Saturday, October 24, 2009

QUYỀN PHÁ BIỂU TRONG NỀN DÂN CHỦ


Quyền phát biểu tại Agora
Ngô Nhân Dụng
Friday, October 23, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=103150&z=7#
Cầm một tờ báo IHT tiếng Anh khi đặt chân tới A Ti Na (Athens), tình cờ thấy trên trang nhất giới thiệu một bài viết về Việt Nam với câu hỏi: Golf hay Gạo? Bài của Seth Mydans tường trình từ Phan Thiết trên trang hai mở đầu: “Ðó là một công trình có tính chất tư bản nhất trong nước Cộng Sản Việt Nam - do người giầu làm và cho người giầu hưởng. Ðó là những sân cù (golf) mọc lên khiến hàng chục ngàn nông dân phải di tản và nuốt mất hàng triệu mẫu ruộng lúa trong một xứ sở rất cần thóc gạo.”

Viết cho báo ngoại quốc, Seth Mydans có thể đùa với hai chữ Tư Bản và Cộng Sản. Nếu một nhà báo ở Việt Nam mà viết câu đó chắc sẽ bị truy tố về tội tiết lộ bí mật làm nguy hại an ninh quốc gia. Hoặc nặng hơn nữa, tội phát tán tài liệu với âm mưu lật đổ chính quyền của nhân dân!

Việt Nam là thiên đường của những người chơi golf. Seth Mydans đoán Việt Nam sẽ đuổi kịp Nam Hàn về số sân cù nếu những dự án được thực hiện đầy đủ. Ký giả nhắc lại hồi 1975 cả nước chỉ có 2 sân cù, golf (ở Sài Gòn và Ðà Lạt), bốn năm qua đã nhẩy vọt lên 13 sân. Trước khi ông Nguyễn Tấn Dũng ra lệnh ngưng vào giữa năm ngoái, trung bình cứ mỗi tuần lại có một giấy phép làm sân cù được chấp nhận. Trong một nước có 50, 60 triệu nông dân, và chỉ có 5,000 người đánh cù, có 140 dự án lập sân cù đang chờ khởi công - bốn tháng trước 50 dự án được lệnh ngưng mặc dù đã có giấy phép. Mydans biết dân Việt Nam sống bằng cơm gạo và món hàng xuất cảng thâu nhiều ngoại tệ là lúa gạo. Theo tài liệu của Bộ Nông Nghiệp thì có từ 4 triệu mốt đến 4 triệu rưỡi héc ta đất đã biến mất vì được sử dụng cho nhu cầu công nghiệp hóa, và mất thêm để biến thành sân chơi cù.

Ông Lê Anh Tuấn, nhà nghiên cứu về môi trường sống thuộc Ðại Học Cần Thơ, còn nêu lên vấn đề sân cù sử dụng quá nhiều nước cho các nhà tư bản giải trí trong lúc cả nước thiếu nước dùng. Ông cho một thí dụ: một sân cù 18 lỗ cần 5 ngàn mét khối nước để tưới cỏ mỗi ngày, đó là số nước đủ dùng cho 20 ngàn gia đình Việt Nam. Ông Lê Tuấn Kiệt, quản lý sân cù Mũi Né, than phải luôn luôn đấu tranh với thị xã để có đủ nước tưới cỏ. Một sân cù cùng khu giải trí và cư trú Sea Links lập trên vùng đất cát rộng 170 mẫu Tây phải dẫn nước từ cách xa 3 cây số, theo lời ông Trần Quang Trung, một vị giám đốc. Mỗi gốc cây đều có vòi nước tưới nhỉ ra liên tục và cứ 15 phút thì máy tự động lại nước phun khắp sân cỏ. Có hơn 300 ngôi nhà xếp hàng như một đội quân chung quanh sân cù, mà trước khi xây cất song nhiều nhà đã được bán rồi. Một khách sạn 5 sao đang hoàn tất. Khu chung cư có 6 cao ốc với 550 đơn vị gia cư sắp được dựng trên khu đất đỏ, đặt tên là Sea Links City.

Ký giả nhận xét: Khi các người giầu có chơi, các nhà nông và dân làng phải trả tiền. Giá tiêu biểu trả cho một nông dân ở Vĩnh Phúc là 2 đến 3 đô la Mỹ cho một mét vuông, theo thông tấn xã nhà nước thì số tiền đó chỉ bằng giá một bao gạo!

Tại sao 5,000 người chơi golf ở Việt Nam cần đến nhiều sân cù như vậy? Vì lập sân cù chỉ là một mưu mẹo để trốn thuế, bí quyết của các nhà tư bản chân chính! Thuế đánh trên đất làm sân cù thấp hơn thuế đánh trên các dự án xây dựng khác. Làm sân cù chỉ là một cách đánh lận con đen để được bớt thuế.

Theo ông Tôn Gia Huyên, thuộc Hội Khoa Học về Ðất Ðai nói trong một cuộc hội thảo vào Tháng Năm vừa qua thì nơi trồng cỏ để chơi cù chỉ chiếm dưới 2 phần 3 đất đai trong mỗi dự án, phần đất còn lại 35% được dùng để xây cất nhà cửa, khách sạn, khu giải trí. Theo ông Nguyễn Ðức Tuyên, thuộc Viện Nghiên Cứu Xã Hội Học, thì một sân cù lập ra sẽ khiến 3,000 nông dân mất ruộng cày, một sân cù ra đời có thể làm biến mất cả một cộng đồng nông dân. Trong một cuộc hội thảo gần đây, ông nói việc phát triển một sân cù có thể khiến 10,000 người mất kế sinh nhai; mà chỉ có một số rất nhỏ sẽ tìm được việc làm phục vụ cho những người có tiền đến đó giải trí. Thí dụ nêu lên trong báo chí nhà nước cho biết một sân cù ở tỉnh Vĩnh Phúc chiếm ruộng đất của hàng ngàn nông dân và sau đó chỉ cung cấp việc làm cho 30 người.
Những dữ kiện do các nhà nghiên cứu trên đưa ra được công bố trước khi ông Nguyễn Tấn Dũng ký nghị định bắt buộc các công trình khoa học phải trình lên các cơ quan nhà nước trước, có phép rồi mới được cho đồng nghiệp và công chúng biết! Quyết định trên đã bị các nhà khoa học trong nước phản đối nhưng những người cầm quyền từ chối không nghe. Ban lãnh đạo Viện Nghiên Cứu Phát Triển “kiến nghị” mãi không ai nghe đã phải tuyên bố tự giải tán để tỏ thái độ, và họ bị dọa “sẽ có biện pháp đối trị!”
Các nhà nghiên cứu khoa học xã hội, kinh tế và môi trường sống sẽ không có quyền tự do thông báo cho nhau biết hậu quả của phong trào làm sân cù trên đời sống nông dân và trên môi trường sống. Có rất nhiều câu hỏi phải nêu ra:

Trong công cuộc phát triển kinh tế quốc dân, sử dụng làm sân cù có lợi cho ai và gây thiệt hại cho bao nhiêu người? Ðem nước tưới sân cù lợi ích hơn hay là cung cấp nước cho dân dùng ích lợi hơn? Thuế đánh trên việc sử dụng đất đai cần phải thay đổi như thế nào để việc sử dụng đất mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất? Trong một quốc gia mà khoảng cách biệt giầu nghèo càng ngày càng rộng, có nên phô bầy thêm cảnh sống chênh lệch giữa người giầu và người nghèo hay không?
Người dân Việt Nam bình thường sẽ không được nghe những câu hỏi đó, cũng khó có dịp được nghe những câu trả lời. Vì nhà nước Cộng Sản muốn bịt mắt, bịt miệng, bịt tai cả nước!

Nghĩ đến những vấn đề đó khi đang đi thăm thành phố A Ti Na, thấy mà tủi thân cho cả dân tộc Việt Nam. Ở thủ đô xứ Hy Lạp này còn di tích những quảng trường thời thượng cổ, gọi là Agora. Mỗi thành thị tự trị của Hy Lạp từ 800 năm trước Công nguyên đều thiết lập những Agora như vậy. Ðó là nơi công dân trong thành phố có quyền tới hội họp và phát biểu ý kiến. Agora tại A Ti Na có lúc chứa được 50,000 người dân đến họp! Như đã trình bày trong bài trước, chế độ dân chủ ở A Ti Na không hoàn hảo. Chỉ những người đàn ông trên 20 tuổi, thuộc những gia đình là “cư dân chính thức” mới có quyền đến họp trong các nghị hội đó. Phụ nữ, người ngoài và các nô lệ không có quyền. Nhưng tại các cuộc tập họp định kỳ này, mọi công dân có quyền và có bổn phận phải nói, phải tham gia ý kiến, và biểu quyết về các đạo luật, các quyết định về thuế khóa, về chiến tranh và hòa bình, vân vân. Người Hy Lạp gọi những cuộc tập họp đó là Assembly, tiếng này được truyền lại trong rất nhiều ngôn ngữ ngày nay. Assembly, Nghị hội, là tiêu biểu của thể chế dân chủ. Tại các Agora, bất cứ công dân nào cũng có quyền phát biểu. Những người cầm quyền bị bắt buộc phải lắng nghe ý kiến của họ. Nếu không, dân có quyền bỏ phiếu truất phế.

Lúc đầu chỉ có những cư dân có tài sản trong thành phố mới được tham dự các nghị hội này, mà tài sản chính yếu thời đó là đất đai. Họ nắm quyền quyết định “việc công” thay thế cho các ông vua. Tất nhiên, trong những thế kỷ đầu, các cư dân giầu có nắm quyền trong tay vì họ có thể mua chuộc những người khác. Nhưng nhờ quy tắc sống dân chủ nên xã hội Hy Lạp thay đổi. A Ti Na là nơi diễn ra cuộc chuyển hóa mạnh nhất trong mấy thế kỷ vì ở đây không khí cởi mở khi giao tiếp với dân từ nơi khác đến đã giúp cho các ý kiến mới được phát triển. Chính tại đây, những cư dân nghèo nhất cũng được phát biểu ý kiến. Họ dần dần ý thức được quyền tự do phát biểu, quyền tự do đầu phiếu là thứ vũ khí có thể dùng để thay đổi xã hội. Cho nên thế lực của người giầu dần dần bị giảm đi. Một nhà cai trị nổi danh là Solon đã chiều theo ý đa số dân thay đổi các luật lệ cho công bằng hơn. Năm 594 trước Công Nguyên đánh dấu sự chuyển mình của A Ti Na, khi các cư dân tầm thường nhất sử dụng quyền bỏ phiếu của họ để thay đổi luật pháp và bầu lên người cai trị họ. Ðó là lần đầu tiên người Hy Lạp đặt ra một từ mới, ghép hai chữ Demos (Dân) và Kratas, luật lệ cai trị, để lại cho loài người chữ DemoKratie mà người Việt gọi là Dân Chủ!

Chế độ Dân Chủ phát triển từ từ và cũng có khi bị lạm dụng, khi có những người giàu có mua phiếu của người nghèo để gia tăng quyền hành cho họ. Một nhà độc tài, Pisistratus nhờ mua phiếu nên được nắm quyền vào năm 560 trước Công Nguyên, nhưng sau đó ông ta trả ơn các cư dân nghèo bằng những đạo luật tái phân tài sản. Năm 508, Cleisthenes làm luật cho những người không có tài sản cũng được tham dự vào một hội đồng 500 người, với quyền bỏ phiếu các đạo luật. Những người trong hội đồng này được chọn bằng cách bốc thăm, thế là hết chuyện mua phiếu, một cuộc cách mạng nhờ sử dụng các quy tắc dân chủ sơ đẳng! Nền Dân Chủ ở A Ti Na lên mức cao nhất và có hiệu quả nhất trong thời đại Pericles nắm quyền, từ 461 đến 429 trước Công Nguyên.

Dưới chế độ Dân Chủ, nền giáo dục cũng được cải thiện, trí thông minh và óc sáng tạo của người dân được khuyến khích phát triển. Thành phố A Ti Na vượt xa các thành thị Hy Lạp khác trong các lãnh vực văn chương, nghệ thuật, âm nhạc, khoa học, triết học, ngày nay các di sản từ thời đó còn truyền lại trong văn minh nhân loại bây giờ. Trong lịch sử đây là một thí dụ hùng hồn nhất của những ích lợi mà chế độ dân chủ mang lại.

Nếu các nhà khoa học trong Viện Nghiên Cứu Phát Triển Việt Nam được sống ở một thành thị Hy Lạp vào 500 năm trước Công Nguyên, chắc họ đã không phải tự giải tán! Ở A Ti Na trước đây 2,500 năm chắc chắn không có cảnh nông dân bị cướp đất để làm sân cù cho các nhà tư bản đỏ có quyền tự do vừa làm giầu vừa ăn chơi thỏa thích! Nếu các đại biểu Quốc Hội Việt Nam cũng được tự do nói như người dân Hy Lạp trong các Agora, chắc họ đã phản đối quyết định 97 của ông Nguyễn Tấn Dũng và biểu quyết sửa luật thuế khóa để không cho giới tư bản đua nhau làm sân cù trục lợi trong khi nông dân mất ruộng!
Nghĩ như vậy, làm sao không cảm thấy tủi thân cho dân tộc Việt Nam được?

-------------------------------

Cái nôi của Dân Chủ
Thursday, October 22, 2009


No comments: