Wednesday, October 7, 2009

NHÀ . . .HHỒ và THỜI KỲ BẮC THUỘC MỚI ?


Nhà… Hồ và thời kỳ Bắc thuộc mới?
Xuân Bình
07/10/2009
http://xuanbinhfreelance.wordpress.com/2009/10/07/nha-h%E1%BB%93-va-th%E1%BB%9Di-k%E1%BB%B3-b%E1%BA%AFc-thu%E1%BB%99c-m%E1%BB%9Bi/

Hoàng hôn nung đỏ dãy Ngưu Ngọa, Thổ Tượng
http://xuanbinhfreelance.files.wordpress.com/2009/10/a2.jpg?w=400&h=267

Sông Mã, sông Bưởi không đủ sức tạo nên một đế đô bền vững muôn đời
http://xuanbinhfreelance.files.wordpress.com/2009/10/b2.jpg?w=400&h=267

Lân như hiện về từ cửa Nam
http://xuanbinhfreelance.files.wordpress.com/2009/10/c.jpg?w=400&h=600


Rồng như vút lêntừ cửa Đông
http://xuanbinhfreelance.files.wordpress.com/2009/10/i3.jpg?w=400&h=267

Nhưng dấu tích thực sự của nhà... Hồ thì lại như thế này đây
http://xuanbinhfreelance.files.wordpress.com/2009/10/d2.jpg?w=400&h=267

Chính sử ghi rõ VN ta đã trải qua 4 thời kỳ Bắc thuộc. Lần 1 (207 TCN- 40), lần 2 (43- 541), lần 3 (602- 905), lần 4 (1407- 1427) vậy sau khi nhà… Hồ suy tàn liệu có lần Bắc thuộc thứ 5? Lịch sử có lặp lại bài học đau xót này?

Chất liệu nào cho Tây Đô?
Sau 7 thế kỷ, khi nhìn lại 7 năm lịch sử nhà Hồ, một triều đại phong kiến tồn tại ngắn ngủi nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, chắc hẳn nhiều người chúng ta đã kịp nhận thấy ở đó rất nhiều bài học thiết thực! Chúng ta sẽ đối thoại thế nào với Tây Đô – kỳ tích kiến trúc số một Việt Nam, dấu tích đáng kể nhất còn hiện tồn của triều đại này? Chúng ta có thể một lần nhìn Tây Đô không từ quy hoạch, kiến trúc hay vật liệu xây dựng.

ảnh tư liệu của người Pháp chụp đầu TK 20
http://xuanbinhfreelance.files.wordpress.com/2009/10/e1.jpg?w=400&h=285

Đối thoại hôm nay
http://xuanbinhfreelance.files.wordpress.com/2009/10/f1.jpg?w=400&h=278
http://xuanbinhfreelance.files.wordpress.com/2009/10/g1.jpg?w=400&h=267

Tôi thường đến thăm viếng các đền đài, lăng tẩm, thành quách vào buổi chiều. Những chuyển động của ánh sáng đặc biệt là lúc hoàng hôn như có trường lực rất mạnh để cuốn hút cảm xúc phá vỡ bức tường thời gian và trở về rất nhanh với quá khứ.
Thành nhà Hồ chiều hôm ấy cũng vậy. Những vệt cầu vồng vụt hiện lên rực rỡ ở cổng Đông. Một dáng mây trắng mang hình đầu rồng như trườn qua cửa Nam. Hoàng hôn như bùng lên một chảo lửa đủ nung đỏ những dãy núi Ngưu Ngọa, Thổ Tượng ở phía cửa Tây, cửa Bắc. Quá khứ như muốn nói gì đó với thực tại mà không biết nhờ cậy ai có thể chuyển ngữ. Và khi bóng đêm ập xuống, không thể phân biệt đâu là thành cao, chỗ nào là hào sâu. Không còn bảng lảng khói lam chiều. Làng thôn nay, kinh đô xưa chỉ còn là một mầu đêm rợn ngợp.Thời gian đâu còn là ba chiều? Không phải quá khứ đã tan biến vào một trạng thái Vô Cùng mà đó là lúc tôi buộc phải nhận thức rõ nhất một cảm giác hoang mang với thực tại và bất lực, thất vọng với những dự cảm tương lai.
Trước đây khi lang thang trong những cuốn sách, tôi thường liên tưởng Tây Đô với Khufu, Bức tường khóc than ở Jerusalem hay stupa trên cao nguyên Tây Tạng…những tuyệt tác Đá của nhân loại. Nhưng khi đã tới Ai Cập, tôi không còn ý nghĩ so sánh Tây Đô như là một Kim tự tháp của Việt Nam. Những đêm lang thang ở Jerusalem hay Tây Tạng tôi hiểu rằng thấm sâu trong mỗi thớ đá marble là sức sống ghê gớm của niềm tin tâm linh. Đó là điều mà Tây Đô hay bất kỳ quốc đô, pháo đài vỹ đại nào cũng không thể có được. Cũng như những tham vọng chính trị ích kỷ, sự bền vững của một công trình không hoàn toàn phụ thuộc vào chất liệu gì và được xây dựng như thế nào. Giá trị của một kiến trúc đâu chỉ gắn bó với những phương tiện của quyền lực thế tục.

Nhà Hồ công và tội
Từ Tây Đô lần ngược trở lại dòng chảy lịch sử, thấy cay đắng trước truy kết của nhiều người cho rằng nhà Hồ là giặc, bất trung, đẩy dân tộc trở lại thời kỳ thuộc địa phương bắc lần thứ tư…
Ngày trước Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Công tử Ngữ nước Sở trước khi cướp ngôi, đặt phục chế, bày quân hầu, kết cỏ bồ như cung vua, ngang nhiên ngạo mạn, lộ vẻ hung hăng để làm nhụt chí mọi người. Thấy không ai dám chống lại, bấy giờ mới không còn kiêng sợ gì nữa mà trổ hết ngón ác. Việc làm của họ Hồ cũng cùng một duộc!
Nguồn cổ sử khác thì kết luận nhà Hồ là “gian thần, chuyên quyền, xúi giục, gièm pha, giết hại các trung thần, lộng quyền không coi ai ra gì, bắt Vua dời kinh về Tây Đô, lập mưu ép Vua nhường ngôi, phế truất Thiếu Đế, chiếm lấy ngôi nhà Trần…. “
Ngày nay vẫn có ý kiến trách rằng sao Quý Ly không có lòng chí thành của bề tôi gắng phò nhà Trần, không cố bảo toàn là một bề tôi trung chính mà lại dã tâm đẩy nhanh nhà Trần tiêu vong.
Đương đại hơn, có lời luận bàn rằng một người tài mưu học rộng như Hồ Quý Ly mà tâm đức không cả sáng. Hồ Quý Ly là người thực dụng, cái tài mưu của ông lệ vào tính thực dụng. Tinh thần thực dụng đã cản trở không cho ông tiếp thu được tinh hoa của tiền nhân. Việc thiên di kinh đô từ Thăng Long vào Thanh Hóa, đâu chỉ đơn giản là một sai lầm, mà nó là kết quả của một chuỗi liên hoàn các hành động vì lợi của Hồ Quý Ly. Đối với Hồ Quý Ly, họa không đến trước thì đến sau, không đến bằng cách này thì bằng cách khác. Thất bại mau chóng của Hồ Quý Ly trong cuộc chống Minh là lẽ tất nhiên…

Mỗi người đều có cách nhìn nhận riêng về lịch sử. Nhưng là một người mang máu huyết dòng họ Trần, nếu sống vào thời Hồ Quý Ly, thì tôi cũng sẽ hành động như ông. Làm sao có thể theo phò một triều đại, đã rơi vào tình trạng khủng hoảng suy tàn, một thể chế đã trở nên phản động, một vật cản trên lộ trình phát triển của dân tộc?
Lịch sử còn ghi rành rành, trong các năm: 1336- 1378 có 9 lần lụt lớn, vỡ đê; 7 mùa hạn hán từ 1343-1378. có 5 khởi nghĩa diễn ra liên tục từ 1343- 1389. Tình cảnh xã hội lúc đó được Nguyễn Phi Khanh viết lại trong “Thôn cư cảm sự ký trình Băng Hồ tướng công”:
Mênh mông đồng lúa đỏ như thiêu,
Ngoài nội kêu than xiết nỗi sầu…
Lưới tham quan lại vơ hầu kiệt,
Mạch sống dân gian cạn mỡ dầu

Trong“Quân trung từ mệnh tập”, đến lượt Nguyễn Trãi cũng viết: “Trước kia họ Trần cậy mình mạnh, giàu, mặc dân khốn khổ, chỉ ham vui chơi, đắm đuối tửu sắc. Những việc vô ích bày ra hàng ngày: nào là đấu cờ, đánh bạc, chọi gà, thả chim; nào là chim rừng nhốt lồng, cá vàng nuôi chậu. Khoe tốt tài năng nhỏ mọn, giành lấy hơn thua; quên hẳn thiên hạ lớn lao, chẳng hề đoái nghĩ. Kẻ oan uổng bị khổ ở chốn câu giam, hai ba năm không được xét hỏi; người thân sơ phải khuất ở tay nội giám, hai ba tháng mà việc chưa xong. Khanh tướng lập đảng riêng tây; triều đình thiếu người can gián. Cho đến nỗi con vua cháu chúa bị hại bởi kẻ gian thần; quyền lớn, việc to đều lọt vào tay xiểm nịnh. Nhân dân oán ghét mà không biết; lòng trời khiển trách mà chẳng kinh. Chính giáo do đó mà suy đồi, kỉ cương do đó mà trái loạn.”

Trong tình cảnh bĩ cực đó hành động của Quý Ly cũng khác nào Trần Thủ Độ đã hành xử với triều Lý, như Lê Hoàn với nhà Đinh…
Dù công tội ra sao thì chúng ta cần thừa nhận đóng góp lớn nhất của Hồ Quý Ly là người đầu tiên có tư tưởng đổi mới, khởi xướng những biện pháp canh tân kinh tế – xã hội cho đất nước.
Quý Ly soạn ra 14 thiên Minh đạo soi sáng đạo Nho. Đây là cuốn phê phán triết học lớn, đặt Chu Công trên Khổng Tử, phê phán bốn hành động của Khổng Tử, phê phán Hàn Dũ đạo Nho, các hiền giả đời Tống học rộng mà tài thường, không thực tế…
Ông là vị vua nước Việt đầu tiên cho in và phát hành tiền giấy Thông bảo hội sao rộng rãi trong dân chúng, đồng thời nghiêm trị xử chém những kẻ làm tiền giả. Quý Ly đã thực thi chính sách hạn điền, phân phối lại ruộng đất, giảm lợi ích của địa chủ, quý tộc cũ, quy định không người nào được phép có quá 10 mẫu ruộng trừ đại vương và trưởng công chúa. Số ruộng thừa phải nộp lại cho Nhà nước. Ông còn hạn chế số nô tỳ trong các nhà quyền quý, các gia đình phải tùy theo thứ bậc mà nuôi tôi tớ nhiều hay ít, không được quá số quy định.
Quý Ly là vị vua Việt Nam đầu tiên quyết định dùng chữ Nôm, dịch Kinh thư ra chữ Nôm để dạy học, chấn hưng nền văn hóa dân tộc. Chính ông đã biên tập thiên “Vô dật” để dạy cho con cái nhà quan, đưa toán pháp vào trường thi.. Ông phản đối lối học sáo rỗng, học vẹt lời nói của cổ nhân.
Về khoa học và quân sự, nhà Hồ đã phát minh Thần cơ hỏa sang một dạng súng trường lợi hại, đóng thuyền Cổ Lâu bằng sắt, ở trên có sàn để đi, ở dưới chèo; rất tiện cho chiến đấu.
Về mặt xã hội, ông thiết lập sở Quản tế (y tế ngày nay). Ở các lộ, ông đều lập một kho lúa gọi là Thường bình, lấy tiền công mua lúa trữ vào, phòng những năm mất mùa đem bán rẻ cho dân chúng.
Về kiến trúc, cho đến nay chúng ta cũng chưa biết bằng kỹ thuật nào ông đã vận chuyển được hàng vạn khối đá lớn, xây dựng Tây Đô được chỉ trong thời gian ba tháng?
Vậy mà nhìn lại công nghiệp của mình, Quý Ly vẫn tê tái, tiếc, giận cho thân phận và than với Bàn Canh (1401 – 1374 TCN), người cũng xây pháo đài, thiên đô tới 5 lần mà vẫn góp phần duy trì nhà Thương được hơn 500 năm:
Bao sự đổi thay, chết lại sinh,
Mờ mờ quê cũ xiết bao tình.
Ải Nam xa cách nên đầu bạc,
Quán Bắc lâu ngày chợt mộng kinh.
Cứu nước, tài hèn, thua Lý Bật,
Dời đô, kế vụng, khóc Bàn Canh.
Bình vàng đã mẻ làm sao gắn,
Đợi giá, ngọc vàng chẳng dám khinh.

Bài học nào?

Đừng chạy!
http://xuanbinhfreelance.files.wordpress.com/2009/10/h2.jpg?w=400&h=600

Về việc nhà Hồ sớm suy vong, Nguyễn Xuân Khánh có viết trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly: Ông đã xây được ngôi thành đá vĩ đại, nhưng đã không xây được thành đá trong lòng người.
Còn bản thân tôi lại có thêm một dữ liệu xác đáng rằng: trong lịch sử, chữ Thời nhiều lần mỉm cười với bọn gian manh hơn những ai thực sự có tư tưởng cách tân, đổi mới.
Sau khi nhà… Hồ suy tàn liệu có lần Bắc thuộc thứ 5? Lịch sử có lặp lại bài học đau xót này?

dẫu mây đen sẽ phủ kín bầu trời này
http://xuanbinhfreelance.files.wordpress.com/2009/10/l2.jpg?w=400&h=267

và trở thành màu biểu tượng của một triều đại
http://xuanbinhfreelance.files.wordpress.com/2009/10/m.jpg?w=400&h=600

(Nhóm ảnh trên có tên gọi: Đừng chạy!)


No comments: