Monday, October 19, 2009

CÔ GÁI MIÊN GỐC VIỆT ĐƯỢC TẶNG GIẢI TỰ DO 2009


Một cô gái gốc Việt được trao giải Tự Do 2009 tại Hoa Kỳ
Thanh Phương
Bài đăng ngày 19/10/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 19/10/2009 12:20 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/118/article_5359.asp
Ngày 15/10 vừa qua, một nhà hoạt động bảo vệ nạn nhân nô lệ tình dục ở Cam Bốt, cô Sina Vann, đã được trao giải Frederick Douglass, nhân lễ trao giải Freedom 2009 tại Mỹ. Sina Vann là một cô gái gốc Việt bị bắt cóc bán sang Cam Bốt làm gái điếm từ năm 13 tuổi. Thông tín viên Phạm Phan cho biết thêm về cô gái này và về tổ chức Somaly Mam, nơi cô đang làm việc

Thông tín viên Phạm Phan, Phnom Penh
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/118/article_5359.asp

Mới đây, một cô gái Cam Bốt mang dòng máu Việt Nam, được trao giải thưởng Tự Do năm 2009 tại Los Angeles. Cô Sina Vann, 25 tuổi, trước đây là một nô lệ tình dục trong nhà chứa tại Cam Bốt sau khi được cứu thoát đã tích cực hoạt động giúp đỡ những nạn nhân cùng cảnh ngộ như cô. Giải thưởng Tự Do năm 2009 trị giá 20.000 Mỹ Kim, phân nửa số tiền để tạo điều kiện cho người nhận giải tiếp tục hoạt động cứu giúp phụ nữ trẻ em bị bắt làm nô lệ tình dục, phần còn lại để tưởng thưởng cá nhân cô Sina Vann.

Bị bán vào nhà chứa năm cô 13 tuổi
Sina Vann quê tại Việt Nam, lúc được 13 tuổi, cô bị bắt cóc mang qua Cam Bốt và bị bán vào nhà chứa. Tại đây, Sina Vann bị hãm hiếp một ngày từ 20 đến 30 lần bởi khách làng chơi và bị chủ chứa đánh đập nêu có thái độ chần chừ không chịu tiếp khách. Ðến tuổi 16 tức 3 năm sau khi bị cưỡng bức làm nô lệ tình dục, Sina được cảnh sát Cam Bốt cứu thoát khỏi địa ngục trần gian này khi họ đột kích vào nhà chứa trong các đợt truy quát tệ nạn buôn bán phụ nữ trẻ em.
Sau khi phục hồi sức khỏe và tinh thần tại trung tâm cứu nguy các nạn nhân bị bắt làm nô lệ tình dục, Sina Vann bắt đầu làm việc cho Sáng Hội Somaly Mam, và rồi cô đảm nhận vai trò người đứng đầu chương trình có tên Tiếng Nói Vì Sáng Kiến Thay Ðổi, một chương trình có mục tiêu hoạt động cứu giúp các nạn nhân nô lệ tình dục.
Theo ông Lin Sylor phát ngôn nhân của văn phòng Sáng Hội Somaly Mam tại Cam Bốt thì nhiều người vui lòng khi thấy cô Sina Vann nhận được giải thưởng Tự Do, vì điều này chứng tỏ hoạt động binh vực nữ quyền của cô được quảng bá trong xã hội.

Các hoạt động của hội Somaly Mam
Hội này mang mục đich cao đẹp là cứu thoát và giúp đỡ các nạn nhân không may bị rơi vào cảnh nô lệ tình dục. Hội mang tên của bà Somaly Mam sinh năm 1970 tại tỉnh Ratanakiri thuộc vùng Ðông Bắc Cam Bốt. Cũng như hoàn cảnh bi đát, đáng thương của nhiều cháu gái nhỏ Cam Bốt nghèo nàn, Somaly Mam bị bán vào động gái lúc còn rất nhỏ. Somaly Mam trải qua những gì mà cô Sina Vann phải gánh chịu.
Mãi cho đến tuổi 30, Somaly Mam cùng với chồng bà là môt người Pháp, ông Pierre Legros, thành lập một tổ chức có tên AFESIP (Agir pour les Femmes en Situation Précaire) năm 1997 tại Cam Bốt, từ đó tổ chức này mở rộng hoạt động tại Thái Lan, Lào, và Việt Nam. Mục tiêu của tổ chức này là cứu thoát và tái hội nhập vào xã hội những nạn nhân bất hạnh rơi vào cảnh ngộ đau lòng như có nói bên trên đây.
Mặc dù bị đe dọa bà Somaly Mam cố gắng giúp hàng ngàn nạn nhân là các cô gái trẻ hay các cháu gái ở tuổi 13 bị cưỡng buộc bán thân xác trong các ổ chứa có cơ hội lập cuộc đời mới.
Dưới đây là các hoạt động tổng quát của Sáng Hội Somaly Mam và AFESIP: Chống tệ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em vào con đường nô lệ tình dục. Chăm sóc và phục hồi nạn nhân được cứu thoát. Huấn luyện cho họ một nghề chuyên môn. Tái hội nhập nạn nhân vào cộng đồng xã hội nơi họ có thể sống trong trạng thái ổn định và thay đổi khác đi lối sống cũ đã đẩy họ vào cảnh đời tăm tối trước đây.

Tình trạng mua bán phụ nữ và trẻ em
Song song theo đó hai tổ chức nói trên đây còn mưu tìm phương cách chống lại nguyên nhân và hiệu quả của tệ nạn buôn người và nô lệ tình dục thông qua các hoạt động như : Hoạt động xã hội và dưỡng đường, Ðiều tra pháp lý, binh vực và vận động, phục hồi và cố vấn tâm lý, hồi hương và tái hội nhập. Ðại diện và tham gia các vấn đề phụ nữ ở các diễn đàn cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.
Liên quan đến tình trạng mua bán phụ nữ trẻ em hiện nay, với sự tham gia hoạt động của nhiều tổ chức cứu giúp phụ nữ trẻ em, tổng quát hiện nay vấn nạn buôn người có phần suy giảm nhưng chưa chấm dứt. Tình trạng suy thoái kinh tế trong năm qua và nay vẫn còn bị tác động cũng đã khiến cho nhiều gia đình nghèo tại Cam Bốt là nạn nhân trực tiếp, từ đó vô tình đẩy con em họ vào con đường bán thân xác.
Riêng và phụ nữ và trẻ em Việt nam, theo một nghiên cứu về ảnh hưởng qua lại giữa thay đổi khí hậu và môi trường xã hội thì có nhiều gia đình người Việt sinh sống tại đồng bằng sông Cửu Long do đất bị ngập nước vì mực nước biển dâng lên cao, không có đất canh tác, họ buộc phải di dân qua Cam Bốt kiếm sống và không ít cô gái đã đi vào con đường bán thân nuôi miệng.




No comments: