Thursday, December 23, 2010

CHÍNH SÁCH "CHÉN KIỂU, CHÉN SÀNH" CỦA BẮC HÀN VẪN LÀM NGƯỜI TÂY HOẢNG SỢ

(12/22/2010)

Các phóng viên tháp tùng phái đoàn của ông ông Bill Richardson, Thống đốc tiểu bang New Mexico, một thương thuyết gia về vấn đề Bắc Hàn rất nổi tiếng từ dưới thời Tổng Thống Bill Clinton cho biết ông đã đạt được một thỏa ước với Bắc Hàn và với thỏa ước trên thanh tra hạch tâm Liên Hiệp Quốc sẽ trở lại làm công việc của họ ở đất nước khép kín này.   Đặc phái viên Wolf Blitzer từ Bình Nhưỡng cho biết Bắc Hàn đã cho phép thanh tra của cơ quan Quản Trị Năng Lượng Hạch Tâm Quốc Tế, goi tắt là IAEA, trở lại kiểm tra cơ sở hạch tâm của Bắc Hàn, và đồng ý điều đình về việc bán 12 ngàn thanh nhiên liệu để vận chuyển ra ngoại quốc có thể là Nam Hàn.

Bản tin cho biết thêm Bình nhưỡng cũng đồng ý nghiên cứu đề nghị của ông Bill Richardson trong việc thiết lập ủy ban quân sự giữa Hoa Kỳ, Bắc Hàn và Nam Hàn, cũng như lập một đường dây nóng giữa quân đội Bắc Hàn và Nam Hàn. Bộ Ngoại giao Nam Hàn nói họ không thể xác nhận được thỏa thuận này, và cũng chưa có bất cứ chi tiết cụ thể nào về những đề nghị của ông Richardson, người thực hiện chuyến viếng thăm không chính thức tại Bắc Hàn, mà theo truyền thống chỉ là sự tưong giao giữa 2 bên, nhưng người ta vẫn chưa rõ thỏa thuận này có thể làm giảm bớt căng thẳng trên vùng bán đảo Triều tiên hay không, đặc biệt là Bình nhưỡng từng có thành tích lâu dài về thất tín.  Bắc Hàn từng trục xuất thanh tra nguyên tử của IAEA vào tháng Tư năm ngoái.

Những người không theo dõi tình hình có thể bực mình mà nói: “Đập cho Bình Nhưỡng một trận cho tởn. Hơi đâu mà cứ thương lượng cù cưa như vậy”. Thực ra mà nói, cái phần đất nhỏ như móng tay trên bản đồ quốc tế, kinh tế bết bát, đói rét quanh năm và cứ mỗi mùa Đông đến, Bình Nhưỡng cần đủ mọi thứ và cái thiếu trầm trọng nhất của dân chúng Bắc Hàn vẫn là thực phẩm và chất đốt để sưởi ấm. Mùa Đông phủ một tấm chăn tuyết dày từ cực Bắc của Bắc Hàn  xuống đến vùng biên giới vĩ tuyến 38. Dưới thời tiết như vậy, dân chúng thôn quê và miền núi vẫn phải vào rừng đào củ sắn của mài và sâm dại mọc trên những sườn núi cao để sống qua mùa Đông.

Ấy vậy mà họ vẫn cố gắng dồn mọi nỗ lực vào việc chế tạo vũ khí nguyên tử, vẫn phải chi tiêu những món tiền lớn lao vào những chiến dịch tung hô lãnh tụ. Nhưng nếu duyệt lại toàn bộ vấn đề thì phải đặt ra câu hỏi: mới ngày hôm qua đây thôi, Bình Nhưỡng còn hung hăng bắn phá vào hòn đảo Yeongpyeong, một hòn đảo nằm trong vùng tranh chấp lãnh hải chỉ cách bờ biển Bắc Hàn có 11 cây số chỉ vài tuần sau khi Bắc Hàn thỏa thuận một cuộc gặp gỡ các gia đình ly tán trong chiến tranh và Nam Hàn đổi lại đã chở sang Bắc Hàn 40,000 tấn thực phẩm… nay Bình Nhưỡng quay ngược hẳn lại 180 độ so với chính sác mà họ theo đuổi cách đó một ngày. Như thế là thế nào?

Thái độ của Bắc Hàn nay không còn làm cho thế giới nhạc nhiên nữa, trong đó có cả người Nam Hàn. Những lần quay lại Nam Hàn vào các năm 2006 và 2008 để thăm lại một số thành phố và những bạn già người Nam Hàn vốn từng là cựu chiến binh tại Việt Nam nay còn sống ở Seoul, Pusan, Busan, tôi cũng đã có dịp nói chuyện rất nhiều với người Nam Hàn cả già lẫn trẻ. Hầu như một nửa số người này đều có thân nhân bị kẹt lại ở Bắc Hàn trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Phần lớn những người ở lớp tuổi 70-80, những người đã từng hiểu cuộc chiến tranh Nam-Bắc Hàn  như thế nào cho nên mặc dù không chấp nhận Cộng sản, họ không muốn mở một cuộc chiến tranh súng đạn nữa. Park Lee-eun, một cựu sĩ quan trong Sư Đoành Mãnh Hổ từng đóng ở Qui Nhơn, Bình Định nói với tôi trong căn hộ sang trọng của ông ở một chung cư thuộc khu kỹ nghệ Pusan: “Chiến tranh là tàn phá, tôi hoàn toàn không muốn chiến tranh trừ trường hợp chúng tôi phải tự vệ cho Nam Hàn. Ông nội tôi vẫn còn kẹt ở một thành phố cách Bình Nhưỡng chỉ có 20 cây số. Cụ năm nay cao tuổi rồi nhưng vẫn còn sống. Ước nguyện trong đời tôi là muốn gặp cụ được một lần”. Ngay đó không xa, người con trai lớn của ông bạn người Nam Hàn của tôi tốt nghiệp trường bách khoa của Nam Hàn và làm việc tại trung tâm kỹ nghệ Pusan đã có ý nghĩ khác bố. Anh cho rằng mục tiêu của lớp trẻ Nam Hàn là phải thống nhất đất nước bằng phương tiện hòa bình, giao lưu kinh tế và văn hóa, rồi bầu cử. Bán đảo Hàn Quốc không thể chia đôi mãi để cứ bị lép vế người Nhật. Phần đông giới trí thức trẻ Nam Hàn gọi công cuộc thống nhất ấy là một cuộc chinh phục Bắc Hàn trong hòa bình. Tôi không biết thế hệ trẻ Nam Hàn có thực hiện được giấc mơ của họ không, nhưng đó là một mơ ước không có gì quá đáng.

Có lẽ vì lý do đó mà khi người Nam Hàn đổ xuống đường phố để biểu tình và phẫn nộ phản đối hành động mà họ gọi là gây hấn của Bình Nhưỡng qua các hoạt động quân sự từ vụ đánh chìm chiến hạm Cheonan và pháo kích vào Yeongpyeong, dư luận quốc tế đã nhìn ra được một yếu tố hệ trọng: dân chúng Nam Hàn không còn chịu đựng nổi sự khiêu khích của Bắc Hàn và điều này có thể làm cho chiến tranh tái phát. Nhưng có một người ở Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ không nhìn vấn đề theo cách này, đó là Robert Gates.
Là bộ trưởng quốc phòng nhưng từng điều khiển ngành tình báo Hoa Kỳ và đã từng nghiên cứu nhiều năm về Bắc Hàn, ông cho rằng Bắc Hàn chỉ đủ khả năng vòi vĩnh, không đủ khả năng mở cuộc tấn ông Nam Hàn. Trong hơn 3 thập niên qua, Bình Nhưỡng sống vì sách lược vòi vĩnh “chén sành sẵn và chén kiểu”. Ngày nay đời sống của các nước thoát thai từ chế độ Cộng sản đều khấm khá hơn, trừ một vài nước vẫn chủ trương khép kín như Bắc Hàn và Cuba. Bởi thế khi thủ đắc được một vài loại vũ khí nguyên tử, các quốc gia này dùng nó để dọa: “Mấy anh giầu có rồi thường sợ mất cái hiện đang có, đang hưởng. Bọn tôi khố rách áo ôm, không có gì để thua nữa. Tôi bắn vào Seoul hay Tokyo một vài hỏa tiễn có mang đầu đạn thì các anh bắn vào tôi mười hay hai chục đầu đạn, nhưng dân tôi chết vài trăm ngàn cũng chẳng ăn thua gì còn các anh mà chết vài chục ngàn người là có vấn đề ngay vì dân chúng không cho các anh tiếp tục làm như thế. Còn tôi ai cấm được? Đứa nào hó hé than phiền là phản quốc, tụi tôi cho đi tù ngay!”.
Để chống lại sự mè nheo, vòi vĩnh của Bắc Hàn Hoa Kỳ vẫn áp dụng một sách lược cũ “củ cà rốt và cậy gậy” và sách lược này vẫn hữu hiệu. Nhưng Hoa Kỳ chỉ sử dụng nó sau khi đã thấy các đại diện ngoại giao đặc biệt của Thủ Tướng Trung Cộng Ôn Gia Bảo và của Thủ Tướng Nga Vladimir Putin gặp các viên chức Bắc Hàn. Từ lâu nay, Trung Cộng và Nga vẫn được coi là hai nước đỡ đầu cho Bắc Hàn. Kim Chính Nhật thường dựa vào tình trạng này để điều hành chính sách “chén kiểu, chén sành” hầu làm eo làm sách với Nam Hàn và Liên Hiệp Quốc.

Bắn vào đảo Yeongpyeong, Bình Nhưỡng chỉ muốn gởi đến các nước Tây Phương một thông điệp: “Không nới lỏng cấm vận, tình hình cũng sẽ cứ thất thường như thế”. Về phía Bắc Kinh, sau khi bị lép vế ở Biển Đông, lùi bước trước Nhật Bản trong việc tạm giải quyết tình hình căng thẳng tại Điếu Ngư Đài (Senkaku) và vụ tập trận Mỹ-Nam Hàn sau khi chiến hạm Cheonan bị đánh chìm, Bắc Kinh cảm thấy cần phải nhảy ra để giải quyết mối căng thẳng trên bán đảo Hàn quốc. Trung Quốc vẫn muốn khẳng định vài trò của họ ở vùng Đông Bắc Á và chứng tỏ nếu không có Bắc Kinh thì mọi việc sẽ không thể ổn thỏa.

Thái độ cứng rắn của Nam Hàn khi họ tiếp tục cuộc tập trận bắn đạn thật ở Yeongpyeong và sự hậu thuẫn Nam Hàn của Hoa Kỳ bằng cách đưa hàng không mẫu hạm lớn và tối tân USS Washington cũng như hạm đội vào vùng biển miền tây Nam Hàn và cú đạp thắng Bắc Hàn của Trung Quốc-Nga đã là nguyên động lực giúp Thống Đốc Bill Richardson hoàn thành nhiệm vụ. Nhân vật này là một trong những nhà ngoại giao Mỹ, tuy không chuyên nghiệp, nhưng rất hữu hiệu trong việc thực hiện sách lược “củ cà rốt và cây gậy”. Kim Nhật Thành tin vào Bill Richardson khi ông làm một con toán trên bàn thương lượng: “Nếu Bắc Hàn chấm dứt tình trạng gây căng thẳng thì họ sẽ được gì, Hoa Kỳ Nam Hàn được gì và nếu Bình Nhưỡng tiếp tục hành động vòi vĩnh dai dẳng quá thì họ sẽ không được gì cả. Trung Quốc và Nga không dại gì đánh đổi nền kinh tế khổng lồ với thế giới bên ngoài rút vào cô lập chỉ để ủng hộ Bắc Hàn”.

Trong cuộc thương lượng nào cũng vậy, cái vế “Bắc Hàn sẽ được gì trong vụ giải tỏa căng thẳng ở bán đảo Hàn quốc” chắc sẽ có cả phần tương nhượng của Hoa Kỳ. Chưa biết tương nhượng của Hoa Kỳ sẽ như thế nào, và thái độ quay 180 độ với sách lược vòi vĩnh sẽ kéo dài trong bao lâu, nhưng rõ ràng đây là một thắng lợi của chính quyền Barack Obama.

Thế giới ngày nay càng ngày càng liên lập chứ không còn tính độc lập nhiều nữa vì các quốc gia coi sự buôn bán với nhau là quan trọng. Khi vừa lên cầm quyền, Tổng Thống George W. Bush đã xếp Bắc Hàn vào cái gọi là “trục ma quỉ”. Đây là một hành động vội vã và khôi hài, bởi vì cho tới nay, Mỹ vẫn phải thương lượng với “trục ma quỉ” ấy như thường dù Thống Đốc tiểu Bang New Mexico Bill Richardson đến Bình Nhưỡng với tư cách riêng trong khi ông vẫn là viên chức chính quyền hàng đầu của một tiểu bang trong liên bang Hoa Kỳ. Điều này có thể hiểu được và phải hiểu: Bình Nhưỡng có vũ khí nguyên tử và luôn luôn thách thứ “cùi không sợ lở”. (vht)
.
.
.

No comments: