Tuesday, October 20, 2009

Về THƯ THỈNH NGUYỆN trong vụ BÁT NHÃ


Bốn trăm quả chuông BÁT NHÃ
Hoàng Hưng
Cập nhật : 20/10/2009 20:17
http://www.diendan.org/viet-nam/bon-tram-qua-chuong/
Bốn trăm “quả chuông Bát Nhã” là nói 400 tiếng người gióng lên từ câu chuyện Tu viện Bát Nhã. Tuy câu chuyện còn được viết tiếp, cái hậu của chuyện thế nào còn tùy thuộc các đồng tác giả của nó – ở nhiều phía, trong đó có những người đã lên tiếng về nó, và như thế cũng đã trở thành một phần của câu chuyện.
Hôm nay, sau khi lá
Thư Thỉnh nguyện với trên 400 chữ ký đã được gửi tới những người lãnh đạo cao nhất của Nhà nước Việt Nam, tôi ngồi nghĩ lại một số chuyện xung quanh lá Thư.
Đầu tiên là những trách cứ hay nhẹ hơn là băn khoăn từ một số bạn bè trong giới cầm bút nhắn gửi tới người khởi thảo hoặc được công khai trên mạng.
Những ý kiến cho rằng dùng tiêu đề “Thư Thỉnh nguyện” là bất xứng, là yếu ớt, nó cần mạnh mẽ hơn, ít ra phải là “Kiến nghị”, nếu không là một bản “Tuyên bố của công dân”. Và cho rằng chính vi sự yếu ớt ấy mà không ít người không muốn ký vào Thư, trong khi hoàn toàn đồng ý với nội dung của nó.

Cho đến lúc này, tôi vẫn thấy dùng hình thức “thỉnh nguyện” là hợp tình, tuy có thể chưa hợp lý. Có lẽ vì, giống như nhiều người Việt, tôi vẫn còn tin rằng trong điều kiện đất nước chưa có một nền pháp trị đúng nghĩa, thì nhiều trường hợp “một trăm cái lý không bằng một tý cái tình”; hơn thế nữa, chuyện của các tu sĩ Bát Nhã đối với rất nhiều người trong nước là một chuyện khó hiểu, phức tạp – ít ra là ở thời điểm họ nhận được Thư, cho nên lên tiếng vì cái “tình” đối với 400 con người đang lâm nạn thì họ dễ sẵn sàng hơn là “đấu lý” trong một tư thế “châu chấu đá xe” và trong một hoàn cảnh thông tin bị bưng bít chưa từng có.
Điều này có lẽ đã chứng tỏ khi lá Thư ngay từ ngày đầu đã nhận được những tên tuổi lớn trong giới khoa học và văn nghệ, những người chưa từng tham dự bất cứ cuộc bày tỏ tập thể nào trước chính quyền.

Chẳng phải cái “tình” đối với 400 tu sĩ và tu sinh trẻ tuổi khiến họ thay đổi thái độ như thế sao? Cũng như từ một số nhà bất đồng chính kiến, những người thậm chí vẫn thường công khai bác bỏ tính chính danh của nhà cầm quyền, nhưng giờ đây lại sẵn sàng “hạ mình” thỉnh cầu các vị ấy. Chẳng phải cái “tình” đối với 400 tu sĩ và tu sinh trẻ tuổi khiến họ thay đổi thái độ như thế sao? Điều này càng ý nghĩa khi tên họ đứng cùng với tên của gần 20 cán bộ cách mạng và đảng viên Cộng sản lão thành.
Nghĩ cho cùng, điều những người ký tên vào Thư này đồng lòng gửi gắm qua Thư là thúc đẩy việc tìm ra một giải pháp thực tế để bảo vệ, trước hết là sự an toàn cho các tu sĩ, sau đó là nguyện vọng tu tập của họ, chứ không phải gì khác.

Một số hãng thông tấn và đài, báo nước ngoài khi phỏng vấn một số nhân vật ký tên vào Thư, trong đó có bản thân tôi, đều đưa câu hỏi: “Ông có phải là Phật tử không?” Câu trả lời đều là “Không”. Câu trả lời ấy nói lên được tinh thần của đại đa số người ký tên. Trong con số trên 400 người Việt Nam, chỉ có 56 người ký với tư cách Phật tử, bên cạnh đó là gần 20 tín đồ và linh mục Công giáo1. Thư Thỉnh nguyện không có động cơ tôn giáo, mà ở đây là tình người, nghĩa đồng bào, mối ưu tư về quyền con người, quyền công dân bị tước đoạt, mối đoàn kết toàn dân bị phá vỡ, pháp luật bị chà đạp, cái ác, cái hạ cấp lên ngôi – những điều đang tàn phá chưa từng có nền tảng tinh thần của tòan xã hội, nền tảng đạo lý của dân tộc mà hậu quả chưa biết đến bao giờ mới khắc phục được.

Không ít người tỏ ra nghi ngờ tác dụng thực tế của lá Thư. Chúng ta cần ghi nhận rằng đã có những động thái về phía những cơ quan trách nhiệm. Điều đầu tiên, có lẽ nó đã giúp 400 tu sĩ vừa chạy nạn đến chùa Phước Huệ không bị trục xuất lập tức theo lệnh của chính quyền sở tại. Rồi đã có những phái đoàn đến thăm hỏi nguyện vọng của họ. Đã có sự đình hoãn ngày “giải tán”. Đã có phát ngôn chính thức của chính quyền với công luận, ý kiến chính thức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với việc bạo hành ở Tu viện Bát Nhã, dù nội dung phát ngôn hay ý kiến ấy làm chúng ta buồn lòng hoặc chưa tán thành. Phải chăng chí ít thì Thư đã góp một chút thủy lực vào dòng thác công luận làm nhúc nhích khối đá ù lì? Đá đã nhúc nhích, tức là đá sẽ phải dịch chuyển.

Tất nhiên những đáp ứng quá khiêm tốn ấy còn lâu mới thỏa mãn chúng ta, nhất là ở điều thỉnh cầu đầu tiên: “Cho lập ngay một Ủy ban điều tra cấp Nhà nước về vụ Bát Nhã, có sự tham gia của các đoàn thể quần chúng và một số nhân sĩ trí thức độc lập” và cuối cùng: “Khuyến khích giới truyền thông tiếp cận thực tế và thông tin cho toàn dân biết sự thật về những gì đã và đang xảy ra về vụ Bát Nhã”. Vì chúng ta tin rằng, chỉ có trên cơ sở công khai minh bạch toàn bộ sự thật về vụ Bát Nhã, chính quyền mới có thể khiến công luận trong ngoài nước “tâm phục, khẩu phục”.

Dẫu sao, như trong Cáo bạch về việc ngưng nhận chữ ký đã nói, ta có quyền “hy vọng trên 400 tiếng nói chân thành của chúng ta sẽ hoà thành hồi chuông giục giã các vị lãnh đạo Nhà nước tìm ra giải pháp công bằng cho nguyện vọng của các tu sĩ Bát Nhã được tu hành theo con đường mà họ đã lựa chọn”. Và may chăng từ đó rút ra bài học về ứng xử cần phải có đối với những cách nghĩ, những niềm tin “khác” trong nhân dân của mình.

Hy vọng có thành sự thật không, tôi không muốn phỏng đoán. Nhưng tôi muốn nói đến một tác động khác của lá Thư mà tôi xem trọng có khi còn hơn những kết quả khiêm tốn có thể đạt được đối với chính quyền. Việc ký tên vào Thư bản thân nó đã tác động đến chính người ký tên. Xin hạn chế ở gần 200 người đang sống trong nước. Có một bạn viết cho người nhận chữ ký, tâm sự rằng: trước đây tôi rất sợ dính vào những chuyện như thế này, nhưng lần này tôi thấy mình không lên tiếng thì hèn quá, sẽ tự mình không chịu nổi chính mình. Xin thưa ngay rằng bản thân người khởi thảo Thư cũng đã có vài đêm trằn trọc trước lúc quyết định viết Thư. Tôi tin rằng không ít người khác cũng đã từng phải cân nhắc, phải đắn đo ít nhiều trước khi gõ phím ghi tên mình vào danh sách ký tên, trước khi click chuột để gửi đi.

Động tác ấy đối với chúng ta chính là giây phút vượt qua nỗi sợ vô hình lâu nay đã tạo nên hội chứng tinh thần trầm kha mà có người đặt tên là “chứng liệt kháng” của những con người lương thiện nhưng thấy mình quá nhỏ yếu trước cái xấu, cái ác đang vây quanh. Tiếng nói mà chúng ta cất lên hôm nay trước nhất là tiếng chuông tự thức tỉnh. Theo cách nói nhà Phật, đó chính là tiếng chuông “Bát Nhã”, tức là sự giác ngộ tự thân, sự rời bỏ bờ mê để sang bến tỉnh, sự quyết định dấn thân vì cái thiện.

Có một người Mỹ chưa hề quen biết, khi gửi mail ký tên vào Thư đã kèm một lá thư khác của chính ông. Thư nói về việc lên tiếng bảo vệ đồng loại. Lá thư kết thúc bằng câu nói của mục sư Martin Niemoller (1892 - 1984) thuộc Nhà thờ Tin lành Đức sống dưới chế độ Quốc xã, mà tôi xin dịch sau đây:
“Đầu tiên bọn Nazi đánh những người cộng sản, và tôi đã không lên tiếng, vì tôi không phải cộng sản. Rồi chúng đánh người Do Thái, và tôi đã không lên tiếng vì tôi không phải Do Thái. Rồi chúng đánh người hoạt động công đoàn, tôi không lên tiếng vì tôi không phải người hoạt động công đoàn. Rồi chúng đánh người Công giáo, tôi không lên tiếng vì tôi không phải người Công giáo. Thế́ rồi chúng đánh đến tôi… và đến lúc này, chẳng còn ai để lên tiếng cho ai nữa.”

Hoàng Hưng
TPHCM 18/10/2009

-----------------------------------------------------------------------
1Trong tổng số 411 người VN ký tên:
Sống ở nước ngoài: 222, trong nước 189.
Phật tử: 56. Công giáo: 18. Cán bộ cách mạng, đảng viên CS lão thành: 16
Học vấn (chỉ tính trong số người có kê khai về mục này): Trên Đại học (gồm cả giảng viên ĐH): 74. Đại học (gồm cả một số nhỏ sinh viên): 169
Làm việc trong các ngành Khoa học Xã hội Nhân văn: 102. Trong các ngành KH Tự nhiên, Kỹ thuật, Dịch vụ: 168

--------------------------------------

THƯ THỈNH NGUYỆN


No comments: