Friday, October 23, 2009

TẤT CẢ NHỮNG ĐIỀU BẠN BIẾT VỀ TRUNG QUỐC ĐỀU KHÔNG ĐÚNG


Tất cả những điều bạn biết về Trung Quốc đều không đúng
Rana Foroohar
Theo Newsweek

Tqvn2004 chuyển ngữ
Thứ Năm, 22/10/2009
http://danluan.org/node/3001
Mọi người thường cho rằng Trung Quốc đang vượt qua cuộc khủng hoảng toàn cầu bằng cách lợi dụng động năng mà nó có được sau 30 năm phát triển kinh tế như vũ bão của mình. Thực thế, kể từ khi nó căng buồm lướt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lớn cuối cùng tại Châu Á 10 năm trước đây, Bắc Kinh đã được tôn vinh như một người lèo lái vững tay và độc đáo trong các cơn bão tài chính. Có lẽ vì thế mà những nhà dự báo dĩ nhiên sẽ cho rằng con tàu vĩ đại Trung Quốc sẽ không gặp trở ngại lớn vào lúc này, đặc biệt là khi nó tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng – ngay cả khi các nền kinh tế khác rơi vào suy thoái. Thế nhưng khủng hoảng lần này lại khác – lớn hơn và gây tổn hại nhiều hơn bất kỳ cuộc khủng hoảng nào khác mà nhiều thế hệ đã được chứng kiến – và nó cho thấy những hạn chế và buộc Trung Quốc phải thay đổi mô hình trên mọi mặt: Uy quyền tối cao của nhà nước độc đảng, cách quản lý kinh tế thông minh, tăng trưởng nhờ xuất khẩu, sự trỗi dậy của tầng lớp người tiêu dùng, lĩnh vực kinh tế tư nhân đang đâm chồi, sự chú trọng vào phát triển bất chấp chi phí môi trường, và nỗ lực xây dựng các doanh nghiệp tầm cỡ quốc tế. Sau đây là lý giải tại sao những giả thiết trên về Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra không chính xác hoặc hoàn toàn sai lầm:

Huyền thoại thứ nhất: Đảng Cộng Sản là một thể thống nhất

Không, cuộc khủng hoảng tài chính đã chia rẽ đảng, đẩy phe dân túy nông thông chống lại những người ủng hộ quan điểm tăng trưởng là hàng đầu ở thành phố. Phe dân túy bao gồm 2 lãnh đạo hàng đầu hiện nay, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo, cả hai đều nghiêng về phía phát triển chậm hơn, phân phối công bằng hơn cho các khu vực nông thông nghèo phía Tây, lãnh đạo với con mắt thận trọng để bảo vệ môi trường và ít sùng bái thị trường tự do. Đối lập với họ là nhóm những tinh túy tới từ các thành phố gần bờ biển, dẫn đầu là Thượng Hải, những người này muốn có tốc độ phát triển nhanh, thị trường tự do được tự do hơn, và có sự ủng hộ lớn hơn cho các doanh nghiệp và khu vực tư nhân. Tuy bây giờ còn quá sớm để kết luận nhóm nào sẽ thắng thế, nhưng rõ ràng là các lãnh đạo mới sẽ dẫn Trung Quốc đi theo con đường mới và có thể không lường trước được. “Có lẽ huyền thoại lớn nhất về Trung Quốc là nó chỉ phát triển kinh tế”, ông Cheng Li, một chuyên gia về Trung Quốc tại viện Brookings tại Washington, nói. “Trên thực tế, nó tiến hóa cả về chính trị”.

Huyền thoại thứ hai: Những người Cộng Sản là những nhà quản lý kinh tế xuất sắc
Vào cái ngày tháng 9/2008, khi tập đoàn Lehman Brothers sụp đổ, Trung Quốc bắt đầu lên kế hoạch tiến hành một gói kích thích kinh tế 600 tỷ USD, một gói kích thích lớn nhất (tính theo phần trăm GDP), nhanh nhất và, như nhiều người nói, hiệu quả nhất trên thế giới. Kết quả – Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng với tốc độ độc nhất vô nhị trên thế giới, nay là 8% - đã khẳng định danh tiếng của những nhân vật lãnh đạo Đảng CSTQ như là những nhạc trưởng kinh tế vĩ mô đại tài. Trong khi đa số các nhà kinh tế đồng ý rằng Bắc Kinh đã làm được một việc khổng lồ, đó là giải quyết các vấn đề ngắn hạn, giữ cho tăng trưởng đủ lớn để bù cho lượng thất nghiệp khổng lồ và những bất ổn chính trị khác từ đó mà ra, thì hiện đang có mối lo ngại ngày càng tăng về việc gói kích thích kinh tế khổng lồ đó sẽ bóp méo nền kinh tế như thế nào về lâu về dài. Trung Quốc đã trở thành một nền kinh tế được thúc đẩy gần như hoàn toàn bằng đầu tư nhà nước, khoản đầu tư này trong nửa đầu 2009 chiếm tới 88% tăng trưởng GDP, một con số mà không ai sánh được, tại bất kỳ quốc gia nào, tại bất cứ lúc nào.
Những hiểm họa từ sự bùng nổ kinh tế lệch lạc này là có thực. Nhóm ủng hộ giải pháp thị trường lo ngại rằng việc tự do hóa thị trường tài chính và tư nhân hóa các khu vực kinh tế trọng điểm (bao gồm phần lớn các ngành công nghiệp giàu có như ngân hàng, viễn thông và xây dựng) đang bị quên lãng, thay vào đó là đổ tiền cho các dự án theo kiểu “xây cầu không mục đích”. Ngay cả các quan chức chính phủ bây giờ cũng thừa nhận là 60% hoặc hơn số tiền kích thích đã quay trở lại thị trường cổ phiếu và nhà đất, làm dấy lên nỗi lo ngại về những bong bóng tín dụng mới đầy nguy hiểm. Tại một số thành phố bờ biển, giá trị đất đai tăng gấp ba lần năm ngoái, thị trường chứng khoán Thượng Hải tăng 60% trong năm nay. “Đó chỉ là biện pháp lấp chỗ trống – tất cả tiền kích thích kinh tế đã được tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng mới và làm nóng lại thị trường bất động sản”, nhà phân tích kinh tế độc lập Andy Xia nói.
Điều này có thể là rắc rối đối với Hồ và Ôn. Nợ chính quyền Trung Quốc, đã từng nhỏ không đáng kể, hiện giờ chính thức đạt 30% GDP, nhưng một số nhà kinh tế phương Tây cho rằng con số thực phải lên tới 70%. Trong khi những con số này vẫn thấp hơn so với các quốc gia phương Tây (tỷ số nợ trên GDP của Hoa Kỳ sẽ đạt tới con số 100% vào năm tới), chúng cũng làm cho các chính trị gia Trung Quốc lo lắng. Tháng trước Ôn Gia Bảo đã nói trước một nhóm những nhân vật quan trọng tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới tại Dalian rằng sự khôi phục của Trung Quốc là “không ổn định, không cân bằng và không gắn kết”. Một tuần trước đó Chi Fulun, một thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc đã thẳng thắn hơn: “Các vị lãnh đạo Trung Quốc”, ông phát biểu trong một cuộc phỏng vấn, “cần phải nghĩ lại về gói cải cách của quốc gia”.
Những người ủng hộ Trung Quốc đi lên sẽ lập luận rằng Trung Quốc, nơi mà 40% các làng xã vẫn chưa có đường trải nhựa tới chợ gần nhất, có nhu cầu rất lớn về các dự án xây đường trải nhựa. Thế nhưng những người cho rằng Trung Quốc sẽ đi xuống có thể đặt câu hỏi liệu Trung Quốc sẽ thu được gì từ việc kết nối những thị trấn nghèo đó (GDP đầu người của Trung Quốc vẫn chỉ là 2000usd, và ở các khu vực nông thôn còn thấp hơn nhiều) với chợ? “Hãy thử lái xe trên những con đường cao tốc mới ở nông thôn, bạn sẽ không thấy mấy xe cộ chạy trên đó”, ông Ming Huang, một giáo sư tài chính tại trường Quản trị Kinh Doanh Cheung Kong tại Bắc Kinh và Đại học Cornell, nói. “Những khoản đầu tư đó sẽ còn cần nhiều thời gian nữa mới tạo ra hiệu ứng thúc đẩy tiêu dùng.” Trong khi đó, kích thích kinh tế như steroid dành cho khu vực quốc doanh vốn đang thống trị thị trường – theo John Lee của viện Hudson, khu vực quốc doanh đã nhận khoảng 95% lượng tiền kích thích kinh tế, tính tới thời điểm này. Nếu chúng vấp ngã, Hồ và Ôn sẽ là đối tượng phải chịu trách nhiệm, chứ không phải là những nhà quản lý xuất sắc.

Huyền thoại thứ ba: Chủ nghĩa tư bản đang nở rộ
Điều đó có phần sự thực cho tới năm nay. Số lượng doanh nghiệp tư nhân tại Trung Quốc tăng gấp đôi từ 20 triệu năm 1990 thành 40 triệu năm 2008. Nhưng, theo ông Lee, con số này có lẽ sẽ tụt xuống vào khoảng 38 triệu vào cuối năm nay, bởi nhiều nhà máy tư nhân đã bị phá sản. Các doanh nghiệp nhà nước được hưởng những ưu đãi lớn, trước cả khi gói kích cầu của Bắc Kinh đem đến cho họ nhiều vốn hơn. Các công ty quốc doanh có thể dễ dàng truy cập tới khoản vay 3% của ngân hàng Nhà nước, trong khi các công ty tư nhân chịu lãi suất hai con số và thường buộc phải quay ra thị trường chợ đen để kiếm vốn. Kể từ năm 1992, tăng trưởng trong đầu tư tài sản cố định của khu vực tư nhân đã chỉ đạt tốc độ vào khoảng 10% hàng năm, so với tốc độ tăng trưởng tương ứng của doanh nghiệp quốc doanh là từ 20 – 50%. Kể từ những năm 1990, kích thước trung bình của một doanh nghiệp tư nhân thành đạt ở Trung Quốc luôn loanh quanh trong khoảng 30 nhân viên, phần lớn là do họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm vốn [để mở rộng và phát triển]. Không có gì ngạc nhiên khi những thăm dò thị trường gần đây cho thấy các doanh nghiệp nhà nước có xu hướng lạc quan về tương lai, trong khi các doanh nghiệp khu vực tư nhân thì hoàn toàn kém lạc quan hơn.
Trong một vài năm trước, việc tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đã không khuyến khích nhà nước nới lỏng sự kiểm soát của mình đối với những ngành công nghiệp lãi nhất, và cuộc khủng hoảng lần này có thể không đủ mạnh để ép nhà nước lỏng tay. “Thật không may, những quả ăn được ở gần mặt đất đã bị chén sạch”, Huang nói. “Chúng ta bây giờ đã đến thời điểm mà nếu bạn muốn cải tổ hơn nữa, bạn buộc phải làm tổn thương tới một số lợi ích được bảo đảm bất di bất dịch trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế - tài chính, viễn thông, năng lượng, các cơ quan chính phủ v.v…”. Chính quyền Trung Quốc sở hữu hơn 2/3 tổng số tài sản cố định, như đường dây điện thoại, nhà máy phát điện, và các bất động sản ở trong nước. Các doanh nghiệp nhà nước đại diện cho khoảng 70% của thị trường chứng khoán. Và trong khi lĩnh vực tư nhân vẫn kiểm soát hơn một nửa nền kinh tế, đa số những nhà quan sát Trung Quốc tin rằng gói kích thích kinh tế của chính phủ sẽ làm cán cân này quay ngược lại. “Tôi không nghi ngờ gì rằng sau khủng hoảng, nhà nước sẽ chiếm giữ một phần to hơn của nền kinh tế”, ông Wang Shuo, giám đốc tạp chí kinh tế Caijing của Trung Quốc, nói. “Đó là một tin buồn cho cầu nội địa, bởi vì nó đồng nghĩa với việc các cá nhân sẽ chỉ kiểm soát được một phần bé nhỏ của nền kinh tế. Các hộ gia đình đã và đang trợ giúp các doanh nghiệp nhà nước qua các khoản tiết kiệm của họ, thông qua việc ngân hàng nhà nước cho các doanh nghiệp kém hiệu quả này vay với lãi xuất rất thấp.”
Cuộc khủng khoảng đã làm lộ ra bàn tay vô hình của nhà nước. Trở lại năm 2007, chính phủ đã cho 3 trong 4 ngân hàng lớn nhất của mình lên sàn Chứng Khoán Hồng Kông, như một nỗ lực mà lúc đó được miêu tả là để thay đổi các ngân hàng này theo hướng thương mại hơn, bớt chính trị đi. Nhưng khi vừa mới bị khủng hoảng, Trung Quốc đã lập tức ra lệnh cho lãnh đạo các ngân hàng này cho vay khi nào và như thế nào. Điều này quả thực đã ngăn cản cơn đau tim vì thị trường tín dụng giống như đã diễn ra ở phương Tây, nhưng nhiều nhà phân tích sợ rằng nó sẽ dẫn tới hàng đống nợ không còn khả năng thanh toán vào năm tới. Bây giờ Bắc Kinh can thiệp vào thị trường bằng đủ mọi kiểu – từ bắt giữ lãnh đạo của một công ty khai khoáng Úc Châu sau khi nó bỏ rơi đối tác liên doanh Trung Quốc, hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước muốn từ chối các hợp đồng phái sinh phương Tây, cho phép nhà nước chiếm giữ các doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả. Trung Quốc mở tung cửa đón chủ nghĩa tư bản dưới thời Đặng Tiểu Bình đầu những năm 1980, nhưng “chính sách mở cửa bây giờ đã mất đi động lực của nó”, Wang nói.


Huyền thoại thứ tư: Trung Quốc là một nền kinh tế chủ yếu dựa trên xuất khẩu
Nếu đó là sự thực, tại sao xuất khẩu giảm hơn 20% năm nay, mà nền kinh tế vẫn tăng trưởng 8%? “Trong khi xuất khẩu là yếu tố quan trọng đối với Trung Quốc, cũng giống như nó quan trọng với Nhật hoặc Đức, thì tại đây, nó không phải là động lực duy nhất”, Fang Xinghai, giám đốc văn phòng Dịch vụ Tài Chính Thượng Hải, nói.
Hãy nhìn kỹ các mặt hàng xuất khẩu được coi là động cơ tăng trưởng ở Trung Quốc, và chúng ta sẽ thấy chúng bắt đầu tan tác. Tuy tổng số hàng xuất khẩu tạo ra gần 40% giá trị của nền kinh tế, con số này là lại không nói lên sự thật, Andy Rothman - chiến lược gia CLSA – nói, bởi nó đã ước lượng quá đáng thu nhập của Trung Quốc có được từ những hàng hóa dán nhãn “Sản xuất tại Trung Quốc”. Đa số những hàng hóa này chỉ đơn giản là được lắp ráp tại Trung Quốc, với các phần cơ bản được sản xuất ở Hàn Quốc, Đài Loan và một số quốc gia giàu có khác. Hãy tính chiếc iPod giá 299usd được bán buôn từ các cơ sở lắp ráp của Trung Quốc với giá 150usd. Chỉ có khoảng 5%, hay 7,5usd, trong giá bán buôn đó tới từ các phần tử mà Trung Quốc sản xuất, và từ nhân công lao động Trung Quốc. Con số 7,5usd đó là giá trị xuất khẩu ròng (net export value), và đó là đóng góp thực tế vào nền kinh tế Trung Quốc. Giá trị xuất khẩu ròng chỉ góp vào khoảng 7% tổng số GDP Trung Quốc. Đó là lý do tại sao Trung Quốc vẫn tăng trưởng trong khi các thị trường xuất khẩu chính của nó ở phương Tây đang rơi vào suy thoái.
Trung Quốc phát triển, như chúng ta đã thấy ở phần trên, phụ thuộc vào chi tiêu nhà nước. Sự đóng góp của giới tiêu dùng đang lớn mạnh ở Trung Quốc là có thực, nhưng cũng bị phóng đại lên nhiều, theo như giám đốc Stephen Roach của Morgan Stanley Asia và nhiều người khác đã chỉ ra. Người tiêu dùng Trung Quốc chỉ đóng góp khoảng 37% của nền kinh tế, và đó là phần đóng góp nhỏ bé nhất so với bất kỳ quốc gia lớn nào. Và nếu xét đến khía cạnh các hộ tiêu dùng Trung Quốc vẫn còn lạc quan hơn, và ít nợ nần hơn so với hộ tiêu dùng phương Tây, điều này cũng phụ thuộc rất nhiều vào sự phụ cấp nặng nề của nhà nước. Gần đây, tầng lớp trung lưu đã chộp được những căn hộ tại Bắc Kinh và Thượng Hải, cũng như đồ gỗ và đồ điện cao cấp, nhờ có sự gia tăng khoản vay ngân hàng khổng lồ do nhà nước cưỡng chế thực hiện trong năm vừa qua. Tín dụng tăng trưởng 32% trong tháng Chín, sau những đợt tăng tuơng tự trong vòng vài tháng gần đây. Kết luận của Rothman, ngày càng được nhiều nhà kinh tế nước ngoài và Trung Quốc ủng hộ, là Trung Quốc có thể tiếp tục tăng trưởng với tốc độ từ 6 tới 9% dựa trên tiêu dùng nhà nước và cá nhân, "mà không cần tới sự đóng góp từ nhập khẩu ròng". Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào xuất khẩu là như thế đấy!

Huyền thoại thứ năm: Các công ty Trung Quốc sẽ thống lãnh thế giới
Quả thực, nhiều công ty nhà nước lớn của Trung Quốc đang sục sạo thế giới, tìm kiếm những tài sản tịch biên (distressed properties), tạo ra một ảo ảnh rằng cuộc khủng hoảng đang tạo đà thuận lợi cho tham vọng toàn cầu của Trung Quốc. Nhưng người mua chủ yếu là công ty nhà nước lớn trong lĩnh vực khai khoáng hoặc khai thác dầu, đang tìm kiếm các nguồn nguyên liệu giá rẻ tại các quốc gia đang phát triển, và họ có ít tiềm năng để trở thành một nhãn hiệu toàn cầu. "Đơn giản mà nói, có rất ít sáng tạo thực sự hoặc khả năng thương hiệu ở Trung Quốc", ông Michael Pettis, giáo sư trường Đại Học Bắc Kinh, nói. Những rào cản bao gồm sự bảo vệ pháp luật yếu kém đối với các hợp đồng và sở hữu trí tuệ, và một hệ thống giáo dục tập trung vào học vẹt và ứng dụng, hơn là sáng tạo và đổi mới. Theo phóng cách rất Trung Quốc, cuộc khủng hoảng tài chính đã thúc đẩy những sắc lệnh từ Bắc Kinh rằng các công ty phải tiến lên và đổi mới - trợ cấp của chính phủ bây giờ được phân phối dựa theo số phát minh sáng chế được đăng ký. Thế nhưng bất kỳ nhà kinh tế hay đầu tư nào cũng sẽ nói cho bạn biết, các bằng phát minh ít khi chuyển hóa thành một công ty thực với các công nghệ mới và độc đáo, và nỗ lực từ trên xuống để tạo những công ty trẻ không thể cạnh tranh được với kiểu nảy mầm tự phát các ý tưởng như đã xảy ra ở thung lũng Sillicon hay Cambridge.
Trong khi đó, môi trường "miền Tây hoang dã" của Trung Quốc không khuyến khích những tư duy dài hạn cần thiết để xây dựng các công ty toàn cầu hay những trung tâm nghiên cứu và phát triển tầm cỡ thế giới. "Những luật lệ mơ hồ và tham nhũng đã tạo ra tư duy ngắn hạn ở đây", ông Huang nói. "Doanh nghiệp không cảm thấy an toàn - có quá nhiều ví dụ chính phủ chiếm đoạt công ty tư nhân hoặc thay đổi tình trạng pháp lý - đến mức họ chỉ tìm cách kiếm lợi nhuận càng nhanh càng tốt". Trong khi đó các công ty nhà nước giàu có (ví dụ Sinopec hay Chinalco) sử dụng ngân khố rộng rãi của mình để mua các công ty nhằm giải quyết nhu cầu trong nước, thay vì đầu tư vào nghiên cứu hay thương hiệu. Tại sao chi tiền để trở thành công ty có khả năng cạnh tranh toàn cầu, trong khi bạn đang độc quyền trong một quốc gia đông dân nhất thế giới?. Kết quả: Ngay cả những chú khỉ đột 800 pound của Trung Quốc cũng không thể thay thế được cho những cổ phiếu blue-chip phương Tây trong tương lai gần.

Huyền thoại thứ sáu: Trung Quốc đặt tiền lên trên môi trường

Xu hướng ngày càng tăng của Trung Quốc bỏ qua lực đẩy thị trường lại thành công trên một lĩnh vực đáng ngạc nhiên: Công nghệ sạch. Nhiều năm qua Trung Quốc đã chống lại áp lực đòi hỏi nó kiểm soát khí thải các-bon, và khăng khăng rằng nó phải phát triển trước, và rằng lượng khí thải trên đầu người của nó còn thấp hơn nhiều so với phương Tây. Bây giờ, khi mà Trung Quốc đã nhận ra rằng chính người dân mình sẽ là nạn nhân phải gánh chịu nặng nhất vấn đề toàn cầu ấm lên, Bắc Kinh đã huy động các nguồn lực của mình, và có lẽ chỉ Trung Quốc mới làm được điều đó. Với sự giúp đỡ của các khoản trợ cấp nhà nước hào phóng, các công ty Trung Quốc đã, ví dụ, tiến lên hàng đầu trong việc sản xuất các tế bào năng lượng mặt trời, và đã vượt lên trước trong nhiều lĩnh vực khác. Vào mùa thu này, lãnh đạo Trung Quốc đã tuyên bố mục tiêu mới trong việc giảm khí thải các-bon, mà nếu thành công, sẽ đưa quốc gia này vào vị trí dẫn đầu trong việc chống lại thay đổi khí hậu vào năm 2020.
Trung Quốc đã biến công nghệ xanh thành ưu tiên quốc gia, đưa ra nhiều sáng kiến nghiên cứu quan trọng về pin năng lượng mặt trời và công nghệ năng lượng gió. Gói kích thích công nghệ xanh của nó lên tới 218 tỷ usd, lớn nhất trên thế giới, dẫn đến việc thành lập hàng chục các công ty năng lượng thay thế chỉ trong năm ngoái. Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất năng lượng từ những nguồn năng lượng tái tạo nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Trong khi đó, sự suy thoái và bất định về hướng giá dầu đã làm chậm lại động lực của việc đầu tư cho công nghệ xanh ở phương Tây. Điều này không có nghĩa là Trung Quốc có thể nhanh chóng cứu vãn lại được những gì nó đã làm: để đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình, nó vẫn tiếp tục xây dựng những nhà máy điện bằng than kiểu cũ với tốc độ 1 nhà mày / tuần. Nhưng nó có thể trở thành trung tâm sản xuất năng lượng sạch hàng đầu cho cả thế giới.
Tất cả những thay đổi này có lẽ không phải là điều thực sự đáng ngạc nhiên, nếu chúng ta nhìn kỹ chúng. Trong các cuộc khủng hoảng trong quá khứ, Trung Quốc đã chứng tỏ quyết tâm mạnh mẽ để thích nghi. Việc mở cửa ban đầu ra thị trường toàn cầu của nó cũng bắt đầu từ những bão tố thời Cách Mạng Văn Hóa. Nó tiếp tục mở rộng cửa hơn sau cuộc khủng hoảng Châu Á, khi mà nó gia nhập WTO vào năm 2001. Và bây giờ thay đổi có vẻ theo hướng ngược lại, trở lại một nền kinh tế đóng, điều khiển bởi nhà nước, không còn nhiệt liệt đón chào các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài, và với một sự ngạc nhiên lớn [đang chờ đợi]. Nếu nhóm đang cầm quyền sụp đổ, sẽ có một con đường thay thế đang được ấp ủ phía sau cánh gà.

© 2009



No comments: