Monday, October 19, 2009
NHỮNG BẤT CẬP về CƠ SỞ PHÁP LÝ của QUYẾT ĐỊNH 97
NHỮNG BẤT CẬP VỀ CƠ SỞ PHÁP LÝ CỦA QUYẾT ĐỊNH 97/2009/QĐ-TTg
Góp ý xây dựng của nhà văn Phạm Viết Đào
Đăng ngày: 12:51 19-10-2009
http://vn.myblog.yahoo.com/phamvietdaonv/article?mid=1875
Ngày 24/7/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 97/2009/QĐ-TTg, ban hành Danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ.
Nghiên cứu văn bản Quyết định 97, chúng tôi thấy quyết định đã căn cứ vào các cơ sở pháp lý sau đây để ban hành Quyết định này: Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 09 tháng 6 năm 2000; Căn cứ Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ; Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ… ?
Theo chúng tôi, phần căn cứ ban hành Quyết định 97 đã bỏ sót một căn cứ quan trọng, đó là căn cứ theo Điều 15 của Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật ( Luật BHVBQPPL) được Quốc hội thông qua ngày 3/6/2008 quy định: Quyết định là loại văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng; loại văn bản này đã quy định các nội dung pháp lý sau đây mà Thủ tướng được phép ban hành trong văn bản quyết định:
"1.Biện pháp lãnh đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở; chế độ làm việc với các thành viên Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các vấn đề thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
2.Biện pháp chỉ đạo, phối hợp hoạt động của các thành viên Chính phủ; kiểm tra hoạt động của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà nước."
Căn cứ vào các quy định này của Luật BHCVBQPPL, nghiên cứu nội dung Quyết định 97, chúng tôi thấy nội dung của Quyết định 97 không tương thích với nội dung một văn bản quyết định thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng.
Nội dung Quyết định 97 tương thích với một văn bản Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ; loại văn bản này thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Khoa học-Công nghệ…
Như vậy, nội dung văn bản Quyết định 97/2009/QĐ-TTg mà Thủ tướng đã ban hành đã chồng chéo thẩm quyền và chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ; theo quy định của Luật BHCVBQPPL thì đây mới là cơ quan có chức năng ban hành loại văn bản thông tư hướng dẫn những nội dung đã được nêu trong Quyết định 97 đã ban hành; loại nội dung hướng dẫn thực hiện Nghị định 81/2002/NĐ-CP, là nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ…
Căn cứ vào nội dung được thể hiện trong Quyết định 97 đã ban hành thì: loại nội dung pháp lý này không thuộc phạm vi chức trách và thẩm quyền của Thủ tướng chịu trách nhiệm ban hành; mặc dù Thủ tướng là cấp trên của Bộ trưởng, loại nội dung này thuộc thẩm quyền, chức trách của Bộ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ.
Quyết định 97 mà Thủ tướng ban hành không chỉ " đá lộn sân" của Bộ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ mà còn "đá lộn sân" chức trách của các cơ quan chức năng của Đảng. Thủ tướng mặc dù hiện đang là Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị nhưng ông ký quyết định này theo chức trách Thủ tướng, do đó văn bản của Thủ tướng, có một vài chỗ thế chế những quy định của Đảng là không đúng chức trách của Thủ tướng.
Như vậy Quyết định 97 là một "cú đá lộn sân", một sự bao biện chức trách trái các quy định của Luật BHCVBQPPL đã ban hành, do vậy Quyết định 97 không có hiệu lực pháp lý như một văn bản quy phạm pháp luật !
Để khắc phục sự cập kênh về mặt pháp lý này, chúng tôi kiến nghị:
1/ Thủ tướng hủy hoặc thu hồi Quyết định 97/2009/QĐ-TTg và chuyển giao cho Bộ Khoa học Công nghệ thể chế các nội dung trong Quyết định 97 bằng một Thông tư hướng dẫn riêng các quy định đã nêu trong Quyết định 97.
Chuyển nội dung Quyết định 97 thành một công văn hành chính của Thủ tướng yêu cầu, hướng dẫn Bộ Khoa học-Công nghệ triển khai khẩn trương theo tinh thần Thủ tướng, hướng dẫn thực hiện việc thể chế cụ thể Nghị định số 81/2002/NĐ-CP là nghị định hướng dẫn thi hành Luật Khoa học và Công Nghệ.
2/ Để văn bản Thông tư hướng dẫn này chặt chẽ về mặt pháp lý, chúng tôi đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ tham mưu cho Thủ tướng trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều sau của Hiến pháp 1992 và Luật Xuất bản, Luật Báo chí.
a/ Sửa đổi Điều 60 của Hiến pháp năm 1992 vì lý do:
Tại mục Điều 2, Mục 2 của Quyết định 97 có nội dung quy định các cá nhân thành lập các tổ chức khoa-công nghệ: “Chỉ hoạt động trong lĩnh vực thuộc Danh mục ban hành kèm theo Quyết định này. Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cần gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ…”
Nếu muốn bảo vệ quy định pháp lý này, Chính phủ đề nghị Quốc hội bổ sung nội dung sau đây vào Điều 60 của Hiến pháp 1992 đã ban hành; hiện Điều 60 của Hiến pháp 1992 quy định: “Công dân có quyền nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, phát minh, sáng chế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật và tham gia các hoạt động văn hoá khác.”
Nội dung sửa đổi bổ sung thêm vào Điều 60 của Hiến pháp 1992 đó là: “Nếu các ý kiến mang tính chất phản biện thì không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ…”
b/ Sửa đổi bổ sung Điều 69 của Hiến pháp 1992
Điểu 69 của Hiến pháp 1992, hiện đang được quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”; nên bổ sung thêm vào Điều 69 thêm phần sau: “Các tổ chức nghiên cứu khoa học độc lập, do các cá nhân thành lập không có quyền này khi công bố các ý kiến mang tính phản biện.”
c. Cần sửa đổi bổ sung một số điều đã quy định của Luật Xuất bản, Luật Báo chí.
Theo các quy định hiện hành của Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Giám đốc các nhà xuất bản, Tổng Biên tập các báo là người chịu trách nhiệm và đang được giao quyền công bố các tác phẩm, các công trình nghiên cứu khoa học; nếu các quy định đã được viết trong Quyết định 97 được áp dụng triệt để thì: các tác phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật nếu có nội dung dính dáng tới việc phản biện một vấn đề nào đó trong xã hội, bất kể đúng sai, Tổng Biên tập và Giám đốc Nhà Xuất bản đều nghiễm nhiên vi phạm những quy định như đã viết trong Quyết định 97, tức phạm luật ?
d. Cần bổ sung sửa đổi Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật
Nếu không muốn hủy, thu hồi Quyết định 97 thì Thủ tướng trình Quốc hội bổ sung vào Luật BHCVBQPPL thêm 1 điều khoản: Thủ tướng được quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của các Bộ trưởng khi xét thấy cần thiết.
e/ Thể chế, cụ thế hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác trí thức
Điều cuối cũng cần được thể chế minh bạch, đó là Nghị quyết 8 của Bộ Chính trị ban hành năm 2008, trong đó có nội dung khuyến khích trí thức, văn nghệ sĩ tham gia phản biện các chính sách kinh tế-xã hội; Nên sửa đổi quy định về việc phản biện của trí thức, văn nghệ sĩ của Bộ Chính trị, giới hạn chỉ được thực hiện đối với các chính sách của Đảng; các nhà khoa học, văn nghệ sĩ không được phản biện công khai các chính sách, quy định pháp luật của Nhà nước và Chính phủ !
P.V.Đ
----------------------------------------
Vụ IDS :
Ông Nguyễn Quang A cho biết ý kiến về chỉ thị của Thủ tướng Việt Nam liên quan IDS.
Nghe - Ông Nguyễn Quang A lên tiếng (BBC)
Hà Nội 'đe dọa' vụ trí thức tự giải thể (nguoi viet)
Thủ tướng Việt Nam yêu cầu xử lý việc tự giải thể của viện Nghiên cứu Phát triển IDS (RFI)
TT. Nguyễn Tấn Dũng đòi “xử lý” trí thức Viện IDS: TS. Nguyễn Quang A lên tiếng (nguoi viet)
Tiền lệ (blog Nguyễn Vạn Phú)
Thủ tướng yêu cầu xử lý vụ IDS (BBC 16-10-09)
-----------------------------------------------
Tiếng nói chính quyền :
Thủ tướng yêu cầu xử lý việc IDS tự giải thể (VNN 15-10-09)
Khẩn trương thực hiện nghiêm Quyết định 97 của Thủ tướng (web chinh phu 15-10-09)
Chuẩn bị thông tư về các tổ chức khoa học công nghệ (tuoi tre)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment