Friday, October 16, 2009
RADIO CHÂN TRỜI MỚI phỏng vấn TS NGUYỄN QUANG A về IDS
CTM phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Quang A về lý do Viện Nghiên Cứu Phát Triển (IDS) giải thể
Radio Chân Trời Mới
Cập nhật ngày: 15/10/2009
http://www.viettan.org/spip.php?article9083
Tuyết Đan: Kính thưa quý thính giả, mới đây, ngày 14 tháng Chín năm 2009, Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã ra một bản tuyên bố tự giải thể để phản đối Quyết định số 97/2009/QĐTTG do ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ (CHXHCNVN) ban hành ngày 24 tháng Bảy năm 2009 vừa qua và có hiệu lực từ ngày 15 tháng Chín năm 2009. Hôm nay chúng tôi có hân hạnh được gặp ông Nguyễn Quang A là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển. Chúng tôi xin được phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Quang A về những sự kiện vừa qua. Xin mời Tiến sĩ lên tiếng chào quý thính giả của Đài.
Ts. Nguyễn Quang A: Kính chào thính giả.
Tuyết Đan: Trước hết, xin Tiến sĩ Nguyễn Quang A tóm lược về quá trình hoạt động của Viện IDS, Viện được thành lập từ bao giờ và hoạt động ra sao?
Ts. Nguyễn Quang A: Chúng tôi thành lập ngày 27 tháng Chín năm 2007, tức là vài ngày nữa thì được 2 tuổi nhưng nó đã không tồn tại từ ngày 15 tháng Chín đến nay. Bởi vì bây giờ Viện không còn nữa, tôi sẽ nói tóm tắt một vài việc mà chúng tôi đã làm. Trong gần 2 năm qua, chúng tôi đã tiến hành nhiều đề tài xoay quanh 3 chủ đề lớn. Chủ đề thứ nhất là chất lượng tăng trưởng kinh tế, chủ đề thứ hai là cải cách giáo dục và cải cách y tế, thứ ba là một số vấn đề phát triển nông thôn.
Ngoài ra, chúng tôi cũng làm một số nghiên cứu như là năng lực cạnh tranh của các nghành kinh tế Việt Nam, chúng tôi cũng có nghiên cứu khác là tác động của lạm phát lên người nghèo và những giải pháp để hỗ trợ người nghèo vượt qua tình hình khó khăn của năm ngoái.
Chúng tôi cũng tham gia vào một nghiên cứu về xã hội dân chủ ở Việt Nam. Ngoài ra chúng tôi cũng tổ chức thường xuyên các buổi tọa đàm khoa học 2 tuần 1 lần, từ 2 năm nay, cho đến ngày cuối cùng là vào thứ Sáu tuần trước. Tới ngày thứ Sáu tuần trước là thực sự chúng tôi đã không còn tồn tại, tuy rằng đã tuyên bố trước là một Giáo sư của Đại học Tự do Bruxelles trình bày một đề tài rất lý thú.
Ngày cuối cùng đó chúng tôi đã công bố từ trước, nhưng do Viện đã giải thể từ ngày mùng 4 tức ngày thứ Ba, vì vậy Viện không thể đứng ra tổ chức được. Đó là những hoạt động của chúng tôi những năm vừa qua.
Tuyết Đan: Xin cảm ơn Tiến sĩ. Thưa Tiến sĩ, trong suốt thời gian hoạt động đó của Viện thì thái độ của các lãnh đạo Nhà nước đối với các đề nghị tâm huyết của Viện như thế nào?
Ts. Nguyễn Quang A: Thực sự, ngay từ thời gian ban đầu, khoảng tháng Hai năm 2008, một số nhà lãnh đạo và một vài cơ quan đã có những thái độ không được được thiện chí lắm đối với hoạt động của chúng tôi. Họ đã tổ chức những cuộc kiểm tra, gặp gỡ; họ khuyên chúng tôi tự giải tán đi. Chúng tôi nói chúng tôi không phải con nít, chúng tôi hoạt động hợp pháp và công khai. Nói chung là có những ý như thế, nhưng không có một pháp nhân quyền hành nào để giải thể hoạt động của chúng tôi cả. Đó chỉ là ý kiến của một số người đến tai chúng tôi. Trong thời gian đó, chúng tôi cũng đã có một vài lần nghe những chuyện từ báo đài trong nước và nước ngoài.
Nói chung là những hoạt động của chúng tôi vẫn bình thường, nhiều cơ quan Nhà nước, hay viện nghiên cứu của Nhà nước cung mời chúng tôi tham dự các hội thảo của họ, chúng tôi đóng góp ý kiến, nói chung là trong không khí khá cởi mở, và trong hoạt động của mình trong vòng 2 năm thì không có gì cản trở lớn cả.
Tuyết Đan: Thưa Tiến sĩ, theo Tiến sĩ và những thành viên của Viện IDS, thì lý do nào khiến lãnh đạo Nhà nước ban hành Quyết định 97, hay là nói một cách khác, họ nghĩ có thể đạt được điều gì qua lệnh này?
Ts. Nguyễn Quang A: Cái đó thì thưa chị là chúng tôi không biết. Có lẽ câu hỏi này phải được đặt cho chính các vị lãnh đạo thì họ mới có thể trả lời được. Chúng tôi chỉ có thể phỏng đoán mà thôi. Phỏng đoán của chúng tôi, giả thiết của chúng tôi là đất nước này đã ở trong một thể chế, trong một chế độ mà người ta công khai từ rất lâu rồi, đó là một chế độ chuyên chính, đến nay thì có sự lãnh đạo cầm quyền là không chia sẻ, hay nói một cách nôm na là có một sự độc quyền, nhưng đối với nước Việt Nam thì chuyện độc quyền quyền lực thì nó là một sự... sự....
Như Vua là một người duy nhất làm ra luật, tiếng nói của Vua, đấy là luật. Tâm lý đó còn hằn sâu trong mỗi người quan chức Việt Nam, nó ảnh hưởng rất lớn lên cách hành xử của những người cầm quyền. Người ta muốn rằng khi người ta nói thì mọi người phải răm rắp nghe để lấy được một sự đồng thuận mà không muốn có ý kiến khác.
Giả thiết của chúng tôi là có thể là vấn đề hành xử, vấn đề tâm lý, cách suy nghĩ. Đó không phù hợp với sự phát triển của đất nước, sự phát triển của đất nước đòi hỏi một sự đa dạng về ý kiến, và nhiều lãnh đạo cũng phải chấp nhận rằng phải có những ý kiến khác nhau, có thể là những ý kiến phê phán. Có lẽ là do tâm lý đó mà người ta không ưa tiếng nói khác, nhất là tiếng nói phản biện.
Tuyết Đan: Thưa Tiến sĩ, nguyên văn Khoản 2, Điều 2 trong Quyết định này là: “Cá nhân thành lập tổ chức khoa học, công nghệ chỉ hoạt động trong lĩnh vực thuộc danh mục ban hành kèm theo Quyết định này. Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cần gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa, hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ”.
Thưa Tiến sĩ, nếu Viện tiếp tục hoạt động thì Viện bị ảnh hưởng thế nào bởi điều khoản này?
Ts. Nguyễn Quang A: Điều khoản này có 2 ý. Ý thứ nhất là các tổ chức khoa học công nghệ do cá nhân thành lập như Viện IDS vừa qua, thì chỉ được hoạt động trong những lĩnh vực được liệt kê trong danh mục khá dài, gồm 2 trăm mấy chục đề mục. Về khía cạnh này, chúng tôi đã phản bác lại cách làm như thế là phi khoa học, thiếu dân chủ và không có lợi cho sự phát triển của đất nước à bở vì dẫu cái danh mục đó có dài bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng không thể phủ hết những mặt khoa học công nghệ mà cuộc sống đòi hỏi. Cách làm 1 danh mục được phép đồng nghĩa với việc cấm tất cả những gì ngoài danh mục. Và nếu về mặt nguyên tắc, như thế là không thể chấp nhận được.
Nếu chiểu theo một vài lĩnh vực gần với hoạt động hiện thời của chúng tôi thì thấy rằng nếu mình áp vào vài lĩnh vực đó thì một số công việc chúng tôi đang làm trước đây nó không khớp vào với lĩnh vực nào cả.
Ý thứ hai là không được công bố công khai những ý kiến phản biện về chủ trương đường lối chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà chỉ được gửi lên cho các cơ quan của chính quyền. Đó là một điều rất phi lý.
Trong khi người ra nói mỗi một cá nhân thì có quyền hạn nói lên các ý kiến của mình. Còn cả một tập thể, những nhà nghiên cứu đi đến việc một kiến nghị chung nào đó thì lại không được phép, những ý kiến chung là những ý kiến có sức nặng hơn thì với sự trung thực khoa học thì không thể lấy danh nghĩa một cá nhân để công bố công khai, như thế là phạm vào đạo đức khoa học.
Vì những điều đó mà chúng tôi đã nêu rõ trong tuyên bố của chúng tôi ngày mùng 4 là trong tình hình này chúng tôi không thể tiếp tục hoạt động được, vì thế cho nên chúng tôi tuyên bố giải thể.
Tuyết Đan: Thưa Tiến sĩ, ngoài các thành viên của Viện IDS ra, thành phần trí thức có tâm huyết đón nhận Quyết định 97 này như thế nào không?
Ts. Nguyễn Quang A: Khi chúng tôi đưa tuyên bố ra công khai, cũng như một vài văn bản đã gửi cho các cơ quan Nhà nước cũng như văn bản trả lời chúng tôi công khai vào tối ngày 4 tháng Chín, chúng tôi gửi cho nhiều tờ báo ở trong nước và một số Website ở nước ngoài. Có 2 tờ báo ở trong nước có đưa tin rất ngắn nhưng mà tất cả đều im lặng. Rất là may là mạng lưới Internet đưa tin rất là nhiều. Chúng tôi có theo dõi phản ứng của bạn đọc và chúng tôi thấy 2 luồng ý kiến.
Một luồng ý kiến chê trách chúng tôi tại sao lại vội vã như thế, tại sao lại ứng xử một cách hấp tấp như vậy, tại sao không làm tiếp,... Những ý kiến này có lẽ là không đến 5 phần trăm, còn những ý kiến khác đều là những ý kiến bày tỏ sự thiện cảm với chúng tôi hoặc đồng tình với chúng tôi. Có thể nói những ý kiến áp đảo là những ý kiến thiện cảm, đồng tình với chúng tôi. Các ý kiến trách cũng có nhưng không nhiều. Về việc chúng tôi là dứt khoát như trong bản tuyên bố của chúng tôi thì có tới 90 phần trăm bạn đọc, chủ yếu ở trong nước tán thành những ý kiến của chúng tôi.
Tuyết Đan: Chúng tôi được biết là Viện đã đóng góp ý kiến với các cơ quan chức năng của Nhà nước về vấn đề này, thì Tiến sĩ có thể cho quý thính giả của Đài biết thêm là Viện đã đề nghị những gì và phía lãnh đạo Nhà nước đã đáp ứng ra sao?
Ts. Nguyễn Quang A: Sau khi Quyết định này được ban hành và được công bố vào ngày 27 tháng Bảy, đúng là ngày 24, nhưng được đưa lên trên các phương tiện thông tin, trang thông tin của Chính phủ là vào ngày 27 tháng Bảy. Sau ngày 27 chúng tôi mới biết là Quyết định này đã được ký, chúng tôi đã tiến hành thảo luận, sau đó chúng tôi có những phiên họp của Hội đồng Viện. Chúng tôi đã có một văn bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng và các vị lãnh đạo khác của Việt Nam vào ngày mùng 6 tháng Tám năm 2009.
Trong kiến nghị đó, chúng tôi phân tích về sự sai phạm của Quyết định này - nó vi phạm quy định về thủ tục ban hành, thủ tục soạn thảo, về nội dung..., nó vi phạm rất nhiều thứ. Chúng tôi cũng phân tích rằng việc soạn thảo đã được không xem xét ký và nếu ban hành Quyết định này là có hại cho sự phát triển của đất nước, có hại cho uy tín của Chính phủ, có hại cho uy tín của Thủ tướng, và tất nhiên là có hại cho hoạt động của chúng tôi.
Chúng tôi kiến nghị cách giải quyết là đề nghị Thủ tướng phải yêu cầu các cơ quan soạn thảo phải nhìn nhận ngay cái sai của họ. Chúng tôi kiến nghị Thủ tướng nên hoãn Quyết định này lại để thảo luận kỹ hơn trước khi ban hành lại hoặc có thực hiện hay không. Đó là kiến nghị của chúng tôi.
Trong một tháng trời, từ mùng 6 tháng Tám cho đến mùng 8 tháng Chín, tôi nhận được văn bản trả lời của Bộ Tư pháp, do Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy Thủ tướng gửi lại cho chúng tôi, trả lời những vấn đề mà chúng tôi nêu ra. Tóm tắt là thế này: Ý kiến của các vị đó là các cơ quan soạn thảo đã làm rất đúng quy định của pháp luật, nội dung của Quyết định hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp, luật hiện hành của Việt Nam. Nói cách khác là những ý kiến của chúng tôi đưa ra không có một cái nào được chấp nhận dù một nửa hay một phần ba cả. Chúng tôi cũng có xem xét khiếm khuyết riêng của mình và ý kiến đó được phân tích và nêu rõ hơn ở trong tuyên bố của chúng tôi ngày 14 tháng Chín.
Tuyết Đan: Thưa Tiến sĩ, như Tiến sĩ có nói, vào ngày 14 tháng Chín năm 2009, Viện đã công bố ngưng hoạt động, tức là trước một ngày mà Quyết định 97 có hiệu lực, dĩ nhiên quý thành viên của Viện có nhiều cách để phản ứng trước Quyết định này, kể cả việc từng người âm thầm rút lui, nhưng lý do gì khiến cho cả 16 vị nhất trí chọn một cách công khai tự giải tán để phản đối và công bố quyết định đó qua trang nhà Bô-xít Việt Nam thưa Tiến sĩ?
Ts. Nguyễn Quang A: Chúng tôi nghĩ rằng nếu chúng tôi không tuyên bố giải tán trước ngày 15 thì ngay bản tuyên bố của chúng tôi ra chậm 5 giờ đồng hồ thì cũng có thể bị người ta quy cho là một việc phản biện vô luật pháp. Vì vào 0 giờ ngày 15, Quyết định đó có hiệu lực. Vì vậy 5 giờ trước khi Quyết định có hiệu lực thì chúng tôi công bố tuyên bố của chúng tôi. Và tuyên bố của chúng tôi là một sự phản biện mạnh mẽ cuối cùng với tư cách là một tổ chức, còn với tư cách cá nhân thì từ trước chúng tôi vẫn làm, sau ngày đó chúng tôi cũng vẫn làm.
Tuyết Đan: Lý do gì mà quý vị đã quyết định công bố qua trang mạng Bô-xít Việt Nam?
Ts. Nguyễn Quang A: Dạ không, Bô-xít Việt Nam là một trang mà chúng tôi gửi đến, tôi đưa lên trang Web của chúng tôi trước tiên, chúng tôi gửi cho một loạt báo ở Việt Nam, chúng tôi gửi cho Việt Tân, trang Anhbasam (AnhBaSaiGon) ... Chúng tôi gửi cho nhiều nơi chứ không phải là chỉ cho Bô-xít Việt Nam. Bô-xít Việt Nam là một trang mà số lượng người đọc chắc các quý vị thính giả của Đài cũng biết rõ, là những người lên tiếng mạnh mẽ nhất từ ban đầu về Bô-xít như anh Nguyễn Trung, nhà văn Nguyên Ngọc, những người ký đầu tiên vào bản kiến nghị về Bô-xít, trong đó có Giáo sư Hoàng Tụy, có Giáo sư Phan Đình Diệu, có tôi...
Tuyết Đan: Sau cùng, Tiến sĩ có điều gì muốn chia sẻ với quý thính giả của Đài trên cả nước và khắp thế giới không?
Ts. Nguyễn Quang A: Chúng tôi cảm ơn các quý vị thính giả cũng như bạn đọc của rất nhiều trang trong và ngoài nước đã bày tỏ sự đồng cảm với chúng tôi, và tới những người luôn lo lắng, luôn chăm chú cho sự phát triển của đất nước. Nếu mà tất cả mọi người đều làm việc gì đó tốt cho sự phát triển của đất nước thì rất quý.
Tuyết Đan: Xin cám ơn Tiến sĩ. Thay mặt cho thính giả của Đài và rất nhiều đồng bào đang quan tâm theo dõi, xin Tiến sĩ Viện trưởng chuyển lời thăm hỏi chân thành và mến phục của chúng tôi đến từng thành viên của Viện Nghiên cứu Phát triển và xin kính chào Tiến sĩ.
Vụ IDS :
Ông Nguyễn Quang A cho biết ý kiến về chỉ thị của Thủ tướng Việt Nam liên quan IDS.
Nghe - Ông Nguyễn Quang A lên tiếng (BBC)
------------------------------------
Thủ tướng yêu cầu xử lý vụ IDS (BBC 16-10-09)
Tiếng nói chính quyền :
Thủ tướng yêu cầu xử lý việc IDS tự giải thể (VNN 15-10-09)
Khẩn trương thực hiện nghiêm Quyết định 97 của Thủ tướng (web chinh phu 15-10-09)
Chuẩn bị thông tư về các tổ chức khoa học công nghệ (tuoi tre)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment