Thursday, December 9, 2010

ANH QUỐC và VIỆC DẪN ĐỘ ÔNG ASSANGE (Lê Mạnh Hùng)

Lê Mạnh Hùng
Wednesday, December 08, 2010

Lá thư Luân Ðôn
Lê Mạnh Hùng

Một đám mây đen che phủ tương lai của địa chỉ WikiLeaks vốn gây chấn động cho thế giới khi tiết lộ trên mạng Internet một khối lượng khổng lồ các công điện mật của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ khi ông Julian Assange, người sáng lập và linh hồn của tổ chức này bị cảnh sát Anh bắt giữ tại Luân Ðôn theo yêu cầu của Thụy Ðiển điều tra ông về tội hiếp dâm.

Ông Assange, công dân Úc là mục tiêu của một trát bắt giữ trên toàn Châu Âu (European Arrest Warrant - EAW) do các giới chức tư pháp Thụy Ðiển đưa ra bị tố cáo là đã tấn công tình dục hai người đàn bà, nhưng ông đã phủ nhận những truy tố đó và ngược lại nói rằng đây là một phần của một chiến dịch bôi nhọ của những người muốn ngăn chặn địa chỉ của ông không cho công bố thêm những văn kiện mật của chính phủ Hoa Kỳ

Nhóm luật sư của ông cho biết họ sẽ chống lại việc cảnh sát Anh dẫn độ ông sang Thụy Ðiển lấy lý do là các giới chức Thụy Ðiển đã không cung cấp cho ông đầy đủ chi tiết về lệnh bắt giữ này. Họ cũng dự trù sẽ đưa ra lý do về nhân quyền để chống lại việc dẫn độ, nói rằng ông Assange có thể bị mất tự do một cách bất công khi đưa sang Thụy Ðiển và sự chú ý khổng lồ của các phương tiện truyền thông đối với ông sẽ khiến cho ông khó có thể có được xử một cách công bằng.

Nhưng theo các chuyên gia về luật pháp thì ông Assange khó có thể tránh được việc dẫn độ về Thụy Ðiển. Ngoài ra tiến trình dẫn độ tại Anh có triển vọng sẽ rất nhanh vì nhờ vào hệ thống trát toàn Châu Âu EAW vốn được đưa ra vào năm 2004 để giúp cho việc dẫn độ các nghi phạm từ một nước Châu Âu này sang nước Châu Âu khác được thực hiện một cách nhanh chóng. Như ông Mark Mackarel, giảng viên tại trường luật Viện Ðại Học Dundee của Scotland cho biết: “Tôi biết có những khuyến dụ rằng trát bắt giữ này được sử dụng một cách sai trái vào mục tiêu chính trị chống lại Assange, nhưng tôi thật sự không thấy có một bằng chứng nào về việc đó cả. Dĩ nhiên là tôi chắc chắn rằng hiện đang có nhiều cố gắng để làm hại WikiLeaks, có thể là có cả những cố gắng áp lực một số cá nhân hay làm khó cho Assange, nhưng theo tôi tiến trình dẫn độ qua thủ tục EAW thì rất minh bạch.”

Theo ông Mackarel thì Thụy Ðiển sẽ mất uy tín rất nhiều nếu bị thấy là truy tố ông Assange thuần túy vì lý do chính trị, “Có một số khuyến dụ rằng Thụy Ðiển đã nhượng bộ trước những áp lực chính trị và đòi hỏi dẫn độ ông Assange vì những lý do khác hơn là để phân xử tội danh mà ông bị truy tố. Nhưng chắc chắn phải có những bằng chứng đáng kể thì một vị thẩm phán của Anh mới chấp nhận và cho phép bắt. Nếu Thụy Ðiển mà lạm dụng trát bắt bằng cách đó thì nó sẽ làm hại rất nhiều cho họ”

Ðiều làm cho nhiều người ngạc nhiên là khi ra trước tòa để phán xử về việc dẫn độ, thẩm phán Anh, ông Howard Riddle, đã từ chối không cho ông Assange được tại ngoại lấy lý do rằng ông Assange có thể trốn không ra tòa để chịu dẫn độ. Nhưng một số người khác thì chỉ ra rằng trong những vụ án về hiếp dâm, thường tòa không cho các nghi phạm được tại ngoại.

Ðợt thẩm vấn mới để nghe các luật sư của ông Assange biện hộ tại sao không nên dẫn độ ông sang Thụy Ðiển sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày sau đợt thẩm vấn thứ ba tuần này, Và ông có triển vọng sẽ bị dẫn độ ngay ngày hôm sau nếu những lý luận của các luật sư của ông không thuyết phục được tòa.

Kể từ khi được đưa ra vào năm 2004, hệ thống EAW đã được ca ngợi như là một thành công vì nó đã loại trừ được những yếu tố chính trị và kinh tế trong việc dẫn độ vốn làm trì trệ tiến trình dẫn độ một nghi phạm tại Châu Âu vì giao toàn quyền quyết định việc này cho ngành Tư Pháp.

Liệu ông Assange có thể bị dẫn độ sang Mỹ hay không?
Nếu ông Assange cuối cùng bị dẫn độ sang Thụy Ðiển dưới hệ thống EAW, thì ông cũng có thể bị dẫn độ sang Mỹ theo một thỏa hiệp dẫn độ giữa Mỹ và các nước Scandinavia vốn đã hiện hữu từ năm thập niên nay.

Vụ bắt giữ ông Assange đến đúng vào lúc WikiLeaks đang đứng trước một nguy cơ tối nghiêm trọng. Ðịa chỉ này những ngày qua đã phải chịu hàng loạt những cuộc tấn công qua không gian ảo nhằm làm cho nó không hoạt động được. Trong khi đó Amazon.com và một số công ty Internet khác của Mỹ đã cắt đứt liên hệ với WikiLeaks buộc địa chỉ này phải chạy sang những công ty chủ trì Internet khác và lấy một địa chỉ Internet cơ bản mới wikikeaks.ch tại Thụy Sỹ.

Các quan chức Thụy Sỹ cũng đóng trương mục ngân hàng của ông Assange hôm Thứ Hai trong khi MasterCard và Paypal cũng từ chối không nhận việc thanh toán tiền mà các ủng hộ viên gởi cho WikiLeaks

Tuy nhiên WikiLeak vẫn còn đầy thách thức. Trong một bản văn gởi qua Twitter, địa chỉ này cho biết việc bắt giữ ông Assange không ngăn chặn được việc tiếp tục công bố các công điện ngoại giao mật của Mỹ, nói rằng: “Hành động hôm nay chống lại chủ bút của chúng tôi Julius Assange không ảnh hưởng gì tới hoạt động của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục công bố thêm các công điện như thường lệ.”

Trong khi đó một nhóm tự xưng là “Công lý cho Assange” đã xuất hiện trên mạng Internet. Nhóm này ngay hôm Thứ Ba đã đưa ra một thông điệp trên mạng kêu gọi những người ủng hộ Assange hãy đến biểu tình trước tòa sơ thẩm Westminster để phản đối.

Cuộc tranh đấu tuy vậy nay đã chuyển sang một lãnh vực khác, ngoài biên giới của không gian ảo mà ông Assange và WikiLeaks làm chủ. Và trong cái không gian thực này, ưu thế của ông Assange và WikiLeaks đã suy giảm. Có lẽ ông Assange, trong cái say mê đến cuồng nhiệt để tiết lộ đã quên mất là có những giới hạn căn bản của tự do ngôn luận ngay cả đối với những người tự cho mình đứng trên mọi quyền lực. Giới hạn đó là một tinh thần trách nhiệm mà chúng ta không thấy có ở nhóm chủ trương WikiLeaks. Vì thiếu tinh thần trách nhiệm thăng bằng bớt nên họ cứ húc, bất kể tai nạn cho những người vô tội. Rút cuộc sẽ có rất ít người bảo vệ cho họ khi họ bị phản công.
.
.
.

No comments: