Wednesday, October 7, 2009

ĐẠI HỘI ĐẢNG CSVN LẦN THỨ XI LẮM KẺ RUN . . .

ĐẠI HỘI ĐẢNG LẦN THỨ XI, KHỐI ÔNG RUN...
Phạm Viết Đào
Đăng ngày: 09:29 07-10-2009
http://vn.myblog.yahoo.com/phamvietdaonv/article?mid=1697
Đó là cảm nhận của người viết bài này khi đọc, nghiên cứu Chỉ thị số 37, ban hành ngày 4/8/2009 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng...
Những ông run đó là: các ông đảng viên hiện đang có chân trong cấp ủy Đảng các cấp hoặc đang ngấp nghé được đề cử vào các cấp ủy Đảng các cấp; nếu không trúng vào cấp ủy kỳ này thì như trong chỉ thị 37 đã quy định sẽ chuyển sang các công tác khác hoặc sẽ nghỉ hưu, hoặc chờ cho đến tuổi nghỉ hưu?
Ở các nước chuyện được trúng cử hoặc thất cử là chuyện bình thường của những người tham gia “ canh bạc “ chính trị; nhưng ở ta không hiếm vị không có tư chất và khả năng làm dân nên việc thất cử là cả “một bi kịch” lớn, một bước ngoặt không dễ rẽ của họ.
Rất không hiếm các vị đã từng đầu tư tâm sức, can dự vào chính trường toàn bộ “vốn liếng” của đời mình theo cách: được ăn cả, ngã về không, thành ra...
Chúng tôi đã quan sát thấy nhiều vị sau bầu cử của các kỳ đại hội họ trở nên thất thần mất vài năm, sau đó mới “ tái hóa nhập” được cộng đồng...

Theo chỉ thị số 37 thì có 4 nội dung đại hội đảng bộ các cấp:”Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ kỳ vừa qua; Thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội XI của Đảng và của Đảng bộ cấp trên; Bầu ban chấp hành đảng bộ; Bầu đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên...”
Một trong các nội dung quan trọng kể trên, nội dung chuẩn bị nhân sự cho Ban chấp hành đảng bộ các cấp là nội dung quan trọng nhất. Đây là nhiệm vụ chắc chắn gây cho không ít vị mất ăn mất ngủ.

Điểm mới thứ nhất trong việc bầu cử cấp ủy các các cấp lần này đó là, Bộ Chính trị đã yêu cầu:” Lãnh đạo thực hiện tốt chủ trương thí điểm việc đại hội đảng bộ cấp tỉnh, cấp huyện trực tiếp bầu bí thư và đại hội đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu Ban thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư...”
Đây là một chủ trương rất đáng hoan nghênh, nói là thí điểm thực chất là một hình thức tập dượt bầu cử theo chế độ phổ thông đầu phiếu.

Tại phần 3 của Mục II Nội dung đại hội, Chỉ thị 37 quy định công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy:” Tiếp tục cải tiến công tác nhân sự cấp ủy, bảo đảm mở rộng dân chủ, phát huy trí tuệ của tập thể cấp ủy và cán bộ, đảng viên; công tâm, khách quan trong lựa chọn, giới thiệu nhân sự, chống tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, cục bộ địa phương hoặc thái độ nể nang, né tránh, ngại va chạm. Nghiêm cấm các biểu hiện bè phái, cơ hội hoặc hiện không đúng quy định về những điều đảng viên không được làm.”

Qua nội dung của chỉ thị được trích dẫn ở trên cho thấy trong nội bộ Đảng các cấp đã hình thành bè phái ở mức độ nghiêm trọng và nguy hiểm nên Chỉ thị 37 đã phải dùng đến các động từ mạnh như “ chống”, “ nghiêm cấm” để răn đe ?

Một trong các tiêu chuẩn cứng của việc bầu cử người vào cấp ủy đó là:Không tham nhũng và tích cực chống tham nhũng; Không cơ cấu vào cấp ủy những cán bộ, đảng viên mà bản thân hoặc vợ ( chồng), con vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vi phạm những điều đảng viên, cán bộ, công chức không được làm...”
Đây là một tiêu chuẩn cứng nhưng lại mơ hồ. Bởi vì ngay việc chống tham nhũng, hiện nay các vụ tham nhũng lớn như PMU 18 thì khởi đầu không do cấp ủy của Bộ Giao thông hay Bộ Công an tìm ra; vụ án vỡ lở từ chuyện đánh bạc của Bùi Tiến Dũng.
Hay Vụ hối lộ của Công ty Thái Bình Dương (Nhật Bản) trong vụ án liên quan tới ông Huỳnh Ngọc Sĩ lại do phía Nhật Bản tìm ra?
Vậy thì xếp loại, đánh giá về tinh thần trách nhiệm, phẩm chất và khả năng chống tham nhũng của những người đứng đầu của các cơ quan chức năng tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công an trong đó có cả cá nhân Bí thư Thành ủy, bí thư Ban cán sự của các Bộ ngành có liên quan khi xem xét về tư cách đảng viên?
Thậm chí chưa thể xếp họ vào loại hoàn thành tốt nhiệm vụ theo các tiêu chuẩn đối với một đảng viên thông thường.
Trong khi đó Chỉ thị 37 nêu tiêu chuẩn đảng viên được bầu vào cấp ủy phải tích cực chống tham nhũng, vợ ( chồng) con không lèm nhèm ?

Nội dung về cơ cấu cấp ủy đáng chú ý đó là quy định Bí thư cấp ủy cấp xã trở lên đã giữ chức vụ 2 nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, đơn vị, nếu còn đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia cấp ủy khóa mới thì cần phân công, bố trí công tác khác hoặc giới thiệu ứng cử chức vụ đã đảm nhiệm ở địa phương, đơn vị khác...
Đối với vùng xa, hải đảo thì có quy định khác.
Qua quy định này cho thấy, chức danh Bí thư cấp ủy tại một vị trí, địa phương một đảng viên chỉ được đảm nhận tối đa 2 nhiệm kỳ, sau đó phải được luân chuyển sang vị trí khác.

Chỉ thị 37 đã lưu ý việc bầu cấp ủy tại một số ngành sau đây:” Mở rộng việc bố trí bí thư cấp ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp, chánh án tòa án nhân dân, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân và cán bộ lãnh đạo cấp trưởng các ngành thanh tra, công an, tài chính, thuế, hải quan không phải là người địa phương. Không nhất thiết địa phương, ban ngành nào cũng phải có người tham gia cấp ủy”...
Đây là chính sách “ hồi tỵ “ mà Minh Mạng đã áp dụng khi bổ nhiệm các quan chức hành chính đứng đầu của triều Nguyễn.

Chỉ thị 37 đã quy định về việc sắp xếp, bố trí cán bộ sau đại hội:” Những đồng chí không đủ tuổi tái cử cấp ủy khóa mới, nếu có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi và đủ điều kiện thì giải quyết theo quy định tại Nghị định số 132/2007/NĐ-CP ngày 8/8/2007 của Chính phủ. Những đồng chí còn từ 2 năm trở lên mới đến tuổi nghỉ hưu, có phẩm chất, năng lực, uy tín, sức khỏe và nguyện vọng tiếp tục công tác thì xem xét, bố trí công tác thích hợp. Những đồng chí còn dưới 2 năm công tác mới đến tuổi nghỉ hưu, nếu không bố trí được công việc thích hợp thì nghỉ công tác, giữ nguyên chế độ, chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu...”
Quy định này rõ ràng là một sự thách thức đối với sự minh bạch trong chính sách cán bộ của Đảng; quy định này là rõ ràng nhưng để áp dụng đúng lại rất dễ bùng nhùng, phát sinh tiêu cực làm mất úy tín các cấp ủy đảng và của Đảng. Quy định này nếu áp dụng sòng phẳng sẽ được lòng dân và làm cho không ít đảng viên từng có chức có quyền run.
Quy định này có nghĩa là một số Bộ trưởng đang nắm trọng trách tại một số bộ cơ cấu phải là ủy viên trung ương, một số bí thư tỉnh ủy, thành, ủy nếu thất cử sẽ phải qua thời kỳ chờ việc hoặc ngồi chơi xơi nước như chuyên viên.

Trong tiến trình lịch sử xây dựng và phát triển của Đàng, cái yếu kém nhất của Đảng Cộng sản không phải là ở chỗ chưa tìm ra những chính chính sách hay, quyết sách hay mà ở chỗ nhiều khi áp dụng thực tế vào đời sống lại dở, tức là lời nói không đi đôi với việc làm.
Nghị quyết, Trung ương chỉ thị một đằng, địa phương, cấp ủy lại làm kiểu khác hoặc sử dụng sức mạnh của bè phái, số đông, địa phương, cục bộ ngành quay lưng lại với trung ương. Bộ Chính trị và Trung ương vừa họp ban hành Nghị quyết tìm cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho trí thức, văn nghệ sĩ tham gia phản biện các chính sách, quyết sách kinh tế xã hội năm trước, năm sau Chính phủ ban hành những quy định khiến cho trí thức cảm thấy việc phản biện của mình không khác gì đi đánh nhau với cối xay gió...
Trong khi Đảng hô hào phản biện tăng cường phê và tự phê thì Bộ Công an lại tăng cường bắt hàng loạt những thường dân mà sau đó lại thả ra vi cho rằng họ vi phạm điều 188 Bộ Luật Hình sự: Chống phá nhà nước Việt Nam, vi phạm an ninh quốc gia bằng hình thức viết blog.

Điều trớ trêu là một số blog chỉ viết linh tinh trên blog của mình thì bị khép tội hình sự thì cơ quan ngôn luận của Đảng đó là Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam lại đưa tin của cơ quan ngôn luận Bắc Kinh; Bộ Ngoại giao, Báo Công an nhân dân lại có những bài viết, hình ảnh cách đưa tin theo quan điểm của Trung Quốc về chủ quyền Trường Sa và Hoàng Sa; về vấn đề xung đột nội bộ của Trung Quốc. Trang Website của Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, một cơ quan trực thuộc Bộ Ngoại giao lại không làm nhiệm vụ tuyên truyền đối ngoại mà lại đi tuyên truyền đối nội, đưa nhiều thông tin về Trung Quốc, không đưa hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ nước mình mà lại rước hình ảnh ông Mao Trạch Đông trên trang chủ của trang Website của Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh ?

Rõ ràng sự thách thức lớn nhất đối với uy tín và sức mạnh của Đảng trong giai đoạn hiện nay đó là: ngay trong nội bộ Đảng đang tồn tại một khoảng cách giữa lời nói và việc làm; thiếu sự nhất quán trong một số biện pháp cụ thể trong cách ứng xử của một số cấp ủy Đảng và các đảng viên nắm giữu trọng trách cao.
Theo tôi đây là nột dung quan trọng cần đưa vào Đại hội Đảng lần thứ XI, đó là: Gắn lời nói với việc làm; gắn chỉ thị, nghị quyết với các cơ chế chính sách, giải pháp hành chính, biện pháp thực hiện kèm theo. Đảng cấn tránh việc hộ hào suông. Đó là giải pháp thiết thực nhằm tăng cường sức chiến đấu, vai trò và uy tín của Đảng đối với dân tộc.
P.V.Đ


No comments: