Lận đận với Tàu: Phải chăng Trung Quốc là một cơn ác mộng của Việt Nam? (Kết)
Nguyễn Văn Lục
20-02-2010
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7178
Thật vây, chúng ta giả dụ rằng nếu Khrushchev còn lãnh đạo Liên Xô thì chuyện gì sẽ xảy ra ở miền Nam? Chủ trương của Khrushchev là hai miền Nam, Bắc sống chung hòa bình, thi đua về kinh tế, nếu miền Bắc mạnh về kinh tế thì miền Nam sẽ thống nhất vào miền Bắc. Đường lối hòa dịu giữa Nam và Bắc đi đến giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán với Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Nhưng đến tháng 10, năm 1964, Khrushchev bị lật đổ và Brejnev lên thay.
Lê Duẩn sang Liên Xô năm 1955 và múa nhảy theo chính sách và đường lối cứng rắn của Liên Xô thời sau Khrushchev.
(Xem thêm Hồi ký của Khrushchev, Nguyễn Hiệu dịch từ bản tiếng Nga.)
Nhưng đến cuối thập niên 1980 khi Moscow chủ trương cải tổ kinh tế rồi cải tổ chính trị theo hướng của các nước Tây Âu thì nhiều dấu hiệu cho thấy sẽ có những chuyển biến rạn nứt ngay trong lòng các chế độ cộng sản. Cuộc “cách mạng nhung” ra đời lần lượt làm tan biến và sụp đổ các bức tường xã hội chủ nghĩa.
Đây chẳng khác gì một cuộc tự sát tập thể hòng tìm lối ra cho một chủ nghĩa cộng sản đã tỏ ra yếu kém và lỗi thời ở phạm vi kinh tế.
Kịch bản dưới thời Nguyễn Văn Linh lúc bấy giờ là bối rối, lo sợ, cuống quít khép chặt và không có chọn lựa nào khác là bám vào Trung Cộng như phao cứu. Ngay từ năm 1978, Trung Quốc đã bác bỏ mô hình Mác Xít để cải tổ kinh tế theo định hướng thị trường (market oriented) nhưng vẫn nhất quyết duy trì hiện trạng chủ nghĩa cộng sản và không có bất cứ thay đổi chính trị .
Xét tóm lược như thế, Việt Nam luôn luôn là kẻ bắt chước theo đuôi hai nước đàn anh.
Từ Đồng chí trở thành kẻ thù
Nhưng khi mà cái thế quân bình đi dây không giữ nổi thì sẽ có tranh chấp và từ bạn biến thành thù. Những ẩn số trong nội bộ hai đảng với nhiều chèn ép, nhịn nhục khó kiềm được nữa. Thứ “Mélanine chính trị” kèm theo nể vì, sợ sệt, mất lòng đàn anh lâu ngày nay nứt rạn. Nó như mồi lửa đã có sẵn giữa đống củi đến lúc phải bùng phát khó tránh được.
Ở đây không thể nói sao cho hết, kể sao cho vừa những tố cáo qua lại giữa Trung Cộng và Việt Nam.
Kẻ đàn anh mạnh hơn với cái tâm lý “kẻ cả” ra tay trước, tấn công biên giới với 20 vạn quân Tàu.
Và kết quả gần đúng sự thật nhất được mô tả ẩn danh từ phía Trung Quốc được coi là khá trung thực như sau:
“Theo Lý Tồng Báo, số thương vong chân thực của quân đội ta trong cuộc đánh trả tự vệ Việt Nam phải là 27.000 người, trong đó số sĩ quan và binh lính bị chết là hơn 6000 người, số bị thương là hơn 21.000 người. Điều đáng lưu ý là trong số hơn 6000 người chết đó có tới hơn 500 người chết vì vũ khí quá kém của chúng ta lúc đó .
Trong tiến trình chiến đấu, tỷ lệ tử vong mấy ngày đầu khá cao, cá biệt có đại đội bị hy sinh tới 90% quân số, xe tăng và thiết giáp bị bắt sống, bắn hỏng khá nhiều, cũng ở mặt trận này, đã có một đại đội bị bắt làm tu1 binh, có đại đội khi về nước chỉ còn mười, có đại đội khi về nước chỉ còn mươi người, có tiểu đội không còn tới một, hai người.
Một trong mục đích của cuộc chiến này là “vây Ngụy cứu Triệu”, tức là đánh ở đây nhằm kéo quân đội Việt Nam đang ở tại Cam Pu Chia về để tiêu diệt, nhưng Việt Nam không mắc mưu.”
Một nguồn tin từ Tổng kết công tác đánh trả tự vệ Việt Nam do Cục Hậu Cần khu Côn Minh biên soạn cũng cung cấp một số dữ kiện tương tự như số tổn thất ghi ở trên như sau :
Từ ngày 17 tháng 2 đến ngày 16 tháng 3, quân ta tổng cộng hy sinh 6954 người, bị thương hơn 14.800 người, chỉ riêng hai ngày 17 và 18 đã thương vong 4000 người, khiến bộ phận hậu cần trở tay không kịp, nhiều người bị thương vì không được cứu chữa kịp thời nên đã chết”
(Trích Tam Dương tóm lược từ mang Hán hồn. hanhuncn.com. Trích lại trong diendan.org)
Cứ theo kết quả như trên thì Việt Nam đã thắng trận. Bài học Đặng Tiểu Bình dạy cho Việt Nam thì nay phải hiểu ngược lại. Nhưng đừng quên rằng võ khí của 1.500.000 quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng Hoà để lại nguyên vẹn phải chăng là yếu tố bất ngờ mà Đặng Tiểu Bình đã không tính tới?
Về phía Việt Nam, như thông lệ đã “nói quá” số thương vong của quân đội Trung Quốc là 3 vạn người. Nhưng lại quên không cho biết quân đội ta số thương vong là bao nhiêu? Theo tiến sĩ Hoàng Kim Phúc, đại học Oxford Luân Đôn, trong một bài viết cho BBC ngày 14-2-2009 cho hay theo những người dân Hà Giang-Vị Xuyên kể lại thì:
“Năm 1979 nó sang, dân bên mình hoàn toàn bị bất ngờ, vì thế thiệt hại là vô kể.”
Nó rút đi đặt mìn giật sập bất cứ cái gì gọi là do tay con người tạo nên. Mìn nó còn cài lại vô số trong các khu dân cư, tỉnh lộ. Mà nào có yên, pháo nó còn “củng” sang đây liên tục tới năm 88-89.”
Bài học này trước sau cũng phải một lần phải có như Hoàng Kim Phúc viết nó như một nhát cuốc tàn bạo, lật thẳng “tấm ván thiên”, chôn nỗi căm thù sâu thẳm và âm ỷ của Việt Nam với kẻ thù phương Bắc. Sự căm thù ấy cứ bị che phủ vùi lấp bởi những “tâm tình đồng chí” “Môi hở răng lạnh” hay luận điệu tuyên truyền “núi liền núi, núi liền sông” hữu hảo.
Nhưng giả dụ lần này có đánh nhau thêm một lần nữa thì bài học của Đăng Tiểu Bình dạy cho Việt Nam phải là một bài học đích đáng hơn? Liệu Việt Nam bây giờ có thể chịu đựng một bài học thứ hai của Trung Quốc?
Trung Quốc 1979 và Trung Quốc 2010 đã mạnh lên gấp 100 lần hơn trong khi Việt Nam 1979 và 2010 thay đổi thêm được gì?
Về quân sự, Trung Quốc đang thay đổi từ một chiến lược “phòng thủ lãnh thổ” tiến tới một cách thô bạo “chiến lược bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc” đã được cụ thể hóa bằng việc gây hấn liên tục ở Biển Đông. Việt Nam làm thế nào để chuẩn bị cho một cuộc đối đầu tay đôi hay một liên minh bằng quân sự mà sự chênh lệch là khá rõ ràng?
Hãy khoan nói tới đối đầu, nhiệm vụ chính của các nhà lãnh đạo Việt Nam bây giờ là xua tan cái bầu khi “ngột ngạt” trong mối quan hệ hai bên, làm giảm nhiệt độ nóng ở mức độ có thể chấp nhận nhau được.
Đó là nhiệm vụ khó khăn nhất bây giờ.
Đó là điều làm chúng ta cần quan tâm và suy nghĩ.
Biết kẻ thù là như vậy, như ông Trần Quang Cơ đã viết trong Hồi ức và suy nghĩ dự báo rằng “rung Quốc là nguồn xuất xứ chính của những thách thức chính đe dọa đối với chủ quyền về toàn vẹn lãnh thổ cũng như đối với an ninh và phát triển của Việt Nam.”
Chia rẽ nội bộ Việt Nam vì kẻ theo Tàu, kẻ theo Nga: mối hiểm nguy của Việt Nam
Cuộc đấu khẩu tay đôi giữa Bành Chân, trưởng đoàn Trung Quốc, với Khrushchev tại Hội Nghị các đảng Cộng sản tại Bucharest năm 1961 đánh dấu sự phân liệt không bao giờ hàn gắn được nữa trong phong trào cộng sản Quốc tế.
Vết nứt đó lan rộng làm rạn nứt tất cả các đảng Cộng sản anh em. Tùy theo hoàn cảnh mà nước này ngả theo Liên Xô, nước kia ngả theo Trung Quốc. Nói chung, phía Trung Quốc có phần yếu thế hơn phía Liên Xô. Bắc Hàn thì ngả theo Trung Quốc nên nội bộ không phân rẽ. Albania thì chửi rủa Liên Xô can thiệp vào nội bộ của mình. Cuba thì chỉ dám chống lại Liên Xô trong bụng vì cái bụng được nuôi bằng đồng rúp.
Tình hình ở Việt Nam vào những năm đó ở Hà Nội thì xem ra phức tạp hơn. Ngay đến nội bộ các gia đình vợ chồng cũng bất đồng, cha con bất đồng, nội bộ mỗi cơ quan cũng bất đồng. Sự phân rẽ ý kiến trở thành câu truyện đường phố nơi người dân Hà Nội.
Nhưng nói chung, thành phần trí thức, có hiểu biết thường ngả theo Liên Xô.
Tuy nhiên, cái trục chính xoay quanh những tranh luận thời bấy giờ là vấn đề chiến tranh hay hòa bình. Khrushchev thì chủ trương sống chung hòa bình giữa các nước có chế độ chính trị khác nhau.
Vấn đề đánh hay không đánh miền Nam trở thành vấn đề quan trọng số 1 cho đường lối chính trị của Hà Nội: Đánh để giải phóng hay đấu tranh hòa bình. Phe thân Liên Xô không muốn phát động chiến tranh vì tốn hao xương máu của cải, tàn phá đất nước.
Trong số những người chủ trương không đánh có Võ Nguyên Giáp, Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Vịnh, Ung Văn Khiêm, Hoàng Minh Chính, Bùi Công Trừng. Ngoài Hoàng Minh Chính, Bùi Công Trừng bạo ăn bạo nói. Võ Nguyên Giáp, Hồ Chí Minh im lặng không dám công khai vì sợ bị chụp cho cái mũ “phản bội sự nghiệp giải phóng dân tộc.”
Trích tóm tắt bài viết Hồi Ức về cuộc khủng bố chủ nghĩa xét lại ở Việt Nam, Lê Xuân Tá, Diễn Đàn số 27(2-94), Trích lại trong Chia Tay ý thức hệ, Hà Sĩ Phu.
Hiện tượng im lặng trước đây nó giống như cách điều hành trong nội bộ Trung ương đảng hiện nay trong vụ xử án 4 thanh niên trí thức mới đây. Theo ông Nguyễn Ngọc Giao, Diendan forum thì có 15 vị trong Trung ương Đảng. Nhưng chỉ có ba người là quyết định phải xử “bọn 4 tên”. Đó là các ông Nông Đức Mạnh, Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng. Có 4 ông chống đối đưa họ ra xét xử là: Nguyễn Minh Triết và 3 người khác giấu tên. Còn lại đa số 8 ông không bỏ phiếu. Có nghĩa là không đồng ý đem họ ra xét xử, nhưng nhát sợ không dám lộ mặt thật ra chống đối.
Im lặng như thế gián tiếp nuôi dưỡng sự trấn áp bạo lực.
Cuối cùng chỉ cần ba người trong số 15 người đã đủ để đưa những nạn nhân như Nguyễn tiến Trung nhận lãnh án tù từ 5 năm trở lên.
Câu chuyện xưa và câu chuyện nay xảy ra gần như cùng một bài bản. Kẻ nào mạnh ăn nói, kẻ đó có quyền.
Phe bên kia có Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Bề ngoài, họ có “chính nghĩa” hơn. Và họ đã thắng ở Đại Hội 3. Cái ghế Tổng bí thư đáng lẽ nằm trong tay Võ Nguyên Giáp nay lọt xuống Lê Duẩn. Giả dụ rằng Võ Nguyên Giáp ngồi vào cái ghế Tổng Bí thư thì sự thể hôm nay sẽ như thế nào? Nhưng lịch sử không bao giờ có chữ nếu.
Ngoài Lê Duẩn còn có thêm vào đó những kẻ hung hăng khiến mọi sự cứ thế trôi theo ý đồ của Lê Duẩn, Lê Đức Thọ. Đó là Tố Hữu, Hoàng Tùng, Lưu Quý Kỳ góp thêm tiếng hô hào và chửi rất to mồm.
Chưa kể Lê Duẩn thả những bọn cò mồi, bọn “chó ngao” như Lê Duy Văn sủa theo ý chủ.
Lê Duẩn càng ngày càng tỏ ra có thế mạnh, trở thành một thứ Hồ Chí Minh ở miền Nam Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại sẽ thấy một cách chua chát là từ khi thành lập đảng Cộng sản Việt Nam đến nay, Việt Nam không có đường lối, chính sách riêng. Họ phải nương theo đường lối chính trị của các đảng Cộng sản đàn anh.
Những người cộng sản Việt Nam đầu tiên như Trần Phú, Hồ Chí Minh đương nhiên hướng về Liên Xô như Thánh địa của chủ nghĩa Mác-Lê nin Hô Chí Minh có sang Tàu thì cũng làm việc theo lệnh của Borodine. Nhưng Hồ là người khôn ngoan thấy rằng muốn thắng được Pháp thì không thể không dựa vào Moscow và Bắc Kinh. Khi Mao Trạch Đông thống nhất được nướcTàu thì Hồ Chí Minh cho Mao Trạch Đông hiểu rằng, chính quyền cộng sản Hà Nội sẵn sàng rập theo khuôn mẫu của Bắc Kinh.
Việc cải cách ruộng đất là một bằng chứng hùng hồn.
Điển hình của các tranh chấp nội bộ là vụ Hoàng Văn Hoan, nguyên phó chủ tịch quốc hội, một đồng chí thân cận của Hồ Chí Minh bỏ đi cùng với gia đình qua ngã Pakistan vào tháng 7/1979.
Đó là một đòn giáng mạnh vào nội bộ cho thấy sự phân rẽ giữa những kẻ theo Tầu và kẻ theo Nga.
Hoàng Văn Hoan sang Trung Quốc được tiếp đón như một quốc khách và cho xuất bản cuốn: Giọt nước trong biển cả (A drop in the ocean), trong đó tố cáo Lê Duẩn kẻ thù của chế độ với chủ trương chống lại Trung Quốc:
“Nhưng qua hơn 20 năm làm việc gần gũi với Lê Duẩn, tôi được biết rõ Lê Duẩn là kẻ âm mưu đặt lợi ích cá nhân và bè cánh trên lợi ích của dân tộc, đặc biệt là những năm trước và sau khi Hồ chủ tịch mất, tôi được biết những hoạt động xấu xa nguy hiểm của y, như việc choán quyền Đảng, việc xuyên tạc lịch sử, việc động viên toàn bộ lực lượng chống Trung Quốc và xâm chiếm Campuchia, là những việc phản chủ nghĩa Mác-Lênin, phản cách mạng, phản lợi ích dân tộc, tổ quốc.’’
Trích Giọt nước trong biển cả, Hoàng Văn Hoan, Chương Lời nói đầu.
Ngày 10-7-1980, Lê Duẩn cho xử án vắng mặt Hoàng Văn Hoan với bản án tử hình.
Vũ Thư Hiên cũng mượn lời Nguyễn Trọng Luật nhận xét tương tự về Lê Duẩn như sau:
“Lê Duẩn là thằng nhiều tham vọng, điều này những ai từng gần hắn đều biết.”
Trích Đêm giữa ban ngày, Vũ Thư Hiên, trang 39.
Ở trong nước thì diễn ra những cuộc bắt bớ, thanh trừng nội bộ những người có bất đồng quan điểm với đảng cầm quyền.
Tại sao có những cuộc thanh trừng như vậy?
Thanh trừng là bởi vì chính quyền cộng sản không phải một xã hội dân chủ nên bất cứ ai không đồng ý kiến đều bị coi là phản động, phải khai trừ cách này cách khác. Hà Sĩ Phu nêu ra nhận xét, nhà nước XHCN dân chủ gấp triệu lần lại vướng mắc chính vấn đề dân chủ.
Vì thế, mỗi kỳ đại hội đảng lại xảy ra một cuộc tranh giành quyền lực. Phe đảng đấm đá nhau, tranh giành ngôi thứ.
Ngoài Bắc hàng lọat những lãnh đạo cao cấp bị bắt bị xử án, bị tù đầy, từng thời kỳ như Đặng Kim Giang, Vũ Đình Huỳnh, Hoàng Minh Chính, Lê Trọng Nghĩa, Tạ Đình Đề, Vũ Thư Hiên, đại tá Đỗ Đức Kiên, Phan Hoàng, Nguyễn Hiếu, Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh, Hoàng Thế Dũng, Nguyễn Kiên Giang, Quang Hân, Mai Lân, Mai Hiến, Định Chân, Trần Thư, Hữu Loan, Minh Giang, Quang Dũng, Trần Châu, Chu Ngọc, Hoàng Tích Linh, Tử Phác, Trần Dần, Phùng Quán, Hà Minh Tuấn, Sỹ Ngọc, Văn Cao.
Phía trong Nam có Tạ Bá Tòng, Nguyễn Hộ và một số đông nằm trong Câu Lạc bộ kháng chiến.
Và còn không biết bao nhiêu người khác. Kể sao xiết.
Và cho đến hôm nay, sắp sửa Đại hội Đảng , đã có bao nhiêu người đã bị bắt, bị giam cầm tù vì bất đồng chính kiến với đảng cầm quyền?
Kịch bản cũ lại tái diễn lại như cách đây nửa thế kỷ. Cái gì đã xảy ra trước đây thì nay xảy ra y như vậy.
Câu hỏi lớn bây giờ là liệu chúng ta có tìm ra giải pháp để ra khỏi cơn ác mộng Trung Quốc không? Những lời cảnh báo của giới trí thức, của các cán bộ đảng cao cấp chẳng biết đi đến đâu? Như mới đây Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh tố giác đảng Cộng sản đã cho Trung cộng, đài Loan thuê trong thời hạn 50 năm 264 ngàn hectares rừng. Những tin tức trên cho người dân có cảm tưởng đất nước nay không còn có khả năng quản lý được nữa.
Người ta đành chán nản nghĩ rằng đất nước này đã hết thuốc chữa. Và như thường lệ, người ta phải đợi câu trả lời sau Đại hội Đảng lần thừ 11 này xem ra làm sao.
© DCVOnline
No comments:
Post a Comment