Friday, October 23, 2009

ĐỌC BÁO CÁO của NGUYỄN TẤN DŨNG


Đọc Báo Cáo Của Nguyễn Tấn Dũng
Lý Thái Hùng
Cập nhật ngày: 23/10/2009
http://www.viettan.org/spip.php?article9134
Ngày 20 tháng 10 vừa qua, Quốc hội CSVN nhóm họp phiên thứ 6 của khóa 12. Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Cộng sản Việt Nam đã thay mặt chính phủ đến đọc một bản báo trong buổi sáng ngày khai mạc quốc hội. Bản báo cáo dài 12 trang, đầy chữ. Ông Dũng đã tốn gần 1 tiềng đồng hồ để kể lể về thành tích: “đẩy lùi lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn chận kịp thời đà suy thoái kinh tế và sau cùng là tiếp tục kiên định quyết tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế thành công trong năm 2010”.

Theo thông lệ, những loại báo cáo của thủ tướng chính phủ trước các đại biểu quốc hội là văn kiện mang tính phô trương hơn là đi vào thực chất vấn đề. Tất cả được viết rất tròn và giải quyết xong mọi chuyện dù có khó khăn lúc đầu. Mục tiêu là để các đại biểu và cử tri toàn quốc an tâm phó mặc cho đảng và nhà nước giải quyết. Tuy nhiên, trong bản báo cáo lần này, có lẽ vì không thể nào tiếp tục che dấu những sự thật hãi hùng đang bị phơi bày trước công luận nên Nguyễn Tấn Dũng đã phải thú nhận một số những “hạn chế, yếu kém” của mình trong bản báo cáo.

Trong phần đánh giá về tình hình kinh tế xã hội năm 2009, Nguyễn Tấn Dũng đã nêu ra hai vấn nạn:
Một là do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã làm ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt nhất là ba lãnh vực: 1/ Đầu Tư; 2/ Xuất khẩu; và 3/ Du lịch đã suy thoái một cách nghiêm trọng.
Hai là tình hình yếu kém ở trong nước hiện nay nảy sinh từ ba nguyên do: 1/ Hậu quả của tình trạng lạm phát từ cuối năm 2008; 2/ Những yếu kém của tình trạng quản lý kinh tế; và 3/ Sự gia tăng chống đối của các thế lực thù địch.

Sau phần đánh giá tình hình, Nguyễn Tấn Dũng đề cập đến khả năng khắc phục những yếu kém, trong đó có hai điểm đáng chú ý là: 1/ Đã thành công trong việc ngăn chận đà suy thoái kinh tế, giám sát chặt chẽ chính sách tiền tệ nền kinh tế vĩ mô ổn định; 2/ Công tác đối ngoại đạt kết quả toàn diện, giúp nâng cao vị thế trên trường quốc tế và xây dựng quan hệ hữu nghị tốt với Trung Quốc. Tuy nhiên, Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, Hà Nội đang phải trực diện hai vấn nạn rất lớn, nếu không khắc phục thì sẽ gặp khó khăn. Đó là làm sao tiếp tục giữ vững được an ninh chính trị và trật tự xã hội. Do đó, khi đề cập về mục tiêu hướng tới năm 2010, Nguyễn Tấn Dũng đã cho rằng nhà nước CSVN phải gấp rút giải quyết một số việc, trong đó có ba điểm đáng lưu ý là:

1/ Nâng cao chất lượng tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô để ngăn chận lạm phát trở lại. Đặc biệt để khắc phục tình hình xuất khẩu sang các thị trường Âu Mỹ suy giảm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, ông Dũng đưa ra chủ trương rằng Việt Nam sẽ tập trung mở rộng thị trường nội địa, coi trọng thị trường nông thôn, thực hiện hiệu quả cái gọi là “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
2/ Bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện đời sống người dân. Trong đó, ông Dũng nhấn mạnh đến nhu cầu gọi là “hỗ trợ và khuyến kích người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo” nhưng không nói rõ chính sách làm như thế nào. Ngoài ra, ông Dũng cũng đã vạch ra ước mơ rằng nhà nước của ông sẽ tập trung đầu tư vào hai khu công nghệ cao ở Hòa Lạc và Sài Gòn với hai ngành mũi nhọn là tin học và sinh học, để làm động lực cho nhu cầu xây dựng Việt Nam là một quốc gia công nghệ cao vào năm 2020.
3/ Giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm an ninh quốc phòng. Ông Dũng đã nêu quyết tâm: “chủ động phát hiện, kiên quyết đấu tranh ngăn chận làm thất thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch”. Trong khi đó, ông Dũng vạch ra hai sách lược: Tiếp tục vận động các nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường để dễ dàng trao đổi bình đẳng và đẩy nhanh tiến độ đàm phán và ký nghị định thư về phân giới cắm mốc, hiệp định về quy chế quản lý biên giới với Trung Quốc.

Lược qua một số điểm chính trong bản báo cáo của ông Nguyễn Tấn Dũng nói trên, tuy ông Dũng đề cập khá nhiều về khía cạnh chấn chỉnh kinh tế và nhu cầu giữ trật tự xã hội, người ta thấy rằng, Cộng sản Việt Nam đang phải đối diện bốn vấn đề lớn do chính chế độ gây ra trong vòng 2 thập niên vừa qua.
Thứ nhất là chính sách huy động đầu tư ngoại quốc để hướng nền kinh tế theo mô hình xuất khẩu đã thất bại sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Việt Nam đang bắt chước Trung Quốc chuyển nền kinh tế theo mô hình giảm xuất cảng, hướng vào thị trường nội địa. Nhưng với hệ thống phân phối còn quá yếu kém, nhất là ở các khu vực nông thôn và hơn 67% dân số còn sống trong điều kiện quá nghèo (theo tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc là dưới 200 Mỹ Kim/đầu người) làm sao có tiền để tiêu xài, do đó lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Thứ hai là Việt Nam đang thiếu hụt tín dụng trầm trọng do sự giảm sút ngoại tệ (suy giảm xuất cảng, lượng kiều hối giảm) và do sử dụng 8 tỷ Mỹ Kim để thay vì kích cầu lại kích cung qua việc hỗ trợ cho các công ty quốc doanh tái phối trí sản xuất. Hiện nay Hà Nội đã vay 500 triệu Mỹ Kim từ Ngân hàng Á Châu, 500 triệu Mỹ Kim từ Nhật Bản và sắp tới sẽ vay thêm 1 tỷ Mỹ Kim từ Ngân Hàng Thế Giới nhưng chắc chắn không đủ đáp ứng với tình hình suy thoái kinh tế còn đang tiếp tục. Hệ quả trước mắt cho thấy là Việt Nam sẽ còn phải đối diện với cơn khủng hoảng tài chánh vào cuối năm nay.
Thứ ba là ông Dũng nhắc lại nhiều lần trong bản báo cáo về mối bận tâm của chính phủ CSVN về việc đối phó với hai vấn đề: an ninh chính trị và trật tự xã hội. Nói một cách dễ hiểu là nhà nước Cộng sản Việt Nam sẽ trực diện ngày một nhiều hơn những chống đối chính trị của lực lượng dân chủ, đồng thời nhức đầu giải quyết các cuộc phản kháng của quần chúng trên mặt xã hội. Mối lo của ông Dũng bắt nguồn từ những bất ổn xã hội và chính trị liên tục và trên đà gia tăng của vài năm gần đây. Chỉ nhìn vào 8 tháng của năm 2009 vừa qua, Cộng sản Việt Nam đã phải đối phó rất nhiều biến động như: vụ Tam Tòa ở Vinh, vụ Bát Nhã ở Lâm Đồng, vụ các trí thức trong Viện IDS tự giải thể để chống Quyết Định 97 của Nguyễn Tấn Dũng - một quyết định đã tạo ra làn sóng bất mãn mạnh mẽ của giới trí thức trong nước; vụ bắt giữ 3 Bloggers dẫn đến sự phê phán của thế giới, đặc biệt là Hạ Viện Hoa Kỳ đã thông qua Nghị Quyết 672 hỗ trợ chiến dịch tranh đấu cho tự do internet tại Việt Nam; vụ bắt giữ các nhà dân chủ của đảng Dân Chủ Việt Nam; vụ tránh né xét xử 9 nhà dân chủ về việc treo biểu ngữ kêu gọi chống Trung Quốc mà dùng điều 88 để kết án một cách hồ đồ và phi lý tạo sự bất mãn lớn trong dư luận... Chính những nỗi lo này mà ông Dũng đã phải “hạ quyết tâm” làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực phản động.
Thứ tư là ông Dũng đã không có một chữ nào nhắc đến vấn đề tranh đấu nhằm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh hải ở Biển Đông, cũng như bảo vệ sự an toàn sinh mệnh và nguồn sống của ngư dân Việt Nam đang đánh cá trong Thềm Lục Địa 200 hải lý của Việt Nam đối với Trung Quốc. Đây là vấn đề nóng nhất hiện nay ở trong nước mà ông Dũng và chính phủ của ông hoàn toàn không đề cập đến. Sự né tránh này của ông Dũng cho thấy là thành phần lãnh đạo Hà Nội đã bán mình cho Bắc Kinh.

Tóm lại, tuy bản báo cáo của Nguyễn Tấn Dũng đọc dài dòng nhưng nó được tóm vào hai ý chính:
1/ Không đụng chạm những vấn đề tranh chấp tế nhị Biển Đông đối với Trung Quốc để tiếp tục được làm nô bộc của Bắc Kinh;
2/ Chủ động phát hiện và kiên quyết tiêu diệt các lực lượng chống đối để giữ vững quyền lực chính trị. Cả hai ý đồ nói trên của ông Dũng sẽ không thể nào thực hiện được vì các hành động tay sai, bán nước và chà đạp lên quyền sống của người dân đã bị người dân Việt Nam thấy rõ và đang chống đến cùng.

Lý Thái Hùng

22/10/2009

------------------------

Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày (nhan dan)



No comments: