Tuesday, October 20, 2009

TRƯƠNG TẤN SANG nhảy lên VỊ TRÍ 2 trong BCT - ĐẢNG CSVN


Ông Trương Tấn Sang đã nhảy lên vị trí số 2 trong Bộ Chính Trị
Người Yêu Nước
19.10.2009
http://www.x-cafevn.org/node/2286

Cùng chủ đề:
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10

Trong Bộ Chính trị Đảng ta hiện nay, có 15 vị, thì có 5 vị cùng sinh năm 1949. Đó là ông Trương Tấn Sang, thường trực Ban bí thư, giống như chức Phó tổng bí thư. Ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng. Ông Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Công an. Ông Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng. Và ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Hà Nội. Năm 1949 là năm Kỷ Sửu, cầm tinh con trâu. Trong Bộ chính trị có 5 con trâu kéo cày, thì quả là khỏe. Cho nên Đảng ta chắc còn mạnh nhiều năm nữa. Ông Trương Tấn Sang, còn gọi là Tư Sang, nguyên là Giám đốc Sở nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, Thường vụ Thành ủy, thời ông Phan Văn Khải còn làm Chủ tịch thành phố, giai đoạn 1991-1996. Khi đó, ông Sang còn rất trẻ, chỉ hơn 40 tuổi.

Trong Khóa 6 Thành ủy TP Hồ Chí Minh 1996-2000, ông Sang làm Chủ tịch thành phố, rồi Bí thư. Khi làm Bí thư TP Hồ Chí Minh, ông Sang đương nhiên được vào Bộ chính trị, từ khóa Đại hội Đảng toàn quốc thứ 8 (1996-2001). Khi đó, ông Sang đứng thứ 14 trong Bộ chính trị.

Khóa 8 này, Bộ chính trị có tới 23 vị. Vì Bộ chính trị khóa 8 đông như vậy, nên cần có Thường vụ Bộ chính trị gồm 7 vị, bao gồm cả ông Nguyễn Tấn Dũng, khi đó chỉ là Trưởng Ban kinh tế trung ương. Ông Thủ tướng Phan Văn Khải, (làm Thủ tướng từ 1997 đến 2006), khi đó lại không được vào Thường vụ Bộ chính trị, chỉ là Ủy viên Bộ chính trị thường, vai trò kém hơn Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị. Sở dĩ có chuyện như vậy, là vì ông Nguyễn Tấn Dũng được ông Thủ tướng Võ Văn Kiệt (làm Thủ tướng từ năm 1992 đến 1997) đỡ đầu. Không có ông Kiệt đỡ đầu, thì ông Dũng không thể lên nhanh như diều như vậy được. Ông Kiệt đưa ông Dũng từ Bí thư tỉnh Kiên Giang ra Hà Nội, làm Thứ trưởng Bộ Nội Vụ (nay là Bộ Công an) hơn 1 năm, rồi đưa sang làm Trưởng Ban kinh tế Trung ương, để ông Dũng làm quen với việc quản lý kinh tế. Sau đó, ông Kiệt cố gài bằng được ông Dũng vào Thường vụ Bộ chính trị, vì ông Kiệt muốn đưa ông Dũng làm Thủ tướng, thay ông Kiệt vào năm 1997, khi ông Kiệt nghỉ hưu, chuyển sang làm Cố vấn. Thế nhưng kế hoạch của ông Kiệt không thành, nên vào năm 1997, ông Phó Thủ tướng Phan Văn Khải lên làm Thủ tướng, chứ không phải là ông Dũng. Rồi sau đó cơ cấu Thường Vụ Bộ chính trị cũng bị xóa bỏ. Mặc dù không thành, nhưng ông Kiệt cũng đưa được ông Dũng sang làm Phỏ Thủ tướng thường trực, để chờ thời. 10 năm sau, nguyện vọng của ông Kiệt đưa ông Dũng làm Thủ tướng mới thực hiện được, vào năm 2006.

Trở lại chuyện ông Tư Sang. Ông làm Bí thư Sài Gòn được gần 1 năm, thì ông Nguyễn Minh Triết, Bí thư Sông Bé được điều về làm Phó bí thư Sài Gòn, vào tháng 1 năm 1997. Khi ông Triết về Sài Gòn, thì tỉnh Sông Bé được tách ra làm 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Tỉnh Sông Bé thời ông Triết làm Bí thư đã có sự phát triển vượt bậc, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài. Sài Gòn dưới thời ông Sang làm Bí thư trì trệ bao nhiêu, thì Sông Bé phát triển rực rỡ bấy nhiêu. Khi đó, Sông Bé thu hút tới 70% vốn đầu tư nước ngoài, còn Sài Gòn chỉ được 30%. Cho đến bây giờ, tỉnh Bình Dương vẫn là điểm thu hút đầu tư nước ngoài mạnh hàng đầu của Việt Nam.

Chính vì lẽ đó, Trung ương dự kiến ông Triết sẽ lên làm Thủ tướng thay ông Khải, khi ông Khải nghỉ vào khóa Đại hội Đảng 9 năm 2001. Và bước đệm chuẩn bị nhân sự này, là đưa ông Triết về làm Phó Bí thư Sài Gòn, để lên làm Bí thư, sau đó ra Hà Nội làm Thủ tướng là vừa đẹp. Thế nhưng ông Sang biết là ra Hà Nội là tương lai của ông sẽ chấm dứt, nên ông lần lữa không muốn ra. Thế cho nên ông Triết đành phải ra Hà Nội làm Trưởng Ban dân vận Trung ương vào tháng 12 năm 1997, sau 11 tháng làm Phó bí thư Sài Gòn, để chờ thời.

Ông Sang kể cũng là người rắn đầu. Đầu năm 2000, ông Sang mới chịu ra Hà Nội, làm chân Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, để ông Triết quay lại Sài Gòn làm Bí thư. Vì ông Sang vẫn còn trẻ, nên không có cớ gì để đưa ông ra khỏi Bộ chính trị, nên vào Đại hội Đảng khóa 9, năm 2001-2006, ông vẫn là Ủy viên Bộ chính trị, ở vị trí số 10 trong 15 vị.

Trong suốt 6 năm làm Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương, người ta thấy ông Tư Sang đôi khi xuất hiện đi thăm đồng bào bị bão lụt. Hầu như chỉ có vậy. Cái chức vụ “hữu danh vô thực” đó, làm sao sánh được với khi ông còn làm vua ở Sài Gòn hoa lệ. Ông Sang bị mất uy tín nhiều, vì thời ông làm Bí thư Sài Gòn, để xảy ra vụ 5 Cam, và nhiều vụ bê bối khác, mà ông Triết phải là người dọn dẹp.

Ở Đại hội 10 năm 2006-2011, bầu Tổng bí thư không khó lắm, vì vẫn chỉ có ông Nông Đức Mạnh là có đủ uy tín. Nên ông Mạnh được bầu lại làm Tổng bí thư khóa nữa dễ dàng. Bầu Thủ tướng mới gay go. Ông Nguyễn Tấn Dũng mặc dù được ông Võ Văn Kiệt chuẩn bị khá kỹ càng, cho nắm đủ các chức vụ liên quan đến kinh tế, kể cả kiêm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong 2 năm 1998-1999, nhưng ông vẫn không có nhiều uy tín về khả năng lãnh đạo. Cho nên trước khi vào Đại hội 10 năm 2006, khóa Đại hội 9 phải có tới Hội nghị trung ương thứ 15 để thảo luận về nhân sự.

Một khóa Đại hội Đảng 5 năm, thường chỉ có 12 hoặc 13 Hội nghị Trung ương, mỗi năm 2 Hội nghị. Nhưng riêng Đại hội 9 (2001-2006) phải có tới 15 Hội nghị, để thống nhất chọn ông Dũng làm Thủ tướng cho khóa Đại hội 10 (2006-2011).

Trong tiến trình đấu đá nội bộ đó, tự nhiên ông Trương Tấn Sang được lợi. Tại Đại hội 10, ông Sang được giữ lại làm Ủy viên Bộ chính trị khóa nữa, và hơn nữa, lại được vào làm Thường trực Ban bí thư. Ông Sang ở giữa, chẳng vào phe nào, hơn nữa cái chức vụ Trưởng Ban kinh tế Trung ương cũng khó mà có thế lực để kéo bè kéo cánh. Thế cho nên ông Nông Đức Mạnh chọn ông Sang làm Phó cho mình. Tại Đại hội 10 năm 2006, ông Sang giữ vị trí số 5 trong Bộ chính trị. Trước đó, người tiền nhiệm của ông Sang là ông Phan Diễn, làm Thường trực Ban bí thư khóa 9, chỉ đứng số 7 trong Bộ chính trị.

Người giữ vị trí số 2 trong Bộ chính trị là ông Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Công an. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Đảng ta, ông Bộ trưởng Công an chiếm vị trí số 2 trong Bộ chính trị. Bình thường, vị trí trong Bộ chính trị là: số 1, Tổng bí thư. Số 2 là Chủ tịch nước. Số 3 là Thủ tướng. Số 4 là Chủ tịch Quốc hội. Sau đó là các vị trí khác, có thể thay đổi thứ tự.

Vào tháng 10 năm 2009, người ta thấy có sự thay đổi khá bất ngờ. Ông Sang từ vị trí số 5, nhảy vọt lên vị trí số 2 trong Bộ chính trị. Ông Nguyễn Văn Chi, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương, quê Đà Nẵng, từ vị trí số 12, nhảy vọt lên vị trí số 3. Còn Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từ vị trí số 3 xuống số 4. Thủ tướng Dũng từ số 4 xuống số 5. Ông Tô Huy Rứa, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương, mới được vào Bộ chính trị tháng 1 năm 2009, nay nhảy lên vị trí số 11, trên ông Hồ Đức Việt số 12. Và ông Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh từ vị trí số 2, rơi xuống vị trí số 8.

Rất có thể vào Đại hội 11 năm 2011-2016, ông Trương Tấn Sang sẽ làm Tổng bí thư, và ông Nguyễn Văn Chi, sinh năm 1945, đại diện miền Trung, sẽ làm Chủ tịch nước. Khi đó Thủ tướng chắc chắn phải là người miền Bắc, có thể sẽ là ông Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, hoặc ông Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải. Thường trực Ban bí thư có thể là ông Tô Huy Rứa, hoặc ông Hồ Đức Việt.

Mọi dự đoán trên cũng chỉ là tương đối.

Rất có thể đến phút thứ 89, các ẩn số cuối cũng mới xuất hiện. Đại hội 11 tháng 1 năm 2011 chắc chắn sẽ có nhiều bất ngờ.



No comments: