Wednesday, January 27, 2010

"QUẦN CHÚNG TỰ PHÁT" BẠO HÀNH TRÊN INTERNET

“Quần chúng tự phát” bạo hành trên Internet
Trân Văn, phóng viên RFA
2010-01-26
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Hackers-continue-to-attack-many-Vietnamese-e-forums-TrVan-01262010195710.html
Đã có một số dấu hiệu cho thấy, việc sách nhiễu, giam cầm, kết án những cá nhân dùng Internet để bày tỏ ý kiến trái với quan điểm của chính quyền, liên quan mật thiết đến các cuộc tấn công những website Việt ngữ trên Internet.

Phong ba trên không gian ảo


Tuần trước, hai diễn đàn điện tử là X-cafe và Dân Luận cùng bị hacker tấn công. Những diễn đàn này hoạt động theo phương châm “Tôn trọng mọi ý kiến khác biệt”. Trong thông cáo gửi cho độc giả hôm 21 tháng 1, bộ phận quản trị hai diễn đàn điện tử vừa kể nhận định: “Không có gì ngạc nhiên khi cuộc tấn công này trùng vào thời điểm chính quyền Việt Nam xét xử bốn nhân vật bất đồng chính kiến: Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long.”
Cũng theo bộ phận quản trị X-cafe và Dân Luận, phương thức mà tin tặc sử dụng để tấn công các diễn đàn này vẫn là “tấn công từ chối dịch vụ”.
Về mặt kỹ thuật, “tấn công từ chối dịch vụ” là cách gọi việc tạo ra vô số lượt truy cập trong thời điểm nào đó, vào trang web hay dịch vụ web nào đó, khiến cho việc truy cập bình thường vào trang web hay dịch vụ web ấy tắc nghẽn, bởi toàn bộ hệ thống bị quá tải.
Theo bộ phận quản trị X-cafe và Dân Luận, trong ngày 20 và 21 tháng 1, đã có khoảng 40.000 địa chỉ Internet liên tục truy cập vào X-cafe trong cùng một lúc, khiến diễn đàn này tê liệt. Dân Luận cũng hứng chịu những đợt truy cập tương tự với số lượng chừng 1/10 của X-cafe.
Đáng lưu ý là hơn 90% các địa chỉ Internet tham gia cuộc tấn công X-cafe và Dân Luận xuất phát từ Việt Nam và đa số cùng dùng dịch vụ Internet do FPT, hoặc Viettel cung cấp.
Trong thời gian vừa qua, “tấn công từ chối dịch vụ” đã trở thành ác mộng với bộ phận quản trị nhiều trang web và diễn đàn điện tử Việt ngữ.
Hồi đầu tháng 12 năm ngoái, tin tặc đã mở những đợt “tấn công từ chối dịch vụ” vào một số trang web mà lúc ấy đang thu hút rất đông người Việt ở trong và ngoài nước cùng truy cập như: Bauxite Việt Nam, Talawas, Đối Thoại...
Trước nữa, tin tặc đã mở các cuộc tấn công tương tự vào những website của Tập hợp Thanh niên Dân chủ. Ở thời điểm đó, anh Nguyễn Kế Vũ – người chịu trách nhiệm quản lý và điều hành các trang web của Tập hợp Thanh niên Dân chủ cho biết: “Sau khi đã dò xét IP thì đó là tấn công từ Việt Nam. Kế Vũ có thể cung cấp được số IP của hacker. Cuộc tấn công xuất phát từ một người Việt Nam ở Đắk Lắk và sử dụng mạng Viettel là mạng của Quân đội.”

Tin tặc giống như “quần chúng tự phát”?

Sau những cuộc tấn công vừa kể, đến nay, phần lớn các trang web, diễn đàn điện tử bị tấn công vẫn còn đang trong tình trạng bị vô hiệu hoá. Có lẽ chỉ còn X-cafe hoạt động trở lại gần như bình thường. Các website của Tập hợp Thanh niên Dân chủ, hoặc Đối Thoại vẫn chưa thể hoạt động bình thường như trước. Ban Quản trị diễn đàn điện tử Talawas thì vừa thông báo rằng, các cuộc “tấn công tử chối dịch vụ” vẫn kéo dài từ tháng 12 năm ngoái đến nay, khiến diễn đàn này không thể hoạt động trở lại như đã dự định. Họ chỉ hy vọng “có thể hoạt động lại vào cuối tháng 1 năm 2010”.
Diễn đàn điện tử Bauxite Việt Nam cũng đang trong tình trạng tương tự. Dù bộ phận quản trị Bauxite Việt Nam đã bỏ các địa chỉ web cũ, tái lập diễn đàn ở bốn địa chỉ web mới, song Bauxite Việt Nam vẫn bị tin tặc săn đuổi, vô hiệu hoá ngay từ khi bắt đầu hoạt động trở lại.
Hồi thượng tuần tháng này, nhà giáo Phạm Toàn – một trong ba người sáng lập Bauxite Việt Nam kể: Bây giờ đang vất vả lắm, đang xô xát, cả bọn Tàu lẫn bọn ta nhưng bọn Tàu là chính. Nó tập trung để “crash down”, Nó cương quyết đánh tan. Nó dùng cái mẹo cho hàng triệu người truy cập vào.”
Đến cuối tuần vừa qua, Bauxite Việt Nam vẫn chưa thể mở cửa trở lại. Nhà giáo Phạm Toàn khẳng định: “Không ngừng! Không ngừng nghĩa là không bao giờ có thể chết được! Họ không làm gì nổi ai cả!”

Nhìn lại các cuộc tấn công, người ta chưa rõ vì sao tin tặc lại chỉ nhắm vào những trang web, diễn đàn điện tử vẫn được xem là những nơi chuyên chia sẻ thông tin, bày tỏ những ý kiến đa chiều, trong đó, có không ít thông tin bị chính quyền Việt Nam xem là cấm kỵ, cũng như có không ít ý kiến trái với quan điểm của chính quyền Việt Nam?
Người ta cũng chưa rõ tại sao tin tặc lại chỉ tấn công, chiếm đoạt quyền quản trị hay làm tê liệt các trang web, diễn đàn điện tử ấy vào những thời điểm được xem là hết sức “nhạy cảm”? Chẳng hạn như cuộc tấn công X-cafe và Dân Luận. Chúng diễn ra vào lúc chính quyền Việt Nam xét xử các ông: Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Lê Thăng Long. Hay cuộc tấn công trang web của Dòng Chúa Cứu Thế diễn ra vào thời điểm mà cuộc đàn áp giáo dân ở Đồng Chiêm, Hà Nội đang buớc vào giai đoạn được mô tả là “đỉnh điểm của sự thô bạo”.
Trước đây, khi trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Kế Vũ, tâm sự: “Điều đó vi phạm luật pháp Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế về xâm nhập, bảo mật. Tập hợp Thanh niên Dân chủ mong muốn là chính phủ Việt Nam tiến hành điều tra ngay vụ phá hoại này. Nếu chính phủ Việt Nam chấp nhận điều tra thì Kế Vũ sẵn sàng cung cấp địa chỉ IP của tin tặc.”

Đó cùng là suy nghĩ của một số thành viên trong bộ phận quản trị những trang web, diễn đàn điện tử đang là nạn nhân của các cuộc tấn công trên không gian ảo trong thời gian vừa qua.
So sánh mục tiêu và sự lộng hành của tin tặc đối với các trang web, diễn đàn điện tử trên không gian ảo, người ta thấy các cuộc tấn công có nhiều điểm tương đồng với những nhóm “quần chúng tự phát”, vẫn thường xuyên xuất hiện khi chính quyền không tiện xuống tay. Nạn nhân của tin tặc và “quần chúng tự phát” cùng là cá nhân hoặc những nhóm có phát biểu hoặc hành vi bị xếp vào loại “thiếu thiện chí, phá hoại công cuộc xây dựng đất nước, phá hoại khối đoàn kết toàn dân, chống phá chính quyền”.
Nếu “quần chúng tự phát” thường xuyên dùng phân trộn dầu nhớt để bày tỏ tình cảm, sự ủng hộ của họ đối với chính quyền, như những vụ việc đã từng xảy ra đối với cố giáo sư Hoàng Minh Chính, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, tượng Đức Mẹ ở Thái Hà, Hà Nội,... thì tin tặc cũng hành xử tương tự: Bôi bẩn các trang web, diễn đàn điện tử bằng hình ảnh khiêu dâm và những lời thoá mạ hết sức tục tĩu. Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, một trong những người quản trị trang web của Cao trào Nhân bản và Tập hợp vì nền dân chủ, kể về những gì tin tặc đã làm trên trang web của tổ chức này: “Môt số độc giả trong và ngoài nước báo cho chúng tôi biết là tin tặc đã phá hoại website của Cao trào Nhân bản và Tập hợp Vì nền dân chủ. Khi vào website này thì họ lại thấy những hình ảnh tục tĩu của một website dâm ô.”

Tương tự, nếu “quần chúng tự phát” thường xuyên tấn công gây thương tích, phỉ báng cả giới tu hành, trí thức lẫn thường dân như đã từng xảy ra tại Thái Hà – Hà Nội, Tam Toà – Quảng Bình, Bát Nhã – Lâm Đồng, Đồng Chiêm – Hà Nội,... thì tin tặc cũng hành xử y hệt như thế đối với nhiều trang web, diễn đàn điện tử vốn đã bị chính quyền dùng tường lửa để ngăn chặn dân chúng trong nước truy cập.
Một điểm tương đồng đáng chú ý khác là “quần chúng tự phát” và tin tặc có thể công khai thực hiện các hành vi vừa trái đạo lý, vừa vi phạm pháp luật hiện hành của Việt Nam nhưng vẫn bình an, vô sự.
Đến nay, tuy các hành vi mà “quần chúng tự phát” từng thực hiện ở nhiều nơi tại Việt Nam, có dấu hiệu phạm một hoặc nhiều tội, trong số các tội đã được quy định tại Bộ Luật Hình sự, như: “Gây rối trật tự công cộng”, “Cố ý gây thương tích”, “Phá hoại chính sách đoàn kết”, hoặc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, song chưa có ai trong số “quần chúng tự phát” bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đó là trong đời thực còn trên không gian ảo, tấn công, chiếm đoạt quyền điều khiển website nào đó, rồi xoá dữ liệu, thậm chí phát tán virus để xâm nhập các máy tính truy cập vào website ấy, là những hành vi mà tất cả các quốc gia cùng xem là tội phạm. Luật hình sự Việt Nam cũng vậy. Tuy cơ quan điều tra của nhiều quốc gia đã từng hợp tác để phối hợp thực hiện các cuộc điều tra, trừng phạt tin tặc song chính quyền Việt Nam chưa bao giờ có ý kiến về vấn đề này.
Phải chăng là vì thế mà đã có khá nhiều người nêu thắc mắc rằng, nên hiểu thế nào về sự đúng đắn và tính nghiêm minh của “pháp chế xã hội chủ nghĩa” (?).

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.


No comments: