Saturday, October 3, 2009

TỪ SÀI GÒN ĐẾN KABUL


Từ Sài Gòn đến Kabul
The Economist
Đăng ngày 03/10/2009 lúc 10:09:31 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4188

Việt Nam ám ảnh Barack Obama trong việc định chính sách tại Afghanistan
Mao Trạch Đông gọi đó là loại chiến tranh trường kì; người Tây Ban Nha thời đánh nhau với Napoleon thì bảo đó là chiến tranh du kích; còn những cảm tử Muslim thì gọi đó là chiến tranh jihad (cảm tử). Có lẽ miêu tả đúng nhất cho loại chiến tranh nổi dậy này là “chiến tranh của loài bọ chét” mới phải, dựa theo nhan đề một quyển sách bàn về chiến tranh cách mạng, in năm 1965, của Robert Taber, một người chứng kiến sự thành công của Castro tại Cuba. Ông bảo rằng: “Quân du kích tham dự cuộc chiến của loài bọ chét, và dối thủ quân sự của họ phải lúng túng như mấy con chó: phải lo đối phó nhiều thứ quá, mà kẻ địch thì nhỏ tí xíu, khó mà chụp bắt chúng”. Cuối cùng, mệt quá, chó ta đành chịu chết hoặc chịu thua.

Điều này đã xảy ra cho quân Anh tại Palestine, Pháp tại Algeria, và mới đây là Mỹ tại Việt Nam. Cuộc tháo chạy bằng trực thăng khỏi Sài Gòn năm 1975 vẫn còn ám ảnh người Mỹ. “Việt Nam” đồng nghĩa với “sa lầy”, ý nói là một cuộc chiến không thể thắng. Rồi trải qua cuộc chiến tại Iraq. Nay lại đến Afghanistan. Tổng thống Barack Obama không muốn so nó với chiến tranh Việt Nam: “Ai mà bước hai lần qua cùng một dòng sông đâu!”. Nhưng xem ra chữ V [*] đang được chuộng.

Một sự kiện nổi bật mới đây nhất là sự vụ tại Hindu Kush, với khả năng tiêu hao quân nước ngoài còn cao hơn tại Đông Dương. Tổng thống Hamid Karzai, vừa bị tai tiếng qua cuộc bầu cử gian lận, nay đang ở chỗ đứng của Ngô Đình Diệm, ông Thủ tướng có thành tích trấn áp và tham nhũng, về sau lên Tổng thống. Tướng Stanley McChrystal (vừa nhận được 21000 quân Mỹ trong số 40000 cần thêm) nay đang ở vai trò Tướng William Westmoreland, là người trước đây cũng giải quyết mọi chuyện bằng cách thêm quân. Vai của ông Obama thì chưa biết rõ. Người ta đang kháo nhau: ông sẽ sắm vai John Kennedy (từ chối yêu cầu của giới tướng lĩnh xin gửi quân chiến đấu mà chỉ gửi cố vấn), hay là vai Lyndon Johnson (đã dấn vào cả không chiến lẫn bộ chiến mà sa lầy)?

Người trong cuộc phải đi thỉnh giáo, nhưng lời khuyên thì khá mơ hồ. “Những bài học từ một cuộc phá sản” của Gordon Goldstein kể câu chuyện về ông McGeorge Bundy, cố vấn an ninh thời chiến tranh Việt Nam về sau này từ bỏ chủ trương diều hâu. “Vì sao kinh nghiệm Việt Nam là đáng kể?” của Rufus Phillips cho rằng sai lầm của người Mỹ là đã chiến đấu thay cho miền Nam Việt Nam.

Phần đông thường cho rằng chiến tranh Việt Nam cho thấy sức mạnh phong phú của phương Tây đem sử dụng tại một xứ sở khác. Tư liệu từ thời chiến tranh thuộc địa đến thời chiến tranh can thiệp về sau này cho thấy ít có những chiến thắng vẻ vang. Đành rằng cũng có những thành quả từ các chiến dịch chống nổi dậy, đáng chú ý là của người Anh tại bán đảo Malaya vào những năm 1950, và của người Mỹ tại Philippines một thế kỉ trước đây. Ngay đối với chiến tranh Việt Nam, nhiều học giả cho rằng người Mỹ cũng đã thấy lối ra –tuy hơi muộn màng- cho cuộc chiến khác thường bao trùm cả các mặt chính trị, kinh tế và quân sự. Họ lập luận rằng Nam Việt Nam khá được ổn định sau Tết Mậu Thân; họ thua không phải vì có nổi dậy mà vì quân chính quy Bắc Việt, sau khi nỗ lực chiến tranh bị Quốc hội khoá lại. Mỹ không thua trận; họ mất ý chí chiến đấu.

Quân đội Mỹ nay đã rút ra những bài học -đúng hơn là rút tỉa lại- những bài học này, và đã gói gọn trong cẩm nang chống nổi dậy (COIN) FM 3-24, soạn thảo năm 2006. Để xua đuổi bóng ma Việt Nam, cẩm nang cho biết mục đích chính là bảo vệ người dân hơn là truy lùng quân địch. Những điều này được rút từ thành quả (hoặc là may mắn) tại Iraq. Ngay ông Obama khi cho rút quân khỏi Iraq, có vẻ như là ông thể hiện cùng một chủ trương mà ông gọi là “chiến tranh cần thiết” tại Afghanistan. Ông cho tăng thêm quân, chấp thuận kế hoạch chống nổi dậy “toàn diện” cho Afghanistan, và bộ nhậm Tướng McChrystal, ông tướng giàu kinh nghiệm từ chiến trường Iraq.

Nhưng rồi ông lại lưỡng lự. Ông tuyên bố là sẽ xem xét yêu cầu của tướng lĩnh xin tăng quân với chút “hoài nghi” dù rằng rồi điều đó cũng phải đến thôi, không có gì ngạc nhiên.

Muốn bảo vệ dân thì cũng cần nhiều binh lính tại thực địa. Tướng McChrystal muốn có khoảng 200 nghìn quân nhân Afghan – gợi nhắc đến nỗ lực “Việt Nam hoá chiến tranh” yểu mệnh của Hoa Kỳ trước đây.

Afghanistan không phải là Việt Nam
Tuy nhiên, so sánh Afghanistan với Việt Nam thì thật là khập khiễng. Hồi đó Việt Cộng được Bắc Việt hậu thuẫn toàn lực, lại được Liên Xô và Trung Hoa tiếp sức. Taliban nương náu an toàn tại Pakistan (và có lẽ từ một số đồng minh) nhưng họ không được một quốc gia nào hậu thuẫn. Quy mô rận chiến lýc này cũng rất nhỏ. Tại Việt Nam, Mỹ đã tổn thất hằng trăm máy bay và 55 nghìn quân nhân; ở Afghanistan Mỹ hầu như không chế bầu trời và chỉ tổn thất 850 quân nhân (bằng 1/5 tổn thất tại Iraq). Đồng minh NATO tổn thất 570 quân. Dư luận Mỹ xem ra nửa thuận nửa chống chứ không hẳn là chống hoàn toàn. Không hề nghe thấy tiếng chê trách là quân nhân Mỹ là những kẻ “giết trẻ thơ”. Kí ức về cuộc khủng bố 11/9/2001 do lãnh tụ al-Qaeda lúc đó trú tại Afghanistan hiện hãy còn khá mạnh.
Tuy vậy, trên một số mặt nào đó, bài học Việt Nam cần phải được nhắc lại. Để có thể thu phục lòng dân, rất cần một chính quyền có uy tín và có tính chính đáng của nó. Thế thì loại bỏ ông Kazai là chuyện phải lẽ. Nhưng cuộc đảo chính do Mỹ hỗ trợ đã giết ông Diệm đã chẳng có kết quả hay hớm gì. Ông Kazai có thể là lá bài nhảm nhí nhưn gdù sao thì cũng ít còn đỡ hơn lắm kẻ khác. Điều cần là người Mỹ phải thúc ông cải cách-hoặc ít nữa cũng phải làm sao cho khá hơn bọn Taliban mới được.
Cho nên có thể hiểu được rằng sự thận trọng của ông Obama nhìn thì có vẻ là yếu –đến nhà cựu lãnh đạo Pakistan, Pervez Musharraf, cũng bảo thế. Quanh co lẩn tránh chỉ càng khuyến khích dư luận hoàn nghi chính sách chống nổi dậy và kêu gọi rút quân khỏi Afghanistan, hoặc là giảm cường độ oanh kích và các cuộc truy kích lãnh đạo al-Qaida. Những tranh cãi ở Mỹ sẽ làm giảm nhuệ khí của đồng minh châu Âu trong việc lưu quân tại Afghanistan. Và sẽ làm cho Taliban hí hửng rằng sau tám năm bị bọ chét quất đảo, con chó Hoa Kỳ xem ra sắp lăn đùng ra rồi đây.

Nguồn:
The Economist, ngày 01/10/2009
Xuyến Như dịch
[*] V = victory (A)/victoire (P): chiến thắng

© Thông Luận 2009


No comments: