Monday, October 19, 2009
TRANH CHẤP VÙNG BIỂN TÂY THÁI-BÌNH-DƯƠNG giữa TRUNG QUỐC & HOA KỲ
Tranh chấp vùng biển Tây Thái Bình Dương
giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc
Trần Bình Nam
(Bài thuyết trình của Ông Trần Bình Nam tạ buổi hội thảo Nam Cali)
1. Lời cám ơn
2. Bối cảnh
3. Sự quan trọng của hải lực : Thuyết “hải lực” của Hoa Kỳ
4. Chiến lược biển của Trung quốc
5. Trung quốc chuẩn bị vũ khí và căn cứ
6. Căn cứ tàu ngầm nguyên tử của Trung quốc
7. Sự quan trọng của căn cứ Cam Ranh đối với Trung quốc và Hoa Kỳ
8. Trung quốc kết bạn năm châu
9. Chạm trán giữa Hoa Kỳ và Trung quốc trên Biển Đông
10. Chính sách của Hoa Kỳ
11. Thực tế trước mắt của Việt Nam
12. Kết luận
Lời cảm ơn:
Trước hết tôi xin cám ơn anh Lê Minh Nguyên đã mời tôi thuyết trình trước quý vị đề tài “Tranh chấp vùng biển Tây Thái Bình Dương giữa Hoa Kỳ và Trung quốc” trong buổi Hội thảo do Đại Việt Cách Mạng Đảng và đảng Tân Đại Việt cùng phối hợp tổ chức. Đây là một đề tài liên quan đến “Chính sách của Hoa Kỳ và Trung quốc tại Biển Đông” .
Với thời lượng Ban Tổ Chức dành cho tôi từ 20 phút đến 30 phút tôi sẽ không thể đi vào chi tiết của vấn đề rất rộng này. Tuy nhiên quý vị có thể tham khảo chi tiết trong diễn đàn điện tử www.tranhchapbiendong.com của cựu Trung tá Hải quân Nguyễn Mạnh Trí, người có mặt trong buổi hội thảo hôm nay. Hơn nữa chúng ta có phần thảo luận cũng là một là cơ hội để đi vào chi tiết.
Bối cảnh:
Bối cảnh của vấn đề tôi trình bày hôm nay liên quan đến an ninh của Hoa Kỳ, liên quan đến chiến lược bành trướng của Trung quốc và liên quan đến chính sách bảo vệ quốc gia của Việt Nam.
Hoa Kỳ là một trong 2 siêu cường trên thế giới (siêu cường kia là Liên bang Xô viết) của thế kỷ 20, và là siêu cường duy nhất còn lại của thế kỷ 21 nên không ai lạ về sự hiện điện của Hoa Kỳ khắp nơi trên thế giới, từ Âu châu, Á châu tại những vùng chiến lược như Đức, Nhật, Nam Hàn.
Và sự quan tâm của Hoa Kỳ đối với vùng Tây Thái Bình Dương trong đó có Biển Đông, một vùng biển được giới hạn phía Nam bởi Nam Dương, Mã Lai Á, Singapore, phía Đông bởi Phi Luật Tân, phía Tây bởi Việt Nam và phía Bắc bởi Trung quốc là một việc tự nhiên. Hoa Kỳ có nhiều hạm đội hiện điện khắp nơi trên thế giới. Hạm đội Thái Bình Dương thường được gọi là Hạm đội 7 phụ trách vùng Tây Thái Bình Dương .
Sau khi Hoa Kỳ rút quân ra khỏi Việt Nam năm 1975, ảnh hưởng của Liên bang Xô viết bao trùm vùng Biển Đông vì lúc đó Trung quốc còn đang bận rộn và tê liệt với cuộc Cách Mạng Văn Hóa (1966-1976).
Nhưng sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ (năm 1991), Trung quốc dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình cải tổ và theo đuổi chính sách siêu cường, Trung quốc bắt đầu thay thế Liên bang Xô viết trong vùng Biển Đông và trở thành lực lượng đối đầu với Hoa Kỳ.
Nếu nhìn trong bối cảnh thế giới Hoa Kỳ bảo vệ thế siêu cường trong khi Trung quốc muốn trở thành siêu cường thì sự chạm trán nhau là điều tự nhiên. Và đó là thực tế của thế giới hôm nay và sẽ là thực tế ảnh hưởng đến sinh hoạt chính trị thế giới có thể kéo dài nhiều chục năm nếu không muốn nói là cả thế kỷ trước mắt.
Phần trình bày hôm nay của tôi giới hạn nghiên cứu sự chạm trán trong vùng Biển Đông và từ đó rút ra cái thế sống còn của Việt Nam .
Nhìn vào bản đồ thế giới, ba phần tư (3/4) là biển, cho nên khi nói đến sự đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung quốc sự đối đầu đó không diễn ra trên đất liền mà chính yếu diễn ra trên biển cả, và gần nhất là đối đầu trên Biển Đông . Biển Đông là phòng tuyến xa bảo vệ Hoa Kỳ và Biển Đông vừa là hàng rào vào nhà vừa là cửa ngỏ đi vào đại dương của Trung quốc.
Sự quan trọng của hải lực : Thuyết “hải lực” của Hoa Kỳ
Để xây dựng một lực lượng bảo vệ và phát huy thế lực của Hoa Kỳ ra toàn thế giới Hoa Kỳ theo thuyết Mahan qua tác phẩm “Ảnh hưởng của hải lực đến lịch sử thế giới trong thời gian 1660 đến 1783” (The Influence of Sea Power upon History, 1660–1783) xuất bản năm 1890 . Ông Alfred Mahan là một giáo sư của Đại Học Hải chiến Hoa Kỳ (Naval War College), sau trở thành sĩ quan Hải quân. Ông soạn cuốn sách nói trên với mục đích làm tài liệu dạy học, nhưng những gì trình bày trong cuốn sách trở thành sách gối đầu giường của các chiến lược gia Hoa Kỳ và thế giới, trong đó có các nhà nghiên cứu chiến lược cận đại của Trung quốc .
Cốt lõi lý thuyết Mahan là: “Quan hệ quốc tế đều do sức mạnh của mỗi quốc gia. Và sức mạnh đó dựa vào sức mạnh của hải lực”
Giáo sư Mahan xác định 3 yếu tố của hải lực: (1) chiến hạm có vũ khí nặng với căn cứ tiếp vận (2) một đội thương thuyền có khả năng đi lại tự do để buôn bán mọi nơi trên thế giới (3) nhiều thuộc địa để yểm trợ cho các chiến hạm và thường thuyền.
Qua thời gian với kỹ thuật chiến tranh tối tân hơn, với sự hiện diện của vũ khí nguyên tử, với sự chuyển vận một khối lượng nhanh chóng của máy bay thuyết Mahan có nhiều thay đổi nhưng những nét chính không hề thay đổi và chúng ta có thể kết luận rằng hiện nay Hoa Kỳ đáng áp dụng thuyết Mahan trong việc phóng sức mạnh để bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ trên toàn thế giới.
Chiến lược biển của Trung quốc
Quan niệm sức mạnh trên biển của đảng cộng sản Trung quốc hiện nay chịu ảnh hưởng của giáo sư Ni Lexiong, thuộc Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh tại đại học Thượng Hải. Và giáo sư Ni Lexiong chịu ảnh hưởng sâu đậm của thuyết Mahan.
Cách đây chừng hơn 10 năm khi nghiên cứu triều đại nhà Minh (1368-1644) ông Ni Lexiong thấy sức mạnh của bộ binh dựa vài một nền kinh tế nông nghiệp không có cách gì đối đầu với sức mạnh trên biển dựa vào sự giao thương trên biển của Tây phương. Và ông là người đầu tiên suy nghĩ về một phương thế để chuyển sức mạnh của Trung quốc từ một lực lượng đất liền thành một lực lượng biển cả.
Và cũng như Hoa Kỳ Trung quốc đi vào con đường phát triển hải lực theo 3 nguyên tắc (1) tàu lớn, vũ khí mạnh và căn cứ (2) một đội thương thuyền hùng hậu và (3) một hệ thống quốc gia lệ thuộc hay đồng minh.
Trung quốc áp dụng quan niệm hải lực của Mahan một cách chặt chẽ hơn Hoa Kỳ vì Hoa Kỳ phát huy hải lực để bảo vệ quyền lợi của mình, trong khi Trung quốc phát huy hải lực để bảo vệ sự tồn tại của chính mình trước các khối sức mạnh khác bao trùm trên thế giới, trước hết là Hoa Kỳ .
Giáo sư Lexiong bảo vệ quan niệm bành trướng hải lực của ông bằng thuyết Hobbes (Thomas Hobbes). Thomas Hobbes là một nhà triết học chính trị người Anh trong thế kỷ 17 cho rằng sinh hoạt của cộng đồng quốc tế là sinh hoạt mạnh được yếu thua.
Giáo sư Ni Lexiong thường đặt câu hỏi “Nếu Trung quốc muốn phát triển sức mạnh kinh tế ra ngoài mà khi lâm chiến bị chặn đường biển thì Trung quốc sẽ sống như thế nào? Để trả lời ông thường lấy hai thí dụ làm bài học căn bản:
Thứ nhất là trận giặc Anh – Hòa Lan trong 2 năm từ 1652 đến 1654. Hòa Lan và Anh tranh hùng chiếm giữ eo biển Manche giữa Anh và Pháp. Hòa Lan không kiểm soát nổi eo biển để duy trì sự buôn bán với nước ngoài và sau 19 tháng chiến tranh tài nguyên quốc gia cạn kiệt, Hòa Lan phải chấp nhận hòa một cách nhục nhã với Anh để duy trì sự hiện hữu của Hòa Lan tại Âu châu.
Bài học thứ hai là trận chiến Trung – Nhật trong 2 năm 1894, 1895. Chỉ vì Từ Hi Thái Hậu lấy 7.5 triệu lượng bạc dành cho Hải quân để chỉnh trang cung điện mùa hè mà hải quân Trung quốc đã thua trước hải quân Nhật và Trung quốc mất Đài Loan cho Nhật và Trung quốc phải vay của Anh và Pháp 280 triệu lượng, tổng cộng kể cả tiền lời lên đến 600 triệu lượng, chưa kể sau đó Trung quốc còn thua thiệt rất nhiều trên mặt kinh tế và sự suy yếu chính quyền tại Bắc Kinh .
Cũng như ông Lexiong, các chiến lược gia Trung quốc cũng thấy rằng từ thời cổ Hy Lạp và cổ Roma đã có một quan hệ không thể tách rời giữa sức mạnh của một nước với sức mạnh của đội thương thuyền của nước đó. Và họ đi đến kết luận Trung quốc muốn vừa lớn mạnh vừa phát triển để tự bảo vệ Trung quốc cần có một đoàn thương thuyền đi đôi với một hải lực hùng mạnh và Trung quốc phải kiểm soát vùng biển trước mắt. Không như Hoa Kỳ biển trước mắt Trung quốc bao che bởi nhiều quốc gia, bạn ít thù nhiều. Đông có Nhật Bản, Nam có Phi Luật Tân, Nam Dương, Úc châu và Việt Nam.
Trước lý thuyết phát triển hải lực để bảo vệ an ninh và bành trướng thế lực, một số lý thuyết gia khác của Trung quốc muốn tìm một lối khác ít tốn kém hơn.
Họ đặt câu hỏi: Sự “toàn cầu hóa kinh tế thế giới” (Economic globalization) xuất hiện và gần như là ngôn từ đầu lưỡi của sinh hoạt kinh tế thế giới hôm nay có thể giúp cho Trung quốc phát triển kinh tế bền vững và lâu dài mà không cần phải có một hải quân hùng mạnh không?
Câu trả lời của giáo sư Ni Lexiong và được sự đồng thuận của giới lãnh đạo Trung quốc là: KHÔNG. Trung quốc không tin vào lý thuyết các quốc gia có thể được bảo vệ bởi luật lệ quốc tế qua các cơ cấu quốc tế như Liên hiệp quốc. Trung quốc xem Liên hiệp quốc là một cơ cấu có giá trị tương đối để giữ gìn ổn định trên thế giới đối với những tranh chấp không quan trọng và không đụng chạm đến quyền lợi của 5 nước Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA) gồm Hoa Kỳ, Nga, Anh, Pháp và Trung quốc. Cả 5 nước này đều có vũ khí nguyên tử đủ sức tàn phá cả thế giới và đang cầm “roi” trừng phạt bất cứ quốc gia nào khác (ngoài Ấn độ và Pakistan đã có vũ khí nguyên tử rồi) muốn phát triển vũ khí nguyên tử để tự vệ.
Trung quốc nghiên cứu kỷ các cuộc đụng độ trên thế giới sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt và thấy rằng chiến tranh tiếp diễn dưới nhiều hình thức và quốc gia có quân lực hùng mạnh vẫn là quốc gia có tiếng nói sau cùng: chiến tranh Kosovo năm 1999 giữa Serbia và NATO, chiến tranh Afghanistan, chiến tranh Iraq.
Đem áp dụng vào các tranh chấp đang diễn ra như Đài Loan, sự tranh giành Trường Sa với Việt Nam, đảo Sankaku (người Trung quốc gọi là đảo Diaoyu) với Nhật, Trung quốc cho rằng tất cả các tranh chấp này đều không có triển vọng giải quyết trong hòa bình. Tối hậu là phải dùng giải pháp quân sự.
Kết luận: Xây dựng một hải lực hùng mạnh đối với Trung quốc không những là một thực tế mà là con đường độc đạo để sống còn.
Trung quốc biết rằng xây dựng một hạm đội rất tốn kém, nhất là phí tổn duy trì nó trong thời bình. Với đà tiến bộ không ngừng của kỹ thuật và khoa học một hạm đội cần chỉnh tranh và cải tiến vũ khí không ngừng nếu không sẽ trở thành lỗi thời. Và Trung quốc lấy quyết định: Trả mọi giá để xây dựng một hải lực hùng mạnh để bảo vệ “không gian sinh tồn” của họ là biển Đông và eo biển Malacca vào Ấn Độ Dương.
Trung quốc chấp nhận đối đầu với hải quân Hoa Kỳ .
Và cuộc tranh chấp đó đã bắt đầu.
Trung quốc chuẩn bị vũ khí và căn cứ
Tôi không đi vào chi tiết. Tôi chỉ nêu ra vài sự kiện quan trọng và mới mẻ để quý vị quan tâm. Trung quốc có cơ sở đóng tàu và một chương trình đóng tàu với ngân sách phong phú. Trong vòng 10 năm qua Trung quốc đã đóng được nhiều chiến hạm lớn, và cũng đã đóng được tàu ngầm nguyên tử và đang trên đường đóng Hàng Không Mẫu Hạm.
Trong cuộc diễn binh ngày 1/10/2009 vừa qua tại Bắc Kinh, Trung quốc đã cho trình diễn khoảng 50 thứ vũ khí mới do Trung quốc chế tạo, và đáng quan tâm nhất là hỏa tiễn bắn theo đường đạn đạo DF-21 đặt trên đất liền. Hỏa tiễn này có khả năng bắn vào các mục tiêu di chuyển trên biển như các tàu chiến và có khả năng đánh đắm một Hàng Không Mẫu Hạm. Vũ khí này rõ là một tín hiệu cho Hoa Kỳ biết rằng tuy Trung quốc chưa có những đơn vị tác chiến bằng hạm đội Hàng Không như của Hoa Kỳ, nhưng hỏa tiễn DF-21 có tầm bắn 1000 hải lý có thể triệt tiêu khả năng của các đội Hàng Không Mẫu Hạm Chiến đấu (Carrier Strike Group) của Hoa Kỳ.
Căn cứ tàu ngầm nguyên tử của Trung quốc
Về căn cứ, ngoài việc tân trang căn cứ tàu ngầm ở căn cứ tàu ngầm Xiaopingdao trong vịnh Bố Hải thuộc tỉnh Hồ Bắc ở phía Bắc, hơn một năm trước đây (tháng 5/2008) Tây phương vừa phát giác rằng (do tạp chí tư nhân Jane’s Intelligence Review chuyên về quốc phòng cho phổ biến một số hình ảnh mua được của hãng vệ tinh tư nhân DigitalGlobe) Trung quốc đang thiết lập một căn cứ tàu ngầm nguyên tử tại Yulin (Sanya) nằm ở cực nam đảo Hải Nam. Các hình ảnh cho thấy một căn cứ tàu ngầm khổng lồ với nhiều cửa hầm (thấy được ít nhất 14 cửa) bề ngang 16 mét mở từ biển dẫn vào các hầm bên trong nằm dưới mặt đất. Các hình khác cho thấy hai cầu tàu dài và nhiều cầu tàu ngắn hơn có khả năng làm chỗ neo cho ít nhất hai đội Hàng Không Mẫu hạm Chiến đấu.
Tấm không ảnh đáng quan tâm nhất là tấm hình cho thấy sự có mặt tại căn cứ Yulin một chiếc tàu ngầm phóng hỏa tiễn chạy bằng nguyên tử lực loại 094 (Jin-Class). Tàu ngầm này mỗi chiếc trang bị 12 hỏa tiễn loại JL-2 mang đầu đạn nguyên tử được hướng dẫn (guided missiles) có tầm bắn xa từ 7.200km đến 8.000km, theo ước lượng đầu năm 2008 của Hoa Kỳ.
Đây là lần đầu tiên loại vũ khí này được bố trí xa về phía nam nhìn vào vùng nam Thái Bình Dương. Bộ quốc phòng Hoa Kỳ cho biết Trung quốc sẽ có 5 chiếc tàu ngầm loại 094 vào năm 2010.
Sự phát giác này làm cho giới quốc phòng Hoa Kỳ, Ấn độ, Úc châu, New Zeland và các nước trong khối Hiệp hội Đông nam á (Asean) tỏ ra rất quan tâm.
Sự di chuyển loại tàu ngầm này đến vùng biển Đông nằm đầu thủy đạo đi vào Ấn Độ Dương là một dấu hiệu Trung quốc thay đổi sự bố trí chiến lược quan trọng, mặc dù cho đến lúc này không một giới chức thuộc giới quốc phòng trên thế giới đoán biết Trung quốc có khả năng gì và dự tính gì.
Đặt vấn đề khả năng vì trước đây loại tầu ngầm mang hỏa tiễn nguyên tử Xia của Trung quốc đã ra khơi nhưng không làm ai e ngại vì di chuyển đến đâu cũng bị hải quân Hoa Kỳ theo sát (Trung quốc chưa nắm vững kỹ thuật khử từ trường của vỏ tàu). Nhưng lần này các hình ảnh cho thấy tại căn cứ Yulin có cơ sở khử từ, và nếu cơ sở này hữu hiệu thì tàu ngầm loại 094 sẽ có khả năng chiến lược và tính đe dọa rất cao. Nhất là vùng biển nam Hải Nam là vùng biển sâu. Chỉ cần ra biển vài kilomét là đã có độ sâu 5000 mét, nên khi tàu ngầm loại 094, nếu đã được khử từ tốt xuất phát công tác thì rất khó phát hiện.
Hai nước quan tâm nhất đến các hình ảnh mới tiết lộ này là Ấn độ và Hoa Kỳ. Nếu tàu ngầm loại 094 vào hoạt động tại Ấn Độ Dương thì bất cứ mục tiêu nào của Ấn độ cũng ở trong tầm bắn của hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử JL-2 . Lục địa Hoa Kỳ (CONUS) cũng là một mối lo trên nguyên tắc, nhưng Hoa Kỳ hẵn còn thừa khả năng theo dõi và Trung quốc biết điều này.
Sự quan trọng của căn cứ Cam Ranh đối với Trung quốc và Hoa Kỳ
Hiện nay căn cứ Cam Ranh là một căn cứ bỏ trống. Mặc dù cho đến nay chưa có tin tức gì xác nhận, nhưng cũng dễ đoán rằng Trung quốc đang ve vãn thuê bao dài hạn. Việt Nam chưa có thái độ gì rõ ràng về vấn đề này. Tuy nhiên vì vị trí quan trọng của Cam Ranh đối với sự kiểm soát thủy lộ biển Đông nên sự xử dụng nó như thế nào trong tương lai là một chỉ dẫn chiều hướng chiến lược của Việt Nam.
Cam Ranh là một hải cảng nước sâu quan trọng nhất tại Á châu và nằm trên con đường án ngữ biển Đông từ Ấ độ dương lên miền Bắc Thái bình dương. Chiếm được Trường Sa mà không kiểm soát được Cam Ranh thì cũng chưa kiểm soát được đường biển huyết mạch này.
Người Pháp sau khi đặt xong nền đô hộ Việt Nam vào cuối thế kỷ thứ 19 đã biến Cam Ranh thành một quân cảng cho hải quân Pháp. Năm 1905 Pháp cho Nga mượn để đồn trú hạm đội trước khi đụng độ với hải quân Nhật. Trong thời gian chiến tranh Bắc Nam (1954-1973) Hoa Kỳ đã biến căn cứ Cam Ranh thành một căn cứ Hải-Không quân khổng lồ làm điểm tiếp vận cho toàn cuộc chiến. Năm 1973 Hoa Kỳ rút lui giao căn cứ Cam Ranh cho VNCH và Cam Ranh xuống cấp dần vì VNCH không đủ sức bảo trì và xử dụng .
Năm 1975 khi miền Nam sụp đổ Hải quân Bắc việt cũng không xử dụng nổi căn cứ. Năm 1979 Hà Nội cho Nga thuê 25 năm. Để chận đường tiến về phía Nam của hải quân Trung quốc Nga cho cho xây thêm 5 cầu tàu, 2 bãi đưa tàu lên cạn để bảo trì và sửa chữa, xây thêm cơ sở cho tàu ngầm ẩn núp, kho chưa dầu, nhà máy điện, doanh trại và kéo dài phi đạo . Năm 1991 Nga sụp đổ, Việt Nam ngả dần về Trung quốc, đòi tăng tiền thuê nên (năm 2001) Nga trả lại căn cứ cho Việt Nam.
Trong 8 năm qua Cam Ranh bỏ trống .
Trung quốc kết bạn năm châu
Theo đúng thuyết Mahan Trung quốc có chương trình kết bạn khắp năm châu, bành trướng thế lực, mở rộng không gian sinh tồn và tìm kiếm năng lượng.
Trung quốc bắt tay với mọi chế độ trên thế giới không phân biệt dân chủ hay độc tài, thân hay không thân Hoa Kỳ. Nam Mỹ, Phi châu nơi nào Trung quốc cũng vung tiền và phương tiện kỹ thuật để mua chuộc và bảo đảm sự cung cấp dầu hỏa và vị trí chiến lược tương lai cho hải quân. Trung quốc chơi với Venezuela và Sudan vì dầu hỏa dù tổng thống Chavez (của Venezuela) công khai chống Mỹ và Sudan áp dụng chính sách diệt chủng tại Darfur. Trung quốc yểm trợ chính quyền quân nhân toàn trị tại Miến Điện để mở cửa ngỏ chiến lược vào Ấn Độ Dương. Và Trung quốc kết thân với chế độ Pakistan để giữ cảng Gwadar kềm chế Ấn Độ.
Chạm trán giữa Hoa Kỳ và Trung quốc trên Biển Đông
Với sự phát triển của hải quân Trung quốc trên biển Đông, sự chạm trán với hải quân Hoa Kỳ là điều không thể tránh khỏi .
Cuộc chạm trán đầu tiên diễn ra tháng 4/2001 khi Trung quốc cho máy bay khu trục ngênh máy bay trinh thám của Hoa Kỳ ngoài khơi biển Hải Nam. Trung quốc đã giải quyết trong tinh thần nhượng bộ .
Nhưng nếu trước đây Trung quốc dè dặt thì trong những năm gần đây trước sự khủng hoảng kinh tế tại Hoa Kỳ và trên thế giới, một cuộc khủng hoảng Trung quốc ít bị ảnh hưởng nhất, Trung quốc đã tỏ ra không ngại các cuộc chạm trán với Hoa Kỳ trên biển Đông.
Năm nay (2009) hải quân Trung quốc 2 lần chạm trán với Hải quân Hoa Kỳ. Lần thứ nhất ngày 8/3 các thuyền nhỏ Trung quốc quấy rối chiếc USS Impeccable đang làm công tác đo đạc và dò tìm dưới đáy biển cách đải Hải Nam 75 dặm. Để trả lời Hải quân Hoa Kỳ phái một khu trục hạm đến hộ tống chiếc Impeccable. Đáp lại Trung quốc phái một chiếc tàu kiểm soát ngư nghiệp đến trong vùng. Ngày 11/6 một tiềm thủy đỉnh Trung quốc đụng máy sonar đang được tàu USS John McCain kéo cách căn cứ Subic bay 144 dặm.
Trước đó Trung quốc đã làm mọi những gì cần thiết để tỏ cho Hoa Kỳ biết rằng biển Đông là một phần biển của họ.
Ngày 4/9/1958 Trung quốc ra thông cáo tuyên bố hải phận của Trung quốc sẽ là 12 hải lý (chứ không còn là 3 hải lý như trước), và khéo léo kèm tuyên bố đó một bản đồ Biển Đông bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (được thế giới gọi là bản đồ biển hình lưỡi bò – tài liệu Trung quốc www.hku.hk/wa/conlawhk) ý nói rằng cái gì trong lưỡi bò là biển của Trung quốc và hải phận 12 hải lý áp dụng cho các hòn đảo trong cái lưỡi bò. Hoa Kỳ và các nước trong vùng đều công nhân tuyên bố hải phận 12 hải lý của Trung quốc nhưng không nước nào công nhận cái bản đồ hình lưỡi bò của Trung quốc.
Ngày 19/1/1974 dùng hải quân cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa làm thiệt mạng 50 binh sĩ hải quân VNCH
Ngày 14/3/1988 chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa; giết chết hơn 80 binh sĩ hải quân Bắc việt
Ngày 14/4/1988 tuyên bố sát nhập 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào tỉnh Hải Nam.
Tháng 12/2007 Trung quốc ban hành nghị định thành lập huyện Tam Sa bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (dù đang còn tranh chấp với Việt Nam và vài quốc gia trong khối Asean).
Nghị định này là một thách thức đối với Hoa Kỳ vì hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm trên thủy đạo quan trọng nối liền Ấn Độ Dương với bắc Thái Bình Dương, con đường chuyển vận 80% dầu hỏa cho Nhật Bản một đồng minh then chốt của Hoa Kỳ trong vùng tây Thái Bình Dương.
Có điều đáng để ý là dù vậy Hoa Kỳ cũng không lên tiếng, ít nhất về mặt chính thức.
Trong những tháng cuối năm 2008 các giới chức ngoại giao Trung quốc tại Hoa Thịnh Đốn đã tiếp xúc với các viên chức của công ty dầu khí ExxonMobil của Hoa Kỳ yêu cầu rút lại các giao kèo khai thác dầu hỏa tại hai vùng trong Biển đông đã ký với công ty quốc doanh PetroVietnam. Vùng thứ nhất nằm sát bờ biển Quảng Nam và Quảng Ngãi gồm một hình tam giác ép sát bờ biển diện tích 2.166 km2 và một hình chữ nhật chiều cao 153km, chiều ngang 105km, diện tích 16.065 km2 . Tổng cộng diện tích vùng thăm dò này dựa vào bản đồ chừng 18.231km2. Đường biên ngoài cùng của vùng này cách thành phố Đà Nẳng 162 km.
Vùng thứ hai là một hình chữ nhật chiều cao 96km, chiều ngang 148km, diện tích chừng 14.200 km2 phủ lên các bãi Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường và Phúc Nguyên nằm về phía đông nam Vũng Tàu cách thành phố Sàigòn 440 km, và cách đảo Côn Sơn 374 km trực chỉ hướng 4 giờ. Vùng này nằm trong quần đảo Trường Sa.
Theo quan điểm của Trung quốc, vùng phía bắc lấn qua vùng khai thác kinh tế của đảo Hoàng Sa Trung quốc chiếm năm 1974, trong khi vùng phía nam nằm trong quần đảo Trường Sa Trung quốc từng tuyên bố là đất của mình. Lúc đầu bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố mạnh mẽ, nhưng cuối cùng hãng ExxonMobil cũng ngừng các kế hoạch dò tìm. Lưu ý rằng tháng 3 năm 2007 hãng dầu BP (British Petroleum, một công ty liên doanh Anh-Hòa Lan) ký giao kèo dò tìm dầu mỏ với Việt Nam cạnh vùng phía Nam (một trong hai vùng vừa ký với hãng ExxonMobil) Trung quốc cũng đã áp lực BP rằng nếu tiếp tục dò tìm dầu hỏa theo giao kèo với Việt Nam, Trung quốc sẽ không ký một giao kèo làm ăn nào với BP tại Trung quốc trong tương lai. Trước áp lực, công ty BP đã ngưng các cuộc dò tìm.
Chính sách của Hoa Kỳ
Hoa Kỳ đã im lặng trước các động thái dọ dẫm của Trung quốc. Có một vài nhà ngoại giao (trong đó có ông Stephen Young) cho rằng Hoa Kỳ với chính quyền Obama đang lúng túng và chưa có chính sách về Đông Á. Tôi không đồng ý với cách nhìn này . Chừng nào còn ông Robert Gates ở bộ quốc phòng chừng đó vấn đề Đông á Thái Bình Dương còn được quan tâm thích đáng. Ông Gates nguyên là giám đốc cơ quan tình báo Hoa Kỳ ông biết rõ sự quan trọng của vùng Á châu, Thái Bình Dương đối với nền an ninh của Hoa Kỳ.
Và sự việc Hoa Kỳ quan tâm đến chính sách của Việt Nam (đối với Trung quốc và Hoa Kỳ) là một dấu hiệu quan tâm khác.
Một cách âm thầm Hoa Kỳ tìm cách thuyết phục Việt Nam về mối nguy của Trung quốc, và hình như đã thành công phần nào về mặt này. Bản thông cáo chung sau chuyến thăm viếng của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Hoa Kỳ cuối tháng 6/2008 vừa qua chứa đựng một số ngôn từ làm giới quan sát quốc tế ngạc nhiên.
Bản thông cáo ghi nhận Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ “trao đổi việc mở rộng và tăng cường đối thoại giữa các quan chức cao cấp của hai nước. …. sẽ ủng hộ việc lập cơ chế đối thoại mới về chính trị-quốc phòng và chính sách nhằm tăng cường sự trao đổi thường xuyên và sâu hơn về các vấn đề chiến lược và an ninh”.
Sau cùng Hoa Kỳ “tái khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ Hoa Kỳ đối với chủ quyền quốc gia, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.”
Thực tế trước mắt của Việt Nam
Trung quốc đã ấn định mục tiêu là làm chủ Biển Đông và đang thực hiện mục tiêu này bằng thái độ “bàn tay sắt bọc nhung”. Nhưng nếu bàn tay bọc nhung không hiệu quả Trung quốc dùng bàn tay sắt thì chưa biết cục diện sẽ biến chuyển như thế nào?
Đặt vấn đề như vậy để chúng ta thấy sự quan trọng của Việt Nam trên bàn cờ Đông Á tương lai.
Việt Nam nằm ngay trên chiến trường nhỏ là chiến trường Đông Nam Á vậy chính sách nào để Việt Nam tồn tại như một quốc gia độc lập? Trong thế kỷ trước mắt Việt Nam không có con đường nào khác hơn là liên kết với các quốc gia trong vùng, nhưng quan trọng hơn hết là liên kết với Trung quốc và Hoa Kỳ. Cả hai khối thế lực này đều cần Việt Nam để chuẩn bị cho nước cờ của mình.
Nhưng muốn có chính sách trước hết cần hai điều kiện rút ra từ bài học của cuộc chiến vừa qua. Thứ nhất Việt Nam phải có khả năng tự lực trong khung cảnh mới của thế giới. Tự lực đây không phải là chỉ có đầy đủ lương thực để có thể ăn no mặc ấm mà phải có tiềm năng kỹ nghệ và sản xuất.
Thứ hai là phải có người lãnh đạo giỏi. Vì thiếu bản lãnh chúng ta đã để cuộc tranh chấp ý thức hệ trên thế giới thành một cuộc nội chiến tương tàn.
Dùng thế liên kết Trung quốc và Hoa Kỳ để trước hết bảo vệ lãnh thổ và bảo tồn nền độc lập dân tộc, bảo vệ quặng mõ và túi dầu dưới đáy biển của chúng ta, và để tồn tại như một quốc gia độc lập.
Hiện nay các dấu hiệu đều cho thấy Việt Nam hình như quá nhu nhược đối với Trung quốc . Đụng chạm quyền lợi với Trung quốc ở đâu cũng chỉ thấy Việt Nam nhượng bộ: nhượng bộ trên đất liền, nhượng bộ trên biển cả. Tàu hải quân Trung quốc bắn và bắt ngư dân Việt Nam Hà nội không mạnh mẽ lên tiếng bênh vực ngư dân. Khi Trung quốc thành lập quận huyện bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa Việt Nam do dự không dám đưa vấn đề ra Hội Đồng Bảo An để kiện và lại ngăn cản nhân dân biểu tình phản đối.
Hiện nay chỉ còn còn căn cứ Cam Ranh chưa lọt vào tay Trung quốc là dấu hiệu Việt Nam chưa hoàn toàn lọt vào quỹ đạo Trung quốc. Nếu Cam Ranh lọt vào tay của Trung quốc có lẽ lúc đó không còn gì để bàn luận nữa .
Kết luận:
Thế kỷ 21 sẽ là một thế kỷ căng thẳng trong đó hai đối thủ chính sẽ là Hoa Kỳ và Trung quốc.
Và điểm nóng sẽ là Biển Đông và rộng hơn là vùng Tây Thái Bình Dương.
Có đi đến chiến tranh không ? Đây là một câu hỏi để mở vì không có một lý thuyết tiền lệ nào để kết luận có “hòa hay chiến”. Các trận chiến tranh lớn trên thế giới từ xưa đến nay dù trận chiến tranh nào cũng có nguyên nhân đối kháng nhưng nó xẩy ra đều do tình cờ và khó đoán trước.
Trong thời gian chiến tranh lạnh Hoa Kỳ và Liên bang Xô viết có ít nhất là hai lần suýt đánh nhau mở đầu cho thế chiến III (một lần do Nga phong tỏa thành phố Berlin (1948), và một lần Nga đặt hỏa tiễn nguyên tử tại Cuba (1962) nhưng đều tránh được. Có thể là do hai nước đều có vũ khí nguyên tử có thể hủy diệt lẫn nhau.
Đó cũng có thể là điều kiện làm cho sự căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung quốc không biến thành chiến tranh.
Nhưng không ai có thể quả quyết sẽ không có chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung quốc trong tương lai. Một bên Hoa Kỳ lo bảo vệ quyền lợi của mình trên thế giới, một bên Trung quốc có nhu cầu bảo đảm an ninh và bành trướng thế lực.
Và nếu đứng trước một khúc quanh nào đó Trung quốc quyết định chiếm Trường Sa và biển Đông trong đó có căn cứ Cam Ranh bằng vũ lực, Hoa Kỳ có ngồi yên không?
Không ai có thể trả lời những câu hỏi trên.
-----------------------------------------
Hải quân Trung Quốc – tham vọng và mối lo (VNN)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment