Thursday, December 16, 2010

CỔ VẬT TRIỀU NGUYỄN CÓ NGUY CƠ BỊ MẤT SẠCH

Hồ Hương Giang
Ngày 15.12.2010, 09:24 (GMT+7)

SGTT.VN - Gần đây, nhiều vụ trộm cổ vật liên tiếp xảy ra tại các điểm di tích và các ngôi cổ tự làm đau đầu các nhà quản lý quần thể di tích cố đô Huế. Do kẻ trộm lộng hành, các cổ vật của triều Nguyễn ở Huế đang có nguy cơ bị mất sạch.

Nhiều cổ vật bị “đạo chích” lộng hành

Mới đây, rạng sáng ngày 1.12, kẻ trộm đã đột nhập vào lăng Khải Định lấy đi bảy cổ vật quý giá là ngự dụng (đồ vua dùng để sinh hoạt) của vua Khải Định có xuất xứ từ Pháp và Việt Nam, như: bộ khay đồng hình bầu dục gấp khúc, có niên đại năm 1916 – 1925, dài 43,5cm, cao 11cm, rộng 31cm, mặt khay khắc chìm hai con rồng uốn quanh ô chữ nhật, trên có khắc bốn chữ Hán “Khải Định niên tạo”; bộ đồ xoáy trầu của Việt Nam gồm cối, thìa, que xoáy. Ngoài ra còn có bộ ấm bạc nặng 450g và bình rượu bằng bạc của Việt Nam cao 15,5cm, rộng 12cm cổ cao thon, thân bầu tròn có quai...

Trao đổi với báo giới, nhà nghiên cứu văn hóa Huế, ông Phan Thuận An cho biết, ông rất bức xúc trước việc những cổ vật của hoàng cung triều Nguyễn ngày càng rời xa nơi ở của nó. Đặc biệt, có những cổ vật được xem là “pháp bảo” của triều Nguyễn như Kim ngọc bảo tỷ. Theo ông An, những Kim ngọc bảo tỷ đã dần dần biến mất khỏi lãnh thổ Việt Nam. Ông An kể: “Trong suốt 143 năm tồn tại với 13 đời vua triều Nguyễn đã cho chế tác và sử dụng hơn 100 Kim ngọc bảo tỷ bằng vàng và bằng ngọc – chưa kể số ấn tín quý riêng được tấn phong của các vương công. Ngoài hệ thống ngọc tỷ của vua ra, thái hoàng thái hậu (bà nội của vua), hoàng thái hậu (mẹ của vua) và hoàng hậu, hoàng phi (vợ vua) tuỳ thứ bậc, mà sẽ có ấn vàng, ấn bạc mạ vàng, hay ấn bạc. Có cả ngọc tỷ chế tác riêng cho từng vua sau khi qua đời mang tên vua có hình con rồng đứng ngẩng cao đầu”.

Theo ông An, qua nhiều bạn bè cho biết, có đến hàng trăm ngọc tỷ trên vẫn còn lưu giữ tại Hà Nội. Đặc biệt vào đầu tháng 10.2010, bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Hà Nội đã khai mạc triển lãm “Bảo vật hoàng cung”, ông An được bảo tàng gửi tặng cuốn sách Kim ngọc bảo tỷ của hoàng đế và vương hậu triều Nguyễn Việt Nam. Ông An đã đọc cuốn này và được biết còn lại 85 Kim ngọc bảo tỷ đang được bảo quản ở bảo tàng này.

Không ai nhận trách nhiệm để mất cổ vật

“Cũng may mắn cho chúng ta là những Kim ngọc bảo tỷ thuộc vào loại quý giá hiện vẫn còn một vài chiếc đang ở tại bảo tàng này như: chiếc Sắc mệnh chi bảo nặng 8,3kg đúc năm 1827 thời Minh Mạng; chiếc Hoàng đế tôn thân chi bảo nặng 8,7kg đúc cùng thời Minh Mạng; ngọc tỷ xưa nhất, quý nhất là Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo được đúc năm 1709. Tuy nhiên, hiện nay tôi không rõ, nhưng có hơn 100 chiếc Kim ngọc bảo tỷ khác cũng như những vật dụng bằng vàng, hoặc mạ vàng phục vụ đời sống sinh hoạt của hoàng triều hiện đang lưu lạc ở Pháp, Mỹ hay các nước châu Âu. Trong lúc đó, bảo tàng Cổ vật cung đình Huế hiện còn một ít ấn triện, nhưng đều là loại dùng cho các quan, không phải của vua, cho nên giá trị không lớn; riêng ngọc tỷ ở Huế, từ lâu đã không còn cái nào. Tại bảo tàng Cổ vật cung đình Huế hiện còn hơn 8.000 hiện vật cổ vật, so với số mất đi, cộng với số lưu lạc ở trong và ngoài nước, theo tôi, giá trị cổ vật Huế hôm nay chỉ bằng khoảng 1/10 so với thời kỳ hoàng kim của triều Nguyễn”, ông Phan Thuận An nói.

Mới đây, trả lời báo chí về trách nhiệm của trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế khi để xảy ra nhiều vụ mất trộm tại các điểm di tích, ông Phùng Phu, người đứng đầu trung tâm này nói: “Chúng tôi bị mất ăn mất ngủ vì các vụ trộm cứ xảy ra. Thời gian qua, trên cả nước đều bị mất cắp cổ vật, chứ không riêng gì ở Huế. Tuy nhiên, ở Huế đang có nhiều vụ mất cắp, trong lúc đó, toàn bộ quần thể di tích cố đô Huế rất rộng lớn, với nhiều điểm di tích, nhưng chúng tôi hiện chỉ có 200 bảo vệ”.

Rõ ràng việc mất trộm cổ vật đã được cảnh báo, nhưng khi cổ vật mất đi, thì không ai chịu đứng ra nhận trách nhiệm về mình.

bài và ảnh: Hồ Hương Giang
.
.
.

No comments: