Wednesday, October 14, 2009

NHỮNG BỨC TƯỜNG TƯỞNG NIỆM CHIẾN TRANH VIỆT NAM


Những bức tường Tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam
Mộc Lan - Tổng hợp
14-10-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6799

The Traveling Vietnam Memorial Wall - Bức tường chữa lành vết thương

Ngày 06/08/09, hơn 1 ngàn chiếc xe mô tô rầm rĩ nối đuôi nhau chạy suốt một quãng đường dài 40 dặm từ Cambridge đến Dennison (tiểu bang Ohio -USA) để hộ tống một vật đến nơi triển lãm. Tại nơi đó, rất nhiều người đang nôn nóng đón chờ, họ muốn được nhìn tận mắt cái mà nhiều người ưu ái gọi là “The Healing Wall” (1)

“Bức tường chữa lành” là tên tắt của “The Traveling Vietnam Memorial Wall” (Bức tường Di động Tưởng niệm [Chiến tranh] Việt Nam). Bức tường này là bản sao của “The Vietnam Veterans Memorial Wall” ở Washington, D.C.
Năm 1982, ông John Devitt, một cựu chiến binh Việt Nam, đã đến thăm khuôn viên “The Vietnam Veterans Memorial” (Đài Tưởng niệm Cựu quân nhân Việt Nam) được đặt ngay giữa thủ đô Hoa Kỳ.

Cùng với tượng đài “The Three Soldiers Statue” (Tượng ba người lính) và “The Vietnam Women's Memorial” (Đài Tưởng niệm Phụ nữ Việt Nam) là “The Vietnam Veterans Memorial Wall” (Bức tường Tưởng niệm Cựu quân nhân Việt Nam). Đó là một bức tường bằng đá hoa cương đen, dài 75 mét. Trên mặt đá khắc tên 58 ngàn 256 chiến sĩ Hoa Kỳ đã chết hay đã mất tích trong chiến tranh Việt Nam. (2)

“The Vietnam Veterans Memorial Wall” Nguồn: wikimedia.org
http://www.dcvonline.net/php/images/102009/vietnamwall.jpg

Hầu như bất cứ người lính sống sót nào khi đứng trước bức tường này, khi thấy bóng mình lồng với tên của những đồng đội đã khuất, đều không cầm được xúc động. Và John Devitt cũng không ngoại lệ, hơn thế, ông còn tin rằng bức tường đó có khả năng làm lành những vết thương chưa khép miệng của cuộc chiến.
John Devitt đã dùng tiền túi của mình cùng với sự trợ giúp của bạn bè để thành lập “The Vietnam Combat Veterans, Ltd.” (Hội Cựu chiến sĩ Việt Nam) và “The Moving Wall” (Bức tường Di động).

Bức tường này giống hệt bức tường tại D.C. nhưng kích thước chỉ bằng phân nửa. “The Moving Wall” sẽ được đem đi triển lãm khắp nơi để những ai không có điều kiện đến thủ đô vẫn có thể nhìn thấy, có thể chạm tay vào tên của người thân hay bạn bè của mình đã hy sinh trong chiến trận Việt Nam. Năm 1984, “The Traveling Wall” lần đầu tiên ra mắt mọi người tại thành phố Tyler, Texas.

Thế nhưng “The Healing Wall” có chữa lành được vết thương chiến tranh hay không?

Một cựu quân nhân Hoa Kỳ trả lời: (3)
“Tôi không chắc bức tường này chữa lành được vết thương của đất nước nhưng bức tường đó thật rất quan trọng cho những ai đã từng tham chiến.

“The healing Wall” Nguồn: rnews.com
http://www.dcvonline.net/php/images/102009/healingwall.jpg

Tôi ở Việt Nam 16 tháng, mất quá nhiều bạn bè. Lệnh rời Việt Nam ban ra chỉ vỏn vẹn trong 2 tiếng đồng hồ trước đó. Tôi bay từ Tân Sân Nhất đến Khorat AFB, đến Yakota, đến Elmendorf, và sau cùng đến March AFB vào giữa đêm, bị hải quan truy hỏi, và phải tìm đường đến LAX vào lúc 2 giờ khuya, cuối cùng cũng đến nơi lúc 7 giờ sáng, bước đến quầy PSA để kiếm vé bay về nhà ở San Diego. Cô nàng tiếp viên tại quầy PSA đưa mắt nhìn bộ đồ lính tôi mặc rồi quay lưng bỏ đi một nước. Tôi phải hỏi thăm 3 hãng máy bay khác nhau trước khi có người chịu tiếp chuyện với tôi. Có lẽ lúc đó trông tôi tệ hại lắm trong bộ quân phục lôi thôi lếch thếch và sau 24 tiếng trên trời.

Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được cái ngày đó cũng như những ánh mắt, những lời xầm xì xoi mói và tất cả những ảnh hưởng về sau này của cuộc chiến.

Khoảng hai năm trước, “The Traveling Wall” đến San Diego tại thành phố Oceanside ngoại ô Camp Pendleton. Tôi cũng tìm đến coi. Không rõ lý do nào khiến tôi muốn xem nó. Nghe người ta nói ra rả về nó mãi mà chẳng hiểu có đúng thật không. Tôi thấy chẳng có gì quan trọng nhưng chỉ vì tò mò nên đi coi cho biết.

Ra “nó” là thế, một phiên bản thu nhỏ của “The Wall”. Coi cũng đặng đấy chứ. Có nhiều hướng dẫn viên cầm danh sách để giúp mọi người tìm tên người thân trên tường. Tôi nghĩ Ừa để coi, để kiếm thử tên của Vitor, Quentin, Michael, Johnny, những người bạn, người chỉ huy và vài người đã cứu cái mạng tôi không chỉ một lần, nhưng đã không trở về được.

Tôi hỏi người hướng dẫn, họ cho tôi con số và tôi bước tới trước Bức Tường.

Đó là một ngày mùa thu tiêu biểu của San Diego, nhiều mây và khá lạnh. Bức tường được dựng lên giữa một cánh đồng trống. Có vài hình ảnh về quân đội, vài chiếc xe tải và dụng cụ. Có nhiều cờ, nhiều người, đủ mọi thành phần, họ mặc toàn phần hay một phần quân phục của nhiều binh chủng khác nhau.

Con nít chạy chơi quanh mấy cái xe tải. Biển chỉ cách đó vài khu phố, tôi có thể nghe tiếng ván trượt vỗ trên mặt nước. Khá là đông đúc. Rất nhiều người đi vòng quanh bức tường, có người nói chuyện với nhau, thậm chí cười lớn, có người đứng sững ra đó, có người chụp hình... Trên tường có những lời ghi nhớ. Dưới chân tường rải rác đây đó những lá cờ, những tấm huy chương, một hình trái tim mầu tím, một ngồi sao bằng đồng, mầu cờ vàng/đỏ Việt Nam, vài cái mũ go-to-hell...(4)

Tôi đi dọc theo tường và nhìn vào con số tấm tường người hướng dẫn đã cho. Đây rồi, tên thằng bạn thân, có lẽ là thằng bạn thân duy nhất của tôi.

Không làm sao diễn tả được điều đã xảy đến với tôi. Kỷ niệm quá khứ một thời bỗng xô ập tới. Những tiếng động, những hình ảnh, cả mùi nữa. Chính thật là tôi và Johny! Chúng tôi đứng bên nhau, bên Bức Tường, chỉ có hai chúng tôi. Trong khoảnh khắc, thế giới bên ngoài dường như không hiện hữu.

Tôi không biết tôi đã đứng như thế bao lâu, nhìn sững tên bạn. Cho tới khi người bạn đi cùng khều hỏi xem tôi có ổn không. Không, tôi không ổn tí nào, tôi thật sự xúc động. Tất cả những tình cảm, những xúc cảm, những sợ hãi, tất cả những gì chôn chặt trong tôi bao nhiêu năm trời bỗng ào ạt tuôn ra.

Không hiểu từ đâu một hộp khăn giấy đụng vào tay tôi. Một người đàn ông trông dáng bặm trợn trong cái áo khoác cũ sờn đến gần và đưa tay khoác vai tôi. Rồi một người nữa cũng khoác vai tôi, rồi một người nữa, rồi thành cả đám đứng ôm lấy lấy nhau. Những người bạn chưa bao giờ gặp, những chiến hữu, cựu chiến binh chung một thời cùng chia xẻ cái đau, cái sợ, cái vui, cái cười nhẹ, cái cười ngất … Tất cả cùng chia với nhau những ký ức của tình đồng đội.

Khi mắt đã khô, tôi tiếp tục đi tìm tên Victor, Quentin, tên Mickey và rất nhiều tên khác. Chúng tôi đã ở đó thật lâu.

Bức Tường đã không chữa lành tôi, ngược lại, nó xé toang lớp phủ mặt các vết thương bao năm cũ. Thế nhưng, nó lại giúp những vết thương này dần lành lại. Cuối cùng, tôi nhận ra những người đã chết đúng là bạn của tôi, họ có thật. Đúng hay sai, bất chấp những gì mọi người nghĩ về cuộc chiến, bạn bè của tôi đã ở đó, họ đã hiến tặng tất cả và mọi người giờ đây đã biết cho những hy sinh ấy.

Bức Tường đã và cũng sẽ không chữa lành đất nước, nhưng với những ai đã có mặt trong chiến trận, và những ai đang còn trong chiến trận, Bức Tường vẫn có một ý nghĩa nào đó. Với họ, với tôi, vết thương chiến tranh có thể bắt đầu lành miệng. Bằng cách chữa lành từng người một, có thể cuối cùng Bức Tường sẽ chữa lành đất nước
Đó là câu chuyện Bức Tường của cựu quân nhân Hoa Kỳ, những người đang tìm cách chữa lành vết thương trong tâm khảm chính mình. Còn với người cựu quân nhân Việt nam thì sao, vết thương cũ lành chưa mà đã phải đối đầu với một cuộc chiến mới?

Việt Nam chưa dựng được một “Bức tường Chữa lành” vì Việt Nam cần giật xập những bức tường lửa, tường nhà tù... trước đã. Và người cựu quân nhân Việt Nam, dù mang vết thương không lành vẫn nhìn thẳng vào cuộc chiến, bởi vì, họ cũng sẽ như các chiến hữu của họ, họ là những người lính, những người sẵn sàng hiến tặng tất cả cho sự tồn vong của đất nước.

© DCVOnline

------------------------------

(1)
Edgetech Hosts “Rolling Thunder” with Traveling Vietnam Memorial Wall, windowanddoor.com, 10/08/09.
(2)
Vietnam Veterans Memorial, Wikipedia.
(3)
Why has the Vietnam Veterans Memorial helped heal the country? St. Diego, 2007.
(4)
Purple Heart, Wikipedia, “The Purple Heart” (Trái Tim Tím) là một huy chương quân đội nhân danh Tổng thống tặng thưởng cho những chiến sĩ bị thương tích hay tử trận sau ngày 05/07/1917.

The National Anthem



No comments: