Monday, January 25, 2010

BẢO THỦ HƠN. TẠI SAO ?

Bảo thủ hơn. Tại sao ?
Trần Khải
Đăng ngày 25/01/2010 lúc 02:32:33 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4536
Thấy rõ một điều hiển nhiên là chính phủ CSVN đang trở nên bảo thủ hơn. Tại sao lại đi ngược khuynh hướng đã diễn tiến nhiều năm qua, và đi ngược cả những lời cam kết với quốc tế?
Thực sự, chính phủ CSVN hiện nay không bận tâm chuyện đất nước đi về đâu, mà chỉ quan tâm về sự tồn tại của Đảng CSVN, và sau khi đồng hoá đảng với nhà nước, thì họ cũng tinh vi tiến hành đồng hoá quyền lợi đất nước với quyền lợi đảng.
Như thế, ai nắm quyền trong đảng, là nắm đặc quyền đặc lợi. Đó là lý do để họ căm thù những ai kêu gọi đa đảng, và mỗi khi gần Đại hội đảng là hàng loạt động thái phải diễn ra để tự chứng tỏ với nhau rằng mình là người bảo thủ nhất, là người bảo vệ quyền lợi đảng nhiều nhất, và là người xứng đáng nhất để được bầu lên chức cao hơn trong đảng.
Do vậy, cái gọi là nền kinh tế Việt Nam ở những tầng lợi nhuận nhiều nhất lại nằm trong tay các đảng viên và gia đình thân tộc của họ. Nền kinh tế như thế sẽ dẫn tới đâu, và bao giờ có thể tự sụp đổ? Và các thế hệ con cháu của họ sau khi du học Mỹ về nắm quyền có bao giờ ước muốn thiết lập dân chủ đa đảng cho VN hay không, khi họ phải chấp nhận chống lại cả những thế hệ cha anh của họ để xoá bỏ chế độ độc đảng?

Báo
Foreign Policy hôm 21-1-2010 có bài viết nhan đề “Vietnam’s New Money” (Đồng Tiền Mới của VN) cho thấy một viễn ảnh u ám của kinh tế và xã hội VN, khi các gia tộc CSVN chia nhau quyền lợi bằng các thủ đoạn trong bóng tối hệt như các phim hình sự mafia.
Bài báo viết rằng hầu hết những người chỉ huy kinh tế tư doanh hiện này là do đảng chỉ định, hay gia đình họ, hay bạn bè của họ. Như thế, giới thượng lưu CSVN đang biến chủ nghĩa tư bản VN trở thành một kinh doanh gia đình.
Một điển hình nêu trong bài báo là trường hợp một trong những người giàu nhất VN, ông Trương Gia Bình, chủ tịch công ty tin học lớn nhất VN, hãng FPT. Bình là chồng cũ của con gái tướng Võ Nguyên Giáp.
Một thí dụ khác là Đinh Thị Hoa, người VN đầu tiên tốt nghiệp MBA, cao học kinh doanh, tại Đại Học Harvard. Đầu thập niên 1990s, khi Ngân Hàng Thế Giới muốn kích động nền kinh tế tư doanh ở VN, mới cấp học bổng cho tuổi trẻ, trong đó có Hoa. Khi về VN, Hoa sử dụng kiến thức để lập công ty có tên là Galaxy, bây giờ sở hữu một hãng PR (tiếp thị quảng cáo), chủ hầu hết các hệ thống tiệm ăn kiểu Tây Phương tại VN, một rạp hát lớn ở Sài Gòn, và cả một hãng sản xuất phim ảnh. Trông thì đúng là mô hình kinh tế tư doanh thành công. Nhưng Galaxy là một trong nhiều công ty thuộc sở hữu của con cái các lãnh tụ đảng. Khi WB cấp học bổng cho Hoa, cha của Hoa là Thứ Trưởng Ngoại Giao.

Việc kết hợp tài sản của cả nước vào tay các gia đình quyền thế tại VN đang bóp méo nền kinh tế này: kinh tế sẽ đi theo ý muốn của một số ít người, chứ không đi theo nhu cầu của đa số dân. Và mạng lưới chủ nghĩa xã hội bè cánh chia chác kinh tế đang trở thành một đe doạ cho ổn định tương lai VN.
Do vậy, các đại hội đảng là dip các đảng viên phải ra sức tranh giành ghế, và cũng là để đưa người thân tín của mình vào các chức vụ quan trọng.

Đài RFI Pháp Quốc hôm 22-1-2010 trong bản tin nhan đề “Theo Human Rights Watch, Việt Nam coi thường các cam kết quốc tế khi kết án các nhà bất đồng chính kiến” đã loan tin:
“Trong phiên xử ngày thứ tư 20/1 vừa qua, luật sư Lê Công Định đã lãnh án 5 năm tù, còn thạc sĩ tin học và blogger Nguyễn Tiến Trung bị tuyên phạt 7 năm tù. Cả hai đều bị xử với tội danh '' hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, giống như nhà doanh nghiệp Trần Huỳnh Duy Thức, nhưng ông Thức bị kết án đến 16 năm tù. Bị cáo thứ tư là ông Lê Thăng Long thì lãnh án 5 năm tù.
Trong bản thông cáo, tổ chức Human Rights Watch cho rằng, khi cầm tù những nhà đấu tranh dân chủ ôn hòa, ''chính quyền Việt Nam rõ ràng là coi thường các cam kết về nhân quyền đối với ASEAN và với cộng đồng quốc tế''. Theo tổ chức này, thái độ ác cảm của Việt Nam đối với quyền tự do ngôn luận và các quyền căn bản khác không phải là một dấu hiệu tốt cho ASEAN mà Việt Nam kể từ nay nắm chức chủ tịch''...
Trong bản thông cáo, Human Rights Watch nhắc lại là trong năm 2009, hàng chục nhà hoạt đọng dân chủ, blogger, dân khiếu kiện về đất đai và thành viên các tổ chức tôn giáo không được công nhận đã bị bắt giam ở Việt Nam. Trả lời phỏng vấn ban Pháp ngữ đài RFI hôm nay, phát ngôn viên Human Rights Watch Reed Brody cho biết:
"Việc kết án này càng làm nổi bật thêm bầu không khí trấn áp đang tồn tại ở Việt Nam. Trong năm vừa qua, hàng chục nhà đấu tranh dân chủ, blogger, những công dân bình thường đã bị kết án tù chỉ vì bày tỏ ý kiến phản biện. Từ nhiều năm nay ở Việt Nam không có tự do chính trị. Sắp tới sẽ diễn ra Đại hội đảng cộng sản vào năm 2011, có thể người ta sẽ còn thấy chuyện bắt bớ và đàn áp những người bắt đồng chính kiến nhiều hơn...”

Thực ra, không chỉ ra sức đàn áp những người kêu gọi dân chủ đa đảng. Trong bất kỳ một biểu hiện nào có vẻ như trái ý nhà nước, dù ở Tu Viện Bát Nhã của Phật Giáo hay ở giáo xứ Đồng Chiêm của Công Giáo, các cấp đảng ủy đều xem như là cơ hội để chứng tỏ lòng trung thành tuyệt đối của họ với đảng và nhà nước. Bất kể bạo lực, đó là cơ hội vàng để lấy điểm trước kỳ đại hội đảng.
Nóí là “đảng và nhà nước” như đoạn văn trên mới viết, thực ra là đảng đã đồng hoá nhà nước vào với đảng. Thậm chí, cũng không buồn viết kiểu “nhà nước và đảng” làm gì. Bởi vì quyền lực đảng đã khai sinh ra nhà nước này. Đúng vậy, tiền của đảng còn nhiều hơn tiền của nhà nước.

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 19-6-2006, có nói về tài chính đảng:

“Chương XI: Tài chính của Đảng
Điều 46:
1.Tài chính của Đảng gồm đảng phí do đảng viên đóng, từ ngân sách nhà nước và các khoản thu khác...”


Nên thâý rằng, các đảng viên đóng thì không bao nhiêu, mà thực ra là đục khoét mới đúng. Còn “các khoản thu khác” mới là quan trọng, khổng lồ, và không bao giờ minh bạch với dân chúng, với nhiều triệu người đã góp xương máu để xây dựng nên chế độ này.

Nhà báo Bùi Tín trên trang blog viết riêng cho VOA ngày 21-12-2009 có bài nhan đề “Đây mới thật là 'quỹ trái phép' đáng xem xét” đã nói về ban tài chính đảng, trích như sau:
“...Tôi được biết việc này một cách ngẫu nhiên, trên chiếc chuyên cơ Il-18 cuối năm 1975, khi ngồi trong buồng VIP cùng vợ chồng ông Hoàng Quốc Thịnh, trước kia là bộ trưởng Bộ Nội thương, lúc ấy là trưởng ban Tài chính - Quản trị trung ương đảng. Vốn có tính tò mò của nhà báo tìm hiểu nhiều chuyện lạ, tôi gợi ý để vợ chồng ông Thịnh tự kể về biên chế, trách nhiệm, công việc rộng lớn, quan trọng, cực kỳ ghê gớm của cái ban siêu đẳng này.
Chuyện rất lạ, lôi cuốn, để đến nay sau hơn 30 năm, tôi còn như nghe lại rõ giọng nói như khoe của ông Thịnh, và thỉnh thoảng lời nhắc, thêm”dấm ớt" của bà Thịnh, vì bà cũng là cán bộ cao cấp - hàm thứ trưởng - của cái ban siêu đẳng này. Bà cho tôi biết”chị Nguyễn Khánh cũng là cán bộ cấp cao, vụ trưởng vụ kế toán của Ban"; chị Nguyễn Khánh đây là vợ ông Nguyễn Khánh, lúc ấy là phó thủ tướng, 1 trong 8 phó thủ tướng khi ấy.
Ông Thịnh kể cho tôi, rằng” phụ giúp trong trách nhiệm nặng nề của ông có 9 phó ban, đều hàm thứ trưởng, mỗi phó ban đảm nhận một phần việc: tài chính - ngân sách - kế toán của ban; bất động sản của đảng: nhà cửa, trụ sở, nhà khách, nhà nghỉ, đất đai, rải ra khắp nơi, tập trung ở Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Nha Trang, Đà Lạt, Sài Gòn, Vũng Tàu...; các cở sở kinh doanh công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, thủ công nghiệp, xuất nhập khẩu, tuyên truyền, văn hoá riêng của đảng. Quan trọng nhất có những thửa ruộng đặc biệt trồng cây thuốc phiện ở Lạng Sơn, Lai Châu; những thửa ruộng trồng lúa nếp cái hoa vàng, lúa tám thơm ở ngoại thành Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình; trại nhãn và nuôi ong ở Hưng Yên; các cửa hàng cung cấp đặc biệt, bán hàng riêng cho uỷ viên trung ương, ban bí thư và bộ chính trị; toà soạn tạp chí Cộng sản, toà soạn báo Nhân Dân, toà soạn báo Tiền Phong của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Sự Thật, Nhà in báo Nhân Dân; các trường Nguyễn Ái Quốc từ huyện, tỉnh đến trung ương), hệ thống giao thông vận tải của đảng (các bãi xe, xưởng sửa chữa, ôtô, xe tải, tàu thuyền, môtô của đảng).
Lại có riêng một vụ chuyên trách về hoạt đông kinh tế - tài chính của đảng ở nước ngoài, thu nhập và gửi tiền ngoại tệ của đảng, góp vốn đầu tư của đảng, quản lý tiền chứng khoán của đảng ở nước ngoài...”


Quyền lực và tài sản là động cơ phía sau của tất cả các chuyện đàn áp các nhà dân chủ và các biểu hiện tôn giáo “lệch hướng” hiện nay: các quan chức cần tranh đua nhau trước đại hội đảng.
Biểu hiện này còn thấy rõ khi trao các quyền lực kinh tế cho quân đội. Vai trò đầu tàu trao cho các tập đoàn kinh tế Nhà nước, và đặc biệt thiết lập tập đoàn kinh tế từ các công ty hiện do quân đội CSVN kinh doanh, lý do là để tìm sự trung thành tuyệt đối từ các sĩ quan Bộ Quốc Phòng, khi biến các sĩ quan thành các giám đốc công ty.

Một điển hình: Thiếu tướng CSVN Hoàng Anh Xuân - Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel - giải thích với báo Lao Động ngày 12-1-2010 là: “vừa phục vụ đời sống xã hội, phát triển kinh tế, đồng thời cũng là mạng lưới thông tin quân sự, cần phải đảm bảo tính chủ động, bí mật và an ninh quốc gia”.
Như thế, làm sao các sĩ quan cấp úy, tá ở cấp dưới có thể dám tố cáo ông Tướng Tư Lệnh Tập Đoàn Kinh Tế tham nhũng?

Báo Công An Nhân Dân, ngày 17-1-2010, trong bản tin nhan đề “Phát huy vai trò đầu tàu tập đoàn kinh tế Nhà nước” đã cho biết về hướng quốc doanh chủ đạo:
“Ngày 16/1, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã tổng kết công tác năm 2009 và triển khai kế hoạch nhiệm vụ công tác năm 2010. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã biểu dương và hoan nghênh những thành tích mà PVN đã đạt được trong năm 2009… Phó Thủ tướng nêu rõ: Năm 2010 là năm bản lề của kế hoạch 2006-2010 và là năm tạo tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch 5 năm tiếp theo, với vai trò là tập đoàn kinh tế Nhà nước đầu tàu đóng góp khoảng 18% GDP và 25% ngân sách quốc gia, PVN cần phải rà soát, bổ sung chiến lược phát triển (bao gồm quan điểm, định hướng và mục tiêu phát triển) của toàn tập đoàn theo hướng thích nghi với giai đoạn mới kể cả trong trung hạn và dài hạn...”
Như thế, kinh tế tư doanh sẽ bị sức ép lớn, kể cả ở dài hạn.

Chỉ nói riêng về các trạm xăng thôi, Ban tài chính đảng cũng thò tay vào. Nghĩa là, góc phố nào cũng thấy đồng tiền nằm trong tay của đảng. Bản văn nhan đề “Đánh Giá Thực Trạng Kinh Doanh Xăng Dầu Trên Địa Bàn Tỉnh Đồng Nai Thời Kỳ Đến Năm 2002,” đăng ở trang Đồng Nai nói riêng về các trạm xăng ở tỉnh Đồng Nai, cho thấy:
“…Đối tượng kinh doanh xăng dầu:
Hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn rất đa dạng gồm mọi thành phần kinh tế tham gia, bao gồm các thương nhân đăng ký kinh doanh theo các loại hình: doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp nhà nước trung ương-địa phương, doanh nghiệp thuộc tài chính Đảng, các chi nhánh của doanh nghiệp ngoài tỉnh và các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Quân đội.
Mạng lưới kinh doanh, tiêu thụ:
Tổng số các điểm kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến ngày 31/12/2002 với tổng số là 224 trạm xăng dầu bố trí trên địa bàn Thành phố Biên Hòa và 8 Huyện (trong đó: 217 điểm nằm trong mạng lưới qui hoạch, 07 điểm thuộc quân đội đang chờ xử lý vì chưa đủ điều kiện trở thành thương nhân).
Phân chia theo loại hình doanh nghiệp như sau: doanh nghiệp nhà nước là 32; công ty cổ phần là 14; doanh nghiệp thuộc tài chính Đảng là 21; quân đội là 11; công ty trách nhiệm hữu hạn là 28; doanh nghiệp tư nhân là 118…”

Như thế, Đảng CSVN trở thành một vị vua nhiều quyền lực hơn các vua trước giờ trong lịch sử, và với mạng nhện bạo lực cấu kết với xã hội đen nên tự biến thành một siêu đảng mafia, nơi quyền lợi ban phát là tuỳ theo mức độ côn đồ...

Bên trong thì như thế, bên ngoài là đàn anh Phương Bắc thò tay vào. Đất nước sẽ đi về đâu?

Trần Khải

© Thông Luận 2010



No comments: