Wednesday, December 8, 2010

BẬT MÍ BÍ MẬT (Vụ WIKILEADS) - Vũ Linh

Việt Báo Thứ Ba, 12/7/2010, 12:00:00 AM

...Chắc chắn sau lưng anh ta, có cả chục, cả trăm người khác hợp tác...

Trong mấy ngày qua, dư luận xôn xao vì những bí mật ngoại giao của Mỹ bị bật mí trên khắp các mặt báo thế giới, gây ra một trận động đất ngoại giao kinh hoàng chưa từng thấy. Trên 250.000 công điện và thư tín điện tử trao đổi giữa hơn 250 tòa đại sứ và lãnh sự Mỹ trên khắp thế giới với Bộ Ngoại Giao được tung lên các báo.

Các tài liệu mật này được mạng Wikileaks phổ biến trên mạng của họ, đồng thời cũng gửi đến các tờ báo lớn của Mỹ (New York Times), Anh (The Guardian), Pháp (Le Monde), Tây Ban Nha (El Pais), và Đức (Der Spiegel). Đây là lần thứ hai Wikileaks phổ biến công điện mật của chính phủ Mỹ. Lần trước, hồi tháng bẩy vừa qua, là 90.000 tài liệu liên quan đến các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan. Wikileaks là một mạng do một nhóm chuyên gia internet Âu Châu phát động dưới sự phối hợp của Julian Assange, một người Úc 39 tuổi với tư tưởng cấp tiến chống Mỹ cực đoan. Anh chàng Assange này hiện đang bị trát toà Thụy Điển truy tố về tội hiếp dâm hai phụ nữ, và hiện đang lẩn trốn bên Âu Châu.

Các công điện lần này phần lớn không có tính cách bí mật liên quan đến an ninh quốc gia, nhưng là những nhận định, phân tích tình hình chính trị của các viên chức ngoại giao Mỹ.

Việc phổ biến các công điện quốc phòng đe dọa tính mạng của khá nhiều viên chức an ninh Mỹ cũng như những cộng tác viên địa phương tại IraqAfghanistan. Việc phổ biến lần này không đe dọa tính mạng ai, nhưng lại có tác dụng lớn mạnh gấp bội vì ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ ngoại giao quốc tế.

Các công điện được Wikileaks xì ra một cách có tính toán, mỗi ngày một ít, với mục đích tạo tác dụng tối đa, hiện nay vẫn còn đang được tiếp tục xì ra. Cho đến nay, những công điện đã được phổ biến cho thiên hạ thấy một bức tranh mới lạ của ngoại giao Mỹ.

Trên phương diện chính thức thì dĩ nhiên ta luôn luôn thấy một mối quan hệ rất tốt đẹp, thân thiện và lịch thiệp giữa Mỹ và các đồng minh, nhưng qua các công điện và thư tín điện tử được lộ ra thì ta lại thấy những nhận định, lời bàn trong hậu trường… không mấy thân thiện.
Một vài thí dụ điển hình:
- Nga bị nhận định như một nước “mafia” trong đó các băng đảng lộng hành, tiền hối lộ tham nhũng chạy trong guồng máy chính quyền lên đến hơn ba trăm tỷ đô; chế độ dân chủ đã chết; Tổng Thống Medvedev chỉ là con rối trong tay Thủ Tướng Putin. Ông Putin đã mạnh mẽ lên án Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ, là tác giả những nhận định trên.
- Bà Thủ Tướng Đức được coi như người nhút nhát và thiếu trí tưởng tượng, trong khi ngoại trưởng Đức thì lại thiếu chiều sâu và không có hứng thú gì trong trách nhiệm của ông ta.
- Thủ Tướng Thổ Nhĩ Kỳ - một quốc gia Trung Đông mà Mỹ đang cố o bế để giúp chống lại Iran- bị nghi ngờ là có tài khoản bí mật trong ngân hàng Thụy Sỹ, khiến ông Thủ Tướng này “giận tím mặt” (theo tin báo chí Thổ).
- Tổng Thống Pháp là người ưa nổ, muốn dành lấy sự chú ý của thiên hạ, và khó hợp tác.
- Thủ Tướng Ý lại bị coi như là cái loa của Thủ Tướng Nga Putin.
Ngoài những nhận định trên, các trao đổi cũng phơi bầy ra những thảo luận giữa các lãnh đạo thế giới về những vấn đề thời sự lớn, qua đó người ta cũng có dịp thấy nhiều bức tranh hoàn toàn khác với những gì được chính thức công bố. Một vài thí dụ đáng ghi nhận:
- Phần lớn các nước Trung Đông lo sợ việc phát triển hạt nhân của Iran và có khuynh hướng ủng hộ việc Mỹ đánh Iran, mặc dù chính thức không tỏ ý này.
- Trung Quốc không tin tưởng vào Bắc Hàn lắm, và tính toán chuyện thống nhất Hàn Quốc dưới chế độ của Nam Hàn.
- Tổng thống Yemen chấp nhận cho máy bay Mỹ đánh giết khủng bố trên lãnh thổ Yemen, nhưng sẽ nói đó là máy bay Yemen.
- Chính phủ Anh Quốc cho phép máy bay Mỹ xử dụng căn cứ hải quân tại quần đảo Diego Garcia –thuộc địa Anh gần Ấn Độ Dương- mà dấu quốc hội Anh vì vi phạm Hiến Pháp Anh.
Đáng nói nữa là Wikileaks xì ra một số quyết định của Bộ Ngoại Giao cũng khiến chính phủ Mỹ bối rối không ít và không biết phải giải thích như thế nào, chẳng hạn như chỉ thị do chính bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton ký, yêu cầu theo dõi các viên chức cao cấp của Liên Hiệp Quốc, hay điều tra về bà tổng thống A Căn Đình vì bà này bị nghi ngờ tinh thần bất bình thường, hay chính quyền Obama ra giá trả cho các đảo quốc tý hon cả trăm triệu đô để họ nhận tù khủng bố đang bị giam tại trại tù Guantanamo mà TT Obama đã long trọng hứa đóng cửa trong vòng một năm sau khi chấp chánh.

***

Việc xì ra những bí mật quốc gia này dĩ nhiên cực kỳ tai hại cho chính sách đối ngoại của Mỹ trong tương lai nói riêng, và quyền lợi của đất nước Hoa Kỳ nói chung.
Có thể nói có ba tai hại lớn và rõ ràng:

1. Việc hơn hai trăm năm chục ngàn tài liệu mật bị thoát ra như vậy chứng tỏ guồng máy hành chánh cực kỳ tắc trách, không thể tin tưởng được, và sự bất tài của chính phủ trong việc bảo vệ bí mật quốc gia. Việc xì tin bí mật là chuyện thông thường, nhưng ở đây ta thấy không phải một vài công điện mà tới cả trăm ngàn tài liệu xuất phát từ cả trăm cơ sở ngoại giao trên khắp thế giới, không phải chuyện nhỏ.
Báo chí trước đây có nêu tên một người bị tình nghi đã tiết lộ các tài liệu bí mật quân sự lần trước là anh binh nhì Bradley Manning, làm việc trong phòng tình báo quân đội Mỹ tại Afghanistan. Việc một anh binh nhì chứ không phải một ông tướng tư lệnh, cũng không phải một siêu điệp viên kiểu James Bond, mà đã có thể coi được, ăn cắp và phổ biến cả trăm ngàn tài liệu quốc phòng là điều lạ lùng quái gở, khó tin được. Chắc chắn đằng sau lưng anh ta, có cả chục, cả trăm người khác hợp tác.
Bây giờ đây lại là tài liệu của hơn hai trăm năm chục cơ sở ngoại giao trên khắp thế giới. Chẳng lẽ đây cũng chỉ là việc làm của một anh thư ký quèn nào đó tại Bộ Ngoại Giao. Chắc chắn cũng phải có cả chục cả trăm người khác can dự vào.
Hai điều này nói lên những gì về khả năng và tính đáng tin cậy của hệ thống hành chánh và của công chức Mỹ? Và chúng ta có cảm nghĩ như thế nào về sách lược khai triển rộng rãi cái tổ chức hành chánh đó lên khắp mọi lãnh vực đúng theo quan điểm “Nhà Nước vú em” của TT Obama?

2. Cái hại thứ hai là trong tương lai, các viên chức ngoại giao, nhất là các đại sứ, sẽ đâm ra nhút nhát, phải uốn lưỡi hay uốn ngòi bút bẩy lần trước khi phát ngôn, viết lách, hay báo cáo bất cứ chuyện gì. Thậm chí có thể không nói gì mà cũng chẳng viết gì nhiều luôn. Cho dù báo cáo bằng miệng thì những báo cáo đó cũng sẽ phải được ghi nhận vào tài liệu nào đó, và cái nguy cơ tài liệu đó bị xì ra luôn luôn như cây gươm treo lủng lẳng trên đầu họ. Thôi im miệng cho chắc ăn.
Việc im miệng này sẽ đưa đến hậu quả tất nhiên là chính phủ trung ương sẽ thiếu tin tức chính xác để quyết định chính sách hay hành động, gia tăng khả năng làm chuyện sai lầm của chính phủ.

3. Cái hại có thể còn quan trọng hơn nữa là sự mất tin tưởng vào ông đồng minh “to mồm” Mỹ. Các nước đồng minh trước khi hợp tác với Mỹ, đặc biệt là trong các vấn đề tế nhị, chắc chắn sẽ suy nghĩ bẩy ngày trước khi quyết định. Muốn chắc ăn, nên tránh hợp tác luôn cho tiện.
Chẳng hạn tổng thống Yemen có thể sẽ nhã nhặn nói với TT Obama “Xin lỗi nhe, tôi không thể cho phép máy bay Mỹ đánh bom giết khủng bố trên đất Yemen nữa! Tôi không muốn thấy báo New York Times của ông đăng tên tôi trên trang nhất đâu”.
Hay Quốc Vương Ả Rập Saudi sẽ không dám hó hé đề nghị cách bắt khủng bố, hay cách đối phó với Iran nữa.
Việc tìm kiếm đồng minh sẽ gặp khó khăn lớn, và từ đó, cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu đã khó khăn sẽ trở thành rắc rối to.

Trước những tai hại lớn lao này, chính quyền Obama đã cực kỳ bối rối, phản ứng quyết liệt như tố giác tác giả Wikileaks là vô trách nhiệm, gửi bà Hillary đi khắp thế giới phân trần và xin lỗi, bổ nhiệm một viên chức đặc trách điều tra và bít lỗ hổng,… Vẩn chuyện bò chạy mất tăm hơi rồi mới lo xây chuồng, giống như các kế sách chống khủng bố vậy.

Theo tin báo chí, trong hệ thống hành chánh này, có hơn ba triệu người được phép xem hay biết các tin tức được xếp vào loại “Mật”. Mật gì mà cả triệu người có thể được biết? Làm sao bảo mật trong cái tổ chức như vậy? Nhất là trong cái nước Mỹ mà đa số thiên hạ đều sẵn sàng vì đồng tiền hay vì tiếng tăm, hay ngay cả vì lý tưởng cá nhân, làm đủ mọi chuyện, bất chấp quyền lợi quốc gia.

Một số chuyên gia đã nhận định một là đã có quá nhiều người có thể biết hay xem được những tin bí mật, hai là đã có quá nhiều tin tức bị xếp vào loại bí mật một cách không chính đáng. Chẳng hạn như tin nhà độc tài Khadafi của Lybia đi đâu cũng phải mang theo một cô “y tá” riêng người Thụy Điển, tóc vàng mắt xanh, với ngoại hình rất hấp dẫn. Loại tin như vậy có gì đáng gọi là bí mật quốc gia? Chỉ là các viên chức Mỹ luôn luôn lo lắng bảo vệ an toàn cá nhân, bị ám ảnh bởi nhu cầu giữ bí mật đủ thứ, chỉ thua mấy viên chức các chính quyền độc tài cộng sản một bước.

Đây quả thực là một vấn đề lãnh đạo. Khi lãnh đạo tạo được niềm tin tưởng vào chính phủ trong quần chúng, tạo được hậu thuẫn đối với chính sách của Nhà Nước, kích thích được tính yêu nước, tôn trọng quyền lợi quốc gia trên quyền lợi hay ý muốn cá nhân, thì những triệu người đó cũng sẽ giữ được bí mật. Khi người dân không tin tưởng hay hậu thuẫn chính phủ nữa thì trong cái khối cả triệu người đó không thể tránh được vài trăm, vài ngàn người bất mãn, tìm cách đánh phá.

Trong thập niên 70, dưới thời TT Nixon, những tài liệu quan trọng về chiến tranh Việt nam của Bộ Quốc Phòng  đã bị xì ra (The Pentagon Papers), nhưng đây là hành động của một chuyên viên Bộ Quốc Phòng (Daniel Ellsberg), ăn cắp và phổ biến một tài liệu do Bộ Quốc Phòng đúc kết.
Trong trường hợp Wikileaks hiện nay, đây là hơn hai trăm năm chục ngàn tài liệu xuất phát từ hai trăm năm chục cơ sở ngoại giao, cũng như cả trăm ngàn tài liệu xuất phát từ cả trăm tướng lãnh, tư lệnh quân sự, và viên chức ngoại giao trong vụ xì tài liệu về cuộc chiến Iraq-Afghanistan trước đây.

Trong quan niệm này, chính quyền Obama trước khi xét lại hệ thống bảo mật quốc gia, cũng cần phải đi sâu vào vấn đề hơn, tìm hiểu nguyên nhân của việc xì ra hàng loạt tin mật một cách đại quy mô từ cả trăm cả ngàn nguồn như vậy, và có biện pháp đối phó với “điểm” của vấn đề, tức là tìm hiểu có những bất mãn nào, tại sao, tầm mức của sự bất mãn đó, …, chứ không chỉ chú tâm vào “diện”, tức là bít lỗ hổng.

Một nhận xét cuối cùng liên quan đến các cơ quan ngôn luận của thế giới tự do. Bất kể các báo lớn đã viện dẫn, giải thích cách gì thì người ta cũng thấy mấy báo lớn, dưới cái mặt nạ “vì quyền lợi của độc giả”, cuối cùng thì cũng không thể không bị cám dỗ bởi mối lợi phổ biến được tin giựt gân, bán được báo, gây được tiếng vang, bất chấp quyền lợi tối thượng của quốc gia. Trong chế độ tư bản mà đồng tiền chi phối mọi chuyện, quyền lợi quốc gia là một khái niệm trừu tượng chỉ có trong sách vở và diễn văn của chính khách.

(5-11-10)
 Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng mỗi Thứ Ba trên Việt Báo.
Sửa sai: Trong bài Khám Xét Chống Khủng Bố tuần trước, tác giả đã viết sai về cuộc tấn công của khủng bố “ngày 9 Tháng 11 năm 2001”. Dĩ nhiên, mọi người đều biết đó là ngày 11 Tháng 9 năm 2001. Tác giả xin cáo lỗi cùng độc giả.
.
.
.

No comments: