Sunday, October 18, 2009

NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỨ ĐÓ VẪN RẤT CẦN ĐƯỢC CHIA SẺ


Những người phụ nữ đó vẫn rất cần được chia sẻ
Nguyễn Thượng Long
Đăng ngày 18/10/2009 lúc 00:00:00 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4240

Cũng vào dịp này, một năm về trước tôi đã viết bài “Những người phụ nữ đó rất cần được chia sẻ”. Bài viết này tôi viết về những gì quan sát được, cảm nhận được trong cuộc trò chuyện giữa tôi, anh Nguyễn Thanh Giang với những người vợ của các anh em bị cơ quan an ninh Việt Nam bắt giữ vì đã treo biểu ngữ có nội dung lên án các tệ đoan đang lan tràn trong xã hội lên thành các cây cầu lớn ở Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định.

Ở Hà Nội, Thầy giáo Vũ Hùng treo trên thành cầu Nam Thăng Long biểu ngữ có nội dung:
“ Tham nhũng là hút máu dân,
Lạm phát và tăng giá là giết dân,
Để mất biển đảo là có tội với tổ tiên,
Đề nghị đảng CSVN thực thi đa nguyên, đa đảng”

Ở Hải Phòng, Thái Bình và Nam Định, các anh Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Kim Nhàn, Trần Văn Sơn và sinh Ngô Quỳnh cũng đã treo trên thành những cây cầu lớn ở nơi đó những biểu ngữ tương tự.

Một năm đã trôi qua sau ngày bài viết ra đời, ngày 15/10/2009 giữa lúc cơn bão số 10 đang đe doạ ở Biển Đông, tôi lại đến thăm anh Nguyễn Thanh Giang những mong được giải toả biết bao bức xúc trong long.

Làm sao có thể thờ ơ được, ơ hờ được trước những biến cố rất không bình thường đang dồn dập xẩy ra trong đời sống xã hội vào những ngày gần đây như: Việc IDS tự giải thể và chỉ thị mới đây của ông Nguyễn Tấn Dũng về việc này; Sự cố Tam Toà chưa lắng đi thì sự cố Bát Nhã lại bất ngờ nóng lên một cách rất không bình thường; Vụ kiện Thủ Tướng của Luật Sư Cù Huy Hà Vũ chưa thấy tia sáng nào ở cuối con đường hầm thì ông Vũ đã lại phải lên tiếng rất mạnh mẽ trong sự cố Trần Khải Thanh Thuỷ rất không bình thường vừa xẩy ra; Sự cố Website hợp tác giữa Bộ công thương Việt Nam và Trung Quốc đăng tải những bài viết có lợi cho Trung Quốc và bất lợi cho Việt Nam chưa lắng xuống thì công luận đã lại xôn xao về vụ Báo điện tử của đảng cộng sản Việt Nam vừa đây (8/9/2009) đã bất ngờ đăng toàn bộ bài viết của báo Hoàn Cầu (TQ) mô tả cuộc tập trận và huấn luyện của hải quân Trung Quốc tại vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cứ như là họ tập trận ở ao nhà của họ. Điều càng bất ngờ hơn, tội lỗi với dân tộc như thế là quá nặng, thì ông Đào Duy Quát chủ báo chỉ bị khiển trách nhẹ nhàng và nộp phạt 30 triệu đồng cũng là tiền thuế của nhân dân là xong! Trong khi đó tờ báo Du Lịch từ Tổng Biên Tập đến toàn Ban biên tập bị xử lí quá nặng nề vì đăng bài “Tản mạn đảo xa” một bài báo có nội dung chan chứa lòng yêu nước của nhà báo Trung Bảo; Sự cố các ngư phủ miền trung Việt Nam cùng các ngư phủ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Phi líp pin… tiến vào vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa để tránh cơn bão số 9, trong khi ngư phủ các nước không gặp khó khăn gì từ phía hải quân TQ đang chiếm đóng ở đó, riêng ngư phủ của Việt Nam bị đuổi đánh và cướp bóc rất dã man mà không hề có tiếng nói nào bênh vực!

Từ trái qua phải : ông Nguyễn Thượng Long, cô Nguyễn Thị Huyền Trang (Vợ ông Phạm Văn Trội), ông Nguyễn Thanh Giang, bà Ngô Thị Lộc (Vợ ông Nguyễn Kim Nhàn), bà Nguyễn Thị Nga (Vợ ông Nguyễn Xuân Nghĩa)
http://i35.photobucket.com/albums/d193/miloc44/NTL2.jpg

Bước vào phòng khách của tư gia anh Nguyễn Thanh Giang, tôi biết là không thể trao đổi với anh Nguyễn Thanh Giang những điều mà tôi đã dự liệu, khi thấy gia đình anh đang tiếp cơm trưa cùng với ba người phụ nữ là vợ của một số anh em vừa phải hầu toà ở Hà Nội và Hải Phòng gồm mẹ con chị Nguyễn Thị Nga vợ nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, chị Ngô Thị Lộc vợ của anh Nguyễn Kim Nhàn và cháu Nguyễn Thị Huyền Trang là vợ của cử nhân Phạm Văn Trội. Tôi cũng không thể thoái thác được lời mời chào của mọi người cùng tham gia bữa cơm trưa mang tính gia đình.

Tôi nhanh chóng bị lôi cuốn vào những câu chuyện, những tình huống trong các phiên toà vừa diễn ra ở Hà Nội và Hải Phòng. Tôi thấy cả ba người phụ nữ sau hơn một năm ngày chồng họ bị bắt giữ, cũng là hơn một năm nay tôi mới gặp lại, nom họ đều từng trải và cứng rắn hơn nhiều, dù họ vẫn nói với tôi về người chồng vô tội của họ bằng những ngôn ngữ thấm đẫm nước mắt nhớ thương như ngày nào chồng họ vừa bị bắt. Huyền Trang còn thua con gái lớn của tôi tới hai tuổi, vẫn gương mặt nữ sinh với tóc thề hững hờ bờ vai, nhưng hôm nay cháu rắn rỏi hơn một năm trước nhiều. Nghe cháu kể về phút luống cuống rơi nước mắt khi vợ chồng cháu nhìn thấy nhau trong toà mà không nói được với nhau một lời nào, tôi buồn đến tái tê trước nỗi đau thế thái nhân tình. Tôi chia sẻ cùng với chị Nga, Chị Lộc và cả cháu Huyền Trang về những vất vả bởi gánh nặng gia đình mà những người chồng thân yêu của họ vì bận lao lí mà đã đặt lên đôi vai gầy của các chị. Tôi nói với cả ba người rằng, tôi chỉ được đi quan sát bên ngoài phiên toà xử Vũ Hùng thôi. Qua các tấm ảnh đăng tải trên các trang báo lề phải, tôi thấy sáu anh em ở Hải Phòng là còn giữ được ít nhiều sức khoẻ, còn thầy giáo Vũ Hùng, và Phạm Văn Trội nom ốm quá. Tôi càng ngạc nhiên và xúc động khi các chị cho tôi biết, hôm nay cụ thân sinh và cô Mai vợ của thầy Vũ Hùng không được vào thăm thầy Hùng vì anh ấy đang bị trại giam kỷ luật vì can tội dám tuyệt thực để phản đối kết án của phiên toầ 7/10/2009.

Câu chuyện của mọi người bất ngờ chuyển sang đề tài khác, khi cả ba bà vợ lo âu hỏi: “ Theo các bác có còn phiên toà phúc thẩm nào nữa hay không?”. Anh Giang ôn tồn bảo: “Toà phúc thẩm chỉ được tổ chức khi các bị cáo có đơn kháng án đúng quy định của pháp luật”. Thế là mọi người lại sôi nổi với đề tài kháng án. Tôi nói với những người phụ nữ dang vô cùng đau khổ, rằng việc làm đơn kháng án là thực thi các quyền tố tụng đã ghi trong hiến pháp và pháp luật. Cái gì đã là quyền thì không có gì phải lo lắng cả, cần nhất là mình phải làm cho đúng quy định. Trước những người phụ nữ đang hồn nhiên và tràn trề hi vọng những điều tốt đẹp nay mai sẽ đến với người thân của họ, tôi không nỡ nêu ra một thực tế phũ phàng sẽ sớm dập tắt niềm tin thánh thiện của họ một khi tôi hé mở:
“ Nhân dân Việt Nam hiện nay có ai lạ gì đời sống pháp luật nước nhà nhiều thập kỷ nay rồi. Tình trạng “Phép vua thua lệ làng”, tình trạng “Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ”, tình trạng “ Nén bạc đâm toạc tờ giấy”, tình trạng “Con Kiến mà kiện củ khoai”, tình trạng “ Chờ được kiện thì má đã sưng” cùng với những phiên toà dạng “Bỏ túi!”…vẫn cứ là truyện thường ngày ở CHXHCN Việt Nam, đâu đã được đẩy lùi, được loại trừ. (Xin liên hệ đôi chút về vụ xử PMU 18, vụ Hành lang đông tây…)”. Trong giới luật sư, tôi không hề có một chút cảm tình và trọng thị nào dành cho nhân vật NBT nhưng tôi vẫn đánh giá cao câu bà này đã từng nói trên diễn đàn Quốc Hội : “Việt Nam ngày nay có cả một rừng luật, nhưng khi thực thi người ta chỉ quen sử dụng luật rừng!?”.

Vì nhiều lý do, tôi không thể ở lại cùng với mọi người lâu hơn, dự định trao đổi với anh Giang không thực hiện được, sau bữa cơm trưa, tôi xin cháu Trang địa chỉ để sẽ thực hiện một chuyến thăm bà thân sinh ra Phạm Văn Trội và hai cháu nhỏ con của Trội – Trang, tôi cáo lui và chia tay mọi người.

Trên đường về. tôi hoà vào dòng xe cộ đang trôi nổi hối hả ngược xuôi mà sao như vẫn thấy mình cô đơn, như lạc loài trong cái se lạnh của những ngày thu tàn tạ giữa đất trời xứ Bắc. Cơn bão số 9 vừa tan, những giọt nước mắt của đồng bào tôi ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng… chưa khô thì siêu bão số 10 đang rập rình đe doạ! Sao dân tộc tôi lại khốn khổ thế này! Những người phụ nữ tôi vừa gặp hôm nay, những giọt nước mắt khóc chồng trong những phiên toà sơ thẩm ở Hà Nội, ở Hải Phòng chưa khô thì những giọt nước mắt mong ước hi vọng những người chồng của họ sẽ trở về sau phiên toà phúc thẩm đã lặng lẽ rơi!
Sao những người đồng bào tôi lại đau khổ thế này!

Hà Đông – Ngày trở gió 16/10/2009
Nguyễn Thượng Long
© Thông Luận 2009



No comments: