm soát thông tin ngặt nghèo, cùng với sự hậu thuẫn kinh tế tối thiểu của Trung Quốc trong trường hợp khủng hoảng, Bắc Hàn sẽ tiếp tục tồn tại, giống như nhận định của Mark Harrison - giáo sư kinh tế đại học Warwick – rằng chế độ này sẽ không tự sụp đổ trừ khi họ không còn sự thống nhất nội bộ và không có mong muốn kéo dài thể chế chính trị hiện nay nữa.
--------------------------------------
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
.
.
.

No comments: