Friday, October 9, 2009

NƯỚC LÀO VẤP TRÊN ĐƯỜNG TỚI HÀO QUANG THỂ VẬN


Lào vấp trên đường tới hào quang thể vận
Thomas Fuller
Phạm Văn lược dịch

08/10/2009 4:38 chiều
http://www.talawas.org/?p=11272
talawas - Bài viết này cung cấp một cái nhìn tham khảo cho độc giả Việt Nam quan tâm tới ảnh hưởng – hay thậm chí có thể gọi là áp lực – đang ngày càng lớn của Trung Quốc tới các chính sách của nhà nước Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Nhưng cảnh giác với khả năng lệ thuộc vào một thế lực nước ngoài cũng đồng thời nên gắn với cảnh giác về việc chính quyền Việt Nam có thể theo đuổi chính sách bành trướng ảnh hưởng tại những quốc gia nhỏ và yếu hơn, chẳng hạn tại hai nước lân bang trên bán đảo Đông Dương: “Việt Nam và Trung Quốc, hai láng giềng phía đông và bắc đang phỉnh phờ để thò tay tới rừng rậm, đất trồng trọt, khả năng về thủy điện và các tài nguyên thiên nhiên khác của Lào”, như tác giả bài viết nói rõ. Đừng để những dân tộc khác phải chịu những gì mà người Việt Nam không muốn phải chịu đựng.
____________

Vientiane, Lào – Lillehammer, Albertville, Lake Placid. Các biến cố thể thao lớn có cách đưa những chốn vô danh lên bản đồ. Các lãnh tụ cộng sản Lào chất chứa hy vọng này khi họ đề nghị thủ đô Vientiane làm chủ nhà cho Đại hội Thể thao Đông Nam Á vào tháng Chạp này.
Nhưng cho đến nay di sản lớn nhất của đại hội thể thao là con số thiếu hụt kỷ lục buộc Lào phải tìm vay nợ khẩn cấp và đi tới những thoả thuận bí mật nhượng những vùng đất lớn.
SEA Games, biến cố thể thao hai năm một lần, không phải là Olympics. Các nước tham dự giới hạn trong 11 quốc gia Đông Nam Á, và đại hội năm nay bao gồm những môn ưa chuộng tại địa phương, như pétanque (ném bi sắt), đua thuyền rồng và võ thuật (wushu), ngoài những môn thể thao phổ biến quốc tế: đá bóng, điền kinh, quần vợt và bóng chuyền.
Tuy nhiên, cung cấp nơi ăn ở cho hơn 3.000 vận động viên và một số đông khán giả là một việc làm đầy tham vọng đối với một nước có đa số dân là nông dân trồng lúa hoặc các nhóm bộ lạc miền núi. Ngân hàng Thế giới, một chủ nợ chính của Lào, nói vay mượn tăng vọt vì hậu quả của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và vì chi phí liên quan tới kỳ đại hội thể thao đã trở nên “mối quan tâm lớn”. Chính phủ có vẻ mắc nợ Trung Quốc khoảng 100 triệu đô la sau một vụ phản ứng hiếm hoi của công chúng buộc giới lãnh đạo phải rút lại dự tính nhượng cho Trung Quốc khu bất động sản quan trọng để đổi lại việc Trung Quốc xây khu vận động trường. Các sân vận động sắp hoàn tất, nhưng chính phủ Lào từ chối cho biết họ chi trả cho nó bằng cách nào.
Lào đã quay sang các nước láng giềng khác để tìm số công nhân lẫn tiền mặt cần thiết.

Thái Lan chi hơn hai triệu đô la để xây sân vận động kick-boxing và sửa sang lại một sân thứ hai. Chính phủ Brunei góp 1,7 triệu để xây một vận động trường khác. Một công ty bất động sản Việt Nam xây Làng Vận động viên. Nhật Bản và Nam Hàn giúp các dự án khác liên quan tới đại hội thể thao.
Trong khi đó, truyền thông nhà nước gần đây báo cáo rằng chính phủ gom góp 800.000 đô la để chỉnh trang thành phố với một chương trình làm đẹp.
Patchamuthu Illangovan, giám đốc chi nhánh Ngân hàng Thế giới tại Lào, nói: “Đây là gói kích hoạt kinh tế kiểu Lào”.

Chính phủ giữ kín con số tổng chi phí cho đại hội thể thao.
Southanom Inthavong, chủ tịch Liên hội Thể thao dưới nước của Lào và cũng là người phụ trách liên lạc quốc tế cho kỳ đại hội, nói: “Tôi không biết gì về ngân sách”. Ông chuyển câu hỏi cho một viên chức khác, vị này làm lơ nhiều lần yêu cầu có một buổi phỏng vấn thông qua Bộ Ngoại giao.
Thu nhập của Lào dựa vào kỹ nghệ du lịch, khai mỏ và lâm sản đã giảm xuống trong năm qua vì tình hình kinh tế thế giới bết bát. Nhưng ông Inthavong nói đại hội thể thao sẽ tiến hành như đã định.
Ông nói: “Tất nhiên kinh tế làm chúng tôi khốn đốn nặng, nhưng nó không nên là vấn đề đối với đại hội thể thao. Chúng tôi có nhiều bạn hữu.”
Trong số bạn hữu này là Việt Nam và Trung Quốc, hai láng giềng phía đông và bắc đang phỉnh phờ để thò tay tới rừng rậm, đất trồng trọt, khả năng về thủy điện và các tài nguyên thiên nhiên khác của Lào.
Một phần vì các thoả thuận tài chính liên quan đến kỳ đại hội thể thao đã gây nên tranh cãi, chính phủ Lào giữ bí mật các chi tiết dàn xếp với hai nước này. Nhưng một số chi tiết bị lộ ra.
Hôm khánh thành Làng Vận động viên hồi đầu tháng Chín, các viên chức Lào và Việt Nam đọc diễn văn ca ngợi tình hữu nghị lịch sử và sự cộng tác giữa hai nước. Họ tuyên bố khu nhà ở tập thể 19 triệu đô la được tài trợ qua một món vay không lãi suất và một khoản viện trợ 4 triệu đô la không hoàn lại từ Việt Nam.
Nhưng bối cảnh đầy đủ hơn lộ ra trong cuộc phỏng vấn Somvang Vongvilay, giám đốc công ty xây dựng đã xây khu nhà ở tập thể. Như một phần của thoả thuận, ông nói chính phủ Lào cho một công ty bất động sản Việt Nam, Hoang Quan, 10.000 hectare ở phía đông nam Lào để trồng cây cao su.
Những thoả thuận thiếu minh bạch như vậy là chuyện thường ở Lào, khi truyền thông nhà nước chỉ báo cáo những gì được chính phủ đồng ý. Nhưng trong hai năm qua một số nét mờ ám đã bớt dần: phản ứng dữ dội của công chúng hồi năm ngoái vì vụ Trung Quốc tài trợ xây vận động trường tại Vientiane được nhiều người xem là một dấu mốc chống đối của công chúng đối với một chính phủ quen thói chuyên chế.
Khi tin đồn lan ra rằng như một phần của thoả thuận, 50.000 dân Trung Quốc sẽ dọn vào khu kỹ nghệ do Trung Quốc xây dựng ở Vientiane, các bộ trưởng trong chính phủ buộc phải họp báo – một biến cố hiếm hoi trong tôn ti trật tự cộng sản. Phó Thủ tướng Somsavat Lengsavad, gốc Hoa, giải thích chi tiết kế hoạch: Ngân hàng Phát triển Trung quốc sẽ tài trợ khu vận động trường chính để đổi lấy 1.600 hectare đất tại vùng ngoại ô Vientiane, tại đây một công ty Trung Quốc sẽ biến nó thành cái gọi là “Dự án Phát triển Thành phố mới”. Chính phủ nói sẽ cho các doanh gia Trung Quốc thuê đất trong 50 năm và có khả năng gia hạn.

Nhưng lời tuyên bố chỉ khơi lên chống đối.
Nông dân sống trên vùng đất và cư dân giàu có sống gần đó thường nhạo báng dự án là “Thành phố Tầu”, một từ miệt thị tại một nước mà chuyện làm ăn của người Trung Quốc đã mọc như nấm trong mấy năm gần đây.
Hồi tháng Tám 2008, chính phủ rút lại và nói chính phủ Trung Quốc chỉ nhận 200 hectare, một phần nhỏ của thoả thuận ban đầu.
Hơn một năm sau, chính phủ Lào từ chối tiết lộ làm cách nào họ đền bù cho chính quyền Trung Quốc, mà theo truyền thông nhà nước Lào là đã trả hết chi phí cho khu vận động trường.
Ông Illangovan của Ngân hàng Thế giới nói: “Chẳng ai biết. Đây là loại tin tức chúng tôi không có”.
Để giảm thiếu hụt năm nay, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới có thể lên đến 7% tổng sản lượng quốc nội, chính phủ dự tính tăng thuế rượu và thuốc lá, và sẽ tạm ngưng thuê nhân viên mới.
Lào cũng hoãn mua một số bàn ghế và dụng cụ cho kỳ đại hội thể thao. Nhà ở tập thể của vận động viên ban đầu định có máy điều hoà không khí. Thay vào đó là quạt.
Ông Illangovan nói: “Thay vì kiểu Rolls-Royce, họ đang mua Toyota Corolla”.
Ngân hàng Thế giới tiên đoán sang năm Lào sẽ có thể giảm số thiếu hụt khi tình hình kinh tế toàn cầu cải thiện. Tới lúc đó chính phủ sẽ biết rõ hơn liệu số tiền chi vào kỳ đại hội thể thao – cả tiền mặt lẫn đất đai hứa cho ngoại quốc – có thực giúp nâng cao hình ảnh đất nước hay không.
Anouza Phothisane, 23 tuổi, trưởng ban break-dance có tên Lào Rockets, sẽ trình diễn trong buổi khai mạc SEA Games, anh nói người ngoại quốc thường bối rối nhìn anh khi anh nói anh là người Lào.
Anouza nói: “Ở Singapore và Đài Loan người ta hỏi chúng tôi: Lào là cái gì?”
“Tôi phải giải thích cho họ là nó gần Việt Nam và Thái Lan.”

Nguồn: Thomas Fuller,
Laos stumbles on path to sporting glory”, New York Times, 5/10/2009

Bản tiếng Việt © 2009 Phạm Văn
Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog



No comments: