Friday, October 9, 2009

VỀ TÁC GIẢ ĐOẠT NOBEL V ĂN HỌC 2009


Về tác giả đoạt Nobel Văn học 2009
Lê Diễn Đức
Gửi tới BBC từ Warsaw
Cập nhật: 09:20 GMT - thứ sáu, 9 tháng 10, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture/2009/10/091009_herta_muller_profile.shtml
Giải Nobel Văn chương 2009 được trao cho nhà văn Đức, bà Herta Mueller (Herta Müller) người viết về những trải nghiệm trong chế độ cộng sản tại Romania.

Sinh ngày 17/08/1953 tại Banat, thuộc Nitzkydorf, Romania trong một ngôi làng đa sắc tộc nhưng với đa số người Đức, bà Mueller có cha là quân nhân trong lực lượng SS của Đức Quốc xã.
Sau chiến tranh, mẹ bà đã bị trục xuất đi lao động cưỡng bức tại Liên Xô cùng với những người Đức khác.
Sử dụng tiếng Đức từ bé và chỉ bắt đầu học tiếng Romania khi tới trường, bà nghiên cứu văn học Đức và chủ nghĩa lãng mạn tại Timisoara. Thời gian này bà tham gia nhóm văn sĩ Aktionsgruppe Banat, nơi bà gặp người chồng tương lai.
Năm 1976, bà làm công việc dịch thuật các văn bản kỹ thuật trong một nhà máy sản xuất máy móc. Năm 1979, vì từ chối hợp tác với Securitate (cơ quan mật vụ) của chính quyền cộng sản, bà bị mất việc. Bà kiếm sống bằng công việc trong nhà trẻ và dạy thêm tiếng Đức.

Thoát lưới kiểm duyệt
Năm 1982, bà qua được kiểm duyệt và cho ra đời cuốn tiểu thuyết đầu tay Niederungen (Vùng đất thấp). Sau khi công bố phiên bản đầy đủ vào năm 1984 ở Tây Đức, ra mắt công khai với tên Herta Mueller, bà bắt đầu giành được những giải thưởng đầu tiên và được thừa nhận là một tiếng nói mới trong văn học Đức.
Năm 1987, cùng với chồng là Richard Wagner, bà đã di tản được sang Tây Berlin, Tây Đức.
Tại đây, bà làm việc như là một nhà văn được hưởng quy chế định cư và làm giáo sư thỉnh giảng tại một số trường đại học ở Đức và ở nước ngoài, trong đó có Đại học Tự do tại Berlin, nơi bà hiện đang sinh sống.
Bà là dịch giả của rất nhiều tác phẩm trong hơn 20 thứ tiếng. Bà đã nhận nhiều giải thưởng văn học của Đức, trong đó có giải thưởng uy tín nhất – Giải Kleist và nhiều giải thưởng khác của nước ngoài.
Cuốn sách đầu tay Niederungen mô tả về cuộc sống tại ngôi làng Banat từ bối cảnh của một đứa bé, cái nhìn của nó, những cử chỉ và nỗi sợ hãi phải đương đầu với thế giới của người lớn, với sức mạnh đứng trên đời sống và cái chết. Những bóng ma nguy hiểm như thường trực.
Con người có cảm giác bị đóng cửa trong cơn ác mộng không lối thoát. Bà là nhân chứng của một thế giới bị thống trị bởi hận thù và đối xử tàn ác, vô cảm với các nghi lễ và chuẩn mực trong chế độ cộng sản độc tài Ceauşescu. Cộng đồng này bị cấm đoán mọi tập quán truyền thống, bị rẻ rúng như một thứ nô lệ, cá tính bị tiêu diệt. Thành phố mà trong đó mọi thứ đều do Nhà nước và Đảng quyết định đã tạo nên những chuỗi dài không dứt của sự đàn áp và kiểm soát.
Mặc dù xa Romania đã hơn 20 năm, bà Herta Müller vẫn tiếp tục viết về chế độ độc tài cộng sản trong các cuốn tiểu thuyết khác và thơ của mình.

"Lựa chọn hoàn hảo"
Theo Thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển, ông Peter Englund, bà Herta Mueller là khuôn mặt của đạo đức và hoàn hảo với các tiêu chuẩn của Giải thưởng Nobel Văn học năm nay.
“Mặt khác bà là một tác giả tuyệt vời với cách sử dụng ngôn ngữ hết sức chuẩn xác” – Englund nói – “Sống trong một chế độ độc tài luôn lạm dụng ngôn ngữ, bà bị buộc vào sự hoài nghi mỗi khi cầm bút sử dụng từ ngữ”.
Cuốn tiểu thuyết mới nhất của bà, Atemschaukel, có lẽ được yêu thích hơn cả trong cuộc bầu chọn Giải Nobel Văn học kỳ này. Bà viết về một cậu bé bị cưỡng bức vào một trại cải tạo lao động nổi tiếng ở Ukraine, mô tả hoàn cảnh đáng sợ dành cho người Đức sống tại Romania bị xua đuổi qua đó.
Cuốn sách dựa trên thân phận bi kịch của những người Đức bị đày ải khổ cực và dựa trên câu chuyện do nhà thơ Oscar Pastior kể lại, một người cũng giống như Herta Mueller, thuộc dân tộc thiểu số Đức ở Romania. Thoạt đầu họ có ý định viết chung, nhưng không may, Oskar Pastior qua đời vào năm 2006. Atemschaukel như là một biểu tượng chia tay của bà với nhà thơ.
Với sự trải nghiệm quá lớn trong chế độ độc tài cộng sản tại Romania, bà Herta Mueller từng nói: “Tôi đóng dấu ấn lên quá khứ của mình và chúng ta hãy nhớ rằng chế độ độc tài vẫn còn là chủ đề hiện tại ở nước Đức”.

Người giành Giải thưởng Nobel Văn học được chọn bởi 18 thành viên của Viện Hàn lâm Thụy Điển. Có khoảng 200 đề cử trong năm được lập thành một danh sách bí mật. Người thắng phải nhận được hơn một nửa số phiếu bầu. Herta Mueller trở thành người chiến thắng thứ 106 của Giải Nobel Văn học.
Nhận được tin, bà Herta Mueller nói rằng bà không tin mình được nhận vinh dự to lớn như vậy và nói rằng, bà chẳng phải là ngôi sao và không muốn bị công luận làm phiền nhiễu mà chỉ muốn được làm việc bình thường, trong sự yên tĩnh.
Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel đã phát biểu trước công luận rằng, Giải thưởng Nobel Văn học dành cho nữ nhà văn Đức Herta Mueller thật ý nghĩa biết bao khi được trao đúng vào dịp 20 năm bức tường Berlin sụp đổ.
Bà là người Đức thứ 10 được trao giải Nobel Văn chương. Trước bà đúng 10 năm là nhà văn Guenter Grass, người sinh ra trong một gia đình thiểu số Đức-Ba Lan tại vùng nay là miền Tây Bắc Ba Lan.

Chúng ta hãy chờ xem báo chí và truyền thông Việt Nam đưa tin như thế nào về việc một nhà văn xuất thân từ Đông Âu, có những tác phẩm lên án sâu sắc và mãnh liệt chế độ cộng sản được tôn vinh với giải thưởng văn chương danh giá nhất hoàn cầu này.

Warsaw 8/09/2009

Nobel Văn học 2009 được trao cho Herta Müller, nhà văn chống độc tài cộng sản (RFI)

-----------------------------------------------

Báo NHÂN DÂN
Giải Nobel văn học 2009 thuộc về tác giả người Đức Herta Müller
Cập nhật 09:05 ngày 09-10-2009
http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=43&sub=134&article=158731
NDĐT- Đúng 18 giờ ngày 8-10 (giờ Việt Nam), Viện Hàn lâm Thụy Điển đã công bố giải Nobel Văn học năm 2009 thuộc về nữ văn sĩ đồng thời là thi sĩ người Đức Herta Müller.

Trên trang web chính thức
www.nobelprize.org của tổ chức, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã ca ngợi Herta Müller là “nữ tác giả, cùng với sự tập trung vào thi ca và bản tính bộc trực của những ánh văn xuôi của mình, đã và đang vẽ nên những bức tranh về những con người từng bị tước đoạt mất quyền sở hữu.”
Herta Müller Sinh ngày 17-8-1953 tại Niţchidorf, hạt Timiş, trong một gia đình nông dân người dân tộc Swab, thuộc Đức. Herta Müller đã tốt nghiệp đại học Timişoara chuyên ngành văn học Đức và văn học Ru-ma-ni.
Năm 1976, Müller bắt đầu công việc dịch thuật cho một công ty cơ khí, nhưng đến năm 1979, bà đã bị sa thải. Để kiếm sống bà đã xin vào làm giáo viên tiếng Đức tại một trường mẫu giáo. Cuốn sách đầu tiên của Müller được viết bằng tiếng Ru-ma-ni xuất bản tại Đức vào năm 1982, cuốn sách mặc dù khá chật vật mới đến được với người đọc, tuy nhiên nó đã ngay lập tức trở thành hiện tượng xuất bản trong thời ký này.
Năm 1987, Müller theo chồng rời khỏi nước Đức (?). Trong suốt những năm kể từ thời điểm đấy đến nay, bà đã trực tiếp giảng dạy tại rất nhiều trường đại học ở Đức cũng như trên toàn thế giới.
Ngoài phần thưởng gồm bằng chứng nhận của Ủy ban Nobel và kỷ niệm chương bằng vàng, Herta Müller còn nhận được một khoản tiền thưởng lên tới 10 triệu Cua-ron Thụy Điển (tương đương 1,3 triệu đô-la Mỹ).
Hồ Anh Quang
(Theo nobelprize.org, wikipedia.org)


Giải Nobel Văn học 2009 tiếp tục 'thiên vị' châu Âu VietNamNet
Nobel Văn học 2009: Vinh quang cho Herta Muller Tiền Phong Online
Nhà văn Đức đoạt giải Nobel văn học 2009 VNMedia
Nobel văn học 2009 thuộc về người Đức Dân Trí
Giải Nobel Văn chương 2009 về tay người Đức Thanh Niên
Giải Nobel Văn chương 2009 về tay nữ văn sĩ Đức Herta Müller Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Nobel Văn học 2009 gây tranh cãi Lao động ‎
Giải Nobel Văn học 2009 lại thuộc về châu Âu Báo Đất Việt ‎
Nobel văn học lại thuộc về một người châu Âu Sài gòn Giải Phóng ‎
Nhà văn Đức đoạt giải Nobel Văn học 2009 VNExpress ‎
Tiểu thuyết gia Herta Müller đoạt Giải Nobel Văn học 2009 XãLuận.com


Hiểu thêm về nữ văn sĩ đoạt giải Nobel văn học 2009
Herta Müller – Người tha hương
Ngày 09.10.2009 Giờ 14:29
http://www.sgtt.com.vn/detail46.aspx?newsid=57979&fld=HTMG/2009/1009/57979
Herta Müller - nhà văn người Đức, sinh tại Rumani năm 1953, vừa nhận được giải thưởng Nobel Văn học năm 2009 vì bà "nhờ tính cô đọng của thơ và tính thẳng thắn của văn đã vẽ nên phong cảnh của sự tha hương".

Nhật báo Süddeutsche Zeitung gọi bà là "nhà thực tế đầy chất thơ" trong khi bà hay được coi là "nhà thơ mang chất chính trị". Tuần báo Spiegel chạy tít bà nhận được giải Nobel cho "vở chính kịch cuộc đời mình". Bà được tôn vinh vì cách sử dụng ngôn ngữ đầy sáng tạo và mang chất riêng, "Người ta chỉ cần đọc nửa trang là biết đấy có phải là văn của Herta Müller hay không" - Peter Englund, người tuyên bố giải thưởng của viện Hàn lâm hoàng gia Thụy Điển nói.
Đề tài trong văn của Herta Müller là sự tha hương, đói, bị xa lánh, bị rượt đuổi trong những bức tranh gây ngạt thở và nhờ đó lại trở nên sống động. Những trải nghiệm của bà và gia đình dưới thời độc tài Ceausescu ở Rumani được bà dùng làm tư liệu cho các tác phẩm văn chương. Tiểu thuyết mới nhất Atemschaukel (2009, Rung rinh hơi thở) kể về một đề tài nhạy cảm: những người Rumani gốc Đức - như gia đình bà - bị đưa sang Liên Xô sau chiến tranh thế giới thứ hai. Cuốn sách nằm trong danh sách đề cử giải thưởng văn chương Đức năm nay sẽ được trao vào tuần tới tại hội chợ sách Frankfurt.

Ngay từ cuốn tản văn đầu tiên Niederungen (1984, Đất trũng), Herta Müller tả về cuộc sống nơi nông thôn của người thiểu số Đức ở Rumani, một cuộc sống không lấy gì lý tưởng dưới con mắt của một đứa trẻ. Bà chịu sự kiểm soát gắt gao của giới cầm quyền Rumani thời kỳ đó. Mãi tới năm 1987, bà cùng chồng được phép tới Tây Berlin và là nơi ở từ đó đến nay của bà.
Reisende auf einem Bein (1989, Người du hành bằng một chân) là tập văn xuôi đầu tiên bà viết về sự lạ lẫm ở ngay quê hương mới Tây Berlin. Cuộc sống trong một chế độ toàn trị là đề tài trong cuốn tiểu thuyết Der Fuchs war damals schon der Jäger (1992, Con cáo hồi xưa đã là kẻ đi săn rồi). Cuốn Herztier (1994, Thú tâm) kể về cuộc sống của những người đối lập tại Rumani.
Vào những năm 90, Herta Müller là một trong số các nhà văn đi vào các trại tị nạn tại Đức để đọc sách của mình nhằm phản kháng lại tình hình thù ghét người nước ngoài. "Tôi không thể lẩn tránh và cũng không thể tự dối lòng, mà phải đối mặt với những gì mình nhìn thấy", một phát biểu phù hợp với cách hành văn sắc sảo của bà.

Herta Müller hoàn toàn bất ngờ khi được tin mình nhận giải thưởng: "Tôi vẫn chưa thể tin được". Nhà văn Đức Günter Grass - người đoạt giải Nobel văn học năm 1999 chúc mừng bà, tuy rằng ông muốn nhà văn người Israel Amos Oz - nhân vật được dự đoán nhiều nhất về khả năng giành giải năm nay - được tôn vinh hơn.
Herta Müller là người phụ nữ thứ 12 và là người viết tiếng Đức thứ 12 nhận giải thưởng danh giá này. Nhà văn viết tiếng Đức gần nhất được tôn vinh với giải Nobel văn học là nhà văn nữ người Áo Elfriede Elinek năm 2004. Năm ngoái, giải thưởng Nobel Văn học cũng gây bất ngờ khi trao giải cho nhà văn Pháp Jean-Marie Gustave Le Clézio.
Giải Nobel Văn học 2009 trị giá 10 triệu Kronen Thụy Điển (hơn 25 tỉ đồng) sẽ được trao vào ngày 10.12.2009 tại Stockholm, Thuỵ Điển.
Mạnh Cường Vũ





No comments: