Thursday, December 9, 2010

"CUỘC CHIẾN BẢO MẬT" TẠI HOA KỲ (3 & 4) - Vũ Ánh/Việt Herald


(12/08/2010)

Để đáp ứng lại với những phát triển mới về điện tử và điện toán, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã tạo ra một tủ dữ kiện mang một cái tên không đáng yêu chút nào, đó là Net-Centric Diplomacy hay gọi tắt là NCD. Bộ Ngoại Giao đã chứa những mật tin với nhiều mức độ khác nhau ở NCD. Những cơ quan trong chính phủ đã có thể vào được kho dữ kiện trung tâm NCD qua chính những hệ thống được bảo đảm an toàn. Hệ thống của Ngũ Giác Đài được phát triển năm 1995 được gọi với danh từ Secure Internet Protocol Router NetWork hay SPIRRNet và đã giúp cho mọi viên chức, từ cấp cao hàng đầu tại Bộ Quốc Phòng cho tới những người lính tại mặt trận để họ có phương tiện thâu lượm những tin tức tình báo cần cho những đơn vị của họ.

Tuy nhiên, sự phát triển mạng lưới điện toán  như trên lại trùng hợp với một  sự phát triển khác, đó là một thế hệ có nhiều điều được giữ bí mật hơn. Vào năm 1995, Tổng Thống Bill Clinton ký một sắc lệnh hành chánh mang số 12958 trong đó ông chỉ cho phép 20 viên chức hàng đầu của chính phủ kể cả Tổng Thống quyền được xếp những tài liệu nào vào hạng “tối mật”, có nghĩa là sự tiết lộ của họ sẽ “tạo ra những thiệt hại nghiêm trọng cho an ninh quốc gia” của Hoa Kỳ. Nhưng một cách thầm lặng, lệnh hành chánh trên cũng cho phép 20 viên chức này cho phép khoảng 1,336 người được đại diện cho họ. Nhưng chưa hết. Theo một cuộc điều tra của một ủy ban lưỡng viện vào năm 1997, việc chỉ có 20 viên chức được quyền xếp những sự việc trở thành tối mật đã bị chỉ trích và TNS Patrick Moynihan cho biết rằng sở dĩ có cuộc điều tra này vì nó bắt nguồn từ quyền xếp những sự việc vào hồ sơ mật lại  được trao cho khoảng 2 triệu viên chức chính phủ và  1 triệu nhà thầu tư làm khế ước cho những cơ quan an ninh tình báo Hoa Kỳ.

Nhưng trò đời, khi càng có nhiều viên chức được trao cho quyền xếp một loại sự việc nào đó vào hồ sơ mật thì dĩ nhiên càng có nhiều người làm việc cho các cơ quan chính phủ cần nhìn vào những sự việc đó để hành động. Hồi đầu năm nay, trong cuộc điều tra về sự bảo mật của Hoa Kỳ, tờ Washington Post đã nhận thấy có đến 854,000 người trong và ngoài chính quyền có được điều chuẩn an ninh ở mức độ cao. Nhưng tìm hiểu xem tất cả những người được điều chuẩn ấy có thể tin cẩn được không phải là điều dễ dàng, đặc biệt là kể từ khi việc cấp giấy điều chuẩn an ninh hiện nay thiếu sót giấy tờ và thiếu nghiêm túc.

Văn phòng GAO đã xếp ra khoảng 3,500 mẫu phúc trình trong cuộc điều tra để từ đó các viên chức có thể quyết định đã điều chuẩn an ninh xong cho những nhân viên Bộ Quốc Phòng và họ đã tìm ra “87% những người đã được điều chuẩn xong  đều thiếu ít nhât là một văn kiện cần thiết để đáp ứng đòi hỏi tiêu chuẩn điều tra của liên bang”. Những văn kiện thiếu ấy phần lớn những tin tức về sở làm trước đó và mẫu an ninh không được điền đầy đủ. Khoảng 12% phúc trình điều chuẩn an ninh không bao gồm cả chủ đề phỏng vấn. Kể từ năm 2005, văn phòng GAO (Government Accountability Office, tạm dịch là Văn Phòng Trách Nhiệm Giải Trình của Chính Phủ) đã đưa những tiến trình điều chuẩn an ninh thiếu sót vào một danh sách những vấn đề gây khó khăn cho an ninh Mỹ nhưng cho tới nay những tồn tại trên vẫn còn.

Sự nguy hại hơn còn nằm ở chỗ sự bất tín đối với chính quyền ngày một trầm trọng bắt nguồn từ sự gia tăng lạm phát của những vấn đề được xếp vào loại mật hay tối mật. Trong khi số hồ sơ mật gia tăng vào thập niên 90 thì đến năm 1997, trong một phúc trình điều tra,  TNS Moynihan nhận thấy rằng lệnh truyền cho giữ một số những chuyện nào đó bí mật không được thi hành hay bị hủy bỏ. Lý do, theo Moynihan, “khi hầu hết mọi điều đều bị tuyên bố là mật thì không có việc gì được coi là mật và không thể trừng phạt vì chuyện tiết lộ”. Và khi càng có nhiều bí mật bị tiết lộ thì chính phủ càng mất uy tín. Dù những tin tiết lộ là quan trọng và hình phạt thì quá nhỏ hoặc những tin tiết lộ không quan trọng và công chúng tin rằng không có gì cần giữ bí mật cả. William Bosanko trưởng phòng Giám Sát An Ninh Tin Tức nhấn mạnh thêm: “Khi những người trong nội bộ được tín cẩn đã không còn tin vào sự phán đoán của chính phủ đối với những điều được coi là phải bảo mật thì họ cũng khởi sự thay thế chúng bằng sự phán đoán của chính họ, đó là một trở ngại lớn cho việc bảo mật hiện nay ở Hoa Kỳ”

Vì thế dù ưa hay không ưa, người sáng lập trang mạng WikiLeaks cũng đã trở thành một người được nhiều người biết tới và dư luận có khuynh hướng nghĩ rằng ông ta là người có quyền lực để áp đặt sự phán đoán những gì nên hoặc không nên bảo mật. Julian Assange là câu chuyện về chính ông ta. Assange sinh ra  ở Townsville, Queensland vào năm 1971, bố mẹ Assange điều hành một công ty chiếu bóng và di chuyển chỗ ở đến 30 lần trước khi Julian Assange được 14 tuổi. Trong một giai đoạn Assange và người em cùng mẹ khác cha cùng người mẹ đã ly dị phải trốn tránh người bạn trai của bà trong nhiều năm trên khắp nước Úc. Vào năm 1991, Julian Assange bị bắt cùng với những thiếu niên khác và bị kết án đến 30 tội danh trộm trên máy điện đoán cùng với những tội khác liên quan. Ông học toán học tại trường đại học Melbourne, nhưng không bao giờ tốt nghiệp và ông bỏ đại học vì  vì những sinh viên bạn của ông đang làm nghiên cứu cho dự án “Defense Advanced Research Projects Agency của Bộ Quốc Phòng Úc, một dự án có trách nhiệm sáng chế ra mạng Internet nhưng đồng thời cũng nghiên cứu về việc chế tạo vài loại vũ khí. Julian Assanger được mướn vào dự án này với vai trò một thảo chương viên điện toán và vào năm 1997 đã sáng chế ra “hệ thống mật mã” được các nhà hoạt động nhân quyền sử dụng.

Đầu năm 2006, Julian Assange nhận ra cơ hội để phối hợp giữa kỹ thuật điện toán và công tác bảo mật đang được nới rộng. Dường như cảm hứng từ vụ “Pentagon Papers” năm 1971, Assange đã dựng lên trang mạng WikiLeaks vào tháng 12 năm 2006 với ý tưởng là tạo nên một hộp thư cho bất cứ ai, bất cứ ở đâu nếu bất mãn với hoạt động của bất cứ tổ chức nào hay bất cứ sự bảo mật nào cũng có thể gióng lên tiếng nói. Lúc đầu trang mạng WikiLeaks chỉ có một nhóm người làm việc nhưng nay đã có một bộ biên tập 5 người làm việc toàn thời gian và khoảng 40 nhân viên tình nguyện cũng như 800 người trợ lực theo mùa. Đó là theo lời mô tả của Assange. Tuy nhiên chính Assange là người du mục và ông ta di chuyển từ nước này qua nước khác để tránh việc thường xuyên bị theo dõi. Lợi tức của WikiLeaks là từ một hợp đồng ký với công ty PayPal của Hoa Kỳ. (Nay PayPal đã chấm dứt hợp đồng này đang làm cho ngân sách của WikiLeaks tiêu tán). Chính quyền của Thụy Điển đã ra một lệnh truy nã Julian Assange vì ông ta bị tố cáo nhiều tội danh như tấn công tình dục, sờ mó và và ép buộc người khác một cách bất hợp pháp. Assange đã phủ nhận các tội danh, nhưng Cảnh Sát Quốc Tế đã ra lệnh “truy nã khẩn cấp”.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, nếu có bắt được Julian Assange thì cũng chỉ có thể truy tố ông ta tội danh khác hơn là tiết lộ những hồ sơ mật của Hoa Kỳ lên trên mạng WikiLeaks. Lý do là nếu không có Bradley Manning thì không có vụ công bố những mật tin của Hoa Kỳ liên hệ đến rất nhiều quốc gia khác. Hơn nữa Julian Assange dựa vào một ý tưởng là do sự lạm phát của những tin tức được bảo mật trong khi bản thân những tin ấy chẳng có gì là mật nên ông ta muốn phá vỡ bức tường chắn ấy. Chưa biết suy nghĩ của Julian Assange có thực tế không và những nguyên động lực thất đằng sau việc làm của ông ta, nhưng điều này có nghĩa là một cuộc chiến bảo mật đã bắt đầu. (VA)

(Còn tiếp)
.
.
.
(12/09/2010)

(4)
Chưa có một trang mạng nào mà chỉ năm đầu tiên tủ dữ kiện đã có tới 1.2 triệu dữ kiện như WikiLeaks và trước khi xảy ra vụ công bố những mật tin được Manning chuyển cho, mỗi ngày tủ dữ kiện của WikiLeaks có thêm 10,000 dữ kiện mới. Trong số những dữ kiện được đưa lên mạng, có nhiều tài liệu rất thú vị, chẳng hạn như các tài liệu cáo buộc gia đình Tổng Thống Daniel arap Moi của Kenya tham nhũng, tập chỉ dẫn hành đạo bí mật của phái ngoại cảm, cẩm nang hoạt động của trại tù Guantanamo, trong đó tiết lộ một quyết định của chính phủ Mỹ là đem giấu tù nhân không cho gặp Hồng Thập Tự Quốc Tế.

Lúc đầu, chính phủ Hoa Kỳ đối xử với Julian Assange một cách thờ ơ và coi thường những hoạt động của ông. Họ coi đó như một trò vui hơn là những điều đáng quan tâm. Rồi Bradley Manning xuất hiện. Người thanh niên 22 tuổi này đã được huấn luyện về tình báo cho lục quân tại tiểu bang Arizona. Sau đó, Manning được gởi đến tổ hoạt động Hammer tại Baghdad vào năm ngoái. Vào Tháng 5 năm nay, Manning nói với một hacker (tin tặc) có căn cứ ở Carmichael, California rằng anh có thể vào được cả hai trang mạng SIPRNet và Hệ Thống Liên Lạc Hỗn Hợp Tình Báo, gọi tắt là JWICS mà các viên chức chính phủ hay các nhà thầu khế ước làm công việc an ninh thường hay dùng để chuyển những tin tức tối mật. Trước đây, những người sử dụng SIPRNet bị cấm không được tải tin xuống một phương tiện truyền thông có để đem đi được nếu họ đang ở trên JWICS, nhưng vì một vấn đề nào đó, Bộ Chỉ Huy Trung Ương đã bỏ những cấm đoán trên.

Vào Tháng Năm năm nay, Manning nói với người bạn tin tặc rằng anh ta đã tải vào một CD có dán nhãn hiệu Lady Gaga và rằng anh ta đã chuyển cho WikiLeaks một video từ Afghanistan. Câu chuyện này bị lộ ra ngoài và vào cuối Tháng Năm, nhà cầm quyền quân sự Mỹ bắt giữ Manning, nhưng đã quá trễ. Vào lúc đó, WikiLeaks đã có những điện tín ngoại giao.

Một hiện tượng khá buồn cười là khi Assange bỏ những tài liệu mật lên trên mạng WikiLeaks thì dư luận không ai chú ý cả. Thất vọng vì chuyện này, Assange ngăn cản không cho ai vào thẳng kho dữ kiện của WikiLeaks nữa và chuyển những điện tín ngoại giao của Hoa Kỳ cho những tờ báo lớn trên thế giới: New York Times (Mỹ), Guardian (Anh) , El Pais (Tây Ban Nha) và Le Monde (Pháp). Và quả thật tính toán của Assange chính xác. Ảnh hưởng của WikiLeaks tăng vọt lên rất nhanh.

Trong việc làm này của Assange, giới quan sát nhìn ông ta như một nhà hoạt động pha trộn giữa chủ nghĩa cấp tiến và một liều lượng nặng nề của việc tự học trên sách vở.  Họ cho rằng chỉ có cách nhìn như thế này thì mới hiểu được công việc làm của Julian Assange. Ông nói rằng: “Cánh tay đã chết của chủ nghĩa phong kiến vẫn còn đặt trên vai mọi người Anh nên chúng tôi có kế hoạch đỡ nó xuống”. Và khi tuần báo Time hỏi Assange rằng ông ta  biện minh như thế nào về các hành động của ôngthì Assange đưa ra lập luận về “phong trào cách mạng”, phong trào đã sản sinh ra bản Hiến Pháp Hoa Kỳ và lập luận thêm rằng “Đạo luật trừng phạt tội gián điệp được nhìn một các quá rộng rãi và có thể đây là lý do nó chẳng bao giờ được trắc nghiệm một cách đứng đắn bởi Tối Cao Pháp Viện”.

Nhưng dù muốn hay không, Tổng Thống Obama  cũng đã phải đồng ý với Assange, bởi vì chính ông cũng nghĩ rằng cũng đã đến lúc phải có ít những bí mật đi . Trong ngày đầu tiên ngồi vào Tòa Bạch Ốc ngày 21 tháng 1 năm 2009, Tổng Thống Obama đã cho gởi một bản ghi nhớ đến các cơ quan hướng dẫn họ phải luôn luôn cởi mở và rõ ràng. Sau đó ông tổ chức một cuộc duyệt xét liên cơ quan có nhiệm vụ duyệt lại và quyết định những hồ sơ để xếp vào loại mật và ký một sắc lệnh ngày 29 tháng 12 năm 2009 đòi hòi hàng triệu nhân viên có trách nhiệm phân loại những hồ sơ cần phải được huấn luyện để biết hồ sơ, tài liệu nào cần phải xếp vào loại mật hay tài liệu nào cần phải cởi bỏ những sợi giây cột mang tính chất “mật”. Trên thực tế, Tổng Thống Obama là người  giảm thiểu nhiều nhất số viên chức có khả năng xếp tài liệu vào hồ sơ mật. Năm 1996, chính quyền Hoa Kỳ có tới 4,420 viên chức có quyền để những tài liệu vào hồ sơ mật và đến 2009, chỉ cón 2,557 người. Tuy thế điều trớ trêu là chính phủ Mỹ đã tạo ra những tài liệu “mật” nhiều gấp 10 lần so với năm 1996. Điều này có nghĩa là năm 1996, chỉ có năm 5.7 triệu tài liệu được xếp vào loại mật và đến 2009 có tới 54.7 triệu tài liệu được xếp vào loại mật và có khoảng 75% số tài liệu mật được khai sinh năm 2009.

Chính điểm này cũng là cái cớ để Julian Assange tung ra một chiến dịch chống lại chính quyền Hoa Kỳ cũng như chính quyền của nhiều nước khác trên thế giới. Trong cuộc phỏng vấn đặc biệt dành cho tờ Time, Julian Assange đã nhấn mạnh rằng, người ta không thể viện bất cứ lý do gì để vơ vét tất cả những tài liệu ấy và đóng dấu mật vào là xong, là có thể giải quyết được các vấn đề của thế giới. Ngày nay người dân ở các nước đều có quyền biết tới những việc làm của chính quyền, ngay cả với cả chính sách đối ngoại bởi vì họ là những người trả tiền để chính phủ làm công việc ấy cho họ. Giấu diếm là một điều lăng nhục đối với các nguyên tắc về dân chủ.

Bây giờ, Julian Assange đã bị tạm giam ở Anh quốc sau một cuộc dàn xếp của luật sư Stephens để ông ra đầu thú nhưng không phải vì tội tiết lộ những bí mật của chính phủ Hoa Kỳ mà vì những nghi ngờ ông tấn công tình dục và một vài tội danh khác liên quan đến tình dục tại Thụy Điển, điều mà ông luôn luôn phủ nhận. Có thể Anh đang tìm cách dẫn độ Assange về Thụy Điển.

Tuy nhiên, những quốc gia nào tìm cách truy tố Julian Assange về tội đưa những tiết lộ mật tin lên trang mạng WikiLeaks gây thiệt hại cho mình xem ra cũng rất khó khăn. Khó khăn vì những điểm sau đây:

-Thứ nhất, phải chứng minh được là Julian Assange làm tình báo chứ không phải muốn gióng lên một tiếng nói phản kháng để bỏ bớt việc sắp đặt một cách bừa bãi những thông tin và tài liệu vào tủ tin mật, giới hạn sự hiểu biết và giám sát của công chúng.

-Thứ hai, nếu truy tố Julian Assange làm tình báo thì phải truy tố những người có trách nhiệm để cho Bradley Manning tải tới 250,000 tài liệu xuống một CD và tuồn cho Julian Assange. Không có sự không trung thành của Manning và không có sự sơ hở hoặc thờ ơ với công việc bảo mật của Hoa Kỳ thì không có vụ WikiLeaks.

-Thứ ba, truy tố WikiLeaks về tội gián điệp thì có phải truy tố tờ The New York Times về cùng tội ấy hay không?

Vả lại xem ra thì những tài liệu tiết lộ ít đụng chạm tới những vấn đề cốt lõi về an ninh như sự phối trí quân đội, kho vũ khí nguyên tử hay hoạt động của mạng lưới an ninh tình báo nội địa của Hoa Kỳ. Ngược lại những tài liệu được tiết lộ lại liên quan đến những chuyện rất buồn cười của các nhà lãnh đạo thế giới, nhưng suy nghĩ khác với thực tế hành động mà họ đã nhìn, đã làm, đã đối xử với nhau.

Hiển nhiên, Julian Assange bị rất nhiều nhà cầm quyền của nhiều nước trong đó có Hoa Kỳ chống đối. Nhưng ngược lại với chống, sự thuận tình và ủng hộ Assange cũng nhiều, trong đó phải kể đến ý kiến của cựu Thủ Tướng Úc, ông Kevin Rudd. Ông nói: “Tôi nghĩ là sự bất cẩn của Hoa Kỳ đã tạo ra cơn bão này”. Theo ông thì Hoa Kỳ nên tự trừng phạt mình trước khi nghĩ đến trừng phạt người khác.

Một số người Mỹ có thể nổi giận vì câu tuyên bố của cựu Thủ Tướng Úc, nhưng không thể phủ nhận sự chính xác trong cách nhìn từ bên ngoài. Julian Assange có thể là một nhà hoạt động mơ mộng hay thậm chí hoang tưởng và Bradley Manning đòi làm thay đổi nước Mỹ bằng hành động thiếu trung thành có thể chỉ là một anh thanh niên ngờ nghệch về chính trị, nhưng rõ ràng, chính phủ Hoa Kỳ có thể rút ra ở biến chuyển này những bài học đáng giá. Dù sao, trận chiến bảo mật tại Hoa Kỳ mới chỉ là khởi đầu thôi. (V.A)

.
.
.

No comments: