Friday, October 23, 2009

ẤN - TRUNG : LONG TƯỢNG TRANH HÙNG


Ấn - Trung: Long Tượng Tranh Hùng
M K Bhadrakumar
Asia Times Online 17.10.2009

Cymbidium, X-Cafe chuyển ngữ
23-10-2009
http://www.x-cafevn.org/node/2298

Yếu tố ngạc nhiên hầu như hoàn toàn không có khi Delhi ước đoán từ lâu là sớm hay muộn, Bắc Kinh cũng sẽ biểu lộ thái độ. Những lời chửi bới từ Ấn Độ trở thành chuyện hằng ngày và làm Bắc Kinh khó chịu. Trong vài tháng qua, khó có một ngày trôi qua mà những thành phần có ảnh hưởng của cộng đồng chiến lược Ấn Độ hay giới truyền thông bằng tiếng Anh, liên kết với giới kinh doanh Ấn Độ qua bảo trợ tài chính, không chìm đắm trong những chỉ trích thậm tệ về chính sách và hành vi của Trung Quốc đối với Ấn Độ.
Tuy nhiên vào ngày thứ Tư hôm 14 tháng Mười, 2009, thời điểm Trung Quốc bộc lộ những phản ứng tích lũy của mình là một điều đáng đặt câu hỏi. Bắc Kinh chọn một ngày thật đặc biệt trong lịch trình ngoại giao của họ để gióng tiếng khi Thủ tướng Vladimir Putin của Nga, Yousuf Raza Gilani của Pakistan, và Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Kurt Campbell đang chính thức thăm viếng Bắc Kinh. Thật ra, Campbell đến với một xứ mạng quan trọng là sửa soạn cho chuyến công du của Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đến Trung Quốc vào tháng tới.

Bắc Kinh đã nhấn mạnh rằng sự dấy động hiện nay của họ đối với Delhi xảy ra vì địa chính trị hơn là vấn đề song phương. Quả thật, lời bình luận trên tờ Nhân Dân Nhật Báo hôm thứ Tư vừa qua đã phải dùng đến ngôn ngữ chưa từng được nghe trong cuộc đối thoại giữa hai bên rặng Hy Mã Lạp Sơn trong nhiều năm qua.

Hôm trước đó, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc “mở màn” với hai lời phát biểu đăng trên bài xã luận của tờ Nhân Dân Nhật Báo. Lời thứ nhất chú trọng về chiến dịch báo chí Ấn Độ đả phá Trung Quốc gần đây và yêu cầu Delhi hãy “giúp khuyến khích sự hiểu biết lẫn nhau” hơn là đăng tải những bài viết về căng thẳng biên giới.

Lời phát biểu thứ nhì có tầm vóc hơn với lời nhắn rằng Bắc Kinh “rất không hài lòng” với cuộc công du cách đây hơn 10 ngày của thủ tướng Ấn Độ trong tiểu bang Arunachal Pradesh mà Trung Quốc tự nhận là lãnh thổ của họ. Phát ngôn nhân Trung Quốc tuyên bố “Trung Quốc và Ấn Độ chưa đạt đến một thỏa thuận chính thức nào về vấn đề biên giới. Để thuận tiện hóa sự phát triển lành mạnh trong mối giao hảo Trung-Ấn, chúng tôi yêu cầu bên Ấn chú ý vào những quan ngại nghiêm trọng và đúng đắn của bên Trung Quốc và đừng gây rối trong vùng tranh chấp.”

Ấn Độ đã có phản ứng ngay trong vài giờ sau đó từ cấp bậc cao nhất của cơ quan ngoại giao. Ngoại trưởng S M Krishna bác bỏ lời tuyên bố của Trung Quốc và nói “Bất luận mọi người nói gì, theo cương vị tiền định của chính phủ Ấn, Arunachal Pradesh là một phần đất gắn liền với Ấn Độ. Chúng ta ngưng tại đó.” Ông nói thêm là Delhi “thất vọng và quan tâm” về sự chống đối của Trung Quốc.

Bối cảnh ngoại giao rõ ràng đang bị kích động khi tờ Nhân Dân Nhật Báo tấn công. Phải nói là nó đâm toạc vào chính trị Ấn Độ. Bỏ qua những chi tiết, nó đã đụng đến đến điều mà Bắc Kinh cho là vấn đề nòng cốt, đó là sự ham muốn trở thành siêu cường của Ấn Độ, phát sinh từ mặc cảm sâu xa vì “trong suốt lịch sử, lúc nào họ cũng bị ngoại quốc đô hộ” và sự “coi thường và ngạo mạn” của họ đối với những quốc gia láng giềng. Bài bình luận nêu thêm “Giấc mơ siêu cường pha trộn với ý tưởng làm bá chủ đã đẩy quốc gia Nam Á to lớn này vào một vị thế ngượng ngịu và đưa đến những thất bại liên tiếp.”

Điều nổi bật của lời phê bình từ Trung Quốc là nó lặp lại những phàn nàn chung rất thường được nghe từ các quốc gia giáp ranh với Ấn Độ. Lời phê bình đó có ý định thành lập một mẫu số quan ngại chung giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng với Ấn Độ về làn sóng của chủ nghĩa quốc gia đang lên của Ấn Độ trong khoảng thập niên qua với những dấu hiệu không thích hợp cho sự hợp tác trong vùng. Bài bình luận viết “Mọi người đã thất vọng vì Ấn Độ theo đuổi một chính sách ngoại giao ‘xa làm bạn, gần làm thù’ … Ấn Độ, một quốc gia thề sẽ là một siêu cường, cần phải để mắt đến những mối quan hệ với các quốc gia hàng xóm và từ bỏ sự coi thường và ngạo mạn của họ trong khi cả thế giới đang trải qua những thay đổi thật lớn lao.”

Điều hầu như chắc chắn là Bắc Kinh đã thêm vào đó là hầu hết những láng giềng của Ấn Độ cùng lên tiếng về quan ngại tương tự và họ đang theo đuổi tình hữu nghị chặt chẽ với Trung Quốc hầu cân bằng thái độ họ cho là tự kiêu tự đại của Ấn Độ. Đúng vậy, bài bình luận đánh vào sự cô lập gần như hoàn toàn mà Ấn Độ hiện nay đang đối diện trong vùng Nam Á.

Điều thú vị là tờ Nhân Dân Nhật Báo đăng thêm một bài sau đó vào hôm thứ Năm, lần này họ cứng rắn bảo Delhi hai điều. Thứ nhất, Delhi đã tính toán sai khi cho rằng Trung Quốc có thể bị ép buộc phải dàn xếp biên giới với Ấn Độ qua chiến thuật áp lực. Bài báo khẳng định là tranh chấp biên giới có thể được dàn xếp, hoặc một bước tiến quan trọng đi đến giải pháp cuối cùng có thể đạt được nhưng “chỉ với điều kiện là cả hai quốc gia sẵn sàng giũ bỏ những hiểu lầm truyền thống đã ăn sâu vào xương tủy.”

Thứ nhì, bài bình luận cho là Delhi bị “mất phương hướng khi quyết định” vì cố giữ quan niệm là Hoa Kỳ đang xem Ấn Độ như là một cán cân thăng bằng với Trung Quốc. Ấn Độ cũng đang trở nên bị ảnh hưởng bởi một trò đánh lừa của Hoa Kỳ để “đẩy Ấn Độ ra xa Nga và Trung Quốc và cùng lúc đó nuôi dưỡng tham vọng của Ấn Độ muốn so cựa tay đôi với quân lực Trung Quốc bằng những thương vụ vũ khí béo bở với Ấn Độ.”

Điều quan trọng nhất, bài xã luận kết luận rằng Trung Quốc và Ấn Độ “sẽ không bao giờ là kẻ tử thù với nhau”, nếu hệ thống quyền lực của Ấn Độ và một “thiểu số cơ quan truyền thông vô trách nhiệm” không tự kềm chế, “một tai nạn hoặc chạm trán ở biên giới sẽ trở thành chiến tranh” mà không bên nào muốn xảy ra. Điều hiển nhiên là Bắc Kinh nhận ra là giới quyền lực Ấn Độ đã nhúng tay vào chiến dịch báo chí bôi nhọ Trung Quốc trong những tháng gần đây.

Những căng thẳng sẽ đi đến đâu là một chuyện khác. Hiện nay, điểm nóng càng nóng thêm khi chính phủ Ấn Độ chấp thuận cuộc viếng thăm của vị lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma đến tiểu bang Arunachal Pradesh vào tháng Mười Một. Nếu cuộc thăm viếng được tiến hành thì chắc chắn mối quan hệ Trung-Ấn sẽ đi đến tình trạng đông đá mà cả hai quốc gia có thể sẽ phải trải qua một thời gian dài trước khi được hâm nóng lại.

Điều kỳ lạ là sự kiện này sẽ xảy ra tại thời điểm khi tình hình chính trị trong vùng và tiến triển thế giới toàn diện sẽ trải qua giai đoạn thay đổi có tầm quan trọng rất sâu xa. Với thực tế hiển nhiên Trung Quốc là một thế lực quốc tế, Ấn Độ có thể đang tự dồn mình vào góc tường bằng cách tách ra khỏi thỏa thuận chung với Bắc Kinh đúng vào lúc chương trình nghị sự đầy ắp những vấn đề thế giới và an ninh vùng.

Ngược lại, nếu Delhi để tâm đến những nhậy cảm của Trung Quốc về cuộc hành trình của Đức Đạt Lai Lạt Ma vào tháng Mười Một, họ sẽ bị phía quốc gia chủ nghĩa Ấn kết án là lép vế dưới áp lực của Trung Quốc. Điều chẳng may là yếu tố đối đầu đang lẻn vào mối quan hệ Trung-Ấn, đi ngược lại với sự trưởng thành của mối quan hệ này trong thập niên vừa qua.

Tương tự, một câu hỏi hiện đang bao trùm lý do căn bản của Ấn Độ khi quốc gia này đón tiếp các bộ trưởng ngoại giao Nga và Trung Quốc trong vài tuần nữa trong khuôn khổ tam phương. Điều chắc chắn là sự quân bình trong khuôn khổ đã bị khuấy động. Nga và Trung Quốc đang phát triển hợp tác chiến lược mãnh liệt và mối giao hảo truyền thống giữa Ấn Độ với Nga đã yếu đi nhiều dưới sự lãnh đạo thiên Hoa Kỳ hiện nay ở Delhi , và ngày nay, quá trình bình thường hóa của Ấn Độ với Trung Quốc đang bị thoái trào một cách nặng nề.

Trong lúc đó, Nga đã bắt đầu một cố gắng quan trọng để điều hành một quỹ đạo tích cực cho quan hệ yếu ớt với Pakistan bằng cách lấp những chỗ trũng của lãng quên và đắp vào đó một số động lực. Dĩ nhiên, Trung Quốc lúc nào cũng hưởng “tình bằng hữu bốn mùa” với Pakistan.

Chính sách của Ấn Độ dựa trên giả thuyết là đụng chạm quyền lợi giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ không tránh được và việc Trung Quốc nổi lên như một thế lực toàn cầu là điều tất yếu, lúc đó Washington sẽ phải dùng Delhi để làm đối tượng quân bằng đối với Bắc Kinh xảy ra sớm hơn mọi người nghĩ. Chắc là Delhi đang lo lắng về chính sách vùng của chính phủ Obama, một chính sách không còn ban cho Ấn Độ vị trí sức mạnh tối quan trọng và đặt ưu tiên trên liên minh của Hoa Kỳ với Pakistan, kẻ thù chính của Ấn Độ.

Nhưng Delhi hy vọng là Obama cuối cùng sẽ nghe theo quyền lợi thương mại Hoa Kỳ và vì thế, Ấn Độ đang cầm lá bài cuối cùng trong thị trường bành trướng mà nó cống hiến nhiều cho thương mại Hoa Kỳ - không như Pakistan, một quốc gia giỏi nhất là một vỏ rỗng, hoặc tệ nhất là một nơi chất đầy phiền toái.

Nói cho gọn, người ta ước đoán Ấn Độ là quốc gia mua nhiều vũ khí nhất trên thế giới và một thị trường đáng giá 100 tỷ đô la đang mời mọc những nhà sản xuất vũ khí Hoa Kỳ khai thác - với điều kiện là Obama, với khả năng của ông ta, nghĩ ra nên phết bơ vào bên nào của lát bánh mì Nam Á. Delhi hy vọng trình bày cho Obama một chọn lựa hiện hữu tăng từng bước một qua một thành ngữ mà cơ sở chính trị Hoa Kỳ hoàn toàn thông hiểu, đó là quyền lợi thương mại của tập đoàn kỹ nghệ quân sự của họ.

Điều rõ ràng là những người vận động hành lang có thế lực bên Ấn Độ đang khuấy động một cuộc chiến sợ hãi và bài Trung Quốc. Báo Washington Post gần đây có bài phóng sự về những tai họa của những tai to mặt lớn Ấn Độ gồm những viên chức quốc phòng đã về hưu và nhân viên cao cấp trong chính phủ đại diện cho các nhà sản xuất vũ khí Hoa Kỳ dựa trên tiền hoa hồng. Đã qua rồi cái thời mà những sĩ quan từng đào tạo tại học viện quân sự Sandhurst về quê ở ẩn và trải qua những năm tháng còn lại trong đời với bàn cờ hoặc tản bộ và kể chuyện về chiến tranh cho khách đến chơi với ly rượu trong tay.

Thời nay, những người thông minh là những tướng tá về hưu và nhân viên chóp bu của chính phủ đóng đô ở ngoại ô Delhi mà một sớm một chiều đổi xác thành “chuyên gia chiến lược” và bắt đầu liên kết với vài viện nghiên cứu Hoa Kỳ trong khi tìm tòi cuộc đời mới làm đại lý hay trung gian hoa hồng với các hãng sản xuất vũ khí.

Tóm lại, hầu như chắc chắn là những nhà vận động hành lang này có thể hy vọng những cơn mưa móc lợi lộc qua căng thẳng Trung-Ấn. Nói cho cùng, không ai bào chữa về sự tối cần thiết của mối quan hệ Ấn-Mỹ. Giới thượng lưu chính trị Ấn Độ hiện nay không cần được chỉ bảo về chiều hướng này, nhưng cùng lúc đó, một mức độ chịu trách nhiệm trước công chúng đôi khi trở nên cần thiết. Tổ Chức Minh Bạch Thế Giới đã ban cho Ấn Độ giải thưởng là một trong những quốc gia tham nhũng nhất hoàn cầu và ai cũng biết là chương trình trang bị vũ khí của Ấn Độ là một cửa ngõ bao la để làm thất thoát tài sản quốc gia.

Nếu thị trường máy móc vũ khí của Ấn Độ đáng giá 100 tỷ đô la thì thật dễ hiểu là chuyến tàu béo bở đang chờ đợi nhóm thượng lưu Ấn Độ. Bài bình luận của tờ Nhân Dân Nhật Báo có thể đã vô tình phất cờ cho đoàn tàu rời bến. Đó chính là điều mà những người thượng lưu và tài phiệt Ấn đã mong đợi.

Hiện nay, mọi con mắt sẽ quay về cuộc viếng thăm Washington của Manmohan Singh, thủ tướng Ấn Độ vào tháng Mười Một. Obama tuyên bố Manmohan Singh sẽ là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên được vinh danh với một bữa quốc yến trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Người Mỹ đã có kinh nhiệm rất nhiều với lòng tự kiêu ngất trời như Hy Mã Lạp Sơn của người Ấn Độ và cho đến bây giờ họ dư biết chọc gãi sự kiêu căng đó bằng cách nào và ở đâu. Không những tầng lớp dân chúng Ấn trong nước mà còn cả người Pakistan, Trung Quốc, và Nga sẽ thích thú quan sát cách người Mỹ lèo lái giấc mơ mới mẻ đến người Ấn và gặt hái kết quả công lao của họ.

Đại Sứ M K Bhadrakumar là nhà ngoại giao chuyên nghiệp của Bộ Ngoại Giao Ấn Độ. Ông từng phục vụ ở Liên Sô, Nam Hàn, Tích Lan, Đức, A Phú Hãn, Pakistan, Uzbekistan, Kuwait và Turkey.

--------------------------

Mỹ: Căng thẳng Trung Quốc - Ấn Độ khó mà điều hòa nổi. (vitinfo)
Giải mã tình trạng leo thang căng thẳng Trung – Ấn (kỳ 1) (dat viet)



No comments: