Monday, October 12, 2009

THƠ - BÙI CHÁT


Bùi Chát, Giấy Vụn và “Bài thơ một vần”
Phan Bá Thọ
12/10/2009 8:34 sáng
http://www.talawas.org/?p=11431

"Bài thơ một vần", tập thơ mới nhất của Bùi Chát, NXB Giấy Vụn, 10/2009
http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2009/10/PBT.JPG

Là bạn đường của thi sĩ Bùi Chát hơn 10 năm qua, sự “im tiếng” hay kín tiếng của Bùi Chát về phương diện sản xuất thi ca, chắc hẳn là một động thái rất đáng để suy nghĩ tìm hiểu đối với bạn bè văn chương và với những ai đó có sự quan tâm tới tình hình sinh hoạt văn học nghệ thuật hiện nay của nước nhà.
Riêng tôi, những tháng ngày yên lặng đó của Bùi Chát là những tháng ngày mà anh dành “cho không, biếu không” cuộc đời này. Hàng loạt tác phẩm của các nhà văn phản kháng – cái loài văn nhân không biết hoặc chưa biết tới cách khom lưng cúi xuống để bò qua cánh cổng kiểm duyệt của những con mắt chột đỏ loét – hầu hết đều được nhà xuất bản Giấy Vụn chăm sóc và tìm cách đưa đến với bạn đọc, và Bùi Chát là người chủ trương tận tụy đó. Đâm ra, những năm tháng im lặng vừa qua đối với công việc sáng tạo và sản xuất thi ca của bản thân Bùi Chát lại là những năm tháng mà Giấy Vụn đã để lại nhiều ấn tượng trong dòng chảy sinh hoạt của nền văn học phi chính thống và ngoài luồng [kiểm duyệt].
Có rất nhiều nhà xuất bản độc lập ra đời trong giai đoạn này như Cửa của họa sĩ Trịnh Cung, Photocopy của nhà văn Đào Hiếu, Tùy Tiện của thi sĩ Bĩm, Minh Châu của nữ sĩ Đoàn Minh Châu, Da Vàng của nhà thơ Huỳnh Lê Nhật Tấn… và v.v. Những sự ra đời này chắc chắn ít nhiều tìm thấy sự động viên kích lệ từ thi sĩ Bùi Chát, và hẳn nhiên họ cũng nhìn thấy ở Giấy Vụn một tình hiệp thông em anh, chí hữu!
Thời gian Bùi Chát gián đoạn với việc sáng tác cũng là thời gian anh bị sách nhiễu nhiều bởi an ninh Việt Nam về việc tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, cũng như những hoạt động văn hóa phi lợi nhuận của nhà xuất bản Giấy Vụn, mà anh – người chủ trương và duy nhất điều hành.
Sự im lặng trăn trở và đau đáu trước vận mệnh của đất nước; trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ trước tình cảnh bi đát cấp thời của dân tộc, và những trải nhiệm lựa chọn trên phương diện mĩ học sáng tạo thi ca của chính bản thân thi sĩ Bùi Chát, có lẽ nó đã được vo trộn lại, giao cấu và hoài thai với nhau thành một khối đá tảng cũng trong chính thời kỳ này.
Thi phẩm Bài thơ một vần của thi sĩ Bùi Chát vừa được Giấy Vụn ấn hành trong tháng 10.2009 là sản phẩm của quá trình vật lộn với trải nhiệm đó. Nó là một thái độ sống dứt khoát, một tiếng thơ không rườm rà hoa bướm, không đưa đẩy cường điệu, điềm đạm, ôn tồn lặng lẽ thấm vào lòng người đọc. Nó, một đứa con ngoài giá thú của những cuộc thẩm vấn lai rai, rồi thi thoảng đều đặn mà an ninh Việt Nam đã “ưu ái” dành tặng cho thi sĩ.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh, một bạn đường của thi sĩ Bùi Chát
nhận xét khi đọc thi tập này: “Bùi Chát làm giật mình nhiều người”. Với tư cách là một độc giả lâm thời của Bùi Chát, tôi cho rằng Bài thơ một vần là một trong những tập thơ quan trọng nhất của nền thi ca Việt Nam trong thập kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ thứ 3 này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc talawas blog 4 bài thơ trong thi phẩm này, và tôi biết rằng Bài thơ một vần đã làm nhiều người trong chúng tôi bật khóc.

Sài Gòn 11.10.2009
© 2009 Phan Bá Thọ
© 2009 talawas blog

_______________________________________

Trích từ tập Bài thơ một vần của Bùi Chát


Ai?
Tôi gặp gỡ những người cộng sản
Những người anh em của chúng tôi
Những người làm chúng tôi mất đi ký ức
Mất đi tiếng nói bản than
Mất đi những cái thuộc về giá trị
Chúng tôi còn sở hữu duy nhất một điều
Nỗi sợ
Tôi trò chuyện với những người cộng sản
Những người anh em
Những người muốn chăn dắt chúng tôi
Luôn biến chúng tôi thành đồ hộp
Hy vọng chúng tôi đời đời biết ơn
Những người cộng sản
Anh em chúng tôi
Chưa bao giờ thấy họ tự hỏi
Trong ngồi nhà đen đủi này
Ai muốn thừa kế di sản của họ?

*

Không thể khác
Những người anh em
Đã phản bội chúng tôi
Đã nén chúng tôi vào ngục
Đã nhuộm đỏ màu da chúng tôi
Đã hy sinh mạng sống chúng tôi
Cho những giấc mơ ngột hứng của họ
Những người anh em
Vẫn lừa lọc chúng tôi
Vẫn tước đoạt ánh sáng, giọng nói chúng tôi
Vẫn dọa chúng tôi
Bằng súng và thực phẩm
Ngoài sức tưởng tượng của họ
Chúng tôi
Dưới bầu trời đen thẳm
Từng ngày từng ngày
Không lúc nào ngơi nghỉ
Việc nghĩ đến họ

Cầu
Nguyện

*

Cũng như em, tôi không hát một mình
Dưới lớp da nạm vàng
Có thể gãi thứ mình muốn ngứa?
Tôi đâu biết đêm dài quá vậy
Chẳng còn nhiều người thức đợi ngày mai
Ai đó thi thoảng thắp lên ngọn đèn
để xua đuổi tai ương
Đáp lại những câu thời dài tuyệt vọng
Em đã đến cạnh tôi nguyện ước
Vòm đêm không chút dấu hiệu thay đổi
Chúng ta bay đến lúc hết hơi

*

Cộng sản là quái gì cóc cần biết, nhưng chắc chắn…

Sau cộng sản là sự sống chồng sự sống
Sau cộng sản là ngày dài vô tư không ngã rẽ
Sau cộng sản là ngẩng cao đầu
Sau cộng sản đi không trở lại
Sau cộng sản có người buồn bã không định hướng
Sau cộng sản là định mệnh
Sau cộng sản tạm thời chưa ai rõ
Sau cộng sản là cộng trừ nhân chia nhiều cấp độ
Sau cộng sản là em yêu tôi không cần chứng
Sau cộng sản là nhà xuất bản Giấy Vụn quang vinh mười lăm năm
Sau cộng sản là niềm tin ơi chào mi
Sau cộng sản ánh sáng cởi mở
Khi đó chúng ta thoải mái làm người
______________

Bùi Chát tên thật là Bùi Quang Viễn, sinh ngày 22.10.1979 tại Hố Nai, Biên Hòa – Đồng Nai, trong một gia đình Công giáo gốc di cư. Tốp nghiệp ngành Văn học, khoa Ngữ văn – Báo chí, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM năm 2001. Từ đó sống ở Sài Gòn.
Là nghệ sĩ tự do và hoạt động xuất bản độc lập, năm 2001 cùng Lý Đợi thành lập nhóm Mở Miệng. Là người đặt tên “Mở Miệng” cho nhóm, là thành viên trụ cột của nhóm, là người đề xướng các khái niệm “thơ rác”, “thơ nghĩa địa”… là người sáng lập Giấy Vụn – nhà xuất bản chuyên in ấn và phát hành tác phẩm của các nhà thơ vỉa hè dưới hình thức photocopy, vượt qua sự kiểm duyệt của chính quyền.


No comments: