Thursday, December 9, 2010

"CUỘC CHIẾN BẢO MẬT" TẠI HOA KỲ (1 & 2) - Vũ Ánh/Việt Herald

(12/06/2010)

(1)
Trước đây tuần báo Time là một tuần báo chuyên về thời sự nhưng có khuynh hướng bảo thủ, nhưng hiện nay thì nhiều bạn đọc báo Anh ngữ cho rằng báo này đang chuyển sang khuynh hướng cởi mở có nghĩa là đang ở khoảng giữa bảo thủ và cấp tiến. Một cách cá nhân, tôi cho rằng khuynh hướng của tờ Time vẫn là bảo thủ, nhưng không siêu bảo thủ hay bảo thủ cực đoan. Trong tuần này, tờ Time đặt ra ba câu hỏi “Bạn có muốn biết một bí mật không? Tại sao Julian Assenge lại có nhiều những bí mật (quốc gia) như thế? Và tại sao những bí mật này không khiến cho nước Mỹ bị thương tổn?”

Không như vụ “Pantagon Papers” vào năm 1971, những bí mật liên quan đến chiến tranh Việt Nam bị tiết lộ giữa lúc cuộc chiến bước vào giai đoạn khốc liệt đã khiến nhiều người ở miền nam Việt Nam giận dữ cho rằng tờ Washington Post và tờ The New York Times đâm sau lưng đồng minh, vụ WikiLeaks chỉ là khởi đầu cho một cuộc chiến giữa những người thích săn lùng những bí mật quốc gia và những nhà lãnh đạo thượng tầng ở các quốc gia muốn cất những tin tức liên quan đến một canh bài mà họ đánh với nhau vào trong những “hồ sơ mật”. Và như lời vị đại sứ Hoa Kỳ tại Mexico, ông Carlos Pascual, “những hồ sơ gọi là mật thực ra chỉ là những hình ảnh chụp nhanh, chúng không phản ảnh chính sách và những quyết định chung cuộc về tình hình”. Bỉnh bút Fareed Zakaria của tờ Time còn cho rằng chưa một thời kỳ nào trong lịch sử Mỹ mà những nhà ngoại giao Hoa Kỳ năng động như hiện nay, phản ảnh qua những bức điện văn mật mà WikiLeaks vừa tiết lộ. Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Gates, một người xuất thân từ Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ là người đã từng điều khiển ngành này lại cho rằng chẳng có gì để kinh hãi về chuyện những bức điện văn bị tiết lộ, trước hết là vì nó không gây được tác hại cho Hoa Kỳ và đây cũng mới chỉ là cách nhìn vấn đề riêng của những viên chức ngoại giao về những khía cạnh khác nhau trong những vấn đề chung của thế giới. Nói một cách khác mức độ mật của các tài liệu chưa phải là một con bài tẩy của một sách lược mà Hoa Kỳ cũng như các quốc gia khác đang theo đuổi.

Nhưng nói như thế có nghĩa là những tiết lộ của WikiLeaks không có ảnh hưởng và dĩ nhiên là không phải do những tiết lộ vớ vẩn mà Julian Assange trở thành người nổi tiếng. Nhiều tờ báo đi xa hơn khi cho rằng Assange là người có quyền lực nhất hiện nay trên thế giới. Chắc có nhiều phần trăm, những người này nghĩ rằng những điều được tiết lộ trên WikiLeaks có thể trở thành hiện thực, và các quốc gia ít nhiều cũng phải thay đổi một phần chiến lược được hình thành. Tuy nhiên, vấn đề liệu các quốc gia có chủ trương bang giao một cách thành thật với nhau hơn hay không còn tùy thuộc những điều kiện khách quan và chủ quan khác nữa, chẳng hạn như ý thức dân chủ, dân quyền, kinh tế và văn hóa.

Một trong những tuần báo có cách nhìn rõ rệt nhất là tờ Time số ra tuần lễ này. Massimo Calabresi, một bỉnh bút chuyên trách những vấn đề của tình báo đã viết trong bài “The War On Secrecy” (tạm dịch là Cuộc Chiến Bảo Mật): “Nhà hoạt động điên cuồng Julian Assange muốn chặn đứng việc bảo mật của chính phủ, nhưng chính việc ông ta tiết lộ một hồ sơ lớn những điện thư được xếp vào loại bảo mật trên WikiLeak lại đang phá vỡ những cố gắng ấy của chính phủ Obama”. Tại sao Massimo Calabresi lại nghĩ như vậy? Thiết nghĩ chúng ta phải quay lại từ đầu của câu chuyện.

Tờ Time cho rằng khi Binh Nhất Bradley Manning tải (download) xuống hàng chục ngàn điện tín ngoại giao xuống một đĩa CD-RW tại một tiền đồn của lục quân Hoa Kỳ ở Iraq từ tháng 11 năm 2009 đến tháng 4 năm 2010, anh ta đã vi phạm vào điều 18 bộ hình luật Hoa Kỳ, chương 1030 khoản (a)(I) kết án bất cứ ai tải một hồ sơ từ máy điện toán mà mình không được quyền. Nhưng đây không phải là thường tội. Khi Manning bị cáo buộc chuyển những hồ sơ điện tử này cho Julian Assange, một nhà truyền thông tự xưng là nhà hoạt động cho quyền tự do thông tin và là người khai sinh ra trang mạng mang tính chất của một cuộc cách mạng, thì quả thực Manning đã làm một điều xa hơn là tự do thông tin. Đó là việc Bradley Manning đã khiến cho những chính quyền phải hỏi điều gì thực sự là một điều bí mật và phải đánh giá sự thay đổi thái độ như thế nào trong bối cảnh truyền thông tư nhân có thể bay vòng quanh khắp thế giới với tốc độ thật nhanh mà chỉ cần bấm một nút trên bàn phím?

Việc công bố một số trong số 250,000 điện tín mật nằm trong tay WikiLeaks bắt đầu từ ngày 28 tháng 11. Sự kiện này, lúc đầu gây chấn động không những cho Hoa Kỳ và nhiều nước khác trên thế giới. Nhưng chấn động ấy dịu đi rất nhanh và phản ứng cũng giới hạn trừ việc Ngoại Trưởng Hillary Clinton cho cắt đứt việc chia sẻ những tin tức tình báo giữa các cơ quan có trách nhiệm về an ninh cho nước Mỹ và ban hành tức khắc những biện pháp kiểm soát việc lưu trữ những hồ sơ mật. Những nhà ngoại giao Mỹ từ bộ trưởng ngoại giao cho đến những nhà ngoại giao trung cấp đều phải làm việc theo một lệnh khẩn cấp để giảm thiểu ảnh hưởng của những tiết lộ trên WikiLeak với các giới chức tương nhiệm của những quốc gia đối tác.

Nếu một ai đó ở vào địa vị của Bộ Trưởng Ngoại Giao Hillary Clinton cũng sẽ rất bối rối. Chẳng hạn như có những chuyện mà người ngoài không thể nào tin đó là hiện thực như việc Adel Al-Jubeir, đại sứ của Saudi Arabia tại Mỹ đã tiết lộ chính Quốc Vương Abdullah của Saudi Arabia muốn Mỹ tấn công để chống lại chương trình nguyên tử của Iran, hoặc Tổng Thống Saleh của Yemen nói rằng ông ta tiếp tục bao che cho việc Mỹ dùng hỏa tiễn từ máy bay không người lái oanh tạc chống lại al-Qaeda trên đất nước ông, hoặc Trung Quốc muốn thống nhất Bắc-Nam Hàn nhưng Nam Hàn sẽ lãnh đạo toàn bán đảo. Đây là những chuyện động trời cả, nhưng không một chuyện nào gây ra một đe dọa cho an ninh quốc gia. Calabresi của tờ Time cho rằng chính ở điểm này, người ta có thể tạm chấp nhận WikiLeaks phần nào bởi vì rõ ràng trong hàng loạt mũi tên đầu tiên vào Hoa Kỳ chưa có mũi tên nào được tẩm thuốc độc cả.

Tuy không nói ra, nhưng tác giả bài báo “The War On Secrecy” cho rằng Hoa Kỳ nên đối xử với những đối tác theo đường lối mà họ đối xử với Hoa Kỳ hoặc theo một đường lối nào dễ dàng hơn cho việc giữ được thực tế dưới lớp vỏ bọc. Những nhà lãnh đạo thời cổ xưa cũng đã hành xử theo cách này. Những chính phủ vào thời đại đó đã giữ những ý định của họ một cách bí mật kể từ khi người Hy Lạp đã đánh lừa đối phương bằng cách bỏ chạy để lại những con ngựa gỗ ngoài cổng thành Troy trong bụng ngựa chứa đầy lính. Những người lính này đã gặp tai họa chỉ vì có những thông tin bị tiết lộ về kế hoạch vừa kể. Có những thông tin thực sự là một bí mật và việc tiết lộ đem lại một hậu quả tàn khốc. Tờ Time đưa ra một điển hình, đó là trận đánh tại Antietam trong thời Nội Chiến Mỹ có thể đã không trở thành một thảm kịch nếu như lệnh của tướng Robert E. Lee thuộc phe Confederate không bị quân Liên Bang tìm thấy trong hộp cigars một ngày trước khi trận đánh khởi diễn. Dĩ nhiên phải có người của phe tướng Lee tiết lộ ra chi tiết của việc giấu lệnh lạc trong hộp cigars thì phía liên bang mới tìm ra.

Tuy nhiên trong ít năm trước đây, những chính phủ đã đặt ra quá nhiều bí mật dành cho thông tin đến nỗi dư luận ngạc nhiên không hiểu họ có ý định thật sự muốn đặt những thông tin này dưới sự bảo mật hay không. Số lượng thông tin mà chính phủ Hoa Kỳ đặt dưới sự bảo mật gia tăng tới 75%, nghĩa là đang từ con số 105,163 thông tin cần bảo mật năm 1968 đã lên tới 183,224 thông tin cần bảo mật năm 2009, theo thống kê của Văn phòng Giám Sát An Ninh Thông Tin Hoa Kỳ (USISOO). Đồng thời, con số các tài liệu và truyền thông được khai sinh bằng cách dùng những thông tin bí mật vọt lên một cách phi mã, từ 5,685,462 năm 1996 lên tới 54,651,765 vào năm 2009.

Điều này có đáng ngạc nhiên không? Trước đây khi kỷ nguyên điện toán mới ở giai đoạn đầu, người ta có thể trợn mắt lên trước những con số nói trên, nhưng hiện nay thì không. Người ta bình thản coi như một chuyện phải tới đã tới. Sự bùng nổ của việc tìm kiếm và loan báo những thông tin mật khiến cho người người có máy điện toán thi nhau vào những trang mạng để tìm “tin đặc biệt”. Và những yếu tố này khởi sự cho một cuộc chiến cất giấu cũng đi tìm những thông tin mật bắt đầu trở nên gay gắt hơn. (V.A)

(Còn tiếp)     
.
.
.
(12/07/2010)

(2)
Càng nhiều cá nhân giải quyết những bí mật ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới như hiện nay khiến cho rất khó mà theo dõi nhịp độ tiến triển của những vấn đề ấy. Nhưng trên hết, tình hình này sẽ làm giảm dần uy tín những phán đoán của chính phủ liên quan đến những vụ việc mà họ coi là phải giữ bí mật. Thẩm phán Tối Cao Pháp Viên Hoa Kỳ, luật sư Potter Stewart, nhân khi phán quyết vụ “Pentagon Papers” vào năm 1971 đã nói như thế này: “Khi mọi việc đều bị đặt vào tình trạng bảo mật thì chẳng còn gì là bí mật cả”. Quan điểm có tính chất luận lý học của ông là một trong những cách biểu lộ tính chất phản kháng đối với việc chính quyền Mỹ cứ vơ vét vào mình khá nhiều những điều liên quan đến chiến tranh Việt Nam được mệnh danh là “bí mật quốc gia” hay “bí mật an ninh”. Nhưng khi hệ thống những điều được bảo mật ấy bị những người thích chỉ trích, thích nhạo báng hay bất cần đời “bật mí” do nhờ một cơ may nào đó mà “thuổng” được thì dư luận có thể nghĩ ngay rằng đó là những viên đạn hay khối thuốc nổ có thể phá vỡ cơ cấu an ninh quốc gia. Thực tế không phải như thế. Đó mới chỉ là cái vỏ bọc mà những viên chức chính quyền dùng để chắn “đạn” với mục đích tạo cho họ những điều kiện làm công việc của mình mà không bị người ngoài moi móc.

Ở vị trí của một người như Bradley Manning, anh ta chỉ có thể tải xuống CD-RW những điều mà những nhà báo, những phân tích viên hay những nhà làm truyền thông vẫn thường thắc mắc, nhưng không có đủ những dữ kiện để đưa ra câu trả lời. Bằng chứng là vụ “Pentagon Papers” không làm thay đổi được bản chất của cuộc chiến Việt Nam và ngay cả không thay đổi được chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Chẳng có chính quyền nào mà không nắm nhiều hơn điều này hay điều nọ để “nhốt” chúng vào trong những tủ sắt an toàn trong khi thực sự những chuyện ấy chẳng có gì gọi là mật cả. Thí dụ như khi WikiLeaks tiết lộ Đại sứ Carlos Pascual nói rằng “quân đội Mexico rất yếu, lạc hậu và không làm gì nhiều trong chiến dịch bài trừ ma túy tại Mexico hiện nay” và mô tả Tổng Thống Felipe Calderon có vẻ như “tẩu hỏa nhập ma” trong chiến dịch huy động quân đội chống ma túy kéo dài 4 năm tốn nhiều tiền mà không có hiệu quả thì có gì gọi đó là mật tin? Báo chí ở Mỹ và ở Mexico nói rất nhiều về điều này. Nó chỉ trở thành mật khi chính những nhận định trên được ghi trong điện tín ngoại giao của Đại sứ Pascual bị WikiLeaks “chôm” được và bạch hóa cho mọi người cùng biết mà thôi. Chỉ có điều là WikiLeaks nói với dư luận Mỹ giùm cho Đại sứ Carlos Pascual thì có thể chính quyền của ông Calderon chỉ đính chính hay phủ nhận về sự không hữu hiệu của cuộc chiến tranh chống ma túy. Nhưng nếu chính miệng ông Pascual mà nói với báo chí như thế thì Mexico City sẽ giẫy nảy lên như đỉa phải vôi và có thể khiến chính Tổng Thống Felipe Calderon yêu cầu Tổng Thống Obama phải xin lỗi dân chúng Mexico không chừng ! Trên một phương diện nào đó, Bộ Ngoại Giao có thể dùng WikiLeaks làm một phương tiện ngoại giao của mình. Tai sao không?
Julian Assange, một hacker sinh ở Úc, tự biến mình thành một nhà hoạt động chính trị và tung ra một cuộc “thánh chiến dựa trên ý tưởng rằng tất cả những tin tức đều phải được loan truyền tự do” và cho rằng “việc giữ bí mật trong công việc của chính phủ là một sự lăng mạ đối với việc điều hành chính quyền”. Trong tiến trình để khởi sự cho cuộc chiến này, Julian Assange chủ trương công bố mọi điều, từ một cuốn video ghi hình lính Mỹ giết thường dân ở Iraq cho tới những tài liệu hậu trường của vụ tai tiếng Climategate cũng như vụ khai thuế của Wesley Snipe. Nhưng dù vậy, Julian Assange sẽ chẳng là cái gì cả nếu như không muốn nói ông ta chỉ là một cái sàng lọc những cơ hội đồng đều” để lôi ra những cái “không phải là cơ hội đồng đều” của một xã hội dân sự, hoặc cùng lắm Assenge chỉ là người làm chủ một hard-drive tới 5-gigbyte của một viên chức cao cấp trong ngân hàng Bank of America khiến cho giá chứng khoán của ngân hàng lớn này tụt xuống tới 3% vào ngày 30 tháng 11.

Tuần báo thời sự Time đã thực kiện một cuộc phỏng vấn đặc biệt bằng Skype với Julian Assange từ một địa điểm không được tiết lộ kể từ khi ông ta trốn tránh hầu khỏi bị thẩm vấn về một lời cáo buộc ông ta tấn công tình dục, điều mà Julian Assange luôn luôn phủ nhận. Trong cuộc phỏng vấn, Assange tuyên bố nguyên động lực khiến WikiLeaks tiết lộ những vấn đề hết sức nhạy cảm trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ là vì “tổ chức này (WikiLeaks) chỉ thực hành sự tuân phục dân sự”. Khái niệm “tuân phục dân sự” là một khái niệm không có gì mới mẻ ở Hoa Kỳ và nhiều quốc gia dân chủ khác trên thế giới, nhưng đây cũng là một ý niệm rất khó thực thi bằng hành động.

Thông thường những chính quyền thường hay dùng ý niệm “bí mật quốc gia” để không thi hành ý niệm tuân phục dân sự. Vì thế, người ta hiểu lý do tạo sao Julian Assange nhấn mạnh đến mục tiêu của trang mạng WikiLeaks mà theo ông chỉ có mục đích “cố làm cho thế giới có được nhiều dân quyền hơn và hành động để chống lại sự lạm dụng của những tổ chức đang đẩy quyền dân sự vào hướng đối ngược”.

Về lý thuyết, ít người có thể phủ nhận được ý niệm dân sự mà sau này nhiều người cho là hoang tưởng của Julian Assange và điều đáng ngạc nhiên là nhiều người nhìn công việc làm của ông với một cách nhin khác.

Trong 20 năm qua, tại Hoa Kỳ, phải nói rằng mỗi một đời tổng thống đều có những đóng góp vào nỗ lực làm giảm đi sự lạm phát của những điều được coi là bí mật hay bí mật quốc gia. Nói một cách khác, theo quan điểm của tờ Time thì ít ra là những tổng thống Hoa Kỳ đều đều muốn có một mức độ bảo mật nhất định đối với những vấn đề mà chính phủ phải giải quyết, chứ không phải bất cứ vấn đề nào cũng là bí mật quốc gia. Khi lên tiếng bảo vệ cho những công việc làm của các viên cức ngoại giao, Bộ Trưởng Ngoại Giao Hillary Clinton nhận định: “Trong hầu hết các nghề nghiệp, mỗi người đều phải dựa vào sự truyền thông mật để làm công việc của họ”.

Nhưng tác giả Massimo Calabresi đặt vấn đề: “WikiLeaks đang đứng ở một nơi nào đó để tiếp nhận những điều bí mật giống như một con Labrador sẵn sàng bắt bất cứ một khúc cây nào được ném ra. Và câu hỏi được đưa ra là: liệu chính quyền Mỹ có thể căn cứ vào truyền thông mật để làm công việc của mình như bà Hillary Clinton muốn không?”. Không bao lâu trước đây, câu trả lời với chữ “yes, you can” tương đối dễ nói hơn, bởi vì những mạng điện tử như WikiLeaks chưa xuất hiện trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh. Vào thời kỳ ấy, những tin tức nhạy cảm được “buôn bán” với những nỗ lực tấn công liên tục bằng tình báo của Liên Xô vào Hoa Kỳ cũng như công việc của Liên Xô luôn luôn được điều hành với một con mắt cảnh giác hành động phản gián của Hoa Kỳ.

Tại Washington cũng vậy, công việc phòng gian bảo mật được thực hiện bằng tay một cách kỹ lưỡng và cảnh giác. Những giấy tờ dùng để làm bản sao những tài liệu mật đều được đánh số và cuối ngày làm việc được đưa vào một tủ hồ sơ an toàn. Nhiều tài liệu còn được đánh số mà chỉ nhúng vào nước mới có hiện rõ được những dấu đặc biệt xác nhận đó là tài liệu thật và ngăn ngừa được việc sao chép. Trong nhiều trường hợp những tài liệu tối mật, những tài liệu cần luân chuyển giữa các giới chức có thẩm quyền cũng phải được những nhà toán học của Cơ Quan An Ninh Quốc Gia mã hóa.

Thế rồi đến thời đại mà ngành liên lạc viễn thông được điện toán hóa, rồi ngành điện toán đã tiến một bước nhảy vọt vào cuối thập niên 80, tính chất độc quyền về tin tức bị phá vỡ và nhu cầu chia sẻ tin tức ngày càng phát triển với hệ thống Internet và những tủ dữ kiện ra đời. Nhưng có một câu chuyện rất dài về việc chia sẻ những tin tức nhạy cảm giữa các cơ quan an ninh của Hoa Kỳ.

Chẳng hạn như Tổng Thống Harry Truman và cơ quan Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ CIA không bao giờ biết rằng FBI và quân đội Hoa Kỳ đã làm vỡ được hệ thống giải mã của Liên Xô sau Đệ Nhị Thế Chiến, chỉ vì CIA không muốn chia sẻ hoặc nghi ngờ cơ quan Quân Báo DIA hay FBI. Những nghi ngờ này kéo dài cho đến khi Bức Tường Bá Linh sụp đổ và thời kỳ xa hơn về sau này. Thế nhưng, cái giá phải trả cho sự nghi ngờ lẫn nhau hay không chịu chia sẻ với nhau tin tức giữa các các cơ quan an ninh cũng khiená cho Hoa Kỳ phải trả cái giá không nhẹ nhàng.

Vào năm 2005, một cuộc điều tra về vụ tấn công khủng bố 9/11 cho thấy rằng “sự thiếu chia sẻ tin tức là yếu tố duy nhất và chính yếu dẫn đến sự thất bại và thương tổn lớn lao cho Hoa Ky”ø. Lee Hamilton, đồng chủ tịch Ủy Ban Điều Tra Vụ 9/11 đã nói trong một cuộc điều trần công khai trước Ủy Ban An Ninh Tình Báo của Quốc Hội. Cơ quan FBI biết rằng một phần tử ủng hộ al-Qaeda là Zacarias Moussaoui đang cố gắng học lái máy bay thương mại, những đã không chia sẻ những tin tức này với CIA ngay cả khi cơ quan này đang cố gắng truy tìm một cách thất vọng chi tiết về một âm mưu khủng bố bằng đường hàng không sắp xảy ra. Sau vụ 9/11 thì việc chia sẻ những thông tin giữa các cơ quan an ninh với nhau trở thành một lệnh bắt buộc những cơ quan nhận lệnh phải thi hành. Nhưng công việc chia sẻ này cho đến nay vẫn còn gặp nhiều trở ngại và gây khá nhiều khó khăn cho Cơ Quan An Ninh Quốc Gia. Tình trạng cơ quan an ninh nào cũng muốn mình trở thành một vương quốc riêng vẫn còn là một não trạng tồi tệ của nhiều viên chức lãnh đạo ngành an ninh hiện nay ở Hoa Kỳ, theo nhận định của nhiều nhà phân tích chính trị.

Tuy nhiên, những khó khăn này lại còn chồng chéo với một vấn đề bổ nhiệm, phân nhiệm, sự mô tả công việc, quyền lực và phúc lợi của những viên chức phụ trách giải quyết mật tin. Sự tranh chấp giữa những nhà lãnh đạo của rất nhiều cơ quan an ninh của Hoa Kỳ đã tạo ra một bối cảnh cho thấy sự ví von WikiLeaks với loài Labrador cũng không đi quá hiện thực nhiều đâu ! (V.A)

(Còn tiếp)
.
.
.

No comments: