Monday, October 19, 2009

GIÁO DỤC VIỆT NAM theo NHẬN ĐỊNH của các ĐẠI HỌC MỸ


Giáo Dục Việt Nam theo nhận định của các Đại Học Mỹ
Thanh Quang, phóng viên RFA
2009-10-19
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/is-Vietnam-higher-education-really-in-severe-crisis-TQuang-10192009124403.html
Gần đây, các chuyên gia của Đại Học Harvard đưa ra một số nhận định về thực chất của giáo dục Đại học tại Việt Nam hiện nay cũng như một số khuyến nghị cho Bộ Giáo dục Việt Nam.

Tính xác thực
Trong Tờ trình gửi Uỷ ban Đặc nhiệm Hỗn hợp về Giáo dục Đại học Việt Nam, hai chuyên gia của Trường Chính Quyền Học Kennedy tại Đại Học Harvard là Thomas Vallely (Giám Đốc Chương Trình Việt Nam) và Ben Wilkinson cho rằng đang có sự khủng hoảng suy sụp trong nền giáo dục đại học Việt Nam.
Để tìm hiểu thêm và vấn đề này, Thanh Quang hỏi chuyện Giáo sư Tạ Văn Tài từng giảng dạy tại Đại học Harvard. Trước tiên Giáo sư Tải nhận định:

GS Tạ Văn Tài: Tôi đồng ý với đa số ý kiến và bất đồng về một số ý kiến khác trong tờ trình. Tôi đã quen biết ông Vallely từ lâu, từ hồi ông còn là phó cho một bà Giám đốc tiền nhiệm của chương trình Việt Nam và nhờ tôi gặp dại sứ Việt Nam Bùi Xuân Nhật tại Liên Hiêp Quốc ở New York (hồi chưa có bỏ cấm vận nên chưa có toà Đại sứ ở Hoa Thịnh Đốn) để nhắc nhở sao Việt Nam chưa cử hai ứng viên du học đến Harvard, nơi đã cấp hai học bổng, cho nên trong quá trình ông Vallely làm việc dài dài, nhiều năm cho chương trình Việt Nam để cử sinh viên du học qua Harvard, chương trình Fulbright v.v…
Tôi đã thấy ông rất thương mến sinh viên Việt Nam và lo cho tiền đồ tương lai của dân tộc Việt Nam, mặt khác ông có cá tính là cựu thuỷ quân lục chiến Mỹ, cho nên ông là người thẳng tính, sẵn sàng nói mạnh mẽ ý kiến của ông chẳng e dè ai.
Vậy thì những ý kiến của ông phê bình đại học Việt Nam suy sụp trầm trọng, tôi có thể hiểu được đó là sự thành tâm lo lắng khẩn thiết của ông cho tương lai Việt Nam, muốn như một bác sĩ giỏi và tận tâm, cho thuốc đắng giã tật, chữa cho các căn bệnh trầm trọng của nền đại học Việt Nam. Có mấy ý kiến liệt kê như sau về đại học Việt Nam, mà tôi đồng ý một phần:
a) Thành tích xuất bản các công trình nghiên cứu rất nghèo nàn, thí dụ vào năm 2007, Đại học Quốc gia Việt Nam chỉ có 52 công trình xuất bản, Viện Khoa Học Công Nghệ có 44 công trình, thua xa các đại học Quốc Gia Seoul của Đại hàn (5060 công trình), Singapore (3598 công trình), Đại Học Bắc Kinh (3219), Đại Học Fudan (2343 công trình), Đại Học Mahidol và Chulalongkorn của Thái Lan (950 và 822) v.v…
Thành tích về bằng sáng chế của Việt Nam là số không, so với Đại Hàn có 102.633 bằng sáng chế, Trung Quốc có 26.292 bằng sáng chế, Singapore 955, Thái Lan 158, Mã Lai 147, Phi Luật Tân 76...
b) Không huấn luyện sinh viên đúng nhu cầu kinh tế, do đó 50% sinh viên tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm đúng nghề chuyên môn, sự chuẩn bị sinh viên đi vào nghề nghiệp chuyên môn đã bị tồi tệ vì 25% giáo trình bắt buộc tập trung vào gíáo điều chính trị (political indoctrination).
Tìm trong sinh viên không đủ nhân công chuyên môn hay các nhà quản trị giỏi cho nền kinh tế Việt Nam. Tờ Trình báo động là nếu không cấp thời cải cổ thể chế cho giáo dục đại học, Việt Nam sẽ thất bại hoàn toàn trong mục tiêu phát triển tiềm năng to lớn của mình.
c) Việt Nam có ước vọng xây dựng đại học có phẩm chất quốc tế nhưng hiện nay không có một đại học Việt Nam nào được xếp vào hàng đại học có phẩm chất của Á Châu. Tờ trình này nói rằng trái với sinh viên Trung Quốc và Ấn Độ, sinh viên Việt Nam không cạnh tranh nổi để được thâu nhận vào những chương trình cao học thượng thặng tại Hoa Kỳ và Âu châu.
Tôi thấy có lẽ ông Vallely, trong khi điều khiẻn chương trình Việt Nam ở Harvard và nhất là lại được Bộ Ngọai Giao Mỹ cho thầu lại việc tuyển lựa sinh viên cho chương trình Fulbright., đã có dịp thấy trong những sinh viên xin vào chương trình cao học ở Mỹ, người giỏi thì thường là đã đi du học sang Liên Sô hay Đông Âu trưóc đây rồi bây giờ sang Mỹ lấy thêm bằng Mỹ, còn người xuất thân từ đại học Việt Nam thường kém (có lần ông nhờ tôi làm người dịch hay hỗ trợ trong lớp cho một sinh viên từ Việt Nam đã được gửi gắm qua học tại trường Công Quyền Học Kennedy, vì thế nên Harvard miễn cưỡng nhận, nhưng kém quá cần có người dạy kèm—nhưng tôi thấy việc dạy kèm hay dịch giùm này mất nhân vị cho tôi, là nhân viên nghiên cưú ban giảng huấn bên trường Luật Harvărd, nên tôi từ chối.)
Nhưng tôi phải nói là tôi không có khuynh hướng nói qúa khẳng định về phẩm chất kém cỏi của Đại học Việt Nam, theo kiểu ông Vallely và Wilkinson nói mạnh, vơ đũa cả nắm—

Thanh Quang: Như vậy ý kiến của Giáo sư ra sao?
GS Tạ Văn Tài: Tôi nghĩ rằng khi nói về phẩm chất nền đại học ở Việt Nam cũng như ở Mỹ, ta phải phân biệt các đại học đẳng cấp cao và các đại học đẳng cấp thấp, thí dụ ở Mỹ, có nhiều đẳng cấp, từ hạng siêu (như Harvard, Yale...) đến hạng đẳng cấp quốc gia (national universities and colleges), đến lọai đại học thuộc hạng có vị thế ở địa phương (regional universities, colleges) đến các lọai đại học cộng đồng (Community colleges).
Tờ trình của ông Vallely và Wilkinson quên mất sự khác biệt tại Việt Nam giữa một bên, là các đại học mở rộng, chuyên tu, tại chức… với sự thu nhận sinh viên bưà bãi không có trình độ, với sự huấn luyện lỏng lẻo thiếu tiêu chuẩn, thiếu phương tiện (theo một tờ trình hồi năm 1992 của UNESCO, 66% đại học, phần lớn là các đại học có sĩ số dưới 800, chỉ có phòng ốc tồi tệ, với thư viện và máy móc trang bị rất giới hạn.)
Chúng hạ thấp phẩm chất nền đại học Việt Nam xuống một mức trung bình thấp, và một bên, là các đại học quốc gia có thi tuyển sinh viên và học trình và ban giảng huấn quy cũ hơn.
Tôi có diễn giảng khoá huấn luyện ngắn hạn về luật thương mại và đầu tư quốc tế tại Đại Học Kinh tế thành phố Hồ chí Minh, thì thấy trình độ sinh viên cũng khá, và nhất là rất hiếu học muốn giao lưu với các nguồn kiến thức mới (tôi dùng sách giáo khoa dùng trong Đại Học Luật Harvard, dịch ra tiếng Việt, nhưng sinh viên ưa sách tiếng Anh và tự chụp hình in lại cuốn đó).
Tôi cũng không thấy Tờ Trình “chẩn bệnh đúng nguyên nhân” của cái nạn 50% sinh viên tốt nghiệp không kiếm được việc, vì lý do không hẳn là học nhiều giờ chính trị, đó chỉ là một phần, lý do chính là tuy nhà nước không còn ép sinh viên đi vào các ngành này kia như thời kỳ kinh tế hoạch định cứng rắn, nhưng mà nhà nước, từ khi chuyển sang kinh tế thị trường, chưa đưa ra các con số thống kê về nhu cầu các ngành nghề có triển vọng trong thị trường tương lai, để các cá nhân sinh viên tự quyết định chọn ngành nghề cho sát nhu cầu nền kinh tế.
Ngoài nhà nước, các trường đại học cũng phải thấy không thể thâu nhận bừa bãi và cho ra trường các sinh viên trong các ngành nghề ít việc làm, nghĩa là phải cố gắng cho số cung đi sát số cầu trong thị trường nhân lực.

Nguyên nhân khủng hoảng
Thanh Quang: Gíao sư nhận xét như thế nào về các nguyên nhân tạo ra khủng hoảng đại học ở Việt Nam, mà Tờ Trình đã đề cập tới?
GS Tạ Văn Tài: Đây là vấn đề tôi cũng có một số ý kiến khác với Tờ Trình. Tôi đồng ý với Tờ Trình là đường lối quản trị đại học của nhà nước đã tạo ra phẩm chất suy trầm của nền đại học: tập trung quyền về trung ương mà không cho tự trị và tự quản đại học, do đó tiêu diệt hay giảm đi các sáng kiến và sự tận tâm say mê công việc.
Tuyển chọn và thăng thưởng nhân viên, cung cấp hay phát các nguồn tài trợ ngân sách (cho nghiên cứu chẳng hạn), không theo khả năng và thành qủa công việc nhiều, mà theo thâm niên, lai lịch chính trị hay liên hệ cá nhân, kèm theo sự ác cảm của các cấp quản trị cao trong đại học, thường được huấn luyện từ Liên Sô và Đông Âu, đối với các nhân viên trẻ tuổi giáo dục từ các nước Âu Mỹ.
Giáo trình không được tự do như bên Trung Quốc, tuy rằng đã dần dần cởi mở hơn, khiến cho thiếu năng động trí thức; và cũng vì thiếu năng động trí thức cho nên các học gỉa trẻ không thể giao lưu dễ dàng được với các nguồn kiến thức bên ngoài.
Nhưng có điểm tôi không đồng ý với Tờ Trình là cho rằng nền đại học Việt Nam yếu kém vì nó thừa kế nền đại học thời thực dân Pháp, và đến khi dộc lập thì bị chiến tranh và cai trị dộc tài mà không có chỉ đạo để xây dựng nền đại học có phẩm chất cao.
Pháp đã du nhập nền đại học có phẩm chất cao vào Việt Nam, với quan niệm đồng hóa giai cấp thống trị bản xứ vào nền văn minh Pháp, theo sứ mạng văn minh hóa của Pháp (mission civilisatrice), khiến đại học Đông Dương, nhất là y khoa, dược khoa, luật khoa, và khoa học trở thành nơi huấn luyện các tầng lớp ưu tú (elite) của Việt, Mên và Lào.
Những sinh viên tốt nghiệp Đại học Đông Dương sang Pháp thi Tiến sĩ, thạc sĩ luật (như Vũ Văn Mẫu), tiến sĩ, thạc sĩ kinh tế (như Vũ Quốc Thúc, Nguyễn Cao Hách), Tiến sĩ Toán ( Đặng Đình Áng), đã là những người xây dựng nền đại học Việt Nam sau khi Pháp rút lui năm 1954 tại miền Nam Việt Nam.
Nơi đây đã tiếp tục một nền đại học tốt đẹp, thí dụ riêng về ngành luật, đã tạo ra một học trình với các sách giáo khoa tốt, các người tốt nghiệp có khả năng, mà sau này các người sống trong chế độ Việt Nam Cộng Sản cũng phải công nhận là có phẩm chất cao: thí dụ Luật sư Lê Công Định phải viết bài công nhận giá trị Đại học Luật Khoa Saigon trước 1975; Giáo sư Hoàng Ngọc Giao của Phân Khoa Luật Đạì học Quốc Gia Hà Nôi du học tại Boston, muốn nhờ chúng tôi tìm các sách giáo khoa tốt của các giáo sư quốc tế công pháp của Đại Học Luật Saìgon trước 1975.
Từ 1954 đến 1975, từ các đại học Miền Nam Việt Nam, đã nhiều sinh viên du học sang Pháp, Đúc, Anh,Úc, Nhật và Hoa Kỳ v.v.. và thành công, nhiều khi ngay trong năm đầu, ở các đại học ở các nước ấy, rồi đậu bằng đại học Âu Mỹ dễ dàng, và hàng loạt, trong đủ các ngành, kể cả nguyên tử lực, nhiều người đậu đến bằng tiến sĩ , chứng tỏ nền dại học Miền Nam Việt Nam có phẩm chất và đào tạo người giỏi.
Những sinh viên học trong đại học Pháp thành lập thời thuộc địa mà sau này góp phần xây đựng nền đại học ở Miền Bắc Viêt Nam trước năm 1954, như tiến sĩ luật Đỗ Xuân Sảng, Nguyễn Mạnh Tường , bác sĩ y khoa khoa trưởng trường Y Hoàng Đình Cầu (mà sau 1975, báo chí Mỹ đã biết tới), bác sĩ Tôn Thất Tùng, giáo sư Toán học Hoàng Tụy là bằng chứng sống về nền đại học tốt do Pháp xây dựng tại Việt Nam, còn để lại ảnh hưởng ngay tại Miền Bắc Việt Nam.

Tương lại đại học VN?
Thanh Quang:
Giáo sư nhận thấy Tờ Trình vừa nói có ghi nhận lạc quan hay bi quan gì vế triển vọng tương lai của nền đại học Việt Nam không ?
GS Tạ Văn Tài: Tôi thấy Tờ Trình có nếu hy vọng về tương lai đại học Việt Nam nhưng rất dè dặt và tôi cùng thấy Tờ Trình chưa chú trọng nhiều lắm về đãi ngộ và mực sống của các giới chức giảng huấn đại học, điều mà tôi muốn bổ túc cho Tờ Trình.
Tờ Trình có nói đến Nghị quyết 14 muốn cải tổ toàn diện gíao dục đại học vào năm 2020, cho phép tự trị nhiều hơn và sự tuyển chọn dụa trên thành quả, và nhà nước đã đặt ưu tiên về giáo dục đại học trong 3 năm qua. Đó là những điểm hy vọng.
Nhưng Tờ Trình cho rằng tốc độ cải tổ còn rất chậm, và nhất là nhà nước vẫn muốn ôm giữ quyền hành theo não trạng kế hoạch tòan diện từ trung ương, nhất là muốn giũ quyền phân phối các ngân khoản tài trợ của các cơ quan quốc tế, khiến cho khó lập đối tác với các đại học Mỹ vốn tự trị đến mức rất cao.
Tôi cũng thấy Tờ Trình nói một cách không lạc quan cho lắm về các yếu tố quốc tế giúp đỡ nền đại học Việt nam. Thí dụ: nói rằng việc cử sinh viên du học , gia tăng rất mau những năm gần đây, nhất là sang Mỹ, cũng không thể là gỉai pháp cho nền đại học Việt Nam, vì du sinh chỉ là một số cực nhỏ, gồm nhũng gia đình có tiền cho con cái du học hay những ai may mắn xin đựơc học bổng.
Tờ trình cũng nói các khỏan tài trợ của các cơ quan quốc tế không được phân phối theo tiêu chuẩn khả năng, còn các đại học quốc tế đi vô Việt Nam huấn luyện thì phần lớn chỉ nhắm trục lợi thu học phí từ sinh viên theo các ngành thực dụng, nhưng học phí cao này chỉ một số trả nổi, đại chúng không kham nổi.
Việt Nam muốn lập một hay vài đại học thuộc loại “đẳng cấp quốc tế” và từ 2005 đã tranh thủ sự hỗ trợ của Mỹ, với việc Thủ tướng Phan Văn Khải, trong cuộc viếng thăm Harvard năm 2005, yêu cầu Harvard gíúp.
Năm 2006 , Thủ Tướng Khải ký quyết định về đại học đẳng cấp quốc tế và năm 2007, Chủ Tịch Nưóc Nguyễn Minh Triết thăm Hoa Kỳ và tiếp tục thúc đẩy Hoa Kỳ giúp. Năm 2008, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Hoa Kỳ và ký bản ghi nhớ về việc lập vài trường đại học Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Tháng 6/2009, Việt Nam tuyên bố vay Ngân Hàng Thế Giới và Ngân Hàng Phát Triển Á Châu 400 triệu Mỹ Kim để xây 4 trường đại học đẳng cấp quốc tế (Việt -Đức, Khoa Học Công Nghệ Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ).
Tờ Trình của Harvard nói về tham vọng lập đại học đẳng cấp quốc tế của Việt Nam như sau:
Tuy biết Việt Nam rất mong thu hút sự tham gia hợp tác của các đại học hàng đầu tại Hoa Kỳ, các đại học danh tiếng tại Hoa Kỳ sẽ không vào Việt Nam theo kiểu các nhà đầu tư, tức là sẽ không hạ thấp tiêu chuẩn của mình để thu lợi tài chánh, nếu chính quyền Việt Nam “không quyết tâm theo đuổi các tiêu chuẩn một đại học tốt”, tức là “tự do trong giáo trình” (được tự do đưa vô gíao trình và việc nghiên cứu các đề tài mà không phải tham khảo trước với bộ giáo dục—về điểm này.
Nếu Quyết định 97 mới ban hành gần đây, mà Tờ Trình Harvard không nói tới—nó đưa ra một danh sách hạn chế các dề tài có thể bàn luận khoa học và do đó có thể cớ hại cho việc nghiên cứu khoa học và việc thành lập được các đại học đẳng cấp cao) và “tự quản, tự trị”, theo đó chính quyền chỉ dóng vai hạn chế, và đại học sẽ tìm các nguồn tài trợ giảng huấn và nghiên cứu ngoài ngân sách nhà nước.
Tờ Trình kết luận là Uỷ Ban Hỗ Hợp Đặc Nhiệm về Giáo Dục Đại Học sẽ có một vai trò đặc biệt trong việc vẽ một lược đồ toàn diện cho việc cải tổ giáo dục đại học và xúc tiến việc cải cách.

Thanh Quang: Thưa GS, dường như Tờ Trình này quên đề cập tới việc đãi ngộ qua lương bổng và ngân khỏan nghiên cứu cho các giáo sư đại học ở VN?
GS Tạ Văn Tài: Chúng tôi bổ túc cho Tờ Trình Harvard: đó là sự đãi ngộ bằng lương bổng và các ngân khỏan nghiên cứu sao cho cuộc sống vật chất đàng hoàng hơn để các giáo sư có thể tận tụy vào việc nghiên cứu. Hiện nay, tình trạng lợi tức đại khái như sau:
(1) Theo các tờ trình tin tức, 30% sinh viên Việt Nam du học (có thể nói là thành phần trí tuệ chọn lọc) không muốn về nước, và muốn ở lại ngoại quốc kiếm tiền nhiều hơn lương bổng thấp kém trong đại học Việt Nam; việc xây dựng đại học Việt Nam bị thiệt mất lực lượng nhân sự đó (trong khi đó thì, như một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra, số lượng trí thức Việt Kiều tuổi trẻ và trung niên về nước khá quan trọng, đem theo không nhũng trí tuệ, mà còn cả vốn đầu tư, các sự quen biết và liên hệ ở hải ngoại, và kinh nghiệm về thị trường quốc tế--còn trí thức hải ngoại ở tuổi hưu thì có thể nâng cao trình dộ cho giới chuyên môn trong nước—Xin xem Đề Án của Bộ Ngoại Giao Việt Nam về việc“thu hút trí thức ,chuyên gia người Việt ở nước ngoài trong việc xây dựng đất nưóc”);
(2) Lương bổng giáo chức đại học Việt Nam được coi là thấp nhất thế giới, theo chính thông tin của nhà nưóc trong trang nhà về giáo dục : trong khi lương giáo sư đại học trung bình tại các nước Á Châu là 1,000 Mỹ kim, thì ở Việt nam, giáo chức đại học, ngoài cảm tưởng các ý tưởng cải tổ giúp nước bị coi thường, họ chỉ có lương căn bản trung bình là 150 Mỹ Kim, dạy thâm niên 15 năm thì 170 Mỹ Kim, thâm niên 30 năm, đến tuổi sắp về hưu ,thì 279 Mỹ Kim; mỗi giờ dạy sẽ tính thêm tiền giờ phụ trội, do đó lương ngừoi mới vô nghề có thể là 200 Mỹ Kim; còn nều có thêm tiền do dự án nghiên cứu thì có thể có lợi tức tới 500 Mỹ Kim một tháng (tin tức này do sự trao đổi trong website của các giáo sư Mỹ và Việt có kinh nghiệm tại Việt Nam) ;
(3) Nhưng kiếm được dự án nghiên cứu trong ngân sách nhà nước Việt Nam thì là cả một sự cạnh tranh trong bầu không khí phân biệt đối xử dựa trên vây cánh và chính trị; còn các nguồn tài trợ nghiên cứu cuả các cơ quan quốc tế như các quỹ tặng lập (Foundations) thì ít giáo sư Việt Nam biết tới; vả lại nhà nước, theo chính sách, có lẽ học của Nga , là không dễ dãi cho các tổ chức phi chính phủ (non-governmental organizations—đang bàn rất kỹ về luật chi phối các tổ chức này), có lẽ ngại sự trưởng thành của các tổ chức trong khu vực tư (Ford Foundation đã đóng cửa ở Việt Nam, sau nhiều năm làm nhiều việc ích lợi);
(4) Rút cục thì trí thức đại học Việt Nam hoặc là phải dạy thêm rất nhiều giờ, có khi đã dạy 20 giờ một tuần mà còn phải dạy thêm giờ nưã (vả lại đại học cũng có khi bắt họ dạy thêm giờ để thi hành các hợp đồng kiếm thêm tiền của chính đại học), bỏ bê việc nghiên cứu, không còn khả năng xây dựng đại học đẳng cấp cao với các công trình nghiên cứu khám phá kiến thức mới; hoặc là bỏ nghề giáo chức đại học để ra ngoài làm việc cho các công ty ngoại quốc, kiếm gấp đôi lương bổng (thí dụ, làm cho hãng ngoại quốc có thể kiếm mỗi tháng 1,000 Mỹ Kim với bằng cử nhân đậu tại hải ngoại, hay 2,000 Mỹ Kim với bằng chuyên môn cao cấp (tiến sĩ..).

Thanh Quang: Như vậy kết luận của GS là gì?
GS Tạ Văn Tài: Nhà nước phải thấy rằng nhà nước sẽ thua cuộc, mất nhân tài, trong cuộc cạnh tranh thị trường nhân công trí thức cấp đại học, nếu không có sự đãi ngộ xứng đáng đối với họ.
Rất không nên triệt tiêu các quyền lợi của các giáo sư học gỉa, dù đến tuổi hưu, nhưng còn khả năng đóng góp, thí dụ các phương tiện giao dịch của họ với các đồng nghiệp và cơ quan, như chỗ làm việc, điện thoại (đừng có cắt điện thoại của họ ngay khi hồi hưu như đã cắt điện thoại của Giáo sư Viện Trưởng Đaị học An Giang Võ Tòng Xuân, người đã có công lao xây dựng Đại học Cần Thơ và An Giang, và có khả năng vận dụng các nguồn tài trợ quốc tế cho đại học Việt Nam).
Việc đãi ngộ xứng đáng trí thức trong nước cũng cần đẻ tránh tình trạng mà Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã tả trong “Đề Án Thu Hút Trí Thức Chuyên Gia Ngườì Việt ở nứơc ngoài”: “Trí thức trong nước chưa được trọng dụng, được trả lương xứng đáng, nên việc ưu đãi Việt kiều gây so bì, bất hợp tác. Ngoài ra còn có tâm lý lo ngại trí thức Việt kiều về sẽ làm bộc lộ sự yếu năng lực chuyên môn hoặc chiếm mất vị trí của người trong nước. Đây cũng là một trở ngại khi đưa ra bất cứ kiến nghị nào ưu đãi trí thức Việt kiều”.

Thanh Quang: Xin cảm ơn Giáo sư Tạ Văn Tài.

Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.



No comments: