Wednesday, January 27, 2010

USCIRF ĐỀ NGHỊ ĐƯA VIỆT NAM VÀO DANH SÁCH CPC

USCIRF đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách CPC
Khánh An, phóng viên RFA
2010-01-27
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/uscirf-recommendation-for-vietnam-to-be-put-again-in-cpc-list-KAn-01272010101135.html
Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn Giáo Quốc tế USCIRF vừa gửi một lá thư cho Tổng thống Barack Obama vào ngày 6/1 và phổ biến cho báo chí hôm 21/1, đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC.
Khánh An phỏng vấn Tiến sĩ Scott Flipse, chuyên gia phân tích chính sách của Ủy Hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế USCIRF, đồng thời là giám đốc chương trình Đông Á - Thái Bình Dương.

Gia tăng đàn áp

Trước hết, tiến sĩ Scott Flipse cho biết lý do mà USCIRF gửi bức thư cho Tổng thống Obama vào thời điểm này để đề nghị đưa Việt Nam vào lại danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo, tức danh sách CPC.
Tiến Sĩ Scott Flipse: Tổng thống và Ngọai trưởng sẽ quyết định những nước nào cần phải đưa vào danh sách những quốc gia cần được quan tâm đặc biệt, nghĩa là những quốc gia xâm hại đề tự do tôn giáo nhiều nhất. Chúng tôi gửi lá thư đi là vì quyết định sẽ được đưa ra trong vòng hai tháng nữa.
Khánh An: Thưa ông nghĩ như thế nào về phiên tòa xử các nhà họat động dân chủ gần đây. Phiên tòa vừa rồi có liên quan gì đến lá thư mà Ủy hội Tự Do Tôn Giáo gửi cho Tổng thống không?
Tiến Sĩ Scott Flipse: Ủy hội tin rằng những người đấu tranh cho nhân quyền, đặc biệt là những người như Lê Công Định, đã đấu tranh cho nhân quyền và tự do tôn giáo thì tất cả đều có liên quan đến vấn đề tôn giáo.
Chúng tôi tin rằng Lê Công Định bị kêu án và bị đàn áp một phần nguyên nhân là bởi vì anh ta đã đứng nhận tranh cãi cho một số trường hợp trong đó có Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài. Đó chắc chắn là những vấn đề có liên quan đến tôn giáo.
Khánh An: Thế còn những vụ việc gần đây về tôn giáo, đặc biệt là vụ giáo xứ Đồng Chiêm, ông đánh giá thế nào?
Tiến Sĩ Scott Flipse: Công giáo gặp nhiều vấn đề trong hai năm vừa qua liên quan đến chuyện tranh chấp đất đai. Bản thân vấn đề tranh chấp đất đai không liên quan gì đến tôn giáo, là phạm vi họat động của Ủy hội, nhưng những hành động đàn áp giáo dân thì thực sự khiến chúng tôi lo ngại.
Chúng tôi biết là Ngọai trưởng Hillary Clinton và ông Đại sứ Michael Michalak đã đưa vấn đề này ra và chúng tôi cho rằng cần phải lưu tâm đến vấn đề này khi Bộ Ngọai giao quyết định danh sách các nước cần quan tâm.

Cần phải quan tâm


Khánh An: Thưa tiến sĩ, những gì mà chính phủ Việt Nam đang làm hiện nay hoàn tòan giống với những chính phủ như Trung Quốc, Miến Điện đã làm đối với những người bất đồng chính kiến và họ đã chẳng gặp hậu quả gì. Ông có nghĩ rằng điều này sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho những chính quyền độc tài không?
Tiến Sĩ Scott Flipse: Lá thư mà chúng tôi gửi đến Tổng thống Obama đã đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC nhưng đồng thời cũng là một tín hiệu để nhắc nhở ông ủng hộ cho đạo luật về nhân quyền cho Việt Nam.
Thực ra vẫn có những hậu quả trong quan hệ Việt - Mỹ liên quan đến hành động của cả hai quốc gia. Chúng tôi nghĩ rằng cần phải xem lại các chính sách của Việt Nam bởi vì những chính sách của Hoa Kỳ về ngọai giao và thương mại (với Việt Nam) đã không có hiệu quả, không đem lại kết quả.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng trong quá khứ, khi Việt Nam nằm trong danh sách CPC thì điều này thực sự mang lại hiệu quả. Chính phủ Việt Nam đã quan tâm hơn và cải thiện một số vấn đề. Thế nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Bây giờ họ lại tiếp tục đàn áp.
Chúng tôi cho rằng danh sách CPC và đạo luật nhân quyền cho Việt Nam được thông qua sẽ mang lại những kết quả tích cực mà không gây tổn hại cho mối quan hệ giữa hai nước Việt - Mỹ.

Khánh An: Ông đánh giá thế nào về khả năng thành công của bức thư mà ông đề cập tới?
Tiến Sĩ Scott Flipse: Chúng tôi hòan toàn tin tưởng rằng danh sách CPC sẽ mang lại hiệu quả hiển nhiên như nó đã từng đem lại trước đây trong những năm từ 2004 - 2006. Khi chính phủ Hoa Kỳ can thiệp vào vấn đề này thì chính phủ Việt Nam cũng đã buộc phải can thiệp vào và nó đã tạo ra những bước chuyển biến tích cực trong vấn đề tự do tôn giáo nhưng chưa đủ.
Chúng tôi tin rằng công cụ mà chúng tôi đã đệ trình lên tổng thống sẽ mang lại kết quả cụ thể. Tôi nghĩ rằng có nhiều khả năng thành công. Ngay bây giờ, bà Ngọai trưởng đang xem xét những luận cứ từ cả hai phía xem nên hay không nên đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC.
Chúng tôi đang cố gắng để thuyết phục rằng danh sách CPC thực sự sẽ mang lại kết quả cho người dân Việt Nam, những người muốn có cả sự thịnh vượng và tự do hơn.
Khánh An: Giả sử chính phủ Việt Nam cử đòan đại diện đến tranh luận với Ủy hội về việc đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC thì ông nghĩ thế nào?
Tiến Sĩ Scott Flipse: Nếu chính phủ Việt Nam muốn tranh luận với tôi về vấn đề CPC, tôi sẽ rất vui lòng tranh luận với họ bất cứ lúc nào và bất cứ nơi nào.
Khánh An: Vâng, cảm ơn tiến sĩ Scott Flipse.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.


No comments: